28/02/2010 11:31:16 AM
Người Việt ở Nga 20 mùa gió tuyết - Kỳ 2: Bài học từ “chợ cầm tay”

Bước ra từ nhà máy, giảng đường... vốn liếng của “người Việt mới” chẳng đáng là bao. Thứ vốn liếng quý giá nhất mà họ có được là sự cần mẫn, chịu khó mang đi từ quê nghèo.

Chỉ vài cái quần bò, vài chiếc khăn vắt ngang tay... họ chôn chân giữa cái rét buốt xương để mưu sinh ở chợ tạm ven đường. Từ gian khó và cùng cực, người Việt đã tích cóp từng đồng từ “chợ cầm tay”, nghề buôn của người Việt ở Nga bắt đầu như thế...



 Từ giảng đường hay nhà máy, người Việt bước ra “chợ đời” bắt đầu bằng
những bước chân như thế này đây


Vỡ lòng buôn bán xứ người

Trước khi Liên Xô tan rã, nước Nga mấy chục năm không hề có chợ, nếu có cũng chỉ lèo tèo mấy cái chợ quê. Đó là nơi những người nông dân đem bán mấy củ khoai tây, cà chua, bắp cải trồng trong vườn. Còn lại muốn mua từ kim chỉ đến chiếc xe Volga đều phải vô cửa hàng bách hóa quốc doanh.

Liên Xô tan rã, các chợ “mết” (phiên tắt của từ metro - tàu điện ngầm) mọc lên một cách tự phát như nấm. Hễ ở đâu có metro, đông người qua lại là ở đó có chợ.

Anh Vũ Ngọc Hà, một cựu doanh thương ở “chợ cầm tay”, giải thích: “Gọi là chợ nhưng thật ra cũng chỉ là trò bán dạo dọc đường, người ta trải bao tải xuống nền đất, đặt lên đó vài thứ hàng vặt vãnh là thành chợ. Người nào có ít thì cầm cái quần bò, hay vắt khăn quàng cổ trên tay, đứng mời chào người qua đường. Người bán thường vắt hàng trên tay là để tiện chạy trốn khi công an rượt đuổi, tên “chợ cầm tay” cũng từ đó mà ra”.

Phần lớn người Việt đến Nga lúc đó đều xuất thân từ tầng lớp nông dân, lại quen với lối tư duy cũ nên việc kinh doanh đối với họ là một khái niệm hoàn toàn xa lạ. Nhưng vì khó khăn nên người này học người kia, người kia dìu người nọ, tất cả đều tìm đến “chợ cầm tay”, trước là để tìm cái ăn qua ngày, sau là để tập tành học nghề buôn. Bước ra cơ chế thị trường từ nhà máy và giảng đường, nhiều người Việt lúc đó đã phải trả giá khá đắt.

Chị Loan, một doanh nhân trưởng thành từ “chợ cầm tay”, cho biết: “Những ngày đầu chúng tôi phần lớn như “con gà mờ”, nhiều người bị lừa chẳng còn đồng dính túi. Chính bản thân tôi cũng te tua mấy bận mới nên hôm nay. Vào lúc đó đâu chỉ riêng người Việt mình đổ ra chợ “Mết” đâu, người Trung Quốc, Triều Tiên, Tajikistan, Gruzia, Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan... đều đổ ra đấy kiếm sống cả.

Mà không phải ít, riêng ở Matxcơva lúc đấy cũng có đến hơn triệu người nhập cư như chúng tôi. Người Việt mình đã nhỏ bé, lại là thân con gái nên giành được một chỗ đứng tốt đã là khó khăn lắm rồi. Nhiều hôm tôi chỉ biết đứng khóc khi bị mấy gã to lớn giành mất chỗ, giật khách. Có khi bị công an rượt đuổi mất hết hàng, lại phải đi vay mượn bạn bè làm lại từ đầu”.

Còn chị Nguyễn Thị Hóa thì nhớ: “Mới tập tành đi buôn nên chúng tôi chẳng biết gì về hàng hóa, chất liệu và giá cả. Nhiều lần đi lấy hàng sỉ mà bị cắt cổ hơn cả giá bán lẻ. Có lần cả hội gồm năm người Việt đi lấy áo quần thể thao về bán, do cả tin nên bị chủ hàng đánh tráo loại áo quần mỏng như vải màn. Thế là đành đem bán ở “chợ cầm tay” với giá chỉ bằng 1/4 giá lấy vào mà chẳng ai mua.

Cả nhóm đã đổ hết vốn vào đấy, hàng thì không bán được nên chẳng còn lấy một đồng mua bánh mì lót dạ. Suốt cả tuần, mấy anh em chỉ biết mua hạt hướng dương về cầm hơi giữa mùa đông giá rét”.

Đồng tiền xương máu

Cái đói thì đã đành nhưng cái rét khi nước Nga vào đông mới thật sự kinh khủng. Anh Thưởng, người đã lặn lội ở “chợ cầm tay” năm năm, tâm sự: “Trời âm đến 20 độ nhưng chúng tôi phải dậy từ lúc 4giờ sáng, lội trong tuyết ngập đến gối để giành chỗ bán. Ra đến chợ trời vẫn còn tối mịt, anh em phải gom giấy, gỗ mục nhóm lửa sưởi ấm chờ trời sáng.

Khi người Nga bắt đầu đến công sở cũng là lúc anh em chúng tôi luôn miệng mời chào, tuyết phủ trắng cả người vẫn phải kiên trì chôn chân giữa băng giá để bán từng đôi bít tất, từng chiếc khăn quàng cổ cho đến tận chiều tối. Chiều xuống cũng là lúc ai nấy đuối sức vì ngấm lạnh, tay chân tê cứng, tai đóng băng... Nhiều người chịu không nổi phải vừa rao vừa nhảy tưng tưng như con kangaroo để khỏi cóng chân!

Có người sáng đến “chợ cầm tay” cười còn tròn miệng nhưng chiều về thì miệng méo xệch vì rét và trúng gió độc. Bạn bè tôi có người vì cảm lạnh rồi tràn dịch màng phổi mà qua đời khi mấy cái quần bò vẫn còn nguyên trên tay!”

Trong lúc giao thời đầy loạn lạc ấy, nhiều nhóm tội phạm đến từ các nước Trung Á được dịp trỗi dậy và nhiều người Việt đã trở thành nạn nhân của chúng.

Anh Hoàn, người bỏ nhà máy từ năm 1989 ra buôn bán ở chợ trời, kể: “Để tránh rủi ro, chúng tôi thường đi thành từng nhóm và cố về nhà thật sớm. Nhưng nhiều khi cũng không tránh hết được, bạn tôi có người bị chúng giết và cướp sạch cả vốn liếng. Lúc đó đồng rúp rớt giá từng ngày, vì thế bán xong hàng là anh em chúng tôi mua “xanh” liền. Để tránh bị cướp, chúng tôi thường cuộn “xanh” lại rồi giấu vào hậu môn. Nhiều khi về đến nhà thì quần đầy máu, tiền lời không đủ đi bệnh viện...”.

Nổi tiếng sầm uất và lộn xộn nhất lúc bấy giờ là chợ “sân vận động”, nơi có nhiều người đến từ nhiều quốc gia thuộc Liên Xô cũ tụ về buôn bán. Anh Trần Văn Toàn, một người từng bán ở chợ này, kể lại: “Thời đó, nếu đến khuya mà không thấy bạn bán hàng ở chợ “sân vận động” về nhà là anh em trong phòng chuẩn bị lập bàn thờ. Ở đó tập trung khá nhiều tay anh chị đến từ Trung Á sẵn sàng giết người chỉ vì một bao tải hàng. Còn chuyện bị bọn đầu gấu, bảo kê bợp tai là chuyện bình thường hằng ngày...”.


Thế Anh (Tuổi Trẻ)


-------------------------------------------
Liên Xô tan rã, nhà máy bỏ hoang, nhiều ký túc xá đóng cửa, người Nga đem cho thuê với giá rẻ mạt. Một số người Việt đứng ra huy động vốn để thuê rồi ngăn phòng cho đồng hương thuê lại làm nơi ở và buôn bán. Người Việt quen gọi những địa điểm buôn bán mới ấy là “ốp” hoặc “đôm”...

Kỳ 3: Ốp, chợ và “soái” Việt

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Du học xong nên về nước hay ở lại? (Kỳ 1)
Ngôi nhà chung của thanh niên sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ
Du học xong nên về nước hay ở lại? (Kỳ 2)
Người Việt ở Kazakhstan
Muốn học tốt tiếng Việt, cần hiểu rõ văn hóa Việt
Tết quê người... Tết quê nhà
Hội Phụ nữ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ - Mái ấm của chị em người Việt
Phát động cuộc thi viết đoạn văn, thơ về 'Người phụ nữ Việt Nam nơi xa xứ'
Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam tại Liên bang Nga
Nhịp cầu hữu nghị Nga-Việt tại Đại học Tài chính Quốc gia Moskva ở Nga
Đông đảo kiều bào đang sinh sống tại Lào về dự Lễ Thượng Nguyên
Kiều bào tại Thái Lan dâng lễ cầu an Tết Thượng nguyên
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang