13/08/2018 04:55:00 PM
Kỳ thú láng bích họa Tam Hải - Quảng Nam

Mặc cho cái nắng hè chói chang tuôn tràn trên mọi nẻo đường đi lối về của mảnh đất miền Trung đầy nắng và gió khiến cho ai nấy đều cảm thấy oi bức, ngột ngạt, thì ở xứ biển Tam Hải, một xã đảo xa xôi cách trở của Quảng Nam, bầu không khí vẫn mát rượi như thể có một chiếc điều hoà khổng lồ từ ngoài biển thổi vào. Tam Hải vào hè đẹp mơ màng, bình yên với những rặng dừa xanh xoè ô che bóng, với những ghềnh đá tuyệt đẹp phủ đầy rêu xanh, và cả những ngõ nhỏ bình yên đằm thắm sắc tranh quê...

Ngôi nhà được trang trí bằng hình ảnh cá chép.

Từ Đà Nẵng, theo con đường ven biển hướng vào phía Quảng Nam, chúng tôi chạy xe máy một mạch qua cầu Cửa Đại, vào tới làng bích hoạ nổi tiếng Tam Thanh, rồi từ đó rẽ phải xuống Tam Hải. Cả chặng dài gần trăm cây số đường sá thênh thang, có đoạn chẳng có bóng người.

Tam Hải là xã đảo nằm tách biệt với đất liền, ba bề bốn bên đều là nước, trước mặt biển cả mênh mông, sau lưng có dòng Trường Giang thơ mộng. Nếu nhìn trên bản đồ, Tam Hải trông giống như hình con cá voi khổng lồ đang bơi từ ngoài biển vào, còn cái đuôi chính là ghềnh đá Bàn Than đang vung ra phía biển.

Cách duy nhất ra đảo hiện nay là bằng phà hoặc đò. Có lẽ vì điều kiện đi lại xa xôi, cách trở nên Tam Hải vẫn giữ được nguyên vẹn cái vẻ hoang sơ, đằm thắm, trữ tình của một làng quê miền biển được mệnh danh là “xứ sở của điệu bolero”.

Dân Tam Hải mê hát bolero và hát hay nổi tiếng xứ Quảng. Cả làng hầu ai cũng biết ca vài bản nhạc có cái giai điệu ướt át, mùi mẫn và đôi lúc là buồn thăm thẳm nhưng dễ đi vào lòng người. Có lẽ vì thế mà chiều chiều đi dọc theo các xóm, thể nào cũng bắt gặp vài ba đám thanh niên ngồi nhậu lai rai và hát nhạc bolero đầy ngẫu hứng với cây đàn guitare đã cũ sờn theo năm tháng.

Tam Hải hấp dẫn khách phương xa không chỉ bằng điệu bolero trữ tình mà còn có nhiều thứ khác. Đi loanh quanh theo mấy xóm chài bình yên, người ta chợt nhận ra rằng, ở vùng quê xứ biển xa vắng và có phần còn nghèo này lại đẹp rực rỡ như một bức tranh phong cảnh nhiều màu sắc.

Dọc theo những con đường làng, ngõ xóm, bãi biển… những bức tranh bích hoạ khổ lớn được các sinh viên đại học đến từ Đà Nẵng vẽ một cách khéo léo, hài hoà với cảnh quan chung, biến Tam Hải thành một bảo tàng nghệ thuật của sắc màu nhưng vẫn giữ được nét duyên đằm thắm, giản dị riêng vốn có của một làng biển.

Những bức tường, ô cửa, bờ rào, rặng dừa… vốn lem nhem, nhếch nhác ngày nào giờ đã biến thành những tác phẩm nghệ thuật đậm chất đồng quê với những chủ đề mang hơi thở cuộc sống nghề biển. Thảng hoặc cũng có những mảng không gian được vẽ theo lối hiện đại với những mảng màu lớn giản đơn và tương phản trông như tranh trừu tượng.

 Những ngôi nhà nhỏ đơn sơ như được khoác lên màu áo mới qua nghệ thuật bích hoạ vừa quen thuộc và cũng đầy mới lạ. 

Anh Tam Văn, chủ nhân ngôi nhà chúng tôi xin ngủ nhờ qua đêm trên đảo cho biết, trước đây xóm đảo cũng buồn, nhà cửa đơn sơ, xóm làng quạnh quẽ ít ai chăm chút vì dân đi biển quanh năm suốt tháng. Từ ngày có các em sinh viên về vẽ tranh trang trí nên giúp xóm làng đẹp hơn, vui hơn, khách đến tham quan cũng nhiều hơn, và ai đến cũng thấy thích.

Hè về, biển Tam Hải đẹp hơn với vẻ bình yên, lung linh trong nắng và gió. Những thắng cảnh như ghềnh đá Bàn Than, Bãi Bắc, Bãi Nồm, Hòn Mang, Hòn Dứa… hoang sơ nhưng cuốn hút lòng người. Vào mùa này, dưới ánh nắng hè vàng ươm và làn nước biển xanh như ngọc, ghềnh đá Bàn Than, bãi đá cổ và là thắng cảnh nổi tiếng của Tam Hải, bỗng trở nên đẹp lạ kỳ.

Ghềnh đá Bàn Than dài chừng một cây số, chạy vòng ôm theo triền ngọn núi nhỏ và nghiêng mình thoai thoải tràn xuống tận làn nước biển trong veo soi tới tận đáy. Trải qua hơn 400 triệu năm, dưới sự kiến tạo của địa lý, sự bào mòn của mưa gió và biển cả, những vỉa đá đen lánh như than đã biến thành những nếp đứt gãy, những khe, đụn… với hình thù kỳ lạ, độc đáo. Đặc biệt, vào mùa này, những đám rêu biển mọc lên xanh mướt, mượt như nhung phủ kín những mỏm đá nhấp nhô trước sóng biển, tạo nên một khung cảnh nên thơ tuyệt đẹp hiếm thấy.

Tham quan ghềnh đá Bàn Than, nếu du khách chịu khó đi một đoạn, ra nơi cực xa nhất, tức chỗ cái chóp đuôi của “con cá voi Tam Hải”, sẽ được chứng kiến sự kỳ vĩ của núi non và biển cả. Ở đó có hòn Ông Đụn, mõm đá cao nhất có hình như đầu một con chim phụng hoàng đang vươn ra phía biển. Mùa hè nước biển rút ra xa, đầu con chim phụng hoàng trông như ngước cao trước biển, đến mùa đông nước biển dâng cao, sóng dồn vào tung bọt trắng xoá phủ kín lên tận đỉnh tạo nên một khung cảnh vừa hùng vĩ vừa dữ dội. Đáng tiếc là sau nhiều năm bị biển xâm thực, đầu chim phụng đã bị sóng đánh sập vào năm 2016. Dẫu vậy hòn Ông Đụn nay vẫn còn đó nhiều khối đá khổng lồ mang vẻ đẹp kỳ vĩ trước biển cả mênh mông.

Hiện các dịch vụ và hoạt động du lịch ở Tam Hải chưa phát triển nhiều, mọi thứ vẫn còn hoang sơ, nhưng theo cảm nhận của du khách và sự đánh giá của giới am hiểu về đầu tư du lịch, thì Tam Hải chính là viên ngọc đen hiếm có của Quảng Nam. Nếu được đầu tư đúng cách, “xứ sở của điệu bolero” sẽ là điểm đến khó quên trên hành trình khám phá các di sản miền Trung./.

(Báo Quảng Nam)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Phú Thọ - miền đất của những di sản văn hóa và danh thắng
Kỷ niệm 45 năm ngày thống nhất đất nước: Chuyến đi thăm đảo Phú Quốc nhiều ấn tượng về giá trị lịch sử
Chị Võ Thị Sáu - vọng mãi lời ca
Lê Lợi - Vị anh hùng giải phóng dân tộc
Thân Nhân Trung, tác giả câu nói nổi tiếng "Hiền tài là nguyên khí quốc gia"
Hà Nội 1010 năm: Thủ đô anh hùng - Từ thành phố vì hòa bình đến thành phố sáng tạo
Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang
Cù lao Chàm - Hòn ngọc giữa biển Đông
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang