13/11/2017 08:52:00 AM
Chuyện lạ về “giếng Vua” ở Lý Sơn

Ở thôn Ðông, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có giếng cổ Xó La, ngày nay người dân Lý Sơn gọi giếng nước này là “giếng Gia Long”, nhiều người gọi đó là “giếng Vua”.

 Giếng Vua chỉ cách mép biển 5-6 mét nhưng nước rất ngọt, không bao giờ cạn

Những điều lạ kỳ

Theo các nhà nghiên cứu, giếng cổ Xó La xuất hiện vào khoảng thế kỷ XV, qua bao thế hệ, người dân nơi đây vẫn sử dụng cho đến ngày nay. Như vậy, giếng Xó La có niên đại ít nhất là 5 thế kỷ. Vừa qua, UBND huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Những năm gần đây, hằng năm du khách mọi miền đất nước đến huyện đảo Lý Sơn ngày càng tăng, năm sau tăng hơn năm trước từ 30-60%. Riêng năm 2017 này đến cuối tháng 10 Lý Sơn đã đón hơn 175.000 lượt du khách. Hầu hết các đoàn đến Lý Sơn đều ghé thăm “giếng Vua”. Giếng cổ Xó La có nhiều chuyện lạ được ghi nhận, truyền lại qua bao thế hệ.

Giếng cổ Xó La này có tổng diện tích mặt bằng là 72m2, nền giếng có khuôn viên hình chữ nhật với chiều dài 7,3m, chiều rộng 6,3m, diện tích 46m2. Giếng có chiều sâu 6,7m, thành giếng dày 20cm, cao 0,65m, được xây bằng đá ong, trát vữa xi măng; Lòng giếng hình tròn, đường kính 1,9m, được kè bằng đá cuội, đá phún xuất thạch xen lẫn đá vôi. Đá ở đây được lựa chọn kỹ về kích cỡ và hình dạng, kè vào nhau khá công phu, vừa đẹp mắt, vừa rất chắc chắn, lại có khe hở vừa phải để nước mạch vào giếng dễ dàng.

Cái lạ thứ nhất đó là giếng cổ Xó La chỉ cách mép biển khoảng 5-6m, nhưng nước giếng luôn luôn ngọt và thanh mát bốn mùa, không nhiễm mặn như hầu hết các giếng nước trên đảo Lý Sơn. Đặc biệt, thời kỳ đỉnh điểm mùa hè nắng hạn, trong khi hơn 1.000 giếng nước trên đảo Lý Sơn đều cạn kiệt nguồn nước hoặc bị nhiễm mặn thì chỉ duy nhất giếng cổ Xó La là còn nước ngọt, không bao giờ khô cạn và nước ngọt đến lạ thường so với hàng nghìn giếng nước sinh hoạt của người dân trên đảo. Để thử xem mạch nước “giếng Vua” nhiều và mạnh như thế nào, có lần một số người dân địa phương sử dụng 4 máy bơm đồng loạt hút nước ra. Dù máy bơm hút nước liên tục gần nửa ngày nhưng mực nước giếng vẫn không bị cạn bao nhiêu.

Ông Phạm Thoại Tuyền, ở thôn Đông, xã An Vĩnh - là hậu duệ đời thứ 5 của Chánh cai đội Phạm Hữu Nhật - Chánh cai đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, là người chuyên sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa, lịch sử ở huyện Lý Sơn, từng gắn bó với đảo gần 70 năm nay cho biết: “Giếng Vua không những là di tích lịch sử hàng trăm năm của huyện đảo này, là một trong những điểm đến của du khách thập phương khi ra thăm đảo, mà còn là nơi đảm bảo cung cấp nguồn nước sinh hoạt quý hiếm cho nhân dân các xã trên đảo, nhất là mùa nắng hạn hầu như các giếng trên đảo đều cạn kiệt, thì giếng này không bao giờ bị cạn. Đặc biệt, để pha được ấm trà ngon và nấu rượu ngon thì không giếng nào trên đất đảo này bằng nước giếng Vua”. Do đó hầu như tất cả các quán cà phê, nước giải khát, hàng ăn uống trên huyện đảo Lý Sơn, kể cả những người thích uống trà, đều sử dụng nước lấy từ giếng này. Cũng do nhu cầu dùng nước giếng Xó La mà trên đảo xuất hiện dịch vụ lấy nước giếng bán lại cho người dùng. Bình thường có hơn 10 người, chủ yếu gia đình có đời sống khó khăn, sống dựa vào việc lấy nước giếng Xó La để bán. Những tháng mùa hè, nguồn nước ít hơn, những người lấy nước phải chọn thời điểm giếng thưa hoặc vắng người, dùng gàu lấy nước từ giếng lên theo cách thủ công, cho vào các can nhựa (20 lít - 30 lít) rồi đưa lên xe đạp, hoặc xe máy vận chuyển đến cho người dùng với giá từ 6.000 đồng đến 8.000 đồng một can nhựa từ 20- 30 lít.

 Trong lòng giếng Vua

Giải mã

Điều lạ thứ hai, tương truyền rằng giếng Xó La - trước đây nằm trong xó (nơi hoang vắng và là eo biển của đảo) vùng có nhiều cây La, nên người dân trên đảo gọi là giếng Xó La. Và có tương truyền rằng, sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã đi thăm các hòn đảo dọc bờ biển miền Trung và ghé thăm đảo Lý Sơn. Lúc ấy là thời điểm dân đảo gặp cảnh khô hạn chưa từng có. Là thiên tử cai quản muôn dân, vua Gia Long lập đàn tế trời cầu mưa. Sau đêm tế trời, vua nằm mộng và được chỉ báo về địa điểm đào giếng nước ngọt. Hôm sau, vua sai người đào giếng ở chỗ đó. Quả nhiên, khi đào giếng mới chừng 5-6m đã có nước nhiều, nước ngọt và rất mát. Nhà vua đề nghị dân làng phải giữ được giếng này. Từ đó, người dân ở đảo nhớ ơn vua và đặt tên cho giếng là giếng Gia Long hay còn gọi “giếng Vua”.

Một truyền thuyết khác, khi Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi, ông chạy dạt ra Lý Sơn. Đang mùa nắng hạn, lương thảo và nguồn nước ngọt bị cạn kiệt, ông cho quân sĩ đào giếng khắp đảo nhưng không có nước. Trong lúc sinh mệnh, sức lực của Nguyễn Ánh và quân sĩ gần như cạn kiệt thì ông nằm mơ thấy có người mách cho nơi đào giếng. Đúng như điềm báo, ông sai quân sĩ đến đúng vị trí đã mách bảo để đào giếng. Quả nhiên, giếng mới chỉ đào sâu chừng hơn ba, bốn mét là đã thấy nước ngọt.

Tuy nhiên, theo sử sách để lại, những năm Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi, ông chưa bao giờ có mặt tại mảnh đất miền Trung. Vì vậy, chuyện Nguyễn Ánh cùng quân sĩ của mình trôi dạt ra Lý Sơn để đào giếng nước này khó chấp nhận! Điều này có thể đúng và thuyết phục hơn: Đây là giếng nước của người Chăm - cư dân cổ xưa có mặt trên đảo Lý Sơn. Dọc miền Trung, nhiều ngôi làng ven biển vẫn thường xuất hiện những “giếng Vua” như thế. Đặc điểm của các giếng nước này là nằm gần biển, được xây bằng loại đá ong hoặc gạch Chăm cổ.

Theo các nhà nghiên cứu, giếng nước này xuất hiện thời vương quốc Chăm, tức là khoảng thế kỷ XV. Người Chăm sống tập trung ở khu vực ven biển, hải đảo, giỏi nghề biển, có biệt tài chọn những nơi có mạch nước ngầm tốt để đào giếng, lấy nước ngọt dùng và bán cho các thương thuyền đi lại dọc theo ven biển. Khi người Việt đến, các giếng này vẫn được tiếp tục sử dụng và duy trì cho đến ngày nay.

“Giếng Vua” ở Lý Sơn - một di tích lịch sử đã được ghi nhận và là nơi gắn bó, cung cấp nguồn nước ngọt phục vụ cuộc sống sinh hoạt hằng ngày cho hàng nghìn người dân trên huyện đảo Lý Sơn hàng trăm năm nay. Do đó, ngay sau khi đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh, UBND huyện Lý Sơn cần chỉ đạo chính quyền và nhân dân xã An Vĩnh cần có biện pháp và giải pháp gìn giữ, bảo tồn “giếng Vua” nhằm phục vụ trực tiếp nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân, mặt khác phục vụ du khách đến tham quan các di tích, danh lam thắng cảnh rất đặc biệt trên mảnh đất của quê hương Hải đội Hoàng Sa năm xưa. 

Bài và ảnh: Nguyễn Đăng Lâm/ baodulich.net.vn

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Du xuân Cồn Đen
Hà Nội 1010 năm: Thủ đô anh hùng - Từ thành phố vì hòa bình đến thành phố sáng tạo
Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang
Cù lao Chàm - Hòn ngọc giữa biển Đông
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang