20/10/2006 02:58:22 PM
"Người mình" ở Ba Lan (kỳ I)

Cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan còn rất trẻ, hình thành vào thập niên cuối của thế kỷ trước, phần lớn là lưu học sinh, nghiên cứu sinh và gia đình họ, một số ít hơn là nguồn lao động từ Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu cũ. Họ đã trải qua bao nỗi thăng trầm để tồn tại, vượt lên bao thử thách để phát triển. Những năm gần đây, số người Việt tại Ba Lan tăng nhanh làm nên một cộng đồng người Việt tại nước này thêm sôi động và đa dạng. Có khá nhiều người thành đạt, chủ yếu trong kinh doanh, buôn bán, và đang có xu hướng đầu tư về nước.

Kỳ I: Chợ "Sân vận động mười năm"

Chợ “Sân vận động mười năm” vốn là một sân vận động thứ thiệt, ra đời từ năm 1955-1956. Mười năm sau, người ta nâng cấp, xây dựng thành một sân vận động có sức chứa trên 100.000 người. Nhưng khốn nỗi, đội tuyển Ba Lan cứ giao đấu quốc tế trận nào ở sân này là thua trận đó! Các cầu thủ sợ dớp, không đá ở đấy nữa. Sân bỏ không, hàng năm chỉ tổ chức vài lần hội mùa. Đến những năm 90, khi Ba Lan chuyển thể chính trị, Công ty trách nhiệm hữu hạn Đa-mít đứng ra thuê để mở chợ.

Trong những năm 1990-1998, đây là khu chợ trời lớn nhất châu Âu, thu hút người bán buôn từ các nước như Nga, Ucraina, Thổ Nhĩ Kỳ, Bungari, Rumani, Ba Lan... và tất nhiên người Việt tập trung lại đây ngày một nhiều. Thời đầu, bà con ta thường đứng chung với người Ba Lan, nhưng sau người Ba Lan thấy ế ẩm, bỏ gần hết, dẫn đến sự hình thành khu chợ toàn người mình, vào lúc cao điểm nhất có đến gần một vạn người. Và cũng từ đó, bà con ta gọi là "chợ ta" để phân biệt với "chợ tây".

Không hiểu người quản lý chợ như thế nào chứ cộng đồng ta, dù là những người có mặt từ những ngày đầu cũng chưa ai dám cả quyết là mình đã từng đi hết tất cả các quầy của người Việt ở đây. Tôi đã thử vài lần, cứ rối tinh rối mù rồi lạc vào mê hồn trận những hàng hoá, chủ yếu là đồ may mặc, giầy dép. Cũng có một số quầy kinh doanh thực phẩm, quán ăn nhanh, hiệu cắt tóc... phục vụ bà con trên chợ. Đặc biệt, giữa chợ, có một dãy hàng rất ấn tượng mà hầu như ai cũng biết: "Ngõ Cấm Chỉ", đúng như cái tên của một con phố ẩm thực nổi tiếng của thủ đô Hà Nội. Không phải "Ngõ Cấm Chỉ" Hà Nội có gì thì "Ngõ Cấm Chỉ" Sân vận động mười năm có nấy, nhưng cũng đủ phục vụ những món đặc sản quê nhà cho mọi người. Nào phở, nào bún, nào cháo lòng, tái dê, nem cuốn, mì xào... cà phê, nước giải khát thì đủ loại. Trước đây, khi chưa xuất hiện bệnh cúm gia cầm H5N1 còn có cả tiết canh ngan tuyệt hảo. Riêng cái món khoái khẩu nhất là "thịt cầy" thì có săn lùng cả nước này cũng không thấy chứ nói chi đến sân vận động này. Cấm! Tuyệt đối cấm. Ai có thèm cũng phải chờ ngày trở về " Ngõ Cấm Chỉ Hà Nội".

Chợ "Sân vận động Mười năm" một thời kỳ dài là nơi sinh cơ, lập nghiệp của đa số cộng đồng ta ở Ba Lan. Những người buôn bán thành đạt "đánh" hàng từ Việt Nam, từ Trung Quốc đổ cho các đại lý, để từ chợ này lại một lần nữa, phân phát cho các chủ hàng khác. Khá đông bà con ta có tiền mua quầy để làm đại lý, thời kỳ đầu buôn bán cũng khá phát đạt. Còn đại đa số, nhất là những người mới sang phải thuê quầy, bán buôn, bán lẻ.

Những người bán buôn phải dậy từ hai ba giờ sáng để kịp bán cho bạn hàng từ xa. Người bán lẻ từ tờ mờ sáng, khi mà người dân Vác-sa-va vẫn còn say trong giấc ngủ đã phải ra chợ. Quầy hàng thường làm bằng sắt, lợp tôn, chỉ từ 6 đến 8 m2, một nửa đựng hàng, nửa nhỏ hơn bày hàng bán. Tất cả các quầy đều không lò sưởi, không nước, không nhà vệ sinh. Mùa đông, giữa băng tuyết của cái lạnh âm độ, đứng bán hàng chẳng khác đứng trong cái tủ lạnh khổng lồ. Ai cũng mặc mấy lớp áo, bọc ngoài là chiếc áo phao, hoặc bành tô to xù như con gấu, nhiều khi lạnh quá, vừa xoa, vừa nhảy cho đỡ lạnh mà mặt mũi ai cũng đỏ lựng lên vì rét.

Nhưng dẫu sao, có quầy để bán cũng là may mắn, vô số người mới sang, không thuê được quầy lang thang làm cửu vạn. Số này đông lắm và ngày một tăng nhanh. Tranh nhau bốc chuyển từng thùng hàng, nhặt nhạnh từng đồng để sống. Một số ít sắm xe đẩy, chở bán rong hoa quả, sách báo, đồ ăn, nước uống. Thu nhập bao nhiêu tôi không rõ, nhưng chắc chắn là số dân chợ thuộc thành phần này "bèo" lắm. Không hiểu sao, ở nhà cũng nói nhiều mà người ta vẫn bị những đường dây đưa người cho ăn "bánh vẽ". Vì muốn "đổi đời" đã chạy vạy chịu mất hàng dăm, bảy nghìn, có khi cả chục nghìn đô la Mỹ để sang đất người chịu bao cực, nhục. Lại còn chịu cảnh chui lủi, trốn tránh cảnh sát vì thiếu giấy tờ tuỳ thân. Có người, sang Ba Lan cả năm trời nhưng chưa bao giờ thấy thành phố Vac-sa-va xấu đẹp như thế nào. Con đường duy nhất quanh năm là từ nhà ra chợ và ngược lại. Vậy mà vẫn không ít người bị cảnh sát bắt vào trại giam vì lý do không có giấy tờ hợp lệ.

Chợ "Sân vận động Mười năm" dẫu là nguồn cung cấp hàng hoá không nhỏ cho người dân Vac-sa-va, đóng góp đáng kể nguồn tài chính cho thành phố, nhưng hầu như năm nào cũng bị doạ là dẹp bỏ. Cái chợ khổng lồ này vốn dĩ chính quyền sở tại chẳng ưu ái gì. Từ ngày Ba Lan gia nhập EU, sự hiện diện của một chợ trời, lộn xộn và xập xệ của hàng vạn người buôn bán mà chủ yếu là dân nước ngoài giữa thủ đô càng trở nên bức xúc. Vừa rồi người ta lại tuyên bố sẽ dẹp, lần này xem ra có vẻ kiên quyết lắm. Cũng như một số chợ trời tự phát ở một số nước XHCN cũ ở Đông Âu trong giao thời chuyển đổi hai nền kinh tế bao cấp và thị trường, chợ "Sân Vận động Mười năm" khó có thể song tồn với những siêu thị, trung tâm thương mại tầm cỡ quốc tế đang ngày một phát triển. Sẽ ra sao khi chợ "Sân vận động mười năm" - trung tâm của cuộc mưu sinh của người Việt - không còn nữa?

Gần đây, cộng đồng ta tại Ba Lan đã chuẩn bị cho cái ngày nó không còn. Những người làm ăn thành đạt đã đón trước tình hình, chung vốn để xây dựng các trung tâm thương mại hiện đại ở thủ đô Vac-sa-va cho người Việt. Trung tâm Thương mại ASG - một trung tâm thương mại tầm cỡ EU, rộng hàng chục ha, khang trang, hiện đại - xây dựng năm 2001 đã đi vào hoạt động thu hút cả nghìn người Việt buôn bán. Trung tâm ASG hoàn toàn do vốn của mấy đại gia người Việt dựng nên. Tiếp đó là Trung tâm Thương mại EACC cũng rất hoành tráng, ngự trị trên gần chục héc-ta, là liên doanh giữa người Việt Nam với Thổ Nhĩ Kỳ. Rồi ASEANPL, một mô hình mới của cộng đồng, không những tạo thêm một khu thương mại hiện đại tiêu chuẩn EU mà còn trở thành nơi xúc tiến việc làm và đầu tư cho cộng đồng ta. Cộng đồng ta vốn rất nhạy bén trong việc ứng biến với hoàn cảnh, một số trung tâm thương mại của người Trung Quốc, của người Thổ Nhĩ Kỳ (Trung tâm thương mại MAXIMUTS, rộng trên 100 hec ta) đã có hàng ngàn người Việt sớm đứng tên chủ quầy.

Mấy trung tâm thương mại lớn đó đã thu hút, chuyển về cơ bản số bà con buôn bán trên chợ "Sân vận động Mười năm". Hiện nay, tuy không sôi động như trước, nhưng chợ vẫn hoạt động đều. Một mai ngày chợ không còn nữa, cộng đồng mình cũng không ít người lao đao, nhưng dân mình lại đùm bọc nhau, tựa vào nhau để tồn tại... Và khi ấy, cho dù chợ "Sân vận động Mười năm" không còn, nhưng nó mãi mãi còn lại trong ký ức với bao kỷ niệm vui buồn của cộng đồng người Việt.

(còn nữa)

Thái Chí Thanh (Đại đoàn kết)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Du học xong nên về nước hay ở lại? (Kỳ 1)
Ngôi nhà chung của thanh niên sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ
Du học xong nên về nước hay ở lại? (Kỳ 2)
Người Việt ở Kazakhstan
Muốn học tốt tiếng Việt, cần hiểu rõ văn hóa Việt
Tết quê người... Tết quê nhà
Hội Phụ nữ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ - Mái ấm của chị em người Việt
Phát động cuộc thi viết đoạn văn, thơ về 'Người phụ nữ Việt Nam nơi xa xứ'
Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam tại Liên bang Nga
Nhịp cầu hữu nghị Nga-Việt tại Đại học Tài chính Quốc gia Moskva ở Nga
Đông đảo kiều bào đang sinh sống tại Lào về dự Lễ Thượng Nguyên
Kiều bào tại Thái Lan dâng lễ cầu an Tết Thượng nguyên
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang