06/08/2019 10:08:00 AM
Lăng Cô biển gọi

Ngày hè, còn gì tuyệt vời hơn là được vùng vẫy dưới làn nước biển xanh mát và thả đôi chân trần trên nền cát mịn êm hay ngồi ở bờ biển lộng gió thưởng thức hải sản tươi ngon. Biển Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế) sẽ chiều lòng các “thượng đế”.

 

“Người đẹp làng chài”

Làng An Cư tọa lạc ven biển, ven núi, ven đầm, ở dưới phía Bắc đèo Hải Vân. Tương truyền, khoảng hơn 500 năm trước, vị Tổ họ Đỗ cùng các vị từ Thanh Hóa đã vào đây khai phá và lập nên làng. Người dân An Cư lâu nay chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và nổi tiếng với lễ hội đua thuyền hàng năm vào ngày 6 tháng Giêng Âm lịch.

Dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Chu (thế kỷ XVIII), vùng phía Tây đầm Lập An và An Cư, gồm phần đất thung lũng dưới chân các rặng núi, ven con sông Hói Mít, tiếp tục được khai phá do công của hai ngài tiền hiền họ Nguyễn và họ Dương, để rồi hình thành nên làng An Cư Tây. Cả hai làng hiện là địa bàn chủ yếu của thị trấn Lăng Cô bây giờ.

“Lên non gặp anh hùng Bạch Mã, xuống biển gặp người đẹp Lăng Cô”, “người đẹp làng chài” đã khiến bao người phải say lòng. Thế nhưng không nhiều người biết rằng, công lao phát hiện vẻ đẹp Lăng Cô là vị vua triều Nguyễn Khải Định.

Trong số các vua triều Nguyễn, vua Khải Định là người đi du lịch nhiều nhất, từng có chuyến du hành sang Pháp, dự cuộc “Đấu xảo thuộc địa” tổ chức ở Marseille. Chuyến đi được ghi chép khá đầy đủ trong quyển “Ngự giá như Tây ký”. Đáng nói ở vị vua thích “xê dịch” này là trong chuyến “tuần tỉnh quan phong” vào mùa Hè 1916, ông đã phát hiện ra Lăng Cô.

Trong lúc dừng chân tại đây, nhà vua nhận ra địa điểm nghỉ mát lý tưởng cũng như cảnh đẹp tự nhiên ở tứ bề bao quanh: Mũi Chân Mây, đèo Hải Vân… Và tất nhiên, ông đã có những ngày nghỉ cực kỳ thú vị. Trở về Hoàng cung, vua ban lệnh cho bộ Công đưa vật liệu về Lăng Cô xây dựng một “hành cung” để hoàng gia nghỉ mát vào mùa Hè và đặt tên là “Tịnh Viêm” (làm dịu sự nóng nực).

3 năm sau, cũng trong một dịp dừng lại điểm du lịch và nghỉ mát này, nhà vua xúc động viết nên một bài văn bia nhan đề “Tịnh Viêm hành cung”, nay vẫn còn lưu lại, tạm dịch: “Vào tháng sáu mùa hè năm đầu Trẫm mới lên ngôi (1916), nhân dịp đi tuần du trong tỉnh để xem xét phong tục, xe loan hướng về phía Nam, vượt qua sông núi, không đâu không nhìn ngắm kỹ, bỗng gặp được chốn này”.

“Vịnh đẹp thế giới”

Đúng 10 năm trước, ngày 6/6/2019, Lăng Cô được trao tặng danh hiệu “Vịnh đẹp thế giới”. Câu chuyện về vua Khải Định và thắng tích Lăng Cô cho thấy hàm lượng văn hóa và những giá trị lịch sử dày dặn, phong phú, nhiều gợi mở. Nơi đây, núi chạy dài ra biển và viền dưới là dải cát dài trắng mịn tuyệt đẹp, gần như còn nguyên sơ.

Trong bán kính khoảng 150km, Lăng Cô là tâm điểm của một vùng tập trung 4 di sản thế giới: Quần thể di tích Cố đô Huế, phố cổ Hội An, khu di tích Mỹ Sơn, di sản thiên nhiên Phong Nha - Kẻ Bàng. Đây là vịnh thứ ba của Việt Nam sau Hạ Long và Nha Trang gia nhập câu lạc bộ các vịnh đẹp thế giới.

Hơn 4 năm sau ngày được công nhận “Vịnh đẹp thế giới”, cuối năm 2013, Lăng Cô kết nối cùng Cảnh Dương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là một trong 4 khu du lịch quốc gia nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Bắc Trung bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.

Và 5 năm sau đó, ngày 19/12/2018, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Lăng Cô - Cảnh Dương, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm đưa Lăng Cô - Cảnh Dương phát triển xứng tầm một điểm đến mang tầm cỡ quốc tế.

Thời gian tuyệt vời nhất để đi du lịch Lăng Cô là từ tháng 4 đến tháng 7. Lúc này nước biển có màu xanh ngọc bích, bờ cát trắng mịn trải dài, sóng biển cực kỳ êm và trời trong xanh nắng đẹp.

Con số 21 dự án đầu tư vào du lịch với trên 67.000 tỷ đồng ở Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô trong 10 năm qua cho thấy, du lịch Lăng Cô đã phát triển và trở thành điểm đến được yêu thích của du khách. Lễ hội “Lăng Cô - Vịnh đẹp thế giới” năm 2019 là dịp để tôn vinh cảnh quan, môi trường sinh thái của vịnh Lăng Cô, đồng thời khẳng định vị thế và tiềm lực phát triển của Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Qua đó hướng đến mục tiêu xây dựng thương hiệu du lịch Lăng Cô mang tầm quốc gia và quốc tế, thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Lên rừng, xuống biển, vẫn cảnh đèo cao

Ở Lăng Cô núi chạy dài ra biển, cát dài trắng mịn, khung cảnh nguyên sơ với những chiếc thuyền của dân chài neo đậu… vẽ nên một bức tranh yên bình và tuyệt đẹp. Đầm Lập An với khung cảnh một bên núi một bên là đầm nước trong xanh rất thi vị. Đây là nơi sẽ cho bạn những bức ảnh tuyệt đẹp. Bãi biển Chân Mây với hình vòng cung kéo dài, một bãi cát trắng chỉ cách quốc lộ 1A gần 3km, cũng là điểm “check in” thú vị không kém.

Du lịch Lăng Cô, du khách không nên bỏ qua đèo Hải Vân, nơi ngăn cách giữa Huế và Đà Nẵng, nổi lên trên nền nước trong xanh của biển Đông, Đèo cao nằm dọc theo bờ biển. Là bức tường khí hậu ngăn cách khí hậu 2 miền Nam Bắc: mùa khô và mùa mưa và miền Bắc nằm trong khí hậu cận ôn đới nên khi đi trên quốc lộ 1 bạn sẽ cảm nhận được không gian khoáng đãng và thoáng mát. Khi đi tới cuối đèo lên Lăng Cô bạn sẽ thấy nước phun tuyệt đẹp.

Vườn quốc gia Bạch Mã cũng là điểm đến không thể bỏ lỡ. Cách Lăng Cô khoảng 30km về phía Tây, nơi đây có khí hậu mát mẻ ôn hòa, không khí trong lành và các điểm tham quan nổi tiếng như thác Ngũ Hổ, thác Đỗ Quyền, chinh phục đỉnh Bạch Mã, ngắm cảnh từ trên cao ở Vọng Hải Đài… Tất cả những điều đó sẽ để lại cho bạn kỷ niệm tuyệt vời trong chuyến du lịch Lăng Cô.

Một buổi sáng rời khỏi Huế mộng mơ, lênh đênh trên con thuyền rồng, xuôi dòng, qua bao tên đất, tên làng ở vùng phía Nam Huế, để rồi dừng chân lại Lăng Cô tận hưởng đặc ân của lộc trời ban phát. Ăn theo kiểu vua, chơi theo kiểu vua… còn gì tuyệt vời hơn thế!

Theo kinhtedothi.vn

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Phú Thọ - miền đất của những di sản văn hóa và danh thắng
Kỷ niệm 45 năm ngày thống nhất đất nước: Chuyến đi thăm đảo Phú Quốc nhiều ấn tượng về giá trị lịch sử
Chị Võ Thị Sáu - vọng mãi lời ca
Lê Lợi - Vị anh hùng giải phóng dân tộc
Thân Nhân Trung, tác giả câu nói nổi tiếng "Hiền tài là nguyên khí quốc gia"
Hà Nội 1010 năm: Thủ đô anh hùng - Từ thành phố vì hòa bình đến thành phố sáng tạo
Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang
Cù lao Chàm - Hòn ngọc giữa biển Đông
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang