09/07/2013 12:59:19 PM
Bước ngoặt phát triển của cộng đồng người Việt Nam tại Séc

LTS: Ngày 3/7/2013, Chính phủ CH Séc chính thức công nhận cộng đồng người Séc gốc Việt là dân tộc thiểu số thứ 14 tại quốc gia này. Đây không chỉ là tin vui đối với cộng đồng người Việt Nam tại CH Séc, mà là của kiều bào khắp nơi trên thế giới. Phóng viên Tạp chí Quê Hương đã có cuộc phỏng vấn với ông Hoàng Đình Thắng – Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Séc nhân sự kiện này.



Cộng đồng người Việt tại CH Séc tổ chức Tết Trung thu cho các em

PV: Chính phủ Séc vừa chính thức công nhận cộng đồng người Séc gốc Việt là dân tộc thiểu số của Séc, xin ông cho biết cảm xúc của mình cũng như bà con người Việt tại Séc khi đón nhận thông tin này?

Ông Hoàng Đình Thắng: Khi nhận được thông tin phiên họp ngày 03/7/2013, Chính phủ Séc đã thông qua việc mở rộng Hội đồng dân tộc thiểu số của Chính phủ với 2 thành viên mới, đại diện cho cộng đồng người Séc gốc Việt và cộng đồng người Séc gốc Belarus, chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi. Quyết định nói trên đồng nghĩa với việc chính thức công nhận cộng đồng người Séc gốc Việt tại Séc là dân tộc thiểu số thứ 14 của Séc khi cộng đồng đã đáp ứng đủ các điều kiện như luật định. Đây là một sự kiện trọng đại, đánh dấu bước ngoặt phát triển của cộng đồng người Việt Nam tại Séc, với ý nghĩa đặc biệt quan trọng là bà con kiều bào ta được cải thiện địa vị pháp lý, vào sân chơi chung hưởng quyền bình đẳng về trách nhiệm và quyền lợi như các dân tộc thiểu số khác ở CH Séc.

Có được kết quả này là nhờ công sức của Hội người Việt Nam tại CH Séc, Hội người Séc gốc Việt và nhất là toàn thể bà con trong cộng đồng người Việt Nam tại CH Séc đã phấn đấu tích cực trong một quá trình liên tục.

PV: Với sự công nhận chính thức của Chính phủ CH Séc trở thành một dân tộc thiểu số của Séc thì cộng đồng người Việt Nam tại Séc có những thuận lợi gì trong cuộc sống cũng như công việc của mình, thưa ông?

Ông Hoàng Đình Thắng: Sau khi được công nhận, cộng đồng người Séc gốc Việt sẽ có một số quyền lợi thiết thực như Luật về dân tộc thiểu số qui định, đó là:

- Quyền được bàn và giải quyết các vấn đề liên quan đến dân tộc thiểu số.

- Quyền được sử dụng các tên và ký hiệu đa ngôn ngữ.

- Quyền được sử dụng tên và họ đầy đủ trong ngôn ngữ của tiếng dân tộc thiểu số.

- Quyền được sử dụng tiếng dân tộc thiểu số trong giao tiếp với công sở và tòa án.

- Quyền được học hành trong ngôn ngữ tiếng dân tộc thiểu số.

- Quyền được giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc thiểu số.

- Quyền được phát hành và thu nhận thông tin bằng ngôn ngữ dân tộc thiểu số.

Có thể thấy, cộng đồng người Séc gốc Việt được chính thức công nhận là điều kiện cơ bản để bà con hội nhập sâu rộng, thực hiện tốt quyền lợi và trách nhiệm của mình đối với xã hội sở tại; có điều kiện thuận lợi hơn trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Việt tại CH Séc, góp phần tích cực trong việc làm phong phú thêm nền văn hóa sở tại. Ngoài ra, còn quyền bình đẳng về quyền lợi và trách nhiệm như các dân tộc thiểu số khác; cộng đồng cũng có nhiều cơ hội tốt để thúc đẩy ngoại giao nhân dân, mở rộng quan hệ hợp tác, hữu nghị với 12 cộng đồng dân tộc thiểu số khác đã được Chính phủ Séc công nhận trước đây.

PV: Trong thời gian tới, Hội người Việt Nam tại Séc và Hội người Séc gốc Việt có những dự định gì trong hoạt động để đáp ứng vị thế mới của mình?

Ông Hoàng Đình Thắng: Đã nhiều năm nay, Hội người Việt Nam tại CH Séc đã phối hợp với các hội đoàn của người Việt tại CH Séc tổ chức thành công nhiều hoạt động về văn hóa, văn nghệ, thể thao, khuyến học, từ thiện của cộng đồng nhằm mục đích xây dựng cộng đồng đoàn kết, phát triển ổn định. Mặt khác, Hội cũng phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam đẩy mạnh việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người, bản sắc văn hoá Việt Nam; phát huy vai trò cầu nối quan trọng trong việc giới thiệu cơ hội đầu tư, xúc tiến thương mại giữa hai nước Việt Nam và CH Séc; tiếp tục đẩy mạnh phong trào cộng đồng người Việt Nam “nói không với ma túy”… Khi được chính thức công nhận là dân tộc thiểu số của Séc, sẽ là điều kiện thuận lợi để Hội người Việt Nam tại Séc, Hội người Séc gốc Việt và các hội đoàn khác làm tốt hơn các hoạt động nói trên. Góp phần tích cực trong việc xây dựng cộng đồng Việt Nam đoàn kết, phát triển, hội nhập để không phụ lòng tốt, sự quan tâm giúp đỡ của Chính phủ và nhân dân Séc với cộng đồng người Việt ta tại đây.

PV: Xin chân thành cảm ơn ông!

Lộ trình đề nghị công nhận cộng đồng người Séc gốc Việt
là dân tộc thiểu số thứ 14 của CH Séc

- Tháng 9/2007, nhân chuyến thăm chính thức CH Séc của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, Hội người Việt Nam tại Séc  đề nghị Chính phủ CH Séc xem xét, công nhận cộng đồng người Séc gốc Việt là dân tộc thiểu số. Hội đồng Chính phủ về dân tộc thiểu số CH Séc đồng ý cho đại diện Hội người VN tại Séc, với tư cách là khách mời thường xuyên, được tham dự tất cả các cuộc họp của Hội đồng để tiếp cận thông tin, nắm bắt những vấn đề liên quan và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng Việt Nam với Hội đồng nhưng không có quyền biểu quyết.

- Từ năm 2010, lên lộ trình 6 bước và xúc tiến tích cực đến khi được công nhận. Theo đó:

Bước 1: Tổ chức nắm tình hình về nhu cầu của bà con cộng đồng, quan điểm các cơ quan chức năng sở tại về vấn đề này và đánh giá tính khả thi của Đề án.

Bước 2: Xây dựng Đề án, thành lập Tổ công tác.

Bước 3: Xúc tiến việc lập hồ sơ đề nghị lên Hội đồng Dân tộc thiểu số CH Séc.

Bước 4: Tổ chức đàm phán, đối thoại với các cơ quan chức năng và vận động hành lang.

Bước 5: Tổ chức khảo sát thực tế về thực trạng năng lực hội nhập của cộng đồng người Séc gốc Việt.

Bước 6: Hoàn thiện hồ sơ và phương án nhân sự về người đại diện trong Hội đồng dân tộc thiểu số Chính phủ Séc.

- Ngày 05/9/2011, Hội người Việt Nam tại CH Séc cùng với Hội người Séc gốc Việt một lần nữa đồng trình Đơn đề nghị Chính phủ Séc về vấn đề này và thống nhất lộ trình thực hiện.

- Trong suốt quá trình trên, đại diện Đại sứ quán VN tại Séc, Hội người Việt Nam và Hội người Séc gốc Việt đã có nhiều cuộc làm việc với Hội đồng Chính phủ về các dân tộc thiểu số, với các cơ quan ban ngành chức năng của CH Séc để trao đổi, đối thoại, bàn bạc, thống nhất phương án giải quyết các vấn đề đặt ra, nhằm tạo ra sự đồng thuận, thúc đẩy tiến độ Đề án theo đúng kế hoạch đã định. Mặt khác, Đại sứ quán phối hợp với Hội người Việt Nam tại Séc, Hội người Séc gốc Việt và Hội hữu nghị Séc - Việt  tổ chức nhiều cuộc hội thảo “Cộng đồng người Việt Nam tại CH Séc nói không với ma túy” nhằm hạn chế các tiêu cực và cải thiện hình ảnh cộng đồng người Việt Nam tại CH Séc.

- Ngày 3/7/2013, Chính phủ CH Séc chính thức công nhận cộng đồng người Séc gốc Việt là dân tộc thiểu số thứ 14 tại quốc gia này.

Vũ Thuý

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Du học xong nên về nước hay ở lại? (Kỳ 1)
Ngôi nhà chung của thanh niên sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ
Du học xong nên về nước hay ở lại? (Kỳ 2)
Người Việt ở Kazakhstan
Muốn học tốt tiếng Việt, cần hiểu rõ văn hóa Việt
Tết quê người... Tết quê nhà
Hội Phụ nữ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ - Mái ấm của chị em người Việt
Phát động cuộc thi viết đoạn văn, thơ về 'Người phụ nữ Việt Nam nơi xa xứ'
Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam tại Liên bang Nga
Nhịp cầu hữu nghị Nga-Việt tại Đại học Tài chính Quốc gia Moskva ở Nga
Đông đảo kiều bào đang sinh sống tại Lào về dự Lễ Thượng Nguyên
Kiều bào tại Thái Lan dâng lễ cầu an Tết Thượng nguyên
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang