22/06/2016 10:28:00 AM
Người mở đường kiến trúc xanh hiện đại ở Việt Nam

Kiến trúc sư (KTS) Hoàng Thúc Hào chia sẻ rằng: “Nền tảng kiến trúc cổ truyền Việt Nam là một kho tàng quý để ứng dựng vào những công trình kiến trúc xanh hiện đại”. Chính điều này đã khiến anh có một niềm tin mãnh liệt để theo đuổi và hiện thực hoá giấc mơ xây dựng một nền tảng kiến trúc xanh mang đậm văn hoá Việt, sánh ngang tầm thế giới.

  • Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào (tháng 5 năm 2016). Ảnh: Tất Sơn

  • KTS Hoàng Thúc Hào và đồng nghiệp vinh dự dành giải nhất tại Festival kiến trúc thế giới tổ chức tại Singapore năm 2015. Ảnh: Tư liệu

  • Công trình Nhà cộng đồng Suối Rè do KTS Hoàng Thúc Hào thiết kế tại xã Cư Yên, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Tư liệu

  • Công trình Nhà cộng đồng theo kiến trúc nhà trình tường ở huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang do KTS Hoàng Thúc Hào thiết kế. Ảnh: Tư liệu

  • Trung tâm hạnh phúc Bhutan do KTS Hoàng Thúc Hào thiết kế. Ảnh: Tư liệu

Trước năm 2009, các công trình kiến trúc của KTS Hoàng Thúc Hào (kể cả những công trình đã đoạt giải thưởng quốc tế) vẫn chỉ nằm trên bản vẽ. Bởi vậy, khi công trình Nhà cộng đồng Suối Rè được xây dựng, nó đã trở thành “viên gạch” đầu tiên theo cả hai nghĩa, mở cánh cửa đưa các công trình trên giấy của anh lần lượt “cắm rễ” và gây tiêng vang trong và ngoài nước.

KTS Hoàng Thúc Hào đã từng tâm sự rằng: “Niềm vui của tôi được nhân lên khi các công trình được phục vụ cho người dân”. Bản vẽ, ảnh chụp công trình Nhà cộng đồng Suối Rè đã được trưng bày triển lãm ở châu Âu trong một thời gian khá dài. Toàn bộ vật liệu làm khu nhà, anh đều sử dụng bằng đất, tre. Nhà gồm 80m2 mặt bằng, tầng dưới âm vào núi, tổng cộng có 200m2 sử dụng, xung quanh có trồng sấu, mít, tre, bưởi, rong riềng.

Với lối kiến trúc độc đáo mang đậm tính sinh thái, công trình Nhà cộng đồng thôn Suối Rè ở xã Cư Yên, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình được xây dựng bằng những vật liệu sẵn có từ thiên nhiên như tranh, tre, nứa, lá... đã xuất sắc giành Giải thưởng Green Good Design 2012 của Mỹ, Giải International Architecture Awards (IAA) của Mỹ và lọt vào Top 7 Giải thưởng Ecowan của Tổ chức World Architecture News.

KTS Hoàng Thúc Hào cũng sẽ là thành viên Ban giám khảo Liên hoan Kiến trúc thế giới được tổ chức vào tháng 11 tới tại Đức.

Trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với những vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu, ô nhiễm,… thì kiến trúc xanh là một xu hướng của thế giới hiện nay. Thế nhưng, câu chuyện mà KTS Hoàng Thúc Hào đến với kiến trúc xanh không chỉ là câu chuyện xu thế, mà đó là câu chuyện về một KTS đọc, hiểu, ngấm và cảm được những nền tảng, dòng chảy truyền thống của văn hóa Việt.

KTS Hoàng Thúc Hào đã đi nhiều vùng, miền để quan sát và ứng dụng trong những công trình kiến trúc. Đó là những ngôi nhà sàn phù hợp với khí hậu ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè của các đồng bào dân tộc Thái, Nùng, Tày… Hay như những ngôi nhà trình tường (Hà Giang) được làm từ những vật liệu tường đất dày cách nhiệt, mái lợp lá dày, trong nhà thông gió đối lưu. Vùng Đồng bằng Bắc bộ thì có những ngôi nhà ba gian hai chái và có hàng hiên trước nhà để cản ánh nắng cùng những bức xạ mặt trời trực tiếp chiếu vào nhà. Mái nhà thì được dung nguyên liệu là ngói, lá. Nền nhà đất nện, giúp cách nhiệt và chống nóng tốt. Nhà quay hướng nam, có mặt nước, có vườn ao, tạo một môi trường, quang cảnh hoà hợp giữa thiên nhiên và cuộc sống con người. Đây đều là những kiến thức văn hóa quan trọng mà KTS Hoàng Thúc Hào quan sát được trong kiến trúc truyền thống xưa của người Việt.

KTS Hoàng Thúc Hào đã ứng dụng những kiến thức này vào công trình kiến trúc “Trung tâm hạnh phúc Bhutan”, tác phẩm đã vượt qua hàng loạt các thiết kế khác được chọn thi công thành công ở Bhutan.

KTS Hoàng Thúc Hào đưa ý tưởng trời tròn đất vuông của người Việt Nam vào quần thể 1.500 m2 nằm giữa rừng thông ở Bhutan. Tổng thể là “cuộc đối thoại giữa đất, đá, gỗ”, giữa không gian bên trong và khung cảnh; giữa tri thức hàn lâm với kinh nghiệm dân gian. Công trình mang phong cách chủ đạo là kiến trúc bản địa Bhutan nhưng cũng có nét văn hóa Việt Nam. Để chống lại điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, nhà có tường hai lớp khung xương gỗ, trát đất, tường dày nửa mét, xây đá ở dưới đất phía trên, cửa kính hai lớp, vì kèo bê tông, gỗ, mái dốc và rỗng để chống cái lạnh của tuyết.

Công trình này như một lời khẳng định rằng: Kiến trúc xanh của Việt Nam hoàn toàn có thể sánh ngang với thế giới nếu chúng ta có một lộ trình phát triển đúng đắn và bài bản. Có lẽ hiểu được điều này, KTS Hoàng Thúc Hào mặc dù rất bận rộn với các dự án lớn nhỏ trong và ngoài nước, anh vẫn giành thời gian để đứng trên bục giảng của Trường Đại học Xây Dựng với tư cách là một người thầy để truyền đạt kinh nghiệm, kiến thức cho thế hệ KTS trẻ tương lai của đất nước./.

(Theo Báo ảnh Việt Nam)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Phú Thọ - miền đất của những di sản văn hóa và danh thắng
Kỷ niệm 45 năm ngày thống nhất đất nước: Chuyến đi thăm đảo Phú Quốc nhiều ấn tượng về giá trị lịch sử
Chị Võ Thị Sáu - vọng mãi lời ca
Lê Lợi - Vị anh hùng giải phóng dân tộc
Thân Nhân Trung, tác giả câu nói nổi tiếng "Hiền tài là nguyên khí quốc gia"
Hà Nội 1010 năm: Thủ đô anh hùng - Từ thành phố vì hòa bình đến thành phố sáng tạo
Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang
Cù lao Chàm - Hòn ngọc giữa biển Đông
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang