31/12/2011 09:59:13 AM
Muốn học tốt tiếng Việt, cần hiểu rõ văn hóa Việt

Tiếng Việt được coi là cội rễ, là cầu nối gắn kết giữa những con người Việt với nhau và với quê hương. Bởi vậy, việc giảng dạy tiếng Việt cho thế hệ trẻ hiện đang sinh sống ở nước ngoài để các em không chỉ biết về tiếng Việt mà còn hiểu về văn hóa Việt Nam là rất cần thiết. Phóng viên tạp chí Quê Hương có cuộc trò chuyện với chị Thúy Anh (T.A) - giảng viên môn tiếng Việt, khoa Đông Nam Á, trường Đại học Michigan, Hoa Kỳ để nghe chị trò chuyện, chia sẻ về công việc giảng dạy tiếng Việt cho sinh viên trong trường hiện nay.

 Cô Thúy Anh (bìa trái) và Đoàn sinh viên GIEU đến thăm
Trường phổ thông dân tộc nội trú Hướng Hóa – Quảng Trị

QH: Từng là giáo viên dạy Anh ngữ ở Hà Nội, cơ duyên nào đã đưa chị đến với công việc giảng dạy tiếng Việt ở Mỹ?
T.A: Đầu tiên, tôi tham gia một chương trình tiếng Việt vào mùa hè - chương trình dạy tiếng Việt cấp tốc trong 8 tuần ở trường Đại học (ĐH) Wisconsin, Madison (bang Wisconsin). Rồi tôi tiếp tục tham gia dạy tiếng Việt (với tư cách là một ngoại ngữ) hai học kì chính thức (Hè, Xuân) trong năm học ở đó. Học viên của tôi là sinh viên người Mỹ gốc Việt và một số sinh viên và nghiên cứu sinh học tiếng Việt để có thể nghiên cứu về VN. Khi dạy tiếng Việt cho sinh viên ở đây, từ những câu hỏi của sinh viên, tôi đã tự học thêm và tìm hiểu thêm được rất nhiều điều. Đó có lẽ là điều thú vị nhất và tôi đã quyết định gắn bó với công việc giảng dạy tiếng Việt ở Mỹ.
QH: Trong quá trình dạy tiếng Việt cho những sinh viên sinh ra và lớn lên tại Mỹ, bản thân chị và sinh viên đã gặp những khó khăn gì?
T.A: Với tôi, khi dạy tiếng Việt ở nước ngoài thì tất nhiên môi trường sẽ không được như dạy ở VN. Có những hoạt động thực hành ngôn ngữ cơ bản, nếu có điều kiện tiếp xúc thực tế thì dạy và học sẽ thuận lợi hơn. Ngoài ra, ở những trường ĐH nước ngoài, giờ học cho môn ngoại ngữ không nhiều nên mức độ tiến bộ của sinh viên không rõ rệt như các sinh viên học liên tục nhiều giờ ở Việt Nam.
Còn đối với sinh viên khi đi học, họ đều có khó khăn riêng. Phần lớn các em đều gặp vấn đề về phát âm. Đặc biệt, trong lớp học năm thứ nhất, trình độ của các em rất khác nhau. Cùng là sinh viên gốc Việt, có em chưa bao giờ nói tiếng Việt, lại có những em nói tốt nhưng không thể đọc và viết được. Ngoài ra, với một số sinh viên không phải là người Việt thì khó khăn càng nhiều hơn.
Tuy nhiên, các sinh viên khi theo học đều xác định tiếng Việt là mục tiêu và mối quan tâm của họ, nên luôn cố gắng, chịu khó, tập trung học. Tôi thấy khả năng tiếp thu của các sinh viên rất tốt.

Đoàn đến thăm Trung tâm trẻ mồ côi Hoa Mai – Đà Nẵng

QH: Vậy để giúp sinh viên học tốt tiếng Việt, chị đã chuẩn bị cho giáo án và tài liệu giảng dạy của mình như thế nào?
T.A: Trong chương trình tiếng Việt, chúng tôi có một số sách giáo khoa để giảng dạy. Ngoài những giờ học thực hành, tôi cho sinh viên tham gia vào các hoạt động trực tuyến như: luyện âm, phát âm, chat, đọc báo, xem các hình ảnh, các đoạn phim ngắn về VN trên Internet. Ngoài ra, chúng tôi còn làm các chương trình phóng sự bằng âm thanh, hình ảnh để phục vụ cho giảng dạy. Khi chuẩn bị tài liệu, chúng tôi cố gắng dùng nhiều nguồn khác nhau và gần với thực tế để sinh viên có điều kiện tiếp cận với cuộc sống và những vấn đề thời sự ở VN hiện nay. Tóm lại, tôi cố gắng làm sao để việc học tiếng Việt gần với đời thường chứ không phải chỉ những gì rất mô phạm trong sách vở.
QH: Ngôn ngữ và Văn hóa vốn có mối liên hệ chặt chẽ, không tách rời. Chị nghĩ sao về yếu tố văn hóa trong quá trình giảng dạy ngôn ngữ và chị làm thế nào để lồng yếu tố văn hóa vào công tác giảng dạy tiếng Việt cho hiệu quả?
T.A: Theo tôi, văn hóa có vai trò rất quan trọng trong việc dạy và học ngôn ngữ. Vì muốn học tốt tiếng Việt thì các sinh viên phải hiểu rõ về văn hóa Việt. Bởi vậy, chúng tôi thường xuyên có các hoạt động giới thiệu về văn hóa, đất nước VN cho các em. Cứ vào đầu năm học, tôi cùng giáo viên ở khoa Đông Nam Á lại tổ chức buổi gặp gỡ cho sinh viên mới để giới thiệu về ngôn ngữ và văn hóa của nước mình. Những hoạt động này giúp sinh viên biết thêm về ngôn ngữ và các đất nước ở khu vực Đông Nam Á. Vào những dịp như Tết hay Trung thu, chúng tôi cũng tổ chức các chương trình giao lưu cho sinh viên và các em sẽ có cơ hội biểu diễn, trình bày hiểu biết của mình về VN.
Ngoài ra, ở trường ĐH Michigan, các sinh viên người Mỹ gốc Việt đã thành lập tổ chức riêng là Hiệp Hội Sinh viên Việt ở Mỹ (VSA). Họ có nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ như múa, hát, đóng kịch và khiêu vũ để giới thiệu cho sinh viên trong trường biết về lịch sử cũng như văn hóa VN.
Đặc biệt, một hoạt động rất thú vị do trường ĐH Michigan và Trung tâm nghiên cứu Toàn Cầu và Giao lưu Văn hóa (Center for Global and Intercultural Study, gọi tắt là CGIS) tại trường khởi xướng là Chương trình Trao đổi Văn hóa toàn cầu (Global Intercultural Experience for UnderGraduates GIEU). Chương trình này bắt đầu cách đây 10 năm. Mỗi năm, GIEU có nhiều chương trình đưa các nhóm gồm 14 sinh viên sẽ tham gia các hoạt động về tình nguyện ở một số nước trên thế giới trong khoảng thời gian nhiều nhất là 4 tuần. Trước khi đi, họ được hướng dẫn, tập huấn và trao đổi, thảo luận để tìm hiểu về văn hóa nước đó. Thường thì có rất nhiều giáo sư, giáo viên ở trường lập kế hoạch và gửi cho văn phòng của Chương trìnhđể lựa chọn, và chương trình đưa sinh viên đi VN là một trong những chương trình mạnh nhất, hầu như năm nào cũng có.

Học về văn hóa Việt Nam qua ẩm thực

QH: Chị có thể giới thiệu rõ hơn về Chương trình đưa sinh viên đi Việt Nam ?
T.A: Vào mùa hè, chúng tôi sẽ tổ chức đưa sinh viên của trường đi xuyên Việt. Trong chương trình học tập và giao lưu này, sinh viên được đến rất nhiều di tích lịch sử để tìm hiểu về đất nước, con người VN Các sinh viên cũng có dịp trao đổi và thảo luận về những gì họ đã thấy và tham gia các hoạt động tình nguyện với các tổ chức địa phương.  
Trong hai năm gần đây, chúng tôi có thêm chương trình giao lưu với khoa Quốc tế học của trường ĐH Hà Nội. 4 sinh viên VN sẽ cùng tham gia hoạt động với sinh viên trường Michigan. Chúng tôi cố gắng tạo điều kiện cho nhiều hoạt động trao đổi giữa các bạn trẻ với nhau để họ hiểu nhau hơn, biết được suy nghĩ và ý kiến của nhau. Ví dụ như năm ngoái, chúng tôi đến Mỹ Lai - nơi trước đây từng diễn ra cuộc thảm sát trong thời kháng chiến chống Mỹ. Đó là giây phút xúc động nhưng cũng khó khăn cho cả hai bên khi phải đối diện với những hình ảnh tư liệu về nhà cửa bị đốt phá, người dân bị giết hại… Sinh viên Mỹ tự cảm thấy xấu hổ và sau đó, họ nói chuyện với sinh viên VN và hỏi: “Các bạn có ghét chúng tôi không vì những người Mỹ đã làm những điều xấu và mang đến đau thương cho người dân VN?”. Nhưng khi nói chuyện với nhau, các sinh viên đều hiểu ra một điều, chiến tranh là điều tồi tệ nhưng không phải vì vậy mà người VN đều ghét tất cả người Mỹ. Các sinh viên cùng tham gia chương trình tình nguyện và hiểu ra ý nghĩa đó rõ hơn. Sau chương trình, các bạn sinh viên vẫn liên hệ với nhau rất thân thiết. Có thể nói, đó là tình hữu nghị. Đồng thời, qua chương trình, sinh viên hiểu biết được nhiều hơn. Nếu trước đó, khi được hỏi 3 điều về VN, thường sinh viên chỉ biết đến đồng lúa, rừng rậm và chiến tranh, thì sau khi đi VN, họ nói về nhiều điều khác như văn hóa, món ăn, cách dùng đũa, về các địa danh mà họ đến và về những người bạn VN…
Theo tôi, muốn học được về văn hóa và ngôn ngữ thì phải có điều kiện đi thực tế, được trao đổi, tiếp xúc. Điều đó sẽ hiệu quả và ý nghĩa hơn là chỉ mở cuốn sách để đọc vì trong cuộc sống có rất nhiều điều chúng ta sẽ học được.
Tôi rất mong muốn có ngày nhiều các hoạt động giao lưu, liên kết văn hóa cho sinh viên vì đó là cách tốt nhất để sinh viên có được tầm nhìn và hiểu biết sâu sắc không chỉ về tiếng Việt mà còn về văn hóa của VN nữa. Mục tiêu của tôi khi làm chương trình này là để giới thiệu cho sinh viên biết về VN, để các em có niềm say mê, quan tâm hơn đến tiếng Việt.
QH: Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện. Chúc chị luôn mạnh khỏe và ngày càng thành công trong công tác giảng dạy!
Thanh Mai - Thanh Thuỷ
 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Du học xong nên về nước hay ở lại? (Kỳ 1)
Ngôi nhà chung của thanh niên sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ
Du học xong nên về nước hay ở lại? (Kỳ 2)
Người Việt ở Kazakhstan
Muốn học tốt tiếng Việt, cần hiểu rõ văn hóa Việt
Tết quê người... Tết quê nhà
Hội Phụ nữ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ - Mái ấm của chị em người Việt
Phát động cuộc thi viết đoạn văn, thơ về 'Người phụ nữ Việt Nam nơi xa xứ'
Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam tại Liên bang Nga
Nhịp cầu hữu nghị Nga-Việt tại Đại học Tài chính Quốc gia Moskva ở Nga
Đông đảo kiều bào đang sinh sống tại Lào về dự Lễ Thượng Nguyên
Kiều bào tại Thái Lan dâng lễ cầu an Tết Thượng nguyên
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang