06/08/2013 09:15:02 AM
Một đời vì Việt ngữ học

Giáo sư - Tiến sỹ - Nhà giáo Nhân dân Hoàng Trọng Phiến là một trong những nhà khoa học hàng đầu của giới Ngôn ngữ học Việt Nam. Ông không chỉ là một nhà ngữ pháp học nổi tiếng mà còn được biết đến với tư cách là người đặt nền móng cho bộ môn dạy tiếng Việt cho người nước ngoài ở Việt Nam.


Đối với nhiều thế hệ sinh chuyên ngành Văn học và Ngôn ngữ học của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội), trong đó có nhiều người nay đã trở thành chính khách hoặc nhà khoa học nổi tiếng, hình ảnh về GS.TS.NGND Hoàng Trọng Phiến dường như không thể nào phai mờ trong tâm trí của mỗi người. Đó là một nhà khoa học uyên bác, một nhà giáo mẫu mực, một người thầy dung dị, cởi mở và cũng rất nghệ sĩ.

  GS.TS.NGND Hoàng Trọng Phiến

Mấy chục năm sống ở Hà Nội nhưng ông vẫn một mực trung thành với cái chất giọng đặc trưng của người xứ Quảng, nói cười rổn rảng, hóm hỉnh cùng với một mái đầu phơ phơ bạc trắng trông rất nghệ sĩ. Thành ra, ai gặp ông, dù chỉ một lần cũng nhớ mãi không quên.

GS.TS.NGND Hoàng Trọng Phiến sinh ngày 2/1/1934 trong một gia đình bình dân ở làng Khuê Bắc (nay là phường Bắc Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng). Ông là sinh viên khóa đầu tiên của Khoa Ngữ văn (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội). Năm 1959 ông tốt nghiệp Đại học và được giữ lại Trường làm cán bộ giảng dạy bộ môn Ngôn ngữ học, một chuyên ngành khoa học xã hội còn khá mới mẻ ở Việt Nam thời bấy giờ.

Đến năm 1962, ông được cử sang Liên Xô (cũ) làm nghiên cứu sinh ở trường Đại học Tổng hợp Moskva (MGU). Tại đây, ông được hai nhà ngôn ngữ học nổi tiếng thế giới là GS Viện sĩ Ju. S. Stepanov và GS Viện sĩ V.M. Solncev trực tiếp hướng dẫn làm luận án tiến sĩ. Sau 4 năm miệt mài nghiên cứu, ông đã hoàn thành bản luận án khoa học viết bằng chính tiếng Nga và được Hội đồng Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô đánh giá xuất sắc.

Trở về nước, ông tiếp tục công tác giảng dạy ngôn ngữ học tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Hơn 40 năm nghiên cứu và giảng dạy, ông đã đào tạo thành công nhiều tiến sĩ và là giáo sư thỉnh giảng của nhiều trường đại học trong nước và trên thế giới. Ông cũng đã dịch và biên soạn nhiều công trình khoa học có giá trị, trong đó có nhiều công trình được xem như “sách gối đầu giường” của nhiều thế hệ sinh viên ngành Ngôn ngữ học như: Ngôn ngữ học dẫn luận (Dịch từ tiếng Nga - 1970), Ngữ nghĩa và cấu trúc ngôn ngữ (Dịch từ tiếng Nga - 1996), Lí thuyết ngữ pháp tiếng Việt (1976), Phong cách học tiếng Việt hiện đại (1976), Cú pháp tiếng Việt (1980), Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt (Chủ biên - 1990)...

Quay trở lại với câu chuyện xây dựng bộ môn dạy tiếng Việt cho người nước ngoài của GS Hoàng Trọng Phiến. Còn nhớ, năm 1968, để đáp ứng nhiệm vụ đào tạo tiếng Việt và văn hóa Việt Nam cho các học viên nước ngoài theo hiệp định giữa chính phủ Việt Nam và các nước, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã quyết định thành lập Khoa Tiếng Việt. Và GS Hoàng Trọng Phiến chính là người đặt những “viên gạch” đầu tiên xây dựng nên nền móng của Khoa này, và ông cũng chính là vị Chủ nhiệm đầu tiên của Khoa Tiếng Việt.

Nhớ lại những ngày đầu thành lập Khoa, GS Hoàng Trọng Phiến tâm sự: “Hồi ấy, ngoài công tác chuyên môn là giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, chúng tôi còn phải kiêm luôn cả công tác “phục vụ đối ngoại” như chuẩn bị và chăm sóc nơi ăn chốn ở cho học viên. Bản thân tôi nhiều hôm còn phải xuống tận nhà bếp để chuẩn bị bữa ăn cho học trò”.

Trong suốt hơn chục năm làm Chủ nhiệm Khoa tiếng Việt, ông đã đào tạo được nhiều học viên nước ngoài giỏi tiếng Việt. Nhắc lại một kỉ niệm vui, GS Hoàng Trọng Phiến kể rằng, hồi đó ông có một cậu học trò người Rumani nói tiếng Việt rất giỏi, giọng đậm chất thổ ngữ Hà Nội. Tại một cuộc hội thảo, cậu sinh viên người Rumni ấy nói tiếng Việt giỏi đến độ một vị giáo sư ngồi ở bàn chủ tọa đã phải hóm hỉnh thốt lên: “Nếu che cái mũi của cậu ta lại thì đó chắc chắn là một người Việt Nam!”.

Là một nhà ngôn ngữ học lại trực tiếp tham gia giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài nên GS Hoàng Trọng Phiến đã viết rất nhiều giáo trình và sách dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Ngoài ra, ông còn đưa ra nhiều phương pháp mang tính thực tiễn và hiệu quả cao. Một trong số những phương pháp ấy cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị, đó là “học ngoại ngữ với người bản ngữ”. Vì thế, ông thường hóm hỉnh khuyên các học trò của mình rằng: "Muốn học giỏi ngoại ngữ, các bạn hãy tìm cho mình một cuốn từ điển sống. Nếu ở Hà Nội, bạn hãy kiếm một chàng trai hay một cô gái người Hà Nội để tâm sự. Đó là cách học tiếng Việt tốt nhất mà không một người thầy nào có thể dạy được.”. Đây là phương pháp mà ông đã học được từ người thầy nổi tiếng của mình là GS. Viện sĩ Ju. S. Stepanov. Và chính nhờ phương pháp đơn giản này, nhiều học trò của ông đã thành công trong việc học tiếng Việt, một thứ ngôn ngữ mà nhiều người nước ngoài vẫn thường nói: "Học tiếng Việt còn khó hơn cả lên trời!”.

Trải qua hơn 40 năm, Khoa tiếng Việt do GS Hoàng Trọng Phiến xây dựng ngày nào giờ đã phát triển mạnh mẽ thành Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt. Kể từ đó đến nay, Khoa đã đào tạo được hơn 7.000 học viên nước ngoài thuộc 40 quốc tịch khác nhau, trong đó có 8 người là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Hà Nội, góp phần tích cực vào công tác tăng cường giao lưu, đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới.

Đối với GS.TS.NGND Hoàng Trọng Phiến, nay tuy đã bước vào tuổi 78, tức cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng người ta vẫn thấy ở ông một tâm hồn tươi trẻ, nghệ sĩ và sức cống hiến không hề biết mệt mỏi vì một nền Ngôn ngữ học nói chung và Việt ngữ học nói riêng của nước nhà.

Bài: Thảo Vy - Ảnh: Trần Huấn (BAVN)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Chị Võ Thị Sáu - vọng mãi lời ca
Lê Lợi - Vị anh hùng giải phóng dân tộc
Thân Nhân Trung, tác giả câu nói nổi tiếng "Hiền tài là nguyên khí quốc gia"
Ngô Sĩ Liên - Sử gia danh tiếng của nước Đại Việt
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - một danh y lớn của dân tộc
Nguyễn Trung Trực – một anh hùng dân tộc đặc biệt
Đức Thánh Trần trong thơ văn Hồ Chí Minh
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang