03/03/2010 05:43:04 PM
Người Việt ở Nga 20 mùa gió tuyết - Kỳ 5: Vết chân bầm trên tuyết

Cuối năm 2009, kênh truyền hình Nga truyền đi hình ảnh một phụ nữ chới với giữa dòng sông lạnh giá, ngửa cổ gào thét trong tuyệt vọng. Đó là cảnh một công nhân bất hợp pháp người Việt trong cơn sợ hãi chạy trốn cơ quan chức năng Nga đã liều mình nhảy xuống sông.

Chị là một trong vô vàn trường hợp người Việt bị những đồng hương lừa gạt qua Nga sống đời như nô lệ.



 Nhiều người Việt bị lừa sang Nga lao động như nô lệ trong những trang trại
bất hợp pháp và sống đời phu phen tăm tối

 
Phu Việt ở cánh đồng hoang

Những năm gần đây, nhu cầu về rau củ Việt của cộng đồng ngày càng nhiều, vài người có vốn đã mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này. Ngoài những nông trang có giấy phép đàng hoàng thì xen kẽ còn những vườn rau làm ăn bất hợp pháp. Họ thuê lại đất của người Nga, dựng lều rồi thuê công nhân Việt ở lại chăm sóc vườn rau mỗi ngày. Do lương thấp và điều kiện lao động khắc nghiệt nên phần lớn người Việt ở đây không chấp nhận vào làm. Vì thế các ông chủ thường tìm về làng quê nghèo ở Việt Nam để tuyển nhân công.

Rời khỏi Matxcơva, ra vùng ven chừng độ 80km người ta có thể bắt gặp những túp lều lụp xụp của người Việt giữa cánh đồng rau dài tít tắp. Tôi có cơ hội được tiếp cận những “phu phen” chân trần tay lấm trong những ngày sắp vào đông. Đó là nông trang của một ông chủ tên Nam, người Hà Nội. Nông trang nằm cách trung tâm Matxcơva đúng 83km, trơ trọi giữa những hàng bạch dương rụng lá.

Cách đó đến 5km mới có một làng nhỏ với vài ngôi nhà thưa thớt. Giữa cánh đồng đã thu hoạch gần xong là hơn 10 công nhân Việt đang hái những trái cà chua cuối vụ. Một số khác đang hì hục dọn dẹp vườn ươm cho kịp trước mùa tuyết rơi. Những công nhân ở đây được cai quản bởi một tay người Việt trông rất dữ tợn với ánh mắt đầy săm soi khi có người lạ...

Anh tài xế chuyên chở rau của các chủ nông trang Việt nói nhỏ: “Nhiều chủ ở đây ác lắm, họ thuê hẳn một tay anh chị về ở nông trang để quản công nhân. Đứa nào không nghe lời hay có ý định trốn là bị chúng đánh hoặc trừ lương. Có chủ cố tình nợ lương công nhân hai ba năm để buộc chân họ, có người còn quỵt cả lương công nhân rồi gọi cảnh sát bắt trục xuất về nước. Khi mùa đông đến, nhiều ông chủ còn không thèm đón công nhân về nhà, để mặc họ với giá rét trong những hầm bảo quản rau củ như nô lệ!”

Khó khăn lắm tôi mới tiếp cận được Loan, một công nhân ở vườn rau. Chị nói vội giữa các luống rau: “Tôi quê ở Thạch Hà, Hà Tĩnh, đến đây đã được hai năm. Trước được rủ qua Nga làm công nhân cho ông Nam với mức lương 200 USD/tháng. Chi phí để qua Nga mất gần hết 2.000 USD, ông Nam chịu một nửa, số còn lại trừ dần vào lương. Tưởng qua đây sẽ được vào làm trong những nhà máy, ai dè tụi tôi được đưa đi... trồng rau.

Hằng ngày tụi tôi phải làm việc từ 7g sáng đến tối mới được nghỉ. Lán trại không có điện, mỗi tối chỉ được nổ máy phát điện đúng một giờ vào lúc cơm tối. Muỗi ở đây nhiều lắm, tối tụi tôi phải đốt củi để sưởi ấm và xua muỗi. Đồ ăn vài ba bữa được chủ tiếp tế, chủ yếu là những thứ rẻ tiền. Mỗi khi có công an kiểm tra tụi tôi trốn ra bìa rừng móc võng ngủ. Đến mùa đông chủ đưa về lại Matxcơva, chuẩn bị ươm giống cho mùa vụ tới”.

Không điện, không tivi, điện thoại, thư từ cũng không nốt. Loan nói hằng đêm chị chỉ biết ôm gối khóc chờ đến trời sáng để được tìm quên trong công việc. Cái lán lợp bằng tôn, nền đất tạm bợ chỉ độ 40m2 là nơi ở của 20 người cả nam lẫn nữ. Nhìn những bàn chân trần nứt nẻ của họ, tôi lại thấy xót xa cho thân phận “phu phen” của những người đồng hương xa xứ. Tất cả họ đều chẳng biết luật pháp, chẳng biết tiếng và cũng chẳng họ hàng thân thích.

Anh Nguyễn Mạnh Hùng, người quê ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, nói: “Ông chủ không chịu làm giấy phép lao động cho tụi tôi, nếu muốn làm thì phải tốn hơn 1.000 đô, tiền đâu ra! Nhiều lần tụi tôi tính trốn nhưng chẳng biết đi về đâu khi hộ chiếu thì chủ giữ, tiền không có, tiếng Nga không biết. Cố nhín nhịn lắm mỗi tháng cũng chỉ để dành được hơn 100 USD, chắc phải hai năm nữa mới đủ tiền về quê anh ạ!”.

“Nô lệ” trên đất khách

Chợ Vòm đóng cửa, hàng hóa ở Nga trở nên khan hiếm nên việc mở các xưởng may tại chỗ đang trở thành cơ hội làm ăn phát đạt đối với người Việt ở đây. Ngoài những xưởng may hợp pháp (người Việt gọi là xưởng “trắng”) thì nhiều xưởng “đen” cũng thừa thắng xông lên. Nhiều người Việt ở quê nghèo đã bị chính những đồng hương của họ lừa gạt qua Nga sống và lao động trong điều kiện chẳng khác gì nô lệ thời hiện đại.

Dưới sự dẫn dắt khéo léo của Luân, tôi được đặt chân vô hai xưởng may “đen” của người Việt gần nhà ga điện ngầm Perovo trong ánh mắt đề phòng của quản đốc. Hai xưởng may này nằm chung trong một ngôi nhà cũ nát bị bỏ hoang sau khi Liên Xô tan rã. Cổng ra vào luôn được canh chừng bởi hai bảo vệ người Nga to lớn. Lối vào xưởng được gắn một tấm bảng to tướng bằng tiếng Việt “Không phận sự miễn vào!”

Gọi là xưởng nhưng thực chất mỗi nơi chỉ có độ 20 công nhân, chỗ ở và nơi làm việc cách nhau mỗi cái cầu thang. Vừa bước vào xưởng đã sặc sụa mùi hôi và bụi bông. Ngay đầu tường của mỗi xưởng đều có một tờ giấy to ghi hàng tá quy định, mà phần lớn là những điều khoản phạt trừ lương công nhân nếu vi phạm.

Nơi làm việc đã ngột ngạt nhưng sự kinh khủng thật sự chỉ hiện ra khi bước vào phòng ở của công nhân. Mỗi căn phòng chỉ độ 15m2 nhưng được kê đến năm giường tầng cho mười người cả nam lẫn nữ. Trần nhà đã bong tróc, nhiều người phải lấy thau hứng nước dột khi tuyết tan. Mùi thuốc lá, mùi mốc và cả mùi hôi thối từ nhà vệ sinh cạnh đó bốc lên nồng nặc. Nhiều người đã sống ở đây như vậy suốt bốn năm.

Đinh Thị Lan, 22 tuổi, một công nhân đến từ Nam Định, nói: “Tất cả tụi tôi đều không giấy tờ nên chẳng mấy khi bước chân ra ngoài. Làm ở đây ăn lương theo sản phẩm, ai làm giỏi cũng được 600 USD/tháng, người mới vào nghề chỉ hơn 200. Nhưng không phải lúc nào cũng có việc, có tháng chỉ làm được hai tuần. Để có tiền về quê và phụ giúp gia đình, phần lớn tụi tôi phải ăn uống kham khổ, chi tiêu tằn tiện”.

Nhìn những khuôn mặt xanh xao của họ, tôi có cảm giác chiều Matxcơva lạnh hơn bao giờ hết...


Thế Anh (Tuổi Trẻ)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Du học xong nên về nước hay ở lại? (Kỳ 1)
Ngôi nhà chung của thanh niên sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ
Du học xong nên về nước hay ở lại? (Kỳ 2)
Người Việt ở Kazakhstan
Muốn học tốt tiếng Việt, cần hiểu rõ văn hóa Việt
Tết quê người... Tết quê nhà
Hội Phụ nữ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ - Mái ấm của chị em người Việt
Phát động cuộc thi viết đoạn văn, thơ về 'Người phụ nữ Việt Nam nơi xa xứ'
Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam tại Liên bang Nga
Nhịp cầu hữu nghị Nga-Việt tại Đại học Tài chính Quốc gia Moskva ở Nga
Đông đảo kiều bào đang sinh sống tại Lào về dự Lễ Thượng Nguyên
Kiều bào tại Thái Lan dâng lễ cầu an Tết Thượng nguyên
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang