24/11/2011 04:16:08 PM
Cổng làng - hồn Việt xưa nay vương vấn...

Mỗi người con xa quê khi nhớ về quê hương là nhớ về hình ảnh cổng làng thân thương bên gốc đa, giếng nước...

Cổng làng là một loại hình kiến trúc văn hoá rất phổ biến ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Ngày xưa, hầu như làng nào cũng có cổng làng. Nhiều làng có tới 2, 3 cổng trên các lối đi chính vào làng.

Tỉnh Hà Tây (cũ) bao gồm dải đất từ phía Sơn Tây xứ Đoài về phía nam - mạn Hà Đông, còn khá nhiều làng cổ mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa với các quần thể kiến trúc độc nhất vô nhị. Hà Tây có gần 1500 làng, do đó số cổng làng xưa là rất lớn. Trải qua thời gian, chiến tranh và nhiều yếu tố khác, rất nhiều cổng làng đến nay đã không còn dấu vết.

Theo tư liệu văn hóa của tỉnh, trước khi nhập về TP Hà Nội, tỉnh Hà Tây chỉ còn hơn 100 cổng làng. Hầu hết những cổng này được xây dựng trước năm 1945. Có thể gọi đó là những cổng làng truyền thống.



 Cổng làng Ước Lễ ở Thanh Oai


Cổng làng ra đời từ rất sớm, gắn liền với sự hình thành phát triển của làng. Ở các vùng quê xưa đồng bằng Bắc Bộ, cùng với sự phát triển của dân cư, làng được xây dựng theo một cấu trúc chặt chẽ với lũy tre và lạch nước, ao sâu bao bọc quanh làng. Người đi vào làng nhất thiết phải qua những cổng làng. Tại mỗi cổng có các Tuần đinh trông coi an ninh trật tự trong làng, ngoài đồng. Người đứng đầu các Tuần đinh là Thủ phiên…

Đường đi qua cổng làng phải là đường trục chính, rộng rãi, thường được lát gạch nghiêng. Dọc hai bên đường trục là các lối xóm, ngõ đổ ra theo kiểu chân rết (hay xương cá). Đầu các ngõ xóm cũng có cổng. Nhà dân trong xóm ở liền kề nhau như bát úp và từng hộ gia đình lại có cổng riêng cùng với tường bao quanh, tạo nên một hình thái đặc trưng của nông thôn xưa là “kín cổng cao tường”:

Làng ta phong cảnh hữu tình
Dân cư đông đúc như hình con Long
…(Ca dao)

Có thể ban đầu cổng làng chỉ là những cái cổng sơ khai làm bằng tre, cửa chắn bằng phên, dong nhiều gai nhọn để ngăn cản thú dữ vào làng phá phách. Về sau, cổng làng mới được xây dựng ngày càng bền vững bề thế hơn, mang những giá trị nghệ thuật kiến trúc từ các loại vật liệu xây dựng phổ biến ở nông thôn ta như đá ong, gạch ngói, vôi vữa…

Qua tìm hiểu, phần lớn cổng làng truyền thống ở vùng Hà Tây được xây dựng ở thời Nguyễn thế kỷ XIX đến 1945. Song cũng có nhiều cổng được xây dựng từ thời Lê thế kỷ XVII, như cổng làng Mông Phụ ở Đường Lâm-Sơn Tây, cổng làng Chi Quan ở Thạch Thất, cổng làng Ước Lễ ở Thanh Oai.

Về kiến trúc, cổng làng truyền thống là những công trình kiến trúc cổ, có sự đan xen giữa kiến trúc đình, chùa. Thông thường, cổng làng có 4 mảng kiến trúc nhưng không rời rẽ mà cấu kết với nhau, tạo nên sự bền vững, hài hòa.

Vòm cổng thường xây cuốn hình vòm parapol. Tuỳ theo vị trí, địa thế, điều kiện của mỗi làng mà vòm cổng có quy mô bề thế khác nhau, nhưng đều phải hài hòa đảm bảo đi lại thuận tiện cho cả làng.

Liên kết với vòm cổng là hai trụ cổng, xây thẳng đứng, đắp vẽ rất công phu. Trên hai trụ thường đắp nổi câu đối. Liên kết với vòm cổng và trụ cổng là mặt cổng, trang trí đắp nổi những chữ đại tự là tên của làng, hoặc các cụm chữ hàm chứa ý nghĩa súc tích, thể hiện phương châm xử thế và mang cốt cách của làng.

Phần trên cùng là mái lợp. Mái cổng xưa thường lợp ngói che chắn cho cổng và che mưa cho người qua cổng. Nhiều nơi có cổng làng lớn như Uớc Lễ (Thanh Oai), Thượng Hội (Đan Phượng), Tảo Khê (Ứng Hoà)… trên cổng còn có Vọng lâu với 2, 3 lớp mái, mỗi góc mái đều có đầu đao, dáng dấp như những ngôi đình chùa cổ.

Có thể nói cổng làng truyền thống rất phong phú, đa dạng về kiểu dáng và chất liệu, đã tồn tại hàng trăm năm, là những công trình kiến trúc cổ ngoài giá trị về lịch sử văn hóa, nó còn thể hiện được hồn quê, cốt cách của mỗi làng xã Việt Nam, cần được bảo tồn và lưu giữ.

Làng quê xưa khi nước có giặc, cổng làng, luỹ tre xanh trở thành những chiến luỹ. Khi thanh bình, cổng làng mang ý nghĩa khẳng định chủ quyền địa giới của địa phương, góp phần bảo tồn bản sắc văn hoá riêng như gương mặt của làng. Mỗi người con xa quê khi nhớ về quê hương là nhớ về hình ảnh cổng làng thân thương bên gốc đa, giếng nước:

“Chiều hôm đón mát cổng làng
Gió hiu hiu đẩy mây vàng êm trôi…”
(Bàng Bá Lân)

Hiện nay, các làng quê Việt Nam và các làng xã ngoại ô thành phố đang nở rộ “phong trào” phục chế lại hay xây dựng mới các cổng làng theo kiểu truyền thống. Đó là một nét đáng mừng. Nhưng có lẽ, niềm vui sẽ trọn vẹn hơn nếu sau mỗi cổng làng ấy là cuộc sống người dân luôn no ấm, yên bình và đậm đà bản sắc “Mỹ tục khả phong” (Phong tục tốt đẹp) riêng.

(Theo Dân Việt )

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
  • Yển Khê – vùng quê đất Tổ (22/11/2011)
  • Những điểm du lịch độc đáo trên đất Tuyên Quang (18/11/2011)
  • Phu Văn Lâu - một di tích văn hoá và lịch sử (15/11/2011)
  • Miếu bà Thiên Hậu: Dấu ấn của người Hoa ở Cà Mau (14/11/2011)
  • Khám phá Tam Đảo (11/11/2011)
  • Hoài niệm Lai Xá - “Đất tổ” nghề ảnh Việt Nam (09/11/2011)
  • Ai lên Xứ Lạng cùng anh... (04/11/2011)
  • Động tiên Từ Thức (03/11/2011)
  • Vân Long non nước hữu tình (31/10/2011)
  • Về Vàm Sát (28/10/2011)
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Phú Thọ - miền đất của những di sản văn hóa và danh thắng
Kỷ niệm 45 năm ngày thống nhất đất nước: Chuyến đi thăm đảo Phú Quốc nhiều ấn tượng về giá trị lịch sử
Hồ Gươm
Nghệ An – Vùng đất địa linh nhân kiệt
Việt Nam quê hương tôi - giấc mơ về một xứ sở thanh bình
Mảnh đất – con người Quảng Trị
Sơn La - lặng lẽ nơi này
Phú Quốc – Hòn ngọc quý của Việt Nam đang cất cánh
Phố biển và phố núi rực màu phượng đỏ
Khám phá vẻ đẹp ruộng bậc thang ở Lào Cai
Hòn Dấu - Một khám phá mới
Non nước Cô Tô
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang