17/02/2018 10:09:00 AM
Nét đẹp bồng lai Hồ Ba Bể

Nhiều người từng ví Hồ Ba Bể “như cô sơn nữ ngủ yên giữa núi rừng Tây Bắc”, nhưng giờ đây “cô sơn nữ” đã choàng tỉnh dậy và tươi đẹp từng ngày, trở thành điểm du lịch sinh thái lý tưởng giữa núi rừng Tây Bắc.

 Đảo Bà Góa như nét buồn man mác cô đơn giữa “biển xanh Ba Bể”

Hồ Ba Bể thuộc xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, là hồ lớn nhất miền Bắc.

Người dân địa phương gọi Ba Bể là Slam Pé, nghĩa là “ba hồ”. Tên gọi này xuất phát từ việc hồ là nơi tụ lưu của 3 nhánh sông: Pé Lầm, Pé Lù và Pé Lèng. Tuy chỉ cách Hà Nội 230 km, nhưng đây là địa danh có khí hậu đặc biệt ôn hòa, se lạnh quanh năm với nhiều danh lam thắng cảnh độc đáo, linh thiêng. Năm 1995, Hồ Ba Bể đã được Hội nghị Hồ nước ngọt thế giới tổ chức tại Mỹ công nhận là 1 trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ.

Hồ trên núi

Cuối năm 2004, Vườn quốc gia Ba Bể được công nhận là Vườn Di sản ASEAN với diện tích 7.610 ha, trong đó có 3.226 ha là phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và hơn 300 ha diện tích mặt hồ. Những nghiên cứu khoa học khẳng định đây là khu vực giàu có về đa dạng sinh học, có nhiều nét đặc trưng của hệ sinh thái điển hình rừng thường xanh trên núi đá vôi và hồ trên núi. Trung tâm của Vườn chính là Hồ Ba Bể với chiều dài tới 8 km và chiều rộng 800 m.

Một sớm Xuân trên Hồ Ba Bể 

Nằm trên độ cao 178 m, Hồ Ba Bể là "hồ tự nhiên trên núi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng ở Việt Nam". Hồ Ba Bể  trở thành một trong những địa danh nổi tiếng về danh lam thắng cảnh và trầm tích lịch sử lâu đời nhất giữa núi rừng Tây Bắc. Giữa rừng núi nguyên sinh, giữa trời và đất, Hồ Ba Bể như chiếc gương khổng lồ soi địa - thế - thiên - nhân. Hồ được bao bọc bởi những dãy núi đá vôi có nhiều suối ngầm và hang động. Toàn cảnh hồ như một bức tranh thuỷ mặc, làm say lòng nhiều du khách từ xưa đến nay. Vào mùa Xuân, từng đàn bướm trắng lại kéo về tụ hội, nối đuôi nhau bay lượn trên mặt hồ lung linh tạo nên một khung cảnh nên thơ làm say đắm lòng người.

Du Xuân trên Hồ Ba Bể

Đến Ba Bể, du khách không thể bỏ qua thú tao nhã du thuyền trên Hồ bằng những chiếc thuyền độc mộc được cô gái Tày duyên dáng chèo lái, tay chèo dẻo như đang trong một điệu múa nơi vùng đất “thanh sơn bích thủy” có một không hai này.

Tiết trời Xuân chớm chạm nơi đây, Hồ Ba Bể lại càng thơ mộng hơn bao giờ hết. Mùa Xuân ở Ba Bể là sự mênh mang và bao la diệu vợi. Những vách núi lượn quanh phơi mình dưới nắng. Những xanh xanh cây cối và ngằn ngặt trong veo màu nước như không thể trong hơn. Tất cả gợi lên sự an yên và say mê lạ kì.

Thuyền trôi nhẹ qua những con nước hẹp xiên khe núi rồi lại mở ra cả một vùng xanh lục mênh mông. Thuyền bồng bềnh trôi rồi như ẩn vào sương, mơ hồ, mờ ảo. Những bóng thuyền độc mộc chỉ chợt hiện trong sương rồi lại ẩn vào thiên nhiên huyền ảo. Phong cảnh như trong huyền thoại, chảy trôi bồng bềnh. Đảo Bà Góa như nét buồn man mác cô đơn giữa “biển xanh Ba Bể” mờ ảo đang dần hiện ra. Một chứng tích bước ra từ trong câu chuyện cổ tích giải thích về sự hình thành Hồ Ba Bể mà tuổi thơ nhiều người đã từng biết.

 Động Hua Mạ lưu giữ rất nhiều câu chuyện kỳ bí về Hồ Ba Bể 

Chuyện xưa kể rằng ở Xã Nam Mẫu, Tỉnh Bắc Cạn mở ngày hội cúng Phật để cầu phúc. Bỗng nhiên có bà cụ ăn xin xuất hiện, người gầy còm, lở loét, mùi hôi rất khó chịu. Đi đến đâu xin người ta cũng xua đuổi, không cho bà cái gì. Lê ra khỏi đám hội, may mắn bà gặp mẹ con người nông dân nghèo góa chồng đi làm đồng về thương tình đưa bà cụ về nhà, lấy cơm cho ăn và sắp xếp chỗ cho bà cụ nghỉ qua đêm. Tối hôm đó, hai mẹ con thấy chỗ bà lão sáng rực lên. Một con giao long lớn cuộn mình nằm ở đấy. Cả hai mẹ con sợ hãi, đành nằm im chờ đến sáng. Sáng ra, hai mẹ con chẳng thấy giao long đâu. Chỗ nằm ấy vẫn là bà cụ già bệnh tật. Bà đang sửa soạn ra đi. Bà nói với hai mẹ con: “Vùng này sắp có lụt lớn. Ta cho hai mẹ con gói tro này, nhớ rắc quanh nhà mới tránh được nạn”. Người mẹ thấy lạ vội hỏi: “Vậy làm sao cứu được dân làng, hở cụ?”. Bà lão nhặt một hạt thóc, cắn vỡ ra, rồi đưa cho hai mẹ con và dặn: “Hai mảnh vỏ trấu này, sẽ giúp mẹ con chị làm việc thiện”. Đêm hôm đó, mọi người đang lễ Phật cầu phúc thì bỗng nhiên có một dòng nước phun lên. Nước mỗi lúc một mạnh. Một tiếng nổ lớn, đất chung quanh nứt ra… tất cả đều  chìm trong biển nước. Duy nhất chỉ có ngôi nhà hai mẹ con người nông dân vẫn bình yên vô sự. Nước dâng lên bao nhiêu thì nhà cao lên bấy nhiêu. Nhìn thấy dân làng bị nước lũ cuốn, người mẹ nhớ đến lời dặn của bà cụ, bèn lấy hai vỏ trấu thả xuống nước. Bỗng nhiên, hai mảnh vỏ trấu biến thành hai chiếc thuyền lớn, hai mẹ con vội chèo thuyền đi cứu người và vật. Còn chỗ đất sụt ấy sau này là Hồ Ba Bể.

Khi đến với nơi đây, nhớ về câu chuyện xưa khiến cho ta nghĩ suy về tình người, tình đời sâu sắc. Với tình thương yêu, sự sẻ chia và có lẽ cả sự đồng cảm, hai mẹ con bà góa đã được đền đáp xứng đáng. Nhớ chuyện xưa mà suy ngẫm sự nhắc nhở của người xưa về sự sẻ chia với thân phận con người bằng hành động thiết thực chứ không chỉ bằng lời nói đầu môi, để tình đời, tình người mãi xanh như cây cối và dòng nước mát lành nơi đây!

Khi ánh chiều buông, không gian Hồ hiện ra bao la, du khách thả hồn mình theo áng mây trôi vờn trên đỉnh núi xa, cảm nhận sự bình yên tĩnh tại. Cách Hồ khoảng 6 km, Động Hua Mạ là một khối đá nhũ thạch khổng lồ, vừa huyền ảo, vừa bí hiểm linh thiêng. Động Hua Mạ nằm lưng chừng núi, ở độ cao 350 m so với mặt nước biển và ăn sâu vào trong lòng núi. Để lên tới Động, du khách phải leo chừng 300 m theo các bậc cầu thang từ dưới chân núi. Hua Mạ không chỉ là một hang động lớn và đẹp với những khối nhũ đá cuốn hút, nơi đây còn hấp dẫn rất nhiều du khách vì còn lưu giữ rất nhiều câu chuyện kỳ bí về Hồ Ba Bể. Trong lòng hang, không khí mát mẻ và dễ chịu. Ngoài cửa Hang, phóng tầm mắt ra xa, du khách sẽ bị mê hoặc trước bức tranh thuỷ mặc hữu hình hữu thanh với mặt nước Hồ Ba Bể trong xanh, dòng Sông Năng nước chảy hiền hoà được đại ngàn ôm trọn, hòa với tiếng chim hót véo von.

Vẻ đẹp của “Ao Tiên” 

Đến nơi đây, du khách không thể không đến thăm “Ao tiên” để trầm lắng nghe câu chuyện cổ tích kể về những nàng tiên từ thiên đình xuống hạ giới ngâm mình trong làn nước xanh biếc. Ngoài ra du khách cũng đừng quên đi thăm Động Puông, Kim Hỷ, Động Nàng Tiên, Thác Nà Đăng, Bản Pác Ngòi, Suối Thác Giềng…

Đến với Hồ Ba Bể, du khách không chỉ được đắm mình trong khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp mà còn có thể tìm hiểu, hòa mình vào không gian văn hóa của cộng đồng cư dân người Tày sống tại đây. Xung quanh Hồ ẩn hiện trong màu xanh của núi rừng là những ngôi nhà sàn nằm dựa lưng vào vách núi, soi bóng xuống mặt Hồ nước xanh. Nếu du khách đến với Hội Xuân Ba Bể (tháng Giêng) sẽ được tham gia, tìm hiểu nét văn hóa độc đáo của cư dân nơi đây qua những lễ hội mang nhiều màu sắc tâm linh như lễ cầu mùa, cầu mưa, lễ hội đua thuyền độc mộc, lễ mừng thọ cho người già, lễ mừng đầy tháng con; du khách còn được tham gia các trò chơi dân gian như tung còn, đi cà kheo…

Đồng bào người Tày ở đây rất cởi mở và thân thiện, và có lẽ từ trong ký ức xa xôi của họ đều nhắc mình cần phải sống tốt hơn và không được ghẻ lạnh với người bệnh tật khốn khó.

Rời xa cuộc sống phồn hoa nhộn nhịp của phố phường, Ba Bể là một địa chỉ tin cậy cho những ai thích khám phá vẻ đẹp thiên nhiên, khám phá núi rừng và trải nghiệm cảm nhận “phiêu bồng nơi tiên cảnh” trần thế.

Hương Thảo (tổng hợp)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Phú Thọ - miền đất của những di sản văn hóa và danh thắng
Kỷ niệm 45 năm ngày thống nhất đất nước: Chuyến đi thăm đảo Phú Quốc nhiều ấn tượng về giá trị lịch sử
Chị Võ Thị Sáu - vọng mãi lời ca
Lê Lợi - Vị anh hùng giải phóng dân tộc
Thân Nhân Trung, tác giả câu nói nổi tiếng "Hiền tài là nguyên khí quốc gia"
Hà Nội 1010 năm: Thủ đô anh hùng - Từ thành phố vì hòa bình đến thành phố sáng tạo
Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang
Cù lao Chàm - Hòn ngọc giữa biển Đông
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang