06/07/2017 09:18:00 AM
Vĩnh Phối thủy chung cùng Huế

Hơn nữa thế kỉ thủy chung với dòng tranh trừu tượng, Phó Giáo sư, Nhà Giáo Ưu tú, họa sĩ Vĩnh Phối đã để lại dấu ấn đậm nét trong làng mĩ thuật xứ Huế nói riêng và của Việt Nam nói chung với nhiều giải thưởng quốc tế danh giá. Tranh của Vĩnh Phối đậm chất Huế và được đánh giá là “một hồn thơ chất ngất phương Đông đã Tây phương hóa…”.

  • Vĩnh Phối là một trong số ít họa sĩ của Việt Nam được đào tạo bài bản tại Học viện Mỹ thuật La Mã (Italia), cái nôi của nền mĩ thuật đương đại thế giới.

  • Họa sĩ Vĩnh Phối học mĩ thuật ở Roma (Italia) và gắn bó sự nghiệp sáng tác của mình với Huế

  • Từ ngày về hưu ông dành nhiều thời gian hơn cho việc giao lưu với bạn bè và anh em giới văn nghệ sĩ Huế

  • Giờ tuy tuổi đã cao nhưng họa sĩ Vĩnh Phối vẫn miệt mài đam mê với nghiệp vẽ

Từ Roma về thành Huế
 
Đến Huế, gặp giới văn nghệ sĩ hỏi Vĩnh Phối ai cũng biết, bởi ông không chỉ là “cây đa, cây đề” của làng mĩ thuật Cố đô mà của cả nước. Đặc biệt hơn, Vĩnh Phối còn là một trí thức thuộc dòng dõi hoàng tộc, là hậu duệ đời thứ 6 của vua Minh Mạng (1791 – 1841), lại có thâm niên hơn 30 năm làm quản lí của một trường nghệ thuật lớn ở miền Trung. Có lẽ vì thế mà anh em giới văn nghệ sĩ Huế thường kính trọng gọi ông bằng "Thầy".
 
Vĩnh Phối là dân Tây học chính hiệu lại mang sẵn trong mình dòng máu của hoàng gia nên phong thái lúc nào cũng chỉn chu, mô phạm với cặp kính trắng lấp lánh trên đôi mắt tinh anh đầy hóm hỉnh, cùng chiếc mũ phớt đội lệch một cách sành điệu và quý phái ở trên đầu. 
 
Nhà ông ở bên bờ sông Đông Ba, cách chân cầu Gia Hội chừng vài chục mét. Tính ông ham vui, ít khi chịu ngồi yên một chỗ. Từ ngày về hưu ông dành nhiều thời gian hơn cho việc giao lưu với anh em nghệ sĩ xứ Huế. Buổi chiều muốn gặp ông cứ đến cái quán rượu nhỏ dưới gốc mấy cây đa bên chân cầu Gia Hội thể nào cũng thấy. Ông uống không nhiều nhưng hầu như cuộc vui nào cũng có mặt. Ông được anh em bạn bè quý mến và nể trọng bởi có vốn kiến văn sâu rộng, lại quảng giao, hóm hỉnh, dễ gần.

Cuộc đời nghệ thuật của Vĩnh Phối khá thú vị vì nó dường như gắn liền với hai địa danh cổ và cũng là hai di sản nổi tiếng của thế giới, đó là thành Roma của Italia và Cố đô Huế của Việt Nam. Nói một cách cụ thể thì Vĩnh Phối học mĩ thuật ở Roma rồi về sống, sáng tác và dạy học ở Huế. Vì thế, trong sáng tác cũng như trong phong cách sống của ông người ta thấy có sự ảnh hưởng rõ nét từ bản sắc văn hóa của hai vùng đất đặc biệt này.
 
Giáo sư, Nhà giáo Ưu tú, họa sĩ Vĩnh Phối:
- Nguyên Giám đốc Trường Cao đẳng Mĩ thuật Huế (1967 - 1975)
- Nguyên Hiệu phó Trường Đại học Nghệ thuật Huế (1976 – 1999)
- Nguyên Chủ tịch Hội Nghệ thuật Châu Á tại La Mã.
- Ông đã được nhiều giải thưởng danh giá trên thế giới như: Giải thưởng Targa d’Argent, Triển lãm mùa xuân, Genova, Italia (1960); Huy chương Bạc triển lãm sinh viên mĩ thuật quốc tế, Roma, Itaila, do Journal del Italia bảo trợ (1961); Giải Nhì cuộc thi mĩ thuật quốc tế đương đại, Bracciano, Roma, Italia (1962); Huy chương Bạc triển lãm quốc tế mĩ thuật đương đại Viterbo, Italia (1962)… Tranh của ông được lưu trữ ở Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội và có trong nhiều bộ sưu tập ở Ý, Pháp, Đức, Nhật, Áo, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Hà Lan, Singapore, Mỹ, Úc, Canada, Malaysia...
Theo nhà nghiên cứu và phê bình mĩ thuật Huỳnh Hữu Ủy, họa sĩ Vĩnh Phối sinh ngày 3/8/1938 ở Huế. Ông tốt nghiệp trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định chuyên ngành về tranh lụa và sơn mài vào năm 1958. Đặc biệt, từ 1959 đến 1966, được sự bảo trợ của hai vị giáo sư và cũng là hai họa sĩ tài danh hàng đầu của Ý lúc bấy giờ là Franco Gentilini và Pericle Fazzini, Vĩnh Phối được gửi đi tu nghiệp về hội họa và điêu khắc tại Học viện Mỹ thuật La Mã (Academia di Bella Arti di Roma), học viện mĩ thuật lừng danh thế giới của Italia. Đây được xem là bước ngoặc lớn hình thành nên phong cách nghệ thuật của ông sau này.
 
Năm 1966, Vĩnh Phối tốt nghiệp rồi về nước. Và ngay năm sau, ở cái tuổi 29 tuổi, ông đã được bổ nhiệm làm Giám đốc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế. Sau năm 1975, hòa bình lập lại, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế phát triển và đổi tên thành Trường Đại học Nghệ thuật Huế. Vĩnh Phối tiếp tục gắn bó cuộc đời mình với ngôi trường này và nắm giữ cương vị Phó Hiệu trưởng cho đến tận ngày nghỉ hưu vào năm 1999.
 
Mấy chục năm gắn bó với Trường Đại học Nghệ thuật Huế, một trong 3 trung tâm đào tạo nghệ thuật lớn của cả nước, Phó Giáo sư, họa sĩ Vĩnh Phối đã góp phần đào tạo cho đất nước nhiều họa sĩ tên tuổi. Ngoài ra, ông còn tham gia viết nhiều đề tài nghiên cứu có giá trị về mĩ thuật, đặc biệt là mảng đề tài nghiên cứu về mĩ thuật Huế như: “Nghệ thuật trang trí Huế”, “Nghệ thuật pháp lam Huế”, “Nghệ thuật tạo hình Huế”...
 
Với những đóng góp quan trọng ấy, năm 1990 ông vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú và phong hàm Phó Giáo sư vào năm 1992.
 

 Một tác phẩm của họa sĩ Vĩnh Phối


Có một hồn Huế ở trong tranh
 
Trước 1975, Vĩnh Phối được đánh giá là một trong những người tiên phong đem làn sóng mĩ thuật hiện đại vào miền Nam Việt Nam. Hơn nửa thế kỉ qua, kể từ cuộc triển lãm đầu tiên tổ chức tại Roma vào năm 1966, họa sĩ Vĩnh Phối luôn thủy chung với dòng tranh trừu tượng và đã gặt hái được nhiều thành công với dòng tranh đặc biệt này.
 
Là người được đào tạo bài bản tại Học viện Mỹ thuật La Mã nên họa sĩ Vĩnh Phối chịu nhiều ảnh hưởng của phong cách hội họa hiện đại Châu Âu. Có lẽ vì thế mà nhiều nhà phê bình nhận xét rằng, các tác phẩm sáng tác trong thời kì đầu của ông thường phảng phất dấu vết của Alberto Giacometti, Jean Arp, Joan Miró, Henry Moore, Umberto Boccioni… Thời kì này, tuy còn trẻ nhưng Vĩnh Phối đã sớm khẳng định được tài năng của mình bằng những giải thưởng quốc tế danh giá như: Giải Nhì cuộc thi quốc tế mĩ thuật đương đại Bracciano, Roma (1962), Huy chương bạc Triển lãm quốc tế mĩ thuật đương đại Viterbo, Italia (1962)...
 
Sau này, tuy Vĩnh Phối có sáng tác theo nhiều phong cách khác nhau, song cái chất làm nên phong cách hội họa của ông vẫn là trừu tượng. Điều đó thể hiện rất rõ qua hai cuộc triển lãm đầy ấn tượng cùng tên “Không gian và Tiết điệu” tại Hà Nội vào năm 1997 và Tp. Hồ Chí Minh vào năm 2012.
 
Ngôn ngữ trừu tượng trong tranh Vĩnh Phối, nói như nhà nghiên cứu mĩ thuật Huỳnh Hữu Ủy là: “Đi tìm một sự hòa hợp giữa phương Đông và phương Tây, giữa tâm hồn Việt Nam từ thâm sâu, để cộng hưởng với cách nhìn và kĩ thuật hiện đại của Châu Âu”.
 
 Bài: Thanh Hòa - Ảnh: Tất Sơn
(Theo Báo ảnh Việt Nam)
 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Phú Thọ - miền đất của những di sản văn hóa và danh thắng
Kỷ niệm 45 năm ngày thống nhất đất nước: Chuyến đi thăm đảo Phú Quốc nhiều ấn tượng về giá trị lịch sử
Chị Võ Thị Sáu - vọng mãi lời ca
Lê Lợi - Vị anh hùng giải phóng dân tộc
Thân Nhân Trung, tác giả câu nói nổi tiếng "Hiền tài là nguyên khí quốc gia"
Hà Nội 1010 năm: Thủ đô anh hùng - Từ thành phố vì hòa bình đến thành phố sáng tạo
Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang
Cù lao Chàm - Hòn ngọc giữa biển Đông
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang