19/06/2014 11:10:20 AM
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch: Sửa luật một điều, chưa hẳn đã đơn giản!

Để thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước về việc tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ kiều bào duy trì quan hệ gắn bó với quê hương, đất nước, Chính phủ đã khẩn trương xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch để trình QH xem xét thông qua ngay tại Kỳ họp thứ Bảy theo quy trình rút gọn và dự kiến sẽ có hiệu lực ngay khi công bố.



Đại biểu Quốc hội thảo luận về
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch. Ảnh: TTXVN 
 

Còn không đầy nửa tháng nữa - đến 1/7/2014 - thời hạn 5 năm dành cho việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định tại khoản 2, Điều 13 Luật Quốc tịch năm 2008 sẽ kết thúc. Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Tư pháp, cho đến hết năm 2013 mới chỉ có khoảng 6.000 người thực hiện thủ tục nói trên. Đây là con số quá khiêm tốn so với số lượng kiều bào chưa mất quốc tịch Việt Nam đang định cư, làm ăn, sinh sống ở 103 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Để thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước về việc tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ kiều bào duy trì quan hệ gắn bó với quê hương, đất nước, Chính phủ đã khẩn trương xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch để trình QH xem xét thông qua ngay tại Kỳ họp thứ Bảy theo quy trình rút gọn và dự kiến sẽ có hiệu lực ngay khi công bố. Tuy nhiên, sự khác biệt gần như hoàn toàn về phương án sửa đổi khoản 2, Điều 13 giữa cơ quan thẩm tra và Ban soạn thảo, xuất phát từ những hàm ý chính sách khác nhau đã cho thấy việc sửa đổi luật, dẫu chỉ một điều cũng hoàn toàn không đơn giản…

Phương án của cơ quan thẩm tra mang lại những lợi ích thiết thực cho hàng vạn kiều bào ở nước ngoài. Đó là tinh thần cải cách mạnh mẽ, triệt để khắc phục những bất cập đã được nhận thức rõ, là sự chuyển hóa những tuyên ngôn, những thông điệp thành cơ chế rõ ràng, minh bạch, thuận lợi và mang lại lợi ích cho trước hết là những kiều bào xa xứ, cho sự vững mạnh, gắn kết của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, cho Nhà nước ta trong bối cảnh hiện nay. Và tất nhiên, nó cũng là phương án làm giảm đi một phần quyền năng của cơ quan hữu trách.

Duy trì hay thay đổi chính sách?

Sự cấp thiết của việc cần khẩn trương ban hành đạo luật sửa đổi này là điều không ai bàn cãi. Bởi vậy, ngay giữa kỳ họp, QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh toàn khóa và năm 2014 để tạo cơ sở pháp lý cho việc đưa dự án luật này vào quy trình lập pháp ưu tiên. Nhưng chính những lý giải về sự cấp thiết cần ban hành ngay đạo luật sửa chỉ một điều này đã cho thấy quy định về việc đăng ký giữ quốc tịch bộc lộ nhiều bất cập về tính hợp lý, tính khả thi của chính sách và tính dự liệu của quy phạm. Kết quả thi hành pháp luật, với 6.000 người đăng ký giữ quốc tịch trong 5 năm chính là sự hồi đáp trung thực từ kiểm nghiệm thực tiễn. Kết quả đó làm bật ra những câu hỏi chính sách: trong bối cảnh đất nước hiện nay, với mục tiêu gắn kết cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài trở thành bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, thì nên tiếp tục duy trì quy định về nghĩa vụ đăng ký giữ quốc tịch hay cần thay đổi chính sách một cách mạnh mẽ để tạo điều kiện thuận lợi hơn, dễ dàng hơn cho kiều bào trong việc chứng minh quốc tịch Việt Nam? Làm thế nào để chuyển hóa ý nghĩa thiêng liêng của việc đăng ký giữ quốc tịch trở thành những lợi ích cụ thể, những hỗ trợ hữu ích cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài chứ không chỉ là việc đưa dữ liệu vào hệ thống quản lý của cơ quan chức năng. Trên tất cả, nhu cầu cấp thiết cần sửa ngay bất cập của điều khoản hiện hành đòi hỏi phải chuyển tải một cách toàn diện, triệt để và minh bạch quan điểm đúng đắn, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

Dự thảo luật: một điều, ba khoản, bốn viện dẫn và những tiềm ẩn khúc xạ chính sách…

Với quan điểm tiếp tục duy trì nghĩa vụ đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, dự thảo Luật do Chính phủ trình đã sửa đổi khoản 2, Điều 13 hiện hành theo hướng chỉ bỏ thời hạn đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam, đồng thời bổ sung khoản 2a quy định về trình tự, thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam. Điều 13 mới sau khi được sửa đổi, bổ sung gồm 3 khoản như sau:

“Điều 13. Người có quốc tịch Việt  Nam

1. Người có quốc tịch Việt Nam bao gồm người đang có quốc tịch Việt Nam cho đến ngày Luật này có hiệu lực và người có quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật này.

2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày 1 tháng 7 năm 2009 thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam và phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giữ quốc tịch Việt Nam.

2a. Trình tự, thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam như sau:

a) Người đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam nộp tờ khai và giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài theo quy định của Bộ Ngoại giao.

b) Trường hợp người đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam có giấy tờ chứng minh  người đó có quốc tịch Việt Nam thì cơ quan đại diện Việt Nam ghi vào Sổ đăng ký giữ quốc tịch là người đó có quốc tịch Việt Nam và hướng dẫn làm thủ tục cấp hộ chiếu Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam không có giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ chứng minh không rõ thì cơ quan đại diện Việt Nam báo cáo Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp tiến hành xác minh và kết quả xác minh được ghi vào Sổ đăng ký giữ quốc tịch. Người được xác minh là có quốc tịch Việt Nam thì được cơ quan đại diện Việt Nam hướng dẫn thủ tục cấp hộ chiếu Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Chính phủ quy định chi tiết khoản 2a Điều này”.

Đây là phương án kế thừa nguyên trạng luật hiện hành, chỉ giải quyết và khắc phục bất cập về thời hạn để người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện nghĩa vụ đăng ký giữ quốc tịch. Với phương án sửa đổi, bổ sung như vậy, vẫn còn những câu hỏi tiếp tục được đặt ra về sự hợp lý, tính khả thi và độ minh bạch của quy phạm:

Thứ nhất, theo dự thảo Luật đối tượng phải thực hiện nghĩa vụ đăng ký giữ quốc tịch bao gồm toàn bộ những người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam. Điều này là hoàn toàn không cần thiết đối với những người đã có khả năng chứng minh về quốc tịch Việt Nam bằng các loại giấy tờ pháp lý được quy định tại Điều 11 luật hiện hành (giấy khai sinh, hộ chiếu, chứng minh nhân dân, Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam…). Việc quy định nghĩa vụ đăng ký giữ quốc tịch với những người này càng trở nên vô lý khi khoản 3, Điều 26 được bãi bỏ, không coi việc không đăng ký giữ quốc tịch là căn cứ mất quốc tịch Việt Nam.

Thứ hai, theo khoản 2a trong dự thảo Chính phủ trình, sẽ càng vô lý và mâu thuẫn hơn khi buộc những người có quốc tịch Việt Nam ở nước ngoài, phải dùng chính các loại giấy tờ đã có giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam (đã được quy định rõ tại Điều 11 Luật hiện hành, bao gồm: giấy khai sinh, giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu, quyết định cho nhập quốc tịch…) làm căn cứ pháp lý để đăng ký giữ quốc tịch, rồi sau đó làm thủ tục cấp Hộ chiếu. Mâu thuẫn ở đây là: dùng hộ chiếu đã có để đăng ký giữ quốc tịch, rồi lại buộc người ta xin cấp lại chính cái người ta đã có.

Thứ ba, khoản 2a dự thảo của Chính phủ trình có nhiều điểm chưa minh bạch, sẽ rất khó cho việc tiếp cận và áp dụng pháp luật của kiều bào – vốn là một trong những nguyên nhân cơ bản lý giải về hiệu quả thấp của 5 năm thi hành quy định này. Cụ thể như sau:

Điểm thiếu minh bạch thứ nhất: điểm b, khoản 2a đưa thêm trường hợp giấy tờ chứng minh quốc tịch không rõ bên cạnh không có giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt Nam. Cả dự thảo Luật và dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành đều không làm rõ được thế nào là trường hợp giấy tờ chứng minh không rõ, nhưng lại đặt ra hàng loạt thủ tục như phỏng vấn, lấy xác nhận của 2 người làm chứng, xác nhận của Hội đoàn, xác nhận của các cơ quan, tổ chức… Ngay từ dự thảo Luật đến dự thảo Nghị định quy định chi tiết đã tiềm ẩn khả năng khúc xạ chính sách: dự thảo Luật xác định rõ trong trường hợp này thì trách nhiệm thuộc về thụ lý hồ sơ cơ quan đại diện Việt Nam báo cáo Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp tiến hành xác minh. Tuy nhiên, dự thảo Nghị định lại trói người đăng ký giữ quốc tịch bằng một loạt thủ tục hoàn toàn phụ thuộc vào sự đánh giá cảm tính của người thụ lý giải quyết hồ sơ. Điều này sẽ dẫn đến sự tùy tiện trong áp dụng pháp luật. Quan trọng hơn, để vượt qua cửa ải này, khó hình dung hết những tốn kém, vất vả về công sức, thời gian, tiền bạc mà người lỡ rơi vào trường hợp này phải vượt qua.

Điểm thiếu minh bạch thứ hai: khoản 2 có 2 điểm, ngắt thành 4 câu, nhưng 4 câu thì chứa đến 4 điểm viện dẫn hoặc ủy quyền theo quy định của Bộ Ngoại giao; theo quy định của pháp luật; Chính phủ quy định chi tiết. Trong khi đó, dự thảo Nghị định hướng dẫn được trình kèm lại tiếp tục bắc cầu ủy quyền thêm một lần Bộ Ngoại giao quy định chi tiết thi hành Điều này. Với cách quy định như vậy, chắc chắn rằng việc khắc phục vấn đề do kiều bào không tiếp cận được thông tin, không nắm được quy định đăng ký giữ quốc tịch sẽ còn khó khăn.

… và phương án của cơ quan thẩm tra

Một phương án hoàn toàn khác theo hướng thay đổi chính sách nhằm khắc phục căn bản những bất cập đang tồn tại đã được cơ quan thẩm tra đề xuất trong Báo cáo thẩm tra như sau:

“2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày 01 tháng 7 năm 2009 thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam.

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam còn giá trị sử dụng theo quy định tại Điều 11 của Luật này thì đăng ký với Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài để được cấp giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định của Chính phủ”.

Với phương án này, đăng ký giữ quốc tịch không còn được duy trì như một nghĩa vụ với tất cả người Việt Nam định cư ở nước ngoài, không còn là một thủ tục riêng biệt chỉ để phục vụ cho việc ghi vào sổ đăng ký giữ quốc tịch của cơ quan chức năng, mà được thu hút vào thủ tục xin cấp hộ chiếu Việt Nam, và chuyển hóa từ nghĩa vụ trở thành lợi ích đối với một bộ phận những người gặp khó khăn trong cuộc sống do thiếu các  giấy tờ chứng minh quốc tịch.

Đó là sự mang lại những lợi ích thiết thực cho hàng vạn kiều bào ở nước ngoài. Đó là tinh thần cải cách mạnh mẽ, triệt để khắc phục những bất cập đã được nhận thức rõ, là sự chuyển hóa những tuyên ngôn, những thông điệp thành cơ chế rõ ràng, minh bạch, thuận lợi và mang lại lợi ích cho trước hết là những kiều bào xa xứ, cho sự vững mạnh, gắn kết của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, cho Nhà nước ta trong bối cảnh hiện nay. Và tất nhiên, nó cũng là phương án làm giảm đi một phần quyền năng của cơ quan hữu trách.

Ths. Phạm Trọng Cường
Vụ các vấn đề xã hội, Văn phòng Quốc hội
(Nguồn: http://www.daibieunhandan.vn)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Trung tướng Tô Thường, Tổng cục trưởng tổng cục Cảnh sát QLHC về TTATXH: Nhìn bằng ánh mắt thân thiện, sẽ thấy người dân gần gũi với mình
Niêm yết công khai thủ tục hành chính
Thực hiện công khai, minh bạch thủ tục hành chính để phục vụ người dân tốt hơn
Niêm yết công khai, minh bạch các thủ tục hành chính
Cải cách thủ tục hành chính, khâu đột phá để phát triển
Hiến kế cải cách thủ tục hành chính
'Cần có những chuyên đề cải cách thủ tục hành chính trong những lĩnh vực cụ thể'
Ban hành Kế hoạch cải cách thủ tục hành chính trọng tâm năm 2024
Thủ tướng: Người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo công tác Cải cách Hành chính
Theo dõi thực hiện cải cách hành chính tại các bộ, ngành, địa phương
'Phiên họp về cải cách hành chính cần kết nối trực tuyến tới cấp xã'
Thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang