03/02/2016 10:28:00 AM
Một gia đình trí thức dấn thân

"Với tôi, giáo sư Dương Quảng Hàm là một người thầy, một trí thức đáng kính. Ông vừa cống hiến cho nước nhà thời lầm than vừa vẹn toàn gia đình.

Ông mất sớm nhưng có thể thanh thản vì con cháu đều tiếp nối là trí thức dấn thân".

 Gia đình giáo sư Dương Quảng Hàm (ảnh chụp dịp Tết Ất Dậu 1945).
Ảnh: tư liệu gia đình cung cấp

Tròn 68 năm nhắc nhớ về giáo sư Dương Quảng Hàm, ông Hoàng Tấn Anh - nguyên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn pháo binh 523 tham chiến ở Điện Biên Phủ, cựu giáo viên Trường Chu Văn An - vẫn không kìm được nỗi xúc động. Tuy ngắn ngủi nhưng cuộc đời giáo sư Hàm để lại lẽ sống cho người sau phải suy ngẫm. Một trí thức không chọn cuộc sống vinh thân phì gia ích kỷ, mà dấn thân với vận nước và chấp nhận thiệt thòi, hiểm nguy...

Người thầy ái quốc

Nhìn lại những tấm ảnh bạc màu thời gian, ông Hoàng Tấn Anh tâm sự mình không được thọ giáo thầy Dương Quảng Hàm nhiều, vì khi ông vào Trường Bưởi (Chu Văn An) cũng là lúc máy bay đồng minh ném bom quân Nhật thời điểm cuối Thế chiến thứ hai. Ngôi trường danh tiếng này phải chuyển đi mấy nơi. Ông Tấn Anh theo học một chi nhánh tại Thanh Hóa.

"Tuy nhiên, tôi được học và rất thích đọc các sách quốc văn, Việt sử của thầy. Thời bình có thể không cảm nhận hết, nhưng vào thời giặc giã ấy, những trang sách này khơi gợi mạnh mẽ tinh thần ái quốc, yêu thương giống nòi, đặc biệt là thể hiện mạnh mẽ tinh thần canh tân đất nước vô cùng cần thiết vào thời điểm ấy" - ông nói.

Ông Tấn Anh tâm sự năm 1945, ông lên Hà Nội học ban tú tài, được chính thầy Dương Quảng Hàm chủ trì cuộc thi này. Lúc ấy thầy Hàm dạy và chấm thi cả con em người Pháp. Thầy khéo léo lồng vào nhiều bài giảng văn sử chống ngoại xâm nước Việt. Mật thám Pháp biết, rất bực bội mà vẫn phải kính trọng người thầy VN.

Ngày 2/9/1945, nước VN độc lập. Giáo sư Dương Quảng Hàm tình nguyện góp sức cho nền giáo dục mới. Đây là thời điểm nước nhà rất cần trí thức đóng góp tâm huyết và trí tuệ.

Mùa đông năm 1946, Pháp động binh tái chiếm Hà Nội. Thủ đô cũng như cả nước lại bước vào cuộc kháng chiến vệ quốc. Nhân dân không tham gia chiến đấu đi sơ tán, nhưng giáo sư Dương Quảng Hàm vẫn ở lại với Hà Nội.

Lúc này, ông đang làm việc ở Trường Chu Văn An. Người nhà kể ông đã giải thích tại sao mình không sớm đi sơ tán: nếu ông đi, khi ngành giáo dục cần thì biết tìm mình ở đâu.

Tối 19/12/1946, Hà Nội rền tiếng súng đạn. Chiến sự càng ngày càng ác liệt. Ông Hoàng Tấn Anh lúc ấy là phái viên tác chiến, sau làm đại đội trưởng đại đội tự vệ Duy Tân.

"Khoảng chiều 23/12/1946, chiến sự diễn ra khắp Hà Nội, mặt trận liên khu 2, tức phía nam Hà Nội, không nơi đâu không rền tiếng súng. Các chiến sĩ, trong đó có những người từng là học trò Trường Chu Văn An, đang chiến đấu thì thấy thầy Hàm xuất hiện ở khu vực phố Lê Văn Hưu giao với phố Hàm Long.

Thầy trò chưa kịp gặp nhau, hỏi han tình hình thì chiến sự lại rộ lên dữ dội. Pháp huy động cả pháo binh, xe tăng, thiết giáp tấn công khốc liệt. Các chiến sĩ thấy thầy Hàm trúng đạn, gục xuống ở đầu phố Lê Văn Hưu nhưng không thể làm gì được trong làn đạn ngược xuôi dữ dội.

Sau đó thi hài của thầy thất lạc trong bãi chiến địa đổ nát, bốc cháy. Đó cũng là tình cảnh của nhiều người dân và chiến sĩ trong thời khắc lịch sử ấy. Không phải ai ngã xuống trong bom đạn cũng có thể được vẹn toàn mồ yên mả đẹp" - ông Tấn Anh ngậm ngùi!

Về sau có thông tin nhiễu loạn cho rằng nhìn thấy giáo sư Dương Quảng Hàm đang sống an nhàn ở Pháp. Sở dĩ người ta suy diễn như vậy vì thầy Hàm vừa Nho học vừa Tây học. Ông là thầy của cả người Pháp và có quan hệ với họ. Nếu ông bỏ đất nước sang Pháp, có lẽ không khó để tìm đường...

Ông Tấn Anh kể mình rất buồn với thông tin này. Từ lâu, trong trái tim ông Tấn Anh đã xem thầy Hàm không chỉ là nhà giáo dục mẫu mực, mà còn là một nhân sĩ yêu nước. Cách ái quốc của ông cũng như nhiều nhân sĩ thời ấy không hẳn là cầm súng, mà họ còn dùng tri thức của mình để truyền lòng yêu nước, sẵn sàng chiến đấu vệ quốc vào lòng học trò, nhân dân.

Chính ông Hoàng Tấn Anh đã cùng ba người biết chuyện này là chính trị viên Đặng Văn Thái (đại đội tự vệ Duy Tân), ông Ngô Hương (tiểu khu trưởng tiểu khu 1) và ông Đỗ Đức Kiên (ủy viên Ủy ban kháng chiến Liên khu 2) cùng ký xác nhận về sự hi sinh của giáo sư Dương Quảng Hàm ở phố Lê Văn Hưu trong chiều 23/12/1946.

Mọi chuyện đã rõ ràng. Học trò, nhân dân Hà Nội và lịch sử vẫn tiếp nối trân trọng giáo sư Dương Quảng Hàm là nhân sĩ yêu nước. Ông đã không bao giờ chọn con đường an thân trong tình cảnh loạn lạc, chiến tranh của dân tộc. Chỉ có điều ngậm ngùi là suốt bao nhiêu năm mộ bia của ông ở nghĩa trang gia tộc tại làng quê Hưng Yên vẫn chỉ là một nấm chiêu hồn không có hài cốt!

 Hai người con hoạt động cách mạng Dương Thị Ngân (phải) và
Dương Thị Thoa của giáo sư Dương Quảng Hàm - Ảnh: tư liệu gia đình

Lan truyền ý chí mạnh mẽ

"Các người con của thầy Hàm đều là những nhân vật đặc biệt. Trong đó có cô Dương Thị Ngân, nữ phát thanh viên đầu tiên đọc Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh mùa đông năm 1946.

Chính những người lính chúng tôi đã nghe giọng trong trẻo mà mạnh mẽ của cô thúc giục cầm súng kháng chiến" - thiếu tướng Ngô Huy Phác, Bộ Tổng tham mưu, hồi tưởng thời khắc lịch sử mình đã nghe lời hiệu triệu chiến đấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua giọng phát thanh của cô con gái giáo sư Dương Quảng Hàm.

Chính tại chùa Trầm, tỉnh Hà Tây, cô Dương Thị Ngân đã lần đầu tiên đọc trên đài phát thanh: "Hỡi đồng bào toàn quốc... Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!...".

Chính lời kêu gọi này đã lan truyền ý chí chiến đấu mạnh mẽ đến dân, quân trong hoàn cảnh còn rất nhiều khó khăn thời điểm ấy.

Tự hào một gia đình

"Khi tôi sinh ra đời thì ông tôi đã mất rồi, nhưng mẹ và các chú bác vẫn kể cho tôi nhiều chuyện xúc động về ông. Và đó không chỉ là những câu chuyện sự nghiệp mà còn là chuyện ông sống thuận thảo vợ chồng, dạy dỗ con cái nên người như thế nào". Nhắc nhớ về ông ngoại mình, giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Việt Bắc, Viện Khoa học công nghệ quân sự Bộ Quốc phòng, tự hào tâm sự.

Ở trường, thầy Hàm rất tận tụy với học trò, về nhà ông cũng tận tâm dạy dỗ con cái. Tuy sớm mất cha, các con vẫn học hành, đỗ đạt giáo sư, tiến sĩ. Đặc biệt có những người vừa là trí thức vừa dấn thân hoạt động cách mạng.

Trong thời cuộc đói kém và giặc giã triền miên hồi ấy, không có nhiều gia đình được như nhà giáo sư Hàm. Ngày 2/9/1945, cô Dương Thị Thoa, người con gái thứ tư của giáo sư Dương Quảng Hàm, chính là người được chọn kéo cờ trong lễ Quốc khánh đầu tiên của VN.

Tham gia phong trào Phụ nữ cứu quốc Hà Nội, ngày lịch sử ấy cô Thoa dẫn đầu đoàn phụ nữ diễu hành ở quảng trường Ba Đình và được chọn cùng cô gái dân tộc Tày Đàm Thị Loan kéo cờ Tổ quốc trong nền nhạc Tiến quân ca mở ra một thời đại của dân tộc. Với hoàn cảnh gia đình sư phạm yên ấm của mình, cô Thoa có thể an thân nhưng lại chọn cuộc đời cách mạng đầy chông gai.

Trận đói khủng khiếp năm 1945, cô nữ sinh này đã bỏ học đi quyên góp, cứu đói đồng bào. Khi Pháp nổ súng tái chiếm Hà Nội mùa đông năm 1946, cô tiếp tục gia nhập đội quân kháng chiến, nhận lãnh nhiều trách nhiệm tiếp tế, cứu thương, kể cả trực tiếp chiến đấu trong trung đoàn thủ đô.

Khi lực lượng kháng chiến tạm rút khỏi Hà Nội, cô Thoa lại theo lên chiến khu Việt Bắc, chấp nhận đời sống vất vả, nguy hiểm để đi đến cùng chí hướng vì Tổ quốc của mình. Điều đặc biệt là sau Hiệp định Genève 1954, Pháp rút, hòa bình lập lại ở miền Bắc, cô con gái của giáo sư Dương Quảng Hàm lại tiếp tục con đường học hành, nghiên cứu và nhanh chóng trở thành giáo sư - tiến sĩ triết học. Cô đã sống trọn vẹn cả trên con đường lý tưởng dân tộc và chuyên môn của người trí thức để giáo sư Hàm có thể tự hào về con mình.

Người thầy của nhiều thế hệ học trò

Giáo sư Dương Quảng Hàm (1898-1946) quê ở làng Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Cha ông là Dương Trọng Phổ và bác là Dương Bá Trạc thuộc nhóm những người sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục. Giáo sư Hàm học chữ Nho từ nhỏ, nhưng đến năm 1920 đã tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Đông Dương.

Trong 21 năm dạy học và viết sách (ông mất năm 1946), ông đã đào tạo được nhiều lớp học trò thành danh sau này. Đặc biệt, người đời sau luôn trân trọng và đánh giá rất cao những quyển sách ông viết. Trong đó có các quyển xuất sắc như VN văn học sử yếu, VN thi văn hợp tuyển, Quốc văn trích diễm, Việt văn giáo khoa thư...

Ngoài ra ông còn viết sách bằng tiếng Pháp và cộng tác với nhiều tờ báo nổi tiếng đương thời như Nam Phong, Hữu Thanh, Tri Tân...

(Theo Quốc Minh/Lophocvuive.com)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Phú Thọ - miền đất của những di sản văn hóa và danh thắng
Kỷ niệm 45 năm ngày thống nhất đất nước: Chuyến đi thăm đảo Phú Quốc nhiều ấn tượng về giá trị lịch sử
Chị Võ Thị Sáu - vọng mãi lời ca
Lê Lợi - Vị anh hùng giải phóng dân tộc
Thân Nhân Trung, tác giả câu nói nổi tiếng "Hiền tài là nguyên khí quốc gia"
Hà Nội 1010 năm: Thủ đô anh hùng - Từ thành phố vì hòa bình đến thành phố sáng tạo
Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang
Cù lao Chàm - Hòn ngọc giữa biển Đông
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang