18/01/2022 04:56:00 PM
Khám phá vườn cây “Vô ưu” độc đáo ở Ninh Thuận

Với mong muốn giới thiệu nét đẹp của văn hóa Phật giáo, tình yêu thiên nhiên, đất nước, ông Phạm Văn Đúng đã trồng hơn 500 cây Vô ưu (còn có tên gọi cây Sala) tại thôn Trường Sanh, xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận) với những dáng thế độc đáo, thu hút đông đảo du khách tới tham quan.


Vườn cây Vô ưu được chăm chút, uốn nắn từ khi cây còn nhỏ cho đến lớn với các dáng thế đẹp và ấn tượng. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN 

Từ tỉnh lộ 703 rẽ qua con ngõ rợp bóng tre dẫn vào khu vườn, trước mắt du khách hiện ra vườn cây Vô ưu xanh mướt. Ông Phạm Văn Đúng, chủ nhân khu vườn chia sẻ: Hơn 10 năm trước trong một lần sang Campuchia công tác, ghé thăm cung điện Hoàng gia, ông bắt gặp một cây Sala rất to, hoa trái phủ đầy thân cành. Ông được nghe một nhà sư giới thiệu về nguồn gốc cây và thuyết đạo Phật. Sau đó, ông đặt mua 200 cây giống, đem về tặng 100 cây cho các chùa Phật giáo tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, số cây còn lại ông trồng trên khu vườn ở quê.

Cây Vô ưu (còn gọi là cây Đầu lân, Hàm Rồng, Ngọc Kỳ Lân, Sala…) có tên khoa học là Couroupita Guianensis, họ Lecythidaceae, chi Lộc vừng (Barringtonia). Cây được trồng nhiều ở các chùa Phật giáo Nam tông ở Nam Á và Đông Nam Á. Khi đến tuổi trưởng thành, cây ra hoa quanh năm thể hiện sự vui vẻ nên người Việt thường gọi với cái tên Vô ưu. “Hoa có màu hồng và đỏ thắm, hương thơm thanh khiết, mọc từng chùm dài từ thân chính, tạo cho mọi người liên tưởng đến câu chuyện Đức Phật được sinh ra từ cạnh sườn của hoàng hậu Maya. Hoa thì thơm nhưng khi trái chín có mùi hắc khó ngửi và trái phải chín nẫu thì hạt bên trong mới đủ già để nảy mầm thành cây con. Sinh trưởng của cây tựa như quy luật sinh-lão-bệnh-tử của triết lý nhà Phật”, ông Đúng cho hay.

 Dáng cây “Từ tâm cho hành tinh xanh” được tạo hình trái tim gieo vào quả đất như nhắc nhở mọi người hãy chung tay bảo vệ môi trường. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN


Dáng cây Vô ưu tạo thế dáng "Vạn pháp giai không". Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN 


Cây Vô ưu được tạo thành hình dáng người ngồi thiền. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN


Dáng cây “Nhân quả” được tạo dáng thành hình một trái tim lớn trồng xuống đất, trên cành mang nhiều trái tim con nhằm thể hiện tính nhân quả gieo yêu thương gặt thương yêu. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN 

Ông Đúng đã dồn hết tâm huyết “thổi hồn” cho những cây Vô ưu theo triết lý nhà Phật cùng các chủ đề thể hiện tình yêu, quê hương đất nước, con người và thiên nhiên Việt Nam. Để tạo các dáng thế, ông Đúng tự chế các khung tạo hình ảnh, dáng thế theo ý tưởng rồi đặt cố định vào thân cây khi cây còn nhỏ, chăm chút uốn nắn cho đến khi cây vươn cành phát triển thân, nhánh cao to theo các khung tạo dáng đã định hình.

Sau nhiều năm dày công tạo dáng, đến nay vườn có hơn 500 cây Vô ưu lớn, nhỏ với hơn 20 dáng thế theo triết lý của nhà Phật như dáng cây “Nhân quả” được tạo dáng thành hình một trái tim lớn trồng xuống đất, trên cành mang nhiều trái tim con nhằm thể hiện tính nhân quả gieo yêu thương gặt thương yêu; dáng cây “Bốn tâm thức cao thượng” có hình bốn trái tim thể hiện tính từ - bi - hỷ - xả; dáng cây “Trái tim Bồ tát” được tạo thành hình trái tim thoát ra khỏi vòng luân hồi, thể hiện sự thương yêu vô bờ bến...

Ông Đúng còn tạo nhiều hình dáng cây Vô ưu thể hiện tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước như dáng cây “Hoàng Sa - Trường Sa - Việt Nam” được trình bày bằng cách uốn cong cây Vô ưu thành hình chữ S, bên cạnh phía Biển Đông có hình ảnh hai trái tim mọc ra từ thân cây chính, đại diện cho hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cây “Lạc Long Quân - Âu Cơ” với dáng cây hình chữ S nơi ở của mẹ Âu Cơ và hai cánh tay vươn ra Biển Đông tạo dáng thành hai trái tim nơi ở của cha Lạc Long Quân. Đặc biệt tại hai trái tim, tác giả đã kéo dài như hai cánh tay, ôm chặt lấy dải đất hình chữ S nhằm thể hiện tuy cách xa nhau, một người ở đất liền, một người ở biển cả nhưng Lạc Long Quân và Âu Cơ mãi mãi là của nhau và là đấng sinh thành của 100 người con.

 

 Dáng cây Vô ưu thể hiện “Năm điều không nên làm - Ngũ giới”. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

 
 
 

 Dáng cây Vô ưu với chủ đề “Hoàng Sa - Trường Sa – Việt Nam”. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

 Cây Vô ưu tạo dáng “Niết bàn” thể hiện triết lý sâu xa của nhà Phật. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Bên cạnh những cây Vô ưu mà ông Đúng uốn nắn để tạo dáng, có nhiều cây ngẫu nhiên hình thành các thế dáng khác một cách tự nhiên. Đơn cử như một cây Vô ưu lúc còn nhỏ, trên mầm chồi thân chính đồng thời nảy mầm phát triển thành 12 chồi phụ đồng đều nên được đặt tên “Mười hai nhân duyên” tượng trưng cho “Vô minh, Hành, Thức, Danh, Sắc, Lục căn, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sanh".

Cùng các đồng nghiệp lựa chọn vườn cây Vô ưu là điểm đến tham quan đầu năm 2022, chị Nguyễn Thị Kim Hồng (trú tại thành phố Phan Rang – Tháp Chàm) rất bất ngờ khi được chiêm ngưỡng vườn cây Vô ưu, mỗi dáng cây đều chứa đựng những triết lý sâu xa của nhà Phật. Đặc biệt, đến nơi đây chị và mọi người được hòa mình vào thiên nhiên trong lành, cảm giác mọi ưu phiền dường như tan biến, tinh thần được thư thái để làm việc tốt hơn.

Ông Đúng cho biết, đạo Phật có mặt tại Việt Nam rất sớm, vào những năm đầu Công nguyên và đã đồng hành cùng dân tộc hơn 2.000 năm qua trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Nói về đạo Phật, ngay cả nhiều người tu hành cũng không phải ai cũng hiểu hết được. Phật giáo là một tôn giáo, đồng thời cũng là một hệ thống bao gồm hàng loạt các giáo lý, tư tưởng triết học thế giới quan, tư duy về nhân sinh quan, vũ trụ. Chúng tôi lấy cây Vô ưu để giới thiệu phần nhỏ các giáo lý nhà Phật đến mọi người qua các thế dáng vì cây này mềm dẻo, dễ uốn và quá trình sinh trưởng, phát triển của cây khiến mọi người liên tưởng đến cuộc đời Đức Phật và các giáo lý; tất cả sẽ dễ hiểu hơn khi được truyền tải qua những cây Vô ưu được tạo dáng như thế này. Vườn cây đang mở cửa tham quan miễn phí. Người dân, du khách đến tham quan cần tuân thủ các quy định phòng, chống dịch COVID-19.

Với số lượng cây Vô ưu đã trồng, ngày 1/11/2021, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã chính thức xác lập kỷ lục "Vườn cây Vô ưu (cây Sala - Couroupita Guianensis) có số lượng nhiều nhất được tạo dáng với các dáng thế theo triết lý nhà Phật" cho kỷ lục gia Phạm Văn Đúng. Nội dung kỷ lục được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, được ghi vào các ấn phẩm kỷ lục hàng năm do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam và Nhà xuất bản Thông tấn xã Việt Nam phối hợp thực hiện.

Nguyễn Thành/ dantocmiennui.vn

 

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Phú Thọ - miền đất của những di sản văn hóa và danh thắng
Kỷ niệm 45 năm ngày thống nhất đất nước: Chuyến đi thăm đảo Phú Quốc nhiều ấn tượng về giá trị lịch sử
Chị Võ Thị Sáu - vọng mãi lời ca
Lê Lợi - Vị anh hùng giải phóng dân tộc
Thân Nhân Trung, tác giả câu nói nổi tiếng "Hiền tài là nguyên khí quốc gia"
Hà Nội 1010 năm: Thủ đô anh hùng - Từ thành phố vì hòa bình đến thành phố sáng tạo
Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang
Cù lao Chàm - Hòn ngọc giữa biển Đông
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang