03/11/2011 08:10:17 AM
Động tiên Từ Thức

Nằm cách thành phố Thanh Hóa về phía Đông Bắc khoảng 50km, ẩn mình trong dãy núi Thần Phù có Động Từ Thức hay còn gọi là Động Bích Đào. Đây là một thắng cảnh nổi tiếng của xứ Thanh, gắn liền với truyền thuyết về cuộc tình duyên lãng mạn giữa chàng Từ Thức và nàng Giáng Hương.

Chuyện xưa kể rằng, quan tri huyện Từ Thức vốn người huyện Tống Sơn (nay là huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá). Sau khi từ quan, nhân lúc nhàn rỗi ra chơi cửa biển Thần Phù, đi qua núi thấy một cái động đẹp nên vào xem và gặp nàng Giáng Hương. Hai người nên nghĩa vợ chồng, sống với nhau hạnh phúc ở trong động tiên. Lâu ngày nhớ nhà, Từ Thức trở về thăm quê, thấy người xưa cảnh cũ không còn, hỏi ra mới biết mình đã đi quá lâu. Buồn lòng, chàng quay lại cõi tiên với vợ, nhưng về đến nơi thì động tiên đã khép, vợ cũ cũng chẳng còn.

Truyền thuyết xưa là vậy, còn ngày nay, đường lên động Từ Thức men theo một lối đá mòn dài chừng hơn 100m từ dưới chân núi lên. Trước cửa động, cây cối um tùm, dây leo chằng chịt. Ngay cửa động có miếu Sơn Thần và trên vách núi có bài thơ chữ Hán vịnh cảnh đẹp động Từ Thức của vua Lê Thánh Tông (1460-1497) và nhà bác học Lê Quý Đôn (1726-1784).

Từ bao đời nay, vẻ đẹp của động Từ Thức được dân gian thêu dệt nên thành nhiều điều huyền bí qua câu chuyện tình duyên thắm đượm yếu tố huyền thoại giữa chàng Từ Thức và nàng Giáng Hương.


 
Động Từ Thức lung linh như khán phòng của một nhà hát lớn

Động chính gồm 2 phần. Phần ngoài rộng, trần động hình như một chiếc bát khổng lồ úp ngược. Phía dưới vòm động là một tòa nhũ đá tỏa xuống trông giống trái đào tiên, nên động Từ Thức xưa còn có tên là động Bích Đào. Nền động bằng phẳng, nay vẫn còn vết tích đền thờ Từ Thức lưu lại. Tại đây có những khối thạch nhũ lớn muôn hình muôn vẻ được người đời đặt tên theo sự liên tưởng như: kho bạc, kho gạo, kho muối, kho tiền…

Từ lòng động thứ nhất, lách mình qua một khe đá hẹp sẽ tới lòng động thứ hai. Tại đây có khối thạch nhũ mang hình cỗ “tam sinh“ với đủ trâu, dê, lợn… bằng đá được thiên nhiên tạo hóa bày sẵn từ bao đời. Cạnh đó, trên nền động, có một lớp thạch nhũ nhô lên giống như hình một con rồng đang nằm cuộn tròn, ở giữa có hàng trăm hòn thạch nhũ màu vàng trông như những quả trứng nên dân gian gọi đó là hình “rồng ấp trứng vàng”. Tiến sâu vào lòng động người ta càng ngạc nhiên hơn với rất nhiều khối thạch nhũ mang hình thù kì lạ tạo nên một thế giới thần tiên mà người đời vẫn thường liên tưởng đến câu chuyện tình lãng mạn của Từ Thức và Giáng Hương như: thư phòng Từ Thức, buồng tắm Giáng Hương, xiêm áo của nàng Giáng Hương, những bông hoa, những quả đào tiên, vầng trăng, đôi chim uyên ương bằng đá…


 
Bãi đá hình rồng ấp trứng


 
Những dòng thạch nhũ từ trần hang buông xuống


 
Những hoa văn của đá tạo hình như một chiếc ấn triện

Hết lòng động thứ hai, men theo một cây cầu gỗ nhỏ bắc qua con suối cạn róc rách tiếng nước chảy, du khách sẽ choáng ngợp với hình ảnh một lòng động thứ 3 cao, rộng và lung linh như khán phòng của một nhà hát lớn. Ở đây cũng có rất nhiều khối thạch nhũ muôn hình muôn vẻ tạo thành những bức tranh, hình bàn cờ, đôi hài, thảm hoa, ấn triện, áo mũ… làm cho du khách ngỡ ngàng như thấy lại cảnh sinh hoạt của tri huyện Từ Thức xưa kia.

Đi sâu vào trong, có hai dấu chân người in vào đá, tương truyền đó là dấu chân của Từ Thức. Gần đó có một vũng nước trong suốt, tương truyền là nơi tiên nữ Giáng Hương từng tắm và vui đùa. Cạnh vũng nước còn có cả một dải đá màu lục lốm đốm cùng một dải đá lô nhô mang hình thù ếch nhái… nên được ví như hình ảnh quê nhà trong nỗi nhớ quê hương của chàng Từ Thức. Cũng trong động này có hai ngách đá sâu hun hút, một hướng lên trời và một hướng xuống phía dưới lòng đất, dân gian quen gọi là đường lên cõi tiên và đường xuống địa phủ.

Sau một hồi lang thang chìm đắm với những vẻ đẹp mê hồn trong lòng động tiên Từ Thức, lúc quay ra, đứng trước cửa động, nhìn ra xa phía dưới chân núi là cả một vùng không gian rộng lớn thanh bình với những thửa ruộng vuông như ô bàn cờ, dòng sông quanh co uốn lượn, cảnh làng quê dân dã ẩn mình dưới lũy tre xanh… khiến lòng du khách bỗng nghĩ tới câu chuyện chàng Từ Thức năm xưa mãi vui lạc bước chốn thần tiên, bỗng một ngày giật mình nhớ tới quê hương muốn quay về chốn cũ./.

(Theo BAVN)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
  • Vân Long non nước hữu tình (31/10/2011)
  • Về Vàm Sát (28/10/2011)
  • Rừng vàng Xuân Sơn (27/10/2011)
  • Độc đáo chùa Ốc (25/10/2011)
  • Hoài cổ một mái đình (18/10/2011)
  • Những khoảnh khắc tuyệt vời của các Di sản Việt Nam (17/10/2011)
  • Huế, mùa Thu… (13/10/2011)
  • Chợ Bến Thành (07/10/2011)
  • Những thắng cảnh nổi tiếng đất Cần Thơ (06/10/2011)
  • Lăng đá cổ Hiệp Hòa (06/10/2011)
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Phú Thọ - miền đất của những di sản văn hóa và danh thắng
Kỷ niệm 45 năm ngày thống nhất đất nước: Chuyến đi thăm đảo Phú Quốc nhiều ấn tượng về giá trị lịch sử
Hồ Gươm
Nghệ An – Vùng đất địa linh nhân kiệt
Việt Nam quê hương tôi - giấc mơ về một xứ sở thanh bình
Mảnh đất – con người Quảng Trị
Sơn La - lặng lẽ nơi này
Phú Quốc – Hòn ngọc quý của Việt Nam đang cất cánh
Phố biển và phố núi rực màu phượng đỏ
Khám phá vẻ đẹp ruộng bậc thang ở Lào Cai
Hòn Dấu - Một khám phá mới
Non nước Cô Tô
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang