Thời Lê có Nguyễn Tuấn quê ở xã Nhân Mục, huyện Thanh Trì (nay thuộc Hà Nội) là người tính tình rất cương nghị. Không rõ, ông sinh và mất năm nào, chỉ biết ông đỗ đồng tiến sĩ khoa Quí Sửu, năm Hoằng Định thứ 14 (1613). Vào năm Vĩnh Tộ thứ nhất (1615) đời Lê Thần Tông, ông được cử đi sứ nhà Minh để dâng đồ lễ cống. Vua Minh vốn đã biết ông là người cứng rắn và hay chữ, nhân muốn thử tài, bèn ra một vế đối như sau:
Đồng trụ chi kim đài di tục.
Nghĩa là:
Cột đồng tới nay rêu đã xanh.
Câu này có ý châm chọc, muốn nhắc lại việc Mã Viện sang chinh phục nước ta và dựng cột đồng vào khoảng thế kỷ thứ nhất.
Nguyễn Tuấn nghe xong đối lại ngay:
Đằng giang tự cổ huyết do hồng.
Nghĩa là
Sông Đằng từ xưa máu còn đỏ.
Ý muốn nhắc lại hai trận chiến thắng lừng lẫy trên sông Bạch Đằng: chiến thắng của Ngô Quyền phá tan quân Nam Hán xâm lược vào năm 938, và chiến thắng của Trần Hưng Đạo tiêu diệt toàn bộ binh thuyền xâm lược của quân Nguyên vào năm 1288.
Vua Minh nghe rồi, có vẻ không bằng lòng; nhưng cũng phải khen là câu đối hay, lời văn chọi, ý tứ hùng hồn, đanh thép. Và sau đó nhà vua đã tiếp đãi đoàn sứ bộ Việt Nam rất hậu.
(ST)