14/11/2011 10:48:15 AM
Miếu bà Thiên Hậu: Dấu ấn của người Hoa ở Cà Mau

Cà Mau là mảnh đất được khai phá muộn màng ở phương Nam, ghi dấu những bước chân cuối cùng trên con đường vạn dặm đi chinh phục thiên nhiên để mở mang bờ cõi. Từ xưa, nơi đây là mảnh đất cộng cư của 3 dân tộc Kinh - Hoa - Khmer. Đồng bào các dân tộc sống đan xen với nhau, hỗ trợ lẫn nhau về tinh thần và vật chất để cùng phát triển.

Người Hoa có số lượng dân cư ít hơn người Kinh và Khmer nhưng đã đóng góp rất nhiều trong việc xây dựng đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của địa phương. Địa bàn sinh sống của người Hoa chủ yếu tập trung tại TP Cà Mau và các trung tâm huyện, thị trấn, nghề nghiệp chính là buôn bán, tiểu thủ công nghiệp.

Đặc điểm nhận biết khu vực người Hoa sinh sống là các chùa, miếu, các hội quán. Chùa, miếu là chỗ dựa tinh thần, là nơi gặp gỡ giao lưu, quan hệ làm ăn, sinh hoạt văn hóa… Trong số những cơ sở thờ tự của người Hoa ở Cà Mau thì Miếu Bà Thiên Hậu là hiện tượng tín ngưỡng rất đặc trưng.



 Chùa Bà Thiên Hậu tọa lạc tại phường 2, TP Cà Mau

Miếu Bà Thiên Hậu được xây dựng ở nhiều nơi trong tỉnh: miếu ở phường 2, TP Cà Mau; miếu ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời; miếu ở xã Phú Hưng, huyện Cái Nước; miếu ở thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình… Trong đó, Miếu Bà Thiên Hậu ở phường 2, TP Cà Mau (người dân quen gọi là Chùa Bà, hay Chùa Bà Thiên Hậu) là nơi được biết đến nhiều nhất.

Vào những ngày xuân, ngày rằm, ngày vía… khách thập phương tập trung về đây rất đông để dâng hương, cầu nguyện và xin quẻ xăm để đoán vận may. Vị trí tọa lạc của miếu thuận lợi cả đường bộ lẫn đường sông, đắc địa cả hai thế phong thủy "Nhất cận thị, nhị cận giang" (thứ nhất gần chợ, thứ nhì gần sông).

Ngôi miếu đã được lập ở đây từ rất lâu, vào khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, lợp bằng lá. Đến năm Quý Mão (1903) cộng đồng người Hoa ở Cà Mau đã chở vật liệu từ cảng Hạ Môn (tỉnh Phúc Kiến - Trung Quốc) sang để xây cất như kiến trúc hiện nay. Miếu thờ Bà Thiên Hậu, một nhân thần rất được tín ngưỡng của đồng bào người Hoa.

Truyền thuyết về Bà Thiên Hậu có nhiều dị bản, theo "Đại Thanh nhất thống chí" thì bà tên là Lâm Tức Mặc (Mặc có nghĩa là yên tịnh), con thứ 6 của Lâm Nguyện, người Bồ Điền, tỉnh Phúc Kiến, nguyên là cô gái dệt lụa sinh vào ngày 23 tháng 3 âm lịch (bà sinh vào khoảng năm Công nguyên 960). Tương truyền Lâm Tức Mặc khi sinh ra có hương thơm ngào ngạt, hào quang rực rỡ xung quanh, và đặc biệt là không hề khóc (vì vậy nên có truyền thuyết cho rằng bà tên là Lâm Mặc Nương, "Mặc Nương" nghĩa là bé gái không khóc).

Từ nhỏ, bà đã có lòng giúp đỡ người khác, bà đã phát hiện ra một thứ rong biển dùng để nấu thạch làm thức ăn cứu đói cho dân, và còn tìm ra một thứ dầu ăn gọi là "ma mộc" rút từ cây thuộc họ vừng (mè) giúp dân nghèo qua những trận đói kéo dài. Có tích kể rằng bà nổi tiếng bơi lặn giỏi và biết chữa bệnh, bà hay mặc đồ đỏ đứng ở bờ biển làm hiệu hướng dẫn thuyền bè cặp bến an toàn cho dù trời đang mưa hay bão… Vào ngày mồng 9 tháng 9 âm lịch, bà không bệnh tật mà tự nhiên qua đời. Theo "Thánh phả" cho rằng bà đã "hóa" vào một ngày có quần tiên tấu nhạc. Những cổ kiệu trong các miếu thờ bà thường có chữ "Bạch nhật phi thăng" có nguồn gốc từ tích này.

Vào các thời Tống, Nguyên, Minh, Thanh (Trung Quốc), ngư dân thường thấy bà hiển linh, mặc áo đỏ bay lượn trên biển cứu hộ thuyền bè gặp nạn. Các triều đại vua chúa của Trung Quốc đã sắc phong cho bà nhiều danh hiệu: Hộ Quốc Bảo Dân, Thánh Phi… nhà Tống phong bà là Phu Nhân, triều nhà Minh phong bà là Thiên Phi, triều nhà Thanh phong bà là Thiên Hậu Thánh Mẫu.

Người dân ở quê hương bà (Phúc Kiến) tôn bà là Thần Biển, nên di cư đến đâu đều mang thần tích lập đền thờ đến đó. Chính vì thế, rất nhiều địa phương ở nước ta, dọc theo bờ biển, hoặc nơi có đông đồng bào người Hoa sinh sống thường xuất hiện đền, miếu thờ Bà Thiên Hậu. Điển hình một số nơi như: Đền thờ Thiên Hậu ở thị xã Hưng Yên (xây dựng năm 1640), Chùa Bà Thiên Hậu ở huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận (xây dựng năm 1725), Chùa Thiên Hậu ở quận 5, TP Hồ Chí Minh (xây dựng năm 1760), Chùa Bà Bình Dương tại thị xã Thủ Dầu Một (thành lập giữa thế kỷ 19), Chùa Bà Thiên Hậu ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng (xây dựng năm 1893), Miếu Bà Thiên Hậu ở xã Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu (thành lập năm 1863)… Hệ thống miếu thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu ở Cà Mau nằm trong mối quan hệ tín ngưỡng này.

Các đền, miếu thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu hầu hết đều có kiến trúc gần giống nhau và mang đậm màu sắc kiến trúc Trung Hoa. Bên trong thường treo các bức đại tự nói về việc đi sông biển và ngợi ca tài danh của bà: "Phong điều vũ thuận - Quốc thái dân an" (Mưa gió điều hòa - Đất nước yên vui), "Hải bất dương ba" (Biển không nổi sóng), "Quá hải tề thiên" (Vượt biển trời êm)…

Một số nơi còn khắc họa trên tường, trên cột những tranh vẽ, điêu khắc cô đọng nội dung những câu chuyện lấy từ điển tích Trung Hoa như: Bát tiên quá hải, Hội bàn đào, Tây du ký, Trúc Lâm thất hiền, Võ Tòng đả hổ, Lưỡng long tranh châu, Thôi Tiêu dẫn phượng, Địch Thanh tỉ võ…

Miếu Thiên Hậu Thánh Mẫu là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa cộng đồng. Hằng năm, vào ngày Vía Bà (23 tháng 3 âm lịch) thường tổ chức lễ cúng lớn và diễn ra các hoạt động văn hóa mang màu sắc Trung Hoa. Vào dịp này, tại Chùa Bà Thiên Hậu (phường 2, TP Cà Mau) có ban nhạc Đồng Tâm nghiệp dư Âm nhạc xã của người Hoa biểu diễn các tuồng tích, hát Hồ Quảng, hát Kinh Dịch… thu hút đông đảo đồng bào người Hoa và cả người Kinh, người Khmer đến tham dự. Các ngày Rằm, đặc biệt là Rằm tháng Giêng, khách hành hương hội tụ về dâng hương, cầu quốc thái dân an, buôn bán thuận lợi, cầu tài lộc, sức khỏe… vay tiền làm ăn, trả lễ tiền vay trước và rước hương lộc về nhà.

Mỗi năm vào dịp Xuân về, người dân Cà Mau cùng với khách thập phương lại tập trung về Miếu Bà Thiên Hậu để chiêm bái, dâng hương và hái lộc đầu năm./.

( Báo Cà Mau)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
  • Khám phá Tam Đảo (11/11/2011)
  • Hoài niệm Lai Xá - “Đất tổ” nghề ảnh Việt Nam (09/11/2011)
  • Ai lên Xứ Lạng cùng anh... (04/11/2011)
  • Động tiên Từ Thức (03/11/2011)
  • Vân Long non nước hữu tình (31/10/2011)
  • Về Vàm Sát (28/10/2011)
  • Rừng vàng Xuân Sơn (27/10/2011)
  • Độc đáo chùa Ốc (25/10/2011)
  • Hoài cổ một mái đình (18/10/2011)
  • Những khoảnh khắc tuyệt vời của các Di sản Việt Nam (17/10/2011)
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Phú Thọ - miền đất của những di sản văn hóa và danh thắng
Kỷ niệm 45 năm ngày thống nhất đất nước: Chuyến đi thăm đảo Phú Quốc nhiều ấn tượng về giá trị lịch sử
Hồ Gươm
Nghệ An – Vùng đất địa linh nhân kiệt
Việt Nam quê hương tôi - giấc mơ về một xứ sở thanh bình
Mảnh đất – con người Quảng Trị
Sơn La - lặng lẽ nơi này
Phú Quốc – Hòn ngọc quý của Việt Nam đang cất cánh
Phố biển và phố núi rực màu phượng đỏ
Khám phá vẻ đẹp ruộng bậc thang ở Lào Cai
Hòn Dấu - Một khám phá mới
Non nước Cô Tô
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang