15/11/2011 03:19:15 PM
Phu Văn Lâu - một di tích văn hoá và lịch sử

“Ngọ Môn năm cửa chín lầu/ Cột cờ ba cấp, Phu Văn Lâu hai tầng”. Câu ca dao đã mô tả một cách ngắn gọn nhưng khá đầy đủ và chính xác ba công trình kiến trúc tiêu biểu nhất nằm ở mặt tiền của hệ thống thành quách cung điện Huế.

Ngọ Môn là bộ mặt của Hoàng Thành, Đại Nội. Cột cờ hay Kỳ đài là hình ảnh nổi bật nằm ở vị trí trung tâm của cố đô. So với hai công trình kiến trúc ấy thì Phu Văn Lâu chỉ là một tòa nhà tương đối nhỏ. Nhưng, tại sao nó lại được nói lên cùng một lượt, xem như ngang hàng? Chắc hẳn nó phải có một giá trị nào đó về mặt văn hoá và lịch sử.

Chúng ta thử tìm hiểu về mặt kiến trúc, chức năng văn hoá của tòa nhà, và một số sự kiện lịch sử đã xảy ra ở đây.

Theo một số sử sách của quốc sử quán triều Nguyễn thì vào đầu thời Gia Long, khi chưa có tòa nhà như ta đang thấy hiện nay triều đình đã cho xây dựng ở vị trí ấy một ngôi nhà nhỏ gọi là Bảng Đình, “các chiếu thư dụ chỉ đem bá cáo thì treo yết ở đó” . Đến tháng 6 năm Gia Long thứ 18 (tháng 7/1819), triều đình cho giải tỏa Bảng Đình ấy đi và xây dựng vào đó tòa nhà hai tầng được đặt tên là Phu Văn Lâu .


 
Phu Văn Lâu, hồi đầu thế kỷ 20 (Tranh màu nước
của Gras,BAVH, No4, 1915) - Ảnh: vietsciences.free.fr


Tòa nhà kiến trúc trên một cái nền hình vuông mỗi cạnh 12,24m. Mặt đất của đoạn thành giai này hơi xuôi về phía trước, nên nền cao đến 1,22m ở mặt tiền, còn ở mặt hậu thì nền chỉ cao 1,07m. Mặt nền lát đá cẩm thạch, quanh sân lát gạch Bát Tràng, nhưng nay sân đã thay thế bằng gạch ca-rô đúc bằng xi-măng. Tòa nhà chia làm hai tầng, gồm hai bộ mái chồng lên nhau, dưới lớn trên nhỏ. Mái ngày xưa lợp ngói ống tráng men vàng (hoàng lưu ly) là loại ngói được dùng để lợp cho tất cả các cung điện nằm ở trục chính của Kinh thành.

Tòa nhà có 16 cột gỗ tròn sơn màu đỏ đậm. Bốn cột chính ở giữa chạy liên tục từ trên nền đến nóc tầng trên, cao khoảng 8 mét. Cột gỗ lim, chu vi trung bình 10,7m, 12 cột quần ở chung quanh cao khoảng 3m, có tiết diện nhỏ hơn, chu vi từ 0,95m đến 1m. Mỗi cột nhà đều dựng trên một bệ đá thanh. Những viên đá tảng được chạm thành hai tầng, dưới vuông trên tròn, cao 31cm. Chung quanh mặt nền, xây một hệ thống lan can cao 0,65m, chỉ bị gián đoạn ở các hệ thống bậc thềm giữa 3 mặt trước, trái và phải dùng để lên xuống. Hai lối đi hai bên không có thành bậc thềm. Hai bên hệ thống bậc cấp mặt trước có thành bậc chạm hình rồng. Đứng từ mặt nhìn lên, ta thấy có trần gỗ.

Từ tầng dưới đi lên tầng trên bằng một cầu thang bằng gỗ đặt ở góc phải.

Ở tầng trên, cả 4 mặt đều dựng đố bản, kiểu đố lụa khung tranh. Hai mặt trước và sau trổ cửa sổ tròn, hai mặt trái và phải trổ cửa sổ vuông, đối xứng nhau từng cặp. Chạy quanh bên ngoài là một hệ thống lan can con tiện bằng gỗ trau chuốt thật thanh tú và duyên dáng.

Ở nội thất không trần thiết gì, nhưng ngoại thất thì trang trí đẹp. Trên nóc lầu đắp cặp hồi long chầu mặt nhật. Các góc mái chắp hình con giao. Các bờ nóc, bờ quyết đều chia ra từng ô hộc kiểu lòng giếng, trong đó trang trí các thứ hoa lá đắp nổi bằng sành sứ nhiều màu. Trước mặt tầng này treo tấm biển gỗ đề ba chữ Phu Văn Lâu.

Dạng thức cấu trúc tòa nhà nằm trong hệ thống âm dương ngũ hành. Phu Văn Lâu hai tầng tượng trưng cho lưỡng nghi. Ở tầng trên, hai cặp cửa sổ tròn và vuông biểu hiện rõ rệt hình dáng trời và đất: trời tròn đất vuông. Cái nền, bộ phận thấp nhất của tòa nhà, có kích thước hình vuông, cũng tượng trưng cho đất, hình ảnh mặt trời trên nóc tầng hai, bộ phận kiến trúc cao nhất, hình tròn, cũng tượng trưng cho trời. Tòa nhà tuy không lớn nhưng đứng ở một vị trí quan trọng: ngay giữa mặt tiền kinh thành. Bởi vậy, ý niệm kiến trúc mang tính triết lý ấy phải được thể hiện ở đây. Dụng ý của các nhà kiến trúc Việt Nam đầu thế kỷ 19 được thấy rõ hơn qua kiểu xây dựng Kỳ đài và Ngọ Môn nằm trong câu ca dao đã được nhắc đến. Kỳ Đài ba cấp tượng trưng cho tam tài: thiên, địa, nhân. Ngọ Môn năm cửa biểu hiện ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Như vậy, nếu tính từ ngoài và trong kinh thành thì khái niệm kiến trúc siêu nhiên ấy đã thể hiện từ lưỡng nghi (âm dương) với Phu Văn Lâu, qua tam tài và Kỳ Đài, đến Ngũ hành với Ngọ Môn. Và, nếu nhìn xa hơn một quãng nữa hòn núi Ngự Bình dùng làm tiền án cho đế đô có thể tượng trưng cho thái cực. Phải chăng cả một loạt thực thể và kiến trúc nằm trên trục chính kinh thành Huế đã đi từ thái cực đến lưỡng nghi, rồi qua những yếu tố khác nữa trong hệ thống Thái cực- Lưỡng nghi - tứ tượng - bát quái - vạn vật?

Tóm lại, về mặt kiến trúc, ngoài vẻ đẹp thanh thoát, nhẹ nhàng và tỷ lệ hài hòa cân xứng của nó, Phu Văn Lâu còn mang rõ tính triết lý theo thế giới quan của người xưa nữa.

Trong trận bão lớn năm giáp thìn (1904), Phu Văn Lâu bị hư hỏng hoàn toàn. Năm sau (1905), vua Thành Thái đã cho tái thiết lại theo quy mô cũ. Tấm biển dưới mái lầu mặt trước hiện nay là tấm biển đã được làm lại dưới thời Thành Thái trong lần tu sửa ấy.

Trên biển, ngoài ba chữ đại tự Phu Văn Lâu, còn ghi hai lạc khoản với cỡ chữ nhỏ.

Lạc khoản thứ nhất viết: Gia Long thập bát niên lục nguyệt nhật kiến (nghĩa là xây dựng vào một ngày thuộc tháng 6 năm Gia Long thứ 18, tức là tháng 7/1819).

Lạc khoản thứ hai ghi: Thành Thái thập thất niên nhị nguyệt nhật trùng kiến (nghĩa là xây dựng lại vào một ngày thuộc tháng 2 năm Thành Thái thứ 17, tức là tháng 3/1905).

Trong đợt tái thiết này, ngói ống hoàng lưu ly đã bị thay thế bằng ngói âm dương màu gạch.

Hai lần tu sửa tiếp theo là vào năm 1963 và năm 1974. Trong lần tu sửa 1963, người ta đã dựng hệ thống vách gỗ ở cả bốn mặt tầng trên thay cho đồ bản cũ có cửa sổ tròn và vuông ngày trước; chỉ trổ một cửa lá sách ở giữa mặt tiền, kiểu thượng song hạ bản. Trong lần tu sửa 1974, người ta thay thế một số rui, đòn tay bằng gỗ, lợp lại mái bằng ngói âm dương thông thường: và nhất là thay bốn cột giữa và bốn cột góc bằng bê-tông cốt sắt giả gỗ như ta đang thấy hiện nay. Lần tu sửa gần đây nhất vào cuối năm 1984. Trong đợt này, người ta đã thay thế một cột quân đã mục nát, hai kèo, một số đòn tay và rui đã hỏng vì mái bị thủng. Ngói ở cả hai tầng mái được lợp lại, nhưng diềm mái lại không được tu bổ.

Vậy Phu Văn Lâu là gì? Chữ Phu Văn Lâu thường bị một số người viết nhầm, đọc nhầm là Phú Văn Lâu. Thực ra: Phu là trình bày ra, phô diễn ra. Văn là vẻ đẹp, ý nghĩa bao hàm trong các chữ văn chương, văn nghệ, văn học, văn hoá. Lâu là ngôi nhà lầu, vì nó có hai tầng. Như thế, Phu Văn Lâu là ngôi nhà lầu dùng để phô diễn những cái hay, cái đẹp trong văn hoá, nghệ thuật cho mọi người thưởng ngoạn.

Tòa nhà này đã từng được nhà nước phong kiến giao cho những chức năng như trong nghĩa đen vừa giải thích:

Một là nơi yết thị các chiếu chỉ của triều đình và kết quả các kỳ thi đình; hai là nơi tổ chức các cuộc vui để mừng tuổi thọ của các vua nhà Nguyễn.

Thật vậy, tầng dưới (để trống cả bốn mặt chung quanh, bên trong cũng chẳng trần thiết gì) khi cần, người ta treo lên một tấm bảng sơn son thếp vàng, gọi là Kim bảng hay Bảng vàng, để đính vào đó những chiếu chỉ của nhà vua cần thông báo cho thần dân, hay niêm yết danh sách những sĩ tử thi đỗ tiến sĩ, phó bảng trong các kỳ thi đình (cũng còn gọi là điện thí) được tổ chức ở hoàng cung. Các cuộc sát hạch ở bậc cao nhất này thường diễn ra ở hai nhà Tả Vu, Hữu Vu hoặc Duyệt Thị Đường trong phạm vi Tử Cấm thành. Thông thường nhà vua ra đề thi, chấm bài và quyết định kết quả trong kỳ thi. Các thí sinh trúng tuyển được vua trao tặng lễ phục, vật phẩm và đãi yến tiệc tại điện Cần Chánh, và đôi khi còn được vua cho cưỡi ngựa xem hoa ở vườn ngự uyển. Hôm sau, triều đình tổ chức cuộc lễ truyền lô tại điện Thái Hòa hay tại Ngọ Môn để xướng danh những người thi đỗ. Tiếp đó, họ được ghi tên trên một tấm bảng lớn gọi là Bảng vàng. Tấm bảng được rước một cách trọng thể đến Phu Văn Lâu để treo yết ở đây cho mọi người đến đọc; có lính canh gác và quan hữu trách túc trực. Sau 3 ngày, tấm bảng ấy lại được rước một cách trọng thể đến trường Quốc Tử Giám để lưu trữ, xem như là một văn vật quý của nhà trường. Cuối cùng, những người đỗ tiến sĩ còn được khắc tên tuổi và quê quán vào bia đá, dựng ở Văn Miếu bên cạnh trường Quốc Tử Giám. Hiện nay, tại Văn Miếu Huế còn có 32 tấm bia tiến sĩ lập từ các khoa thi từ thời Minh Mạng đến thời Khải Định. Cái tên “Bảng vàng bia đá” là như vậy. “Bảng vàng” treo ở Phu Văn Lâu. “Bia đá” dựng ở Văn Miếu.

Ngoài ra, mỗi lần nhà vua ban chiếu chỉ gì thì văn bản đó cũng đưa ra niêm yết ở Phu Văn Lâu.

Vào năm 1829, một năm trước khi xây dựng Hổ Quyền - một trường đấu của voi và cọp, Minh Mạng đã cho tổ chức một trận đấu giữa voi và cọp trước Phu Văn Lâu. Nhà vua đã ngồi trên một chiếc thuyền rồng đậu gần bờ sông Hương để xem. Mặc dù con cọp đã bị buộc vào một cái cọc rất chắc, nhưng vì nó mạnh quá nên đã bứt được dây và bơi về phía thuyền vua. Mọi người hoảng hốt. Không có vũ khí trong tay, vua Minh Mạng phải dùng một cái sào để đẩy lùi con vật. Ngay sau đó, mấy người lính nhảy xuống một chiếc thuyền nhỏ tiến đến gần con thú và giết nó chết giữa dòng sông.

Vào năm 1830, nhân dịp Tứ tuần Đại khánh của Minh Mạng, triều đình đã tổ chức ở khu vực Phu Văn Lâu những cuộc vui chơi, yến tiệc trong suốt 3 ngày để chào mừng . Chính nhà vua cũng ngự ra ở Phu Văn Lâu để xem các trò vui chơi đặc biệt do nhiều địa phương về biểu diễn. Trong dịp này, Minh Mạng cho mời 100 vị bô lão ở kinh đô và các tỉnh lân cận có tuổi từ 70 trở lên. Số tuổi của họ cộng lại thành 10.000 tuổi chẵn, tức là 10.000 năm, đúng với ý nghĩa chữ “vạn thọ” để chúc nhà vua sống lâu. Đối với các cụ từ 100 tuổi trở lên, vua thăm hỏi từng người và trao tặng cho họ mỗi vị một lạng quế và một đồng tiền vàng. Sau đó, tất cả các vị kỳ lão ấy đều được nhà vua khoản đãi yến tiệc và chúc mừng họ lại bằng một số bài thơ ngự chế.

Tại Phu Văn Lâu cũng là nơi nhà vua cùng triều thần duyệt khán các đơn vị bộ binh và kỵ binh của triều đình diễu hành. Sau đó vua xuống bến sông Hương để duyệt khán thủy binh, và xem cuộc đua thuyền đầy hào hứng và thú vị ở trên sông.

Theo gương của Minh Mạng, về sau các vua Thiệu Trị và Tự Đức cũng mời các vị kỳ lão về dự các ngày lễ tứ tuần và ngũ tuần của nhà vua. Trong dịp nầy, nhân dân nô nức đến xem các nghệ nhân từ nhiều nơi trên cả nước về biểu diễn trò chơi và ca nhạc vũ ở nhà rạp dựng lên trước bến Phu Văn Lâu. Các cuộc vui công cộng diễn ra ở đây suốt 3 ngày liền.

Vào năm 1843, Thiệu Trị còn cho dựng gần bên phải Phu Văn Lâu một nhà bia nhỏ, trên mặt bia khắc bài “Hương Giang hiểu phiếm”(Đi chơi thuyền buổi sáng trên sông Hương)  là bài thứ 11 trong 20 bài thơ nhà vua làm ra để ca ngợi 20 cảnh đẹp nhất của cố đô, gọi là Thần kinh nhị thập cảnh.

Để tăng thêm vẻ uy nghiêm cho Phu Văn Lâu, triều đình đã cho dựng ở hai bên mặt tiền hai tấm bia đá thanh, mỗi bia khắc bốn chữ “khuynh cái hạ mã”, nghĩa là ai đi qua trước mặt tòa nhà này cũng phải cất nón mũ và xuống ngựa. Ở sân trước của Phu Văn Lâu cũng đã thiết trí hai bên hai khẩu súng thần công nhỏ bằng đồng (ngày nay hai tấm bia và hai khẩu súng đều không còn nguyên tại chỗ).

Ngày nay, du khách gần xa đến Huế, ai lại không một lần nhìn ngắm di tích lịch sử và văn hoá ấy của cố đô. Và, ai lại không nghe vang vọng từ đây câu hò mái nhì man mác, gợi lại tấm lòng yêu nước thiết tha của nhân dân ta, mà tương truyền gắn liền với tâm sự vua Duy Tân thuở nọ:

Chiều chiều trước bến Văn Lâu
Ai ngồi ai câu,
Ai sầu ai thảm,
Ai thương ai cảm,
Ai nhớ ai trông,
Thuyền ai thấp thoáng bên sông,
Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non.

 (Theo Tạp chí Sông Hương) 

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
  • Miếu bà Thiên Hậu: Dấu ấn của người Hoa ở Cà Mau (14/11/2011)
  • Khám phá Tam Đảo (11/11/2011)
  • Hoài niệm Lai Xá - “Đất tổ” nghề ảnh Việt Nam (09/11/2011)
  • Ai lên Xứ Lạng cùng anh... (04/11/2011)
  • Động tiên Từ Thức (03/11/2011)
  • Vân Long non nước hữu tình (31/10/2011)
  • Về Vàm Sát (28/10/2011)
  • Rừng vàng Xuân Sơn (27/10/2011)
  • Độc đáo chùa Ốc (25/10/2011)
  • Hoài cổ một mái đình (18/10/2011)
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Phú Thọ - miền đất của những di sản văn hóa và danh thắng
Kỷ niệm 45 năm ngày thống nhất đất nước: Chuyến đi thăm đảo Phú Quốc nhiều ấn tượng về giá trị lịch sử
Hồ Gươm
Nghệ An – Vùng đất địa linh nhân kiệt
Việt Nam quê hương tôi - giấc mơ về một xứ sở thanh bình
Mảnh đất – con người Quảng Trị
Sơn La - lặng lẽ nơi này
Phú Quốc – Hòn ngọc quý của Việt Nam đang cất cánh
Phố biển và phố núi rực màu phượng đỏ
Khám phá vẻ đẹp ruộng bậc thang ở Lào Cai
Hòn Dấu - Một khám phá mới
Non nước Cô Tô
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang