02/11/2017 10:37:00 AM
Dạo chơi trên hồ Lắk

Sánh vai cùng cà phê Tây Nguyên, hồ Lắk như chàng trai Cao Nguyên hùng mạnh, như con hổ của rừng già. Khi dạo chơi bên hồ Lắk (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk), bạn sẽ được ngắm những ruộng lúa xanh tận chân trời, ngỡ như ở giữa một miền đồng bằng nào đó.

Người dân bản địa kể rằng, ngày xưa vào mùa hạn hán đã thiêu cháy núi rừng quanh vùng, dân làng lâm vào tình trạng khốn đốn vì thiếu nước. Con trai Y Lắk của làng vốn là một thanh niên dũng cảm có sức mạnh như con hổ và cái bụng tốt như Giàng đã tình nguyện lên đường để tìm nguồn nước cứu dân làng. Chàng ra đi nhiều ngày mà nguồn nước vẫn bặt mù xa. Qua bao nhiêu lần mặt trời lặn rồi lại mộc mà chàng vẫn chưa tìm được nước. May mắn thay, có một con rắn thần xuất hiện và chàng Y Lắk dũng cảm đã theo dấu của con rắn tìm đến được hồ thiêng, lấy được nước, cứu sống được dân làng. Nơi hồ nước xưa đó giờ được người dân gọi là hồ Lăk.

Thuộc huyện Lắk tỉnh Đác Lắc và trên trục giao thông Buôn Ma Thuột với Đà Lạt, cách Đà Lạt 160 cây số, hồ Lắk có diện tích hơn 5 cây số vuông, thông với con sông Krông Ana huyền thoại. Kế bên hồ là thị trấn Liên Sơn thơ mộng với nhiều ngôi nhà ngói đỏ cùng vạt ruộng lúa chín vàng đồng. Thị trấn Liên Sơn là thị trấn du lịch nhỏ nhưng rất duyên dáng. Đi một vòng quanh thị trấn này cũng là cơ hội để lữ khách cảm nhận được không khí sinh hoạt của người dân nơi đây, yên bình và êm ả. Biệt điện Bảo Đại nằm ngay trên một ngọn đồi nhỏ bên cạnh hồ bây giờ được trưng dụng làm nhà hàng khách sạn cũng là điểm dừng chân lý thú. Ngôi biệt thự này tuy không hoành tráng bằng Biệt điện Bảo Đại trong lòng thành phố Buôn Ma Thuột, tuy nhiên về vị trí thì không nơi nào sánh bằng khi mà hoàng hôn xuống, du khách có thể ngắm toàn cảnh hồ Lắk với những chiếc thuyền độc mộc lặng lẽ trên hồ và ngắm thị trấn Liên Sơn lung linh trong ánh đèn vàng nơi phố núi.

Án ngữ bên hồ là dãy núi Chư Yang Sin luôn trầm mặc, hùng vĩ và hoang sơ tạo cảm giác sơn địa bình phong che chắn cho cư dân buôn Jun, buôn M’Liêng của người M’Nông có cuộc sống yên bình và no ấm. Buôn Jun, buôn M’Liêng mang vẻ đẹp nguyên sơ, hồn hậu của núi rừng và con người Tây Nguyên. Nét độc đáo của đồng bào M’Nông ở đây là còn gìn giữ được nhiều tập quán sinh hoạt văn hóa truyền thống hết sức quí báu như lễ hội, nghề thủ công, dệt thổ cẩm; nhiều vật dụng sinh hoạt như ghế Kpal, trống H’gơr, cồng chiêng, ché cổ... những loại đồ dùng trong nhà dài được người M’Liêng xem như vật thiêng.

 

Đến đây, cảm nhận đầu tiên là những nếp nhà dài của người dân tộc M’Nông nằm lặng lẽ dưới rừng tre xanh thẳm. Những ngôi nhà dài được xây dựng bằng gỗ lấy từ rừng già, giống hệt những ngôi nhà mà tổ tiên họ đã xây dựng trước đây. Quây quần bên ché rượu cần nghe già làng kể truyện trong âm vang tiếng cồng chiêng Tây Nguyên vang vọng mà có chút gì đó xa vắng, bí ẩn, mơ hồ.

Buổi chiều trên hồ Lắk thật yên bình và thanh thản. Khó có nơi nào mà không khí trong lành như chốn này. Là người con của đồng bằng, vốn quen với bước chân trên những lối mòn bằng phẳng, bỗng một chiều lạc bước đến Tây Nguyên với khúc khuỷu đường rừng, với gập ghềnh đá sỏi, núi đồi chen nhau…mà trong khu vực hồ Lắk nên thơ này, cảm giác vẫn như một miền đồng bằng thu nhỏ nằm lọt thỏm giữa đại ngàn cây lá của núi rừng bất tận.

 

Hoạt động cưỡi voi dạo chơi trên hồ vẫn còn, song rất hạn chế vì chính quyền sở tại cũng như ngành du lịch nơi đây đặt vấn đề bảo tồn lên trên hết. Đây là điều đáng quý vì voi vốn là loài vật đặc trưng của Tây Nguyên. Qua thời gian, bao cá thể voi đã vĩnh viễn xa rời núi rừng vì các hoạt động săn bắn trái phép. Bây giờ đặt ra vấn đề bảo tồn, tuy có phần muộn, song cũng là điều may mắn để các thế hệ sau biết được người dân Tây Nguyên yêu voi như yêu mảnh đất lập nghiệp của mình.

Bạn hãy thử một lần cưỡi trên lưng voi, được thủng thỉnh đi trên những lối mòn quanh hồ, hay băng qua đồng nước để cảm nhận được mình như chàng trai Y Lắk ngày xưa giữa đại ngàn.

 

Và sau những chuyến hành trình, cảm giữa thưởng thức cơm lam với thịt rừng, cùng nghe điệu cồng chiêng và bộ nhạc cụ đàn đá, bộ gõ làm từ cây lồ ô với điệu múa của người con gái M’Nông bên ché rượu cần cũng là trải nghiệm quý báu. Âm ba vang vọng của núi rừng hay tiếng cồng chiêng huyền hoặc trong men say chếch choáng bởi ché rượu cần đưa những bước chân dìu dặt cùng những vũ điệu nhẹ nhàng làm say lòng lữ khách.

Ánh lửa bập bùng như soi rọi từng mặt người hồn hậu vô tư. Cái bụng của người M’Nông sao mà to, nó chứa đựng bao nghĩa tình. Cái tâm của người M’Nông sao mà thẳng, nghĩ gì nói nấy. Ngồi cùng họ bên ché rượu cần, nắm tay cùng hòa chung vũ điệu lạ rồi quen…Còn thương nhau thì về Buôn Ma Thuột. Đêm Tây Nguyên không say sao được!

Phan Trường Sơn/ Báo Nhân Dân

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Du xuân Cồn Đen
Hà Nội 1010 năm: Thủ đô anh hùng - Từ thành phố vì hòa bình đến thành phố sáng tạo
Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang
Cù lao Chàm - Hòn ngọc giữa biển Đông
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang