23/10/2006 02:55:24 PM
"Người mình" ở Ba Lan (kỳ II)

Những năm gần đây, cuộc sống của người Việt Nam tại Ba Lan ngày một ổn định và phát triển việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với người bản xứ cũng giúp cho sự phát triển của cộng đồng người Việt nơi đây...

Kỳ hai: Đời thường muôn mặt

Nhiều người lần đầu tiên thăm Ba Lan có một cảm giác rất thú vị: vừa ngỡ ngàng trước cảnh đẹp, người đẹp của xứ sở "sương trắng, nắng tràn", lại thấy thoải mái như được trở lại quê nhà. Cảnh sinh hoạt của cộng đồng ta tại Ba Lan từa tựa như một quê Việt thu nhỏ. Người thân hoặc các tổ chức hội, đoàn của cộng đồng sẽ đón tiếp rất hào hiệp và đậm chất quê hương.

Kể cả giữa mùa đông băng giá, ở đây chẳng thiếu món ăn nào của quê hương, từ rau muống, cà muối, tái dê, phở Hà Nội hay bát canh rau ngót, rau mồng tơi... Đa số bà con ta tự trồng, mùa đông trồng trong nhà kính. Các giống rau chỉ vài ba mùa là thoái hoá thì đem giống trong nước sang. Cũng có những hoa quả, gia vị phải thường xuyên cung cấp từ trong nước, đắt lắm, nhưng phải đủ mùi, đủ vị, mới thành món ăn quê hương.

Người Ba Lan rất khoái những món của ta, nhiều người thành nghiện. Các quán ăn, nhà hàng lớn nhỏ, phục vụ người bản xứ là chính, bà con ta chỉ họp hành, hội hè hay có việc mới đến nhà hàng. Dân Ba Lan nói riêng, dân Tây nói chung thích nhất các món nem rán, nộm, hải sản xào xả ớt... Những món ăn của ta làm cho nhiều người Ba Lan vào quán ăn no rồi, vẫn lần chần không muốn ra, người đứng xếp hàng bên ngoài sốt ruột chờ có chỗ để vào. Có vị nghị sĩ của Quốc hội Ba Lan từng nói: "Người Việt Nam đã làm thay đổi khẩu vị của người Ba Lan".

Có lẽ cũng vì thế mà không ít phen dân kinh doanh nhà hàng ta ở Ba Lan phải khóc dở mếu dở. Nhà hàng mình hút khách thì nhà hàng khác ế ẩm. Chẳng hiểu thực hư thế nào, người ta dựng lên mấy "chiến dịch" tẩy chay nhà hàng của ta, đổ vấy cho nhà hàng mình làm thực phẩm bằng những con chim, con vật mà dân bản địa rất yêu quý. Hàng trăm quán ăn lay lắt, phải dẹp bỏ, một số nhà hàng phải đổi hướng. Chuyện ấy là bài học cần phải tỉnh táo với cạnh tranh ở nước người. Hiện bên cạnh hàng trăm quán bar, quán ăn nhanh, có một số "đại gia" kinh doanh ẩm thực, trở thành những địa chỉ quen thuộc của cộng đồng, của cả người Ba Lan trong những dịp hội hè như Nhà hàng Quê Hương, trụ sừng sững giữa trung tâm thành phố Vac-sa-va, nhà hàng Vân Bỉnh, nhà hàng Sinh Sinh, Rồng Vàng, Rồng Đỏ... Các thành phố khác như Kra-cốp, Gdansk, Vờ-rô-xốp cũng thế.

Cộng đồng người Việt tại Ba Lan có "hàm lượng chất xám" cao. Tiến sĩ có cả trăm, cử nhân có cả ngàn. Điều đó thể hiện rõ qua sự thành đạt của nhiều đại gia, dân mình quen gọi là "tướng", "soái". Chỉ nhìn sự ra đời và hoạt động của một số tập đoàn, công ty, trung tâm thương mại như ASG, ATTCC, TSQ, ASEANPL, TCC... một cách bài bản, hoành tráng cũng hiểu trình độ kinh doanh, tổ chức như thế nào.

Thời đầu, khi cộng đồng đang hình thành thì một số tổ chức hội tự phát ra đời. Đến năm 1999, Hội Người Việt Nam tại Ba Lan đoàn kết và hữu nghị chính thức được thành lập, nhanh chóng đóng vai trò đoàn kết, tập hợp mọi người hoạt động trên tất cả các mặt cuộc sống. Lần lượt các tổ chức khác của người cao tuổi, phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh, Phật giáo, văn nghệ, thể thao... ra mắt và hoạt động làm cho đời sống tinh thần người Việt tại Ba Lan rất phong phú và sống động. Những dịp hội hè, ngày lễ của dân tộc, cộng đồng tập trung tại những nhà hát, cung văn hoá sang trọng tổ chức rất vui tươi và hoành tráng. Đội văn nghệ cộng đồng với những tiết mục mang đậm truyền thống văn hoá dân tộc khiến bạn bè Ba Lan cứ ngỡ là các nghệ sĩ chuyên nghiệp biểu diễn.

Năm 2002, Nhà Văn hoá Thăng Long do Giám đốc Công ty Newsun, ông Bùi Anh Thái đứng ra xây dựng, với mục đích phục vụ sinh hoạt văn hoá cho người Việt tại Vac-sa-va ra đời. Ở đây có chùa Một Cột, có nhiều cơ sở văn hoá khác như thuê áo cưới, hàng lưu niệm Việt Nam, Nhà Văn hoá còn xuất bản hai tờ báo "Nối Vòng tay lớn" và "Nhà Phật", tạo nên một địa chỉ sinh hoạt văn hoá và tâm linh cho bà con ta ở Vac-sa-va và khu vực lân cận.

Một mảng sinh hoạt văn hoá rất đáng tự hào là thơ ca. Câu lạc bộ thơ đã từ nhiều năm nay là nơi kết nối các hồn thơ đất Việt trên đất nước giàu truyền thống thi ca như Ba Lan. Những đêm thơ như "Một đời thương" của Tiến sĩ khoa học Nguyến Văn Thái, "Nước lã cũng say" của Nguyễn Minh Ngọc, "Lời ru người xa xứ " của Trực Chấp, "Tiếng đàn đêm" của Nhị Hồng, "Một trời thương nhớ" của Thanh Hiên, "Mẹ ơi" của Nguyễn Trung Thành... đã để lại những ấn tượng trong lòng bao người. Vừa qua, Tiến sĩ vật lý Nguyễn Đình Dũng với bút danh Lâm Quang Mỹ đã trở thành Hội viên hội Nhà văn Việt Nam sau hai tập thơ "Đợi" và "Tiếng vọng".

Vac-sa-va có một trường tiếng Việt hàng năm có khoảng 100 con em cộng đồng học. Dẫu chỉ đáp ứng được phần nhỏ yêu cầu của cộng đồng, nhưng đây cũng là một cố gắng không nhỏ, từ những người mở đầu như chị Thu Oanh, anh Mạnh Hà từ nhiều năm trước, tiếp nối là Hoàng Xuân Bình, và Thu Nga... Nói đến học tiếng Việt, cũng gợi cho người viết bài này một thoáng buồn: Thế hệ thứ hai của cộng đồng ta ở Ba Lan biết tiếng Việt ít quá. Rất nhiều cháu học trong các trường Ba Lan rất giỏi, làm bạn bè phải nể, nhưng lại không biết hoặc biết rất ít tiếng mẹ đẻ. Ngay cả một số cháu dự thi hoa hậu cộng đồng cũng trả lời Ban giám khảo bằng... tiếng Ba Lan, có cháu nói tiếng Việt ngô nghê, ngọng nghịu hơn cả Tây tập nói tiếng ta. Một thời bố mẹ các cháu vất vả, đầu tắt mặt tối lo kiếm sống, đến khi có của ăn, của để thì đã để mất những cái còn quý hơn tiền bạc.

Những năm gần đây, hoạt động của các hội đoàn, các phong trào trong cộng đồng đã xoá dần những cách biệt về ngôn ngữ, về văn hoá giữa ta và những người bạn bản xứ. Các hoạt động giao lưu văn hoá, các cuộc hội thảo nhân ngày hội của bạn, ngày lễ của ta, những trận bóng đá giao hữu của đội tuyển cộng đồng với các đội bóng của người Ban Lan cứ liên tục diễn ra. Báo chí Ba Lan cũng không ít bài viết về cộng đồng, ca ngợi tấm lòng của cộng đồng qua những đợt ủng hộ tinh thần và vật chất cho những mảnh đời bất hạnh, cho trẻ em mồ côi Ba Lan. Xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với người bản xứ đã giúp cho sự phát triển của cộng đồng người Việt thêm ổn định.

Thái Chí Thanh (Đại đoàn kết)

 

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Du học xong nên về nước hay ở lại? (Kỳ 1)
Ngôi nhà chung của thanh niên sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ
Du học xong nên về nước hay ở lại? (Kỳ 2)
Người Việt ở Kazakhstan
Muốn học tốt tiếng Việt, cần hiểu rõ văn hóa Việt
Tết quê người... Tết quê nhà
Hội Phụ nữ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ - Mái ấm của chị em người Việt
Phát động cuộc thi viết đoạn văn, thơ về 'Người phụ nữ Việt Nam nơi xa xứ'
Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam tại Liên bang Nga
Nhịp cầu hữu nghị Nga-Việt tại Đại học Tài chính Quốc gia Moskva ở Nga
Đông đảo kiều bào đang sinh sống tại Lào về dự Lễ Thượng Nguyên
Kiều bào tại Thái Lan dâng lễ cầu an Tết Thượng nguyên
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang