07/05/2007 05:53:28 PM
Người kỵ mã cầm cờ vào Thăng Long

Lê Hân là lính kỵ mã trong tiền quân của Ngô Văn Sở, từng cầm đại kỳ, hộ giá Quang Trung vào Thăng Long sau chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa.

Thuở thiếu thời, Lê Hân, một cậu bé con nhà nghèo ở huyện Bình Khê, được một nhà sư ở Thiên Thai tự dạy võ nghệ cho. Khi tập đánh bộ, khi tập đánh trên ngựa, Hân trở thành một chàng trai dũng mãnh, những muốn đem tài sức ra cứu dân giúp đời. Gặp Ngô Văn Sở trên đường đi mộ binh, Hân ứng nghĩa ngay. Buổi đầu, chưa ai biết đến, Hân chỉ là một giản binh giữa hàng quân. Về sau, nhờ tài đức hơn người, Hân được cất nhắc làm đội trưởng, cầm cờ đi đầu khi hành quân hay phất cao trên trận địa để cổ vũ binh sĩ xông lên.

Đại kỳ của tướng Tây Sơn hình vuông, mỗi bề hai mét, giữa có màu đào, thêu tên chủ tướng, quanh viền tua xanh đính chặt các móc câu sắc, khi cần, có thể thành vũ khí phất ngang, làm sát thương quân địch. Người lính cầm cờ phải rất khỏe, can đảm, giỏi võ nghệ, để giữ chắc lá cờ khi xông trận. Vì giữ được cờ là giữ vững tinh thần quân sĩ, bị địch chém gãy cờ là báo điềm vỡ trận. Vì thế Ngô Văn Sở mới giao cho Lê Hân giữ đại kỳ. Mỗi lần ra trận, ông ngồi trên một chiến mã, tay cầm chắc cán cờ bằng gỗ trắc, sườn đeo trường kiếm, lưng mang hỏa hổ để ứng phó khi cần. Tay cờ, tay kiếm, Hân không ngại khi đánh giáp mặt với kẻ thù. Cuộc đời chiến đấu của Lê Hân đã gắn với ngọn cờ đào của nghĩa quân Tây Sơn như vậy.

Mùa đông năm 1773, sau khi lấy được phủ Quy Nhơn, Tây Sơn Vương cử Ngô Văn Sở làm Chinh Nam Đại Tướng quân, đem binh vào đánh chiếm ba phủ: Phú Yên, Diên Khánh và Bình Thuận. Các tướng giữ thành của chúa Nguyễn kẻ đầu hàng kẻ tử trận. Lê Hân ngồi trên mình ngựa, giương cao cờ dẫn đoàn quân chiến thắng làm chủ hết thành này đến thành khác, trong tiếng reo hòa vang dội của nhân dân.

Vinh quang nhất là giữa trưa ngày mồng 5 Tết Kỷ Dậu, Lê Hân hiên ngang giương cao lá cờ đào, đi đầu đội tiền quân, hộ giá vua Quang Trung vào thành Thăng Long sau chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Đi sau đoàn kỵ binh của ông là hàng trăm thớt voi mang súng cự thuần trên lưng. Đầu các quản tượng và nòng súng đều quấn dải lụa điều mừng chiến thắng. Vua Quang Trung ngồi trên bành voi, áo bào đỏ và khăn vàng xạm đen khói súng, vẫy tay chào trăm họ đang hân hoan ra đón bên vệ đường.

Sau chiến thắng, vua trở về Phú Xuân, Lê Hân ở lại Bắc Thành cùng chủ soái. Từ một người lính kỵ mã cầm cờ tiền quân, ông trở thành một tỳ tướng thân cận của Ngô Văn Sở. Tới triều Cảnh Thịnh, chủ soái bị hại, ông chán ngán, lấy lý do đau yếu và xin về quê, nhưng không được chấp thuận. Triều Tây Sơn sụp đổ, ông trốn thoát khỏi vùng truy lùng của nhà Nguyễn, băng rừng núi trở về vùng Tây Sơn Thượng, mai danh ẩn tích, sống cùng đồng bào Ba Na quen biết từ hồi dấy nghĩa. Tới thời Minh Mệnh, lúc đã gần 80 tuổi, lệnh truy lùng quan quân nhà Tây Sơn đã lắng dịu, ông mới lặng lẽ về quê, sống trong đùm bọc, chở che của họ hàng, làng xóm.

(Nguồn Bình Định)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
  • Người hiến sắc cờ cho vua Quang Trung (27/04/2007)
  • Trần Dụ Tông (23/04/2007)
  • Lê Thái Tông (19/04/2007)
  • Danh tướng Ngô Văn Sở và vua Càn Long (12/04/2007)
  • Giản Định Đế (1407-1409) (09/04/2007)
  • Hồ Hán Thương (1401-1407) (03/04/2007)
  • Lý Thái Tông (1028-1054) (30/03/2007)
  • Thái hậu Dương Vân Nga (27/03/2007)
  • Lê Trang Tông (1533-1548) (23/03/2007)
  • Mạc Đăng Dung (1527 – 1529) (20/03/2007)
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Chị Võ Thị Sáu - vọng mãi lời ca
Lê Lợi - Vị anh hùng giải phóng dân tộc
Thân Nhân Trung, tác giả câu nói nổi tiếng "Hiền tài là nguyên khí quốc gia"
Ngô Sĩ Liên - Sử gia danh tiếng của nước Đại Việt
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - một danh y lớn của dân tộc
Nguyễn Trung Trực – một anh hùng dân tộc đặc biệt
Đức Thánh Trần trong thơ văn Hồ Chí Minh
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang