15/08/2011 11:15:40 AM
Về thăm khu di tích cách mạng Tân Trào

Tân Trào là một xã của huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Nơi đây có điều kiện địa lý khá thuận lợi, có núi Hồng, sông Phó Đáy che chở. Khu Di tích Văn hóa - Lịch sử và sinh thái Quốc gia Tân Trào là tâm điểm của những chuyến du lịch về nguồn với gần 20 điểm di tích, trong đó, lán Nà Lừa, cây đa Tân Trào, đình Tân Trào là những điểm nhấn...

 Trong những ngày mùa thu Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9, đi nơi đâu trên đất Tân Trào, đều thấy rực rỡ những hình ảnh về Bác, về những câu chuyện kể về Bác và cách mạng trong những ngày trước khi diễn ra sự kiện 19/8/1945.

Tân Trào là tên mới, được hợp nhất từ hai xã Tân Lập và Hồng Thái vào năm 1945 (trước đây còn gọi là Kim Long và Kim Châu). Đình Tân Trào là một đình nhỏ được xây dựng vào năm 1923 theo kiểu nhà sàn, cột gỗ, ba gian hai chái, mái lợp lá cọ, sàn lát ván, để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và là nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa của dân làng. Đình thờ 8 vị thành hoàng làng đại diện cho các thần sông, thần núi của làng Tân Lập, xã Tân Trào.


 
Di tích đình Tân Trào (Tuyên Quang)

Dưới mái đình này, ngày 16/8/1945, các đại biểu trên khắp mọi miền Tổ quốc đã về họp Quốc dân Đại hội. Sáng ngày 17/8/1945, thay mặt Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam, Bác Hồ đã đọc lời thề thiêng liêng trong lễ ra mắt Quốc dân tại nơi đây.

Đình Tân Trào nơi chúng tôi đến tham quan có một địa thế rất đẹp. Từ chân núi Hồng có một con suối nhỏ trong vắt mang tên Khuôn Pén chảy về cung cấp nước tưới cho cánh đồng và ra tới trước đình làng Tân Trào thì lượn thành một vòng cung mềm mại. Nhìn từ xa, đình Tân Trào như được bao bọc bởi những dải lụa màu xanh thẳm của non- nước - mây - trời.

Câu chuyện Bác Hồ bên dòng suối Khuôn Pén trong giờ phút lịch sử tại Đại hội Quốc dân cách nay hơn 60 năm, hầu như người dân Tân Trào nào cũng đều nhớ. Sự kiện diễn ra vào sáng 17/8/1945, sau 1 ngày Quốc dân Đại hội được khai mạc dưới mái đình Tân Trào. Hôm đó, trời mưa, đường lầy lội nên Bác phải đi chân đất từ lán Nà Lừa tới đình. Khi tới nơi, Bác đã xuống dòng suối Khuôn Pén để rửa chân. Sau đó, Bác đi lên và đứng cạnh tảng đá phía trước cửa đình và đọc lời tuyên thệ. Vì Bác rất am hiểu phong tục tập quán của nhân dân nơi đây, hòn đá phía trước đình là nơi thường để mâm xôi để cúng tế nên Bác không đứng lên hòn đá, mà đứng cạnh đó. Nội dung của lời tuyên thệ: “Chúng tôi là người do Quốc dân Đại hội bầu vào Ủy ban Dân tộc Giải phóng để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân ta. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên; ra sức chống quân thù giành độc lập cho Tổ quốc. Dù hy sinh đến giọt máu cuối cùng, quyết không lùi bước! Xin thề! Xin thề! Xin thề!”. Giọng Bác trang nghiêm, lời thề ngắn gọn, hùng hồn, thể hiện khí phách chiến đấu kiên cường, bất khuất của dân tộc ta. Và mái đình Tân Trào đã chứng kiến lời thề của Bác, chứng kiến những ngày sôi sục của cuộc tổng khởi nghĩa Tháng 8 lịch sử.

Mái đình Tân Trào không chỉ ghi dấu những sự kiện lịch sử trong thời kỳ cách mạng, mà còn ghi dấu những sự kiện sâu sắc trong thời kỳ hòa bình. Vào ngày 20/3/1961, Bác Hồ đã về thăm lại quê hương cách mạng Tân Trào, thăm lại mái đình Tân Trào-nơi mở đầu cho một cuộc cách mạng vĩ đại của dân tộc ta.

Lán Nà Lừa là một căn lán nhỏ, nằm ở sườn núi Nà Lừa, cách làng Tân Lập gần 1 km về hướng đông, lán được dựng bằng tre theo kiểu nửa sàn, nửa đất của người miền núi. Tại đây, ngày 4/6/1945, Bác đã triệu tập Hội nghị cán bộ để củng cố căn cứ địa cách mạng, thành lập Khu giải phóng và Quân giải phóng, chuẩn bị Hội nghị Toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội.

Lán được chia làm 2 gian nhỏ, một bên là nơi Bác nằm nghỉ, một ngăn vừa là chỗ làm việc, vừa là nơi tiếp khách. Tại đây, từ tháng 5 đến tháng 8/1945, Bác Hồ đã ở và làm việc để chuẩn bị khởi nghĩa và lãnh đạo Cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Cây đa Tân Trào cách đình Tân Trào khoảng 500m về phía đông. Dưới bóng cây đa này, chiều 16/8/1945, Việt Nam Giải phóng quân đã làm lễ xuất quân trước sự chứng kiến của nhân dân Tân Trào và 60 đại biểu. Đồng chí  Võ Nguyên Giáp đã đọc Bản Quân lệnh số 1 và ngay sau đó hành quân về giải phóng Hà Nội.

Lán Nà Lừa, đình Tân Trào, cây đa Tân Trào… mỗi địa danh trong chuỗi các di tích lịch sử, đều gắn bó với Bác Hồ, với mỗi sự kiện lịch sử cách mạng liên quan đến vận mệnh dân tộc trước Cách mạng Tháng 8… Du khách đến đây như được hồi tưởng lại quá khứ hào hùng của dân tộc những ngày Tháng 8 lịch sử.

(Theo Tin tức)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
  • Huyền thoại sông Hàn (11/08/2011)
  • Nét duyên các hồ ở Đà Lạt (08/08/2011)
  • Những ngọn núi huyền bí ở An Giang (03/08/2011)
  • Độc đáo Nhà Trăm Cột (01/08/2011)
  • Một thoáng biển đảo Kiên Giang (28/07/2011)
  • Khám phá hồ Định Bình (27/07/2011)
  • Bình yên Cát Cát (19/07/2011)
  • Khám phá đô thị ven biển đầu tiên của người Việt (15/07/2011)
  • Sóc Trăng – Vùng đất giàu tiềm năng du lịch (14/07/2011)
  • Huế-Diễm lệ những công trình (11/07/2011)
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Phú Thọ - miền đất của những di sản văn hóa và danh thắng
Kỷ niệm 45 năm ngày thống nhất đất nước: Chuyến đi thăm đảo Phú Quốc nhiều ấn tượng về giá trị lịch sử
Hồ Gươm
Nghệ An – Vùng đất địa linh nhân kiệt
Việt Nam quê hương tôi - giấc mơ về một xứ sở thanh bình
Mảnh đất – con người Quảng Trị
Sơn La - lặng lẽ nơi này
Phú Quốc – Hòn ngọc quý của Việt Nam đang cất cánh
Phố biển và phố núi rực màu phượng đỏ
Khám phá vẻ đẹp ruộng bậc thang ở Lào Cai
Hòn Dấu - Một khám phá mới
Non nước Cô Tô
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang