24/06/2016 10:37:00 AM
Nhà báo ưu tú Võ Nguyên Giáp

Ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp, có một mối quan hệ đặc biệt giữa nghề văn và nghề võ, giữa nghệ thuật báo chí và nghệ thuật quân sự, giữa “nghệ thuật tổ chức thông tin” trong làm báo với “nghệ thuật bày binh bố trận” trong đánh giặc...

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí trong Quân ủy Trung ương theo dõi và chỉ đạo chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn (4/1975) 

Xưa nay mọi người vẫn biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng lỗi lạc, là Tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam chỉ huy quân và dân ta trải qua hai cuộc kháng chiến thần thánh, giành thắng lợi hoàn toàn. Nhưng ít ai biết vị Đại tướng lừng danh ấy còn là một nhà báo ưu tú, một trong những nhà báo đầu tiên được tặng thưởng Huy chương “Vì sự nghiệp báo chí” của Hội Nhà báo Việt Nam. Ông đã để lại cho báo chí nước nhà một số lượng sách báo đồ sộ cho hôm nay và thế hệ mai sau.

Viết báo từ tuổi 16

Tham gia cách mạng từ rất sớm, thuở còn là học sinh trường Quốc học Huế, ông đã hăng hái tham gia phong trào đòi trả tự do cho cụ Phan Bội Châu và lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh. Cứ chiều thứ Năm, ông cùng các bạn học sinh trường Quốc học Huế, trường Đồng Khánh kéo nhau lên Bến Ngự nghe cụ Phan Bội Châu nói chuyện và thường bí mật tìm đọc sách báo yêu nước, sách báo cách mạng. Cụ Phan từng bảo: “Khi nào tôi mất, tủ sách này để lại cho cậu Giáp”.

Ông đã ghi chép các bài báo, bài thơ yêu thích vào sổ tay. Những bài báo công kích chế độ thống trị của bọn thực dân viết bằng tiếng Pháp trên báo An Nam Mới của Phan Văn Trường, những bài báo ca ngợi tinh thần yêu nước của vua Thành Thái, vua Duy Tân, sách báo nói về cách mạng các nước đã gây ấn tượng mạnh mẽ đối với ông và những bài thơ kêu gọi đồng bào thức tỉnh, cùng nhau hợp quần tranh đấu để thoát khỏi cảnh nhục mất nước của cụ Phan, càng thôi thúc ông hăng hái tham gia các hoạt động yêu nước.

Năm thứ hai tại trường Quốc học (1927), chàng thanh niên Võ Nguyên Giáp đã viết bài báo đầu tiên của chặng đời làm báo của mình, đó là một bài báo ngắn bằng tiếng Pháp với tựa đề "À bas le tyranneau de Quoc hoc!" (Đả đảo tên tiểu độc tài trường Quốc học!), gửi đăng ở tờ L'Annam. Bài báo tố cáo mạnh mẽ nền giáo dục ngu dân của chính phủ bảo hộ.

Sau đó, Võ Nguyên Giáp bị đuổi học sau khi tổ chức một cuộc bãi khóa. Ông về quê nhưng được Nguyễn Chí Diểu giới thiệu vào làm việc ở Huế, tại Nhà xuất bản Quan hải tùng thư do Đào Duy Anh sáng lập. Năm 1929, ông làm biên tập cho tờ báo Tiếng dân do cụ Huỳnh Thúc Kháng làm chủ nhiệm. Tại đây, Võ Nguyên Giáp bắt đầu học nghề làm báo, chuẩn bị cho giai đoạn hoạt động báo chí sau này.

 Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen ngợi nhân dân địa phương và anh chị em công nhân đội vận tải thuyền sông Gianh (Quảng Bình) đã góp phần tích cực vận chuyển hàng ra tiền tuyến (1968)

Thời kỳ làm biên tập viên cho tờ Tiếng dân, ông thử sức trên đủ các thể loại: tin tức, bình luận kinh tế, bình luận chính trị..., chuyên trách mục Thế giới Thời đàm với bút danh Vân Đình và một số bút danh khác. Mặc dù tuổi còn trẻ và mới bắt đầu làm báo nhưng ông đã có nhiều bài viết khá sắc sảo. Nhân đọc cuốn Annuai statitque (Niên giám thống kê), ông đã viết bài nghiên cứu kinh tế với tựa đề “29 công ty tư bản có vốn trên một triệu đồng”, đề cập đến thực trạng tất cả các công ty đều là của bọn thực dân, duy nhất có một công ty là của người Việt, các công ty của Pháp bóc lột nhân dân lao động thậm tệ và chèn ép tư sản dân tộc Việt Nam. Bài báo sắc sảo này bị kiểm duyệt xoá không còn một chữ. Để tỏ thái độ phản đối chế độ kiểm duyệt nhằm bưng bít thông tin của thực dân Pháp, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã cho in bài báo chỉ với cái tựa đề, còn mấy cột báo để trắng!

Đại tướng Võ Nguyên Giáp có khoảng 27 bài đăng trên 36 số báo Tiếng dân. Tuy nhiên, rất tiếc là những bài báo của ông ở giai đoạn này đã không còn hoặc nếu có thì được lưu trữ ở dạng micro phim tại bảo tàng Pháp.

Truyền đạt ý chí yêu nước qua báo chí

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng nói: “Báo chí là một vũ khí có sức mạnh cực kỳ to lớn để truyền đạt ý tưởng yêu nước đến với mỗi người dân”. Đó cũng là một trong những lý do Đại tướng say mê với việc làm báo.

Thời kỳ Đại tướng Võ Nguyên Giáp hoạt động báo chí sôi nổi nhất là những năm 1936-1939 khi Đảng Cộng sản Đông Dương phát động phong trào Mặt trận Dân chủ và cuộc vận động Đông Dương đại hội. Những năm đó, Võ Nguyên Giáp vừa dạy môn sử ở trường Thăng Long, vừa học trường luật, nhưng vẫn dành phần lớn thời gian cho báo chí.

 Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Trung tướng Phạm Hồng Cư

Trung tướng Hồng Cư đã kể lại quãng thời gian làm báo của Đại tướng giai đoạn này: “Thời đó, ở một góc ngã tư phố Tràng Tiền có đặt một bảng thông tin của ARIP (tên viết tắt của Agence de Radio, d’information et de Propagande: Hãng Phát thanh, Thông tin và Tuyên truyền). Hàng ngày đi dạy học qua đây, anh Giáp đều dừng lại. Một buổi chiều tháng 6/1936, tin thắng lợi của Mặt trận Bình dân Pháp được công bố. Tình hình đang chuyển biến theo chiều hướng thuận lợi. Anh Giáp nghĩ ngay tới chuyện ra một tờ báo để đón thời cơ.

Theo luật pháp của chính quyền thực dân, muốn ra báo bằng tiếng Pháp, chỉ cần nộp trước tờ khai tên báo, chủ nhiệm, quản lý, nếu vi phạm pháp luật, những người này sẽ bị đưa ra tòa xét xử. Nhưng muốn xuất bản một tờ báo tiếng Việt thì phải xin phép, thể lệ rất phiền phức và thường phải chờ đợi lâu.

May sao có tờ Hồn trẻ của hướng đạo sinh, vì thua lỗ phải tạm ngừng xuất bản, chủ nhiệm báo sẵn sàng nhượng lại bản quyền. Anh Võ Nguyên Giáp bàn với anh Đặng Thai Mai và các giáo sư trường Thăng Long cùng nhau góp tiền để làm cho tờ báo sống lại với một nội dung hoàn toàn mới. Chỉ hai ngày sau khi Léon Blum tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Chính phủ Pháp, ngày 6/6/1936, Tờ Hồn trẻ tập mới ra đời”.

Ngày 6/6/1936, bộ mới báo Hồn Trẻ ra số đầu tiên. Trên trang nhất nêu rõ tôn chỉ của tờ báo, in bằng chữ to, đóng khung trang trọng: “Làm báo khác với làm giàu. Lấy danh nghĩa của nghệ thuật mà lợi dụng cái đẹp buồn bã, âm thầm, yếu ớt, suy vong mà ru ngủ bạn đầu xanh, đó không phải là việc làm của người cầm bút có lương tâm”. Có thể nói đây là tờ báo tiếng Việt đầu tiên công khai cổ động đấu tranh cho các khẩu hiệu dân sinh, dân chủ, đòi đại xá chính trị phạm, ủng hộ Mặt trận Bình dân Pháp và tập hợp nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân Việt Nam... Báo rất được bạn đọc hoan nghênh, in ra không đủ bán. Học sinh Thăng Long tình nguyện đi bán báo và góp tiền ủng hộ báo.

Tuy nhiên, Báo ra đến số thứ 5 thì bị nhà cầm quyền Pháp bắt đóng cửa. Ngay sau đó, tờ báo tiếng Pháp Le Travaill (Lao động) do Võ Nguyên Giáp làm chủ bút ra mắt bạn đọc số đầu tiên vào ngày 16/9/1936. Trong tòa soạn, Võ Nguyên Giáp vừa là chủ bút, vừa là biên tập viên chính, làm việc rất hăng hái, viết khá nhiều đề tài như cổ vũ Đông Dương đại hội, Mặt trận Dân chủ, thời sự quốc tế, đời sống nông dân với các cuộc đấu tranh ruộng đất như Cồn Thoi, những cuộc đấu tranh bãi công của thợ xẻ, thợ giày, thợ mỏ.

Lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam còn ghi nhớ sự kiện ông Võ Nguyên Giáp cùng với Đặng Thai Mai, Phan Thanh, Trần Đình Long, Vũ Đình Huỳnh, Nguyễn Văn Chất... vận động cho sự ra đời của Báo Notre Voix (Tiếng nói của chúng ta-số 1 ra ngày 1/1/1939). Báo Notre Voix - tuần báo chính trị ra chủ nhật, do Xứ ủy Bắc kỳ chủ trương xuất bản tại Hà Nội. Ông Trường Chinh chỉ đạo biên tập, ông Võ Nguyên Giáp viết nhiều bài đăng trên báo Notre Voix với bút danh Vân Đình và Hồng Thạch. Trong thời gian Võ Nguyên Giáp làm báo Notre Voix, có những kỷ niệm khó quên trong đời làm báo của ông. Có lần cùng một lúc, các ông Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Hoàng Hữu Nam đều bận việc đột xuất không kịp viết bài, Võ Nguyên Giáp ngồi từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng hôm sau, viết kín một thếp giấy 48 trang và bố cục, trình bày xong cả một số báo cho kịp đưa xuống nhà in, sau khi ăn điểm tâm, lại tới trường Thăng Long dạy học.

Hồ Chủ tịch và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam năm 1962 

Năm 1939, chiến tranh thế giới sắp bùng nổ, nhiều cán bộ đảng bị lộ phải rút vào hoạt động bí mật, Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng được tổ chức bí mật đưa sang Tĩnh Tây, Côn Minh (Trung Quốc) gặp nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc và sau đó cùng Bác trở về Cao - Bắc - Lạng hoạt động, vận động quần chúng, chuẩn bị điều kiện để khởi nghĩa vũ trang. Ở Cao Bằng, mặc dù cơ sở vật chất thiếu thốn nhưng Bác Hồ đã cùng các đồng chí nhanh chóng xuất bản tờ Việt Nam Độc Lập, Võ Nguyên Giáp tích cực viết bài cho tờ báo. Tờ Việt Nam Độc Lập in trên đá bằng giấy bản đó có ảnh hưởng rất lớn tới phong trào cách mạng trong những năm tiền khởi nghĩa. Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ học được ở Người tinh thần, ý chí và lý luận cách mạng, mà còn học được ở Người cách làm báo cho quần chúng và cách sử dụng báo chí để tuyên truyền vận động quần chúng...

Tổng khởi nghĩa tháng Tám thành công, Đảng và Chính phủ trở về Hà Nội trong bối cảnh thù trong, giặc ngoài với bao nhiêu công việc bề bộn nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã góp sức cùng các đồng chí nhanh chóng xuất bản tờ Sự Thật - tiền thân của báo Nhân dân, tờ Vệ Quốc Quân - tiền thân báo Quân đội Nhân dân và nhiều tờ báo khác. Mặc dù bận rộn với bao công việc của cách mạng, ông vẫn tham gia viết bài cho báo Đảng, báo quân đội, viết các bài tổng kết lý luận cho các tạp chí lý luận. Không chỉ tham gia viết báo, ông còn tổ chức quản lý báo chí. Năm 1946, khi cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, mặc dù giữ nhiều trọng trách với rất nhiều công việc bề bộn trong những ngày đầu cùng nhân dân cả nước bước vào cuộc kháng chiến, ông vẫn chỉ đạo các chiến khu xuất bản báo để kịp thời tuyên truyền cổ động bộ đội và dân quân như: tờ Chiến khu của chiến khu I; tờ Xông Pha của chiến khu II; tờ Quân Bạch Đằng của chiến khu III...

Ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp, có một mối quan hệ đặc biệt giữa nghề văn và nghề võ, giữa nghệ thuật báo chí và nghệ thuật quân sự, giữa “nghệ thuật tổ chức thông tin” trong làm báo với “nghệ thuật bày binh bố trận” trong đánh giặc. Trong bài báo “Mười lăm năm làm báo trước Cách mạng Tháng Tám” đăng trên tạp chí Nhà báo và Công luận số tháng 8/1991, Đai tướng đã từng tâm sự: “Nghề báo là một nghệ thuật đầy hứng thú. Sau này, khi chuyển qua công tác quân sự, tôi thấy làm một số báo cũng giống như tổ chức một trận đánh hiệp đồng. Đó là một công việc luôn luôn khẩn trương, phải phát hiện kịp thời mưu đồ, thủ đoạn của giai cấp thống trị, yêu cầu, tâm lý đa dạng và thường xuyên thay đổi của bạn đọc, nguyện vọng sâu xa của nhân dân, để biết mình phải làm gì… Nghề làm báo hao tâm tổn trí, gian khổ, nhưng người làm báo được đền bù xứng đáng là niềm vui khi thấy tác dụng và hiệu quả của tờ báo trong đông đảo bạn đọc”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã mãi mãi đi xa nhưng sự nghiệp, công lao, đạo đức của ông sống mãi với non sông Việt Nam. Ông là một trong những danh tướng vĩ đại nhất của nhân loại. Và, ông còn là nhà báo không thể bị lãng quên trong làng báo chí Việt Nam.

Thanh Hà (Tổng hợp)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Du xuân Cồn Đen
Hà Nội 1010 năm: Thủ đô anh hùng - Từ thành phố vì hòa bình đến thành phố sáng tạo
Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang
Cù lao Chàm - Hòn ngọc giữa biển Đông
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang