19/05/2014 08:59:43 AM
Chủ tịch Quốc hội: Cương quyết không quy định thời hạn đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam

Sáng 16/5, cho ý kiến dự án Luật sửa đổi khoản 2 Điều 13 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, vẫn giữ việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhưng không quy định cụ thể thời hạn đăng ký giữ quốc tịch.



Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên họp
 


Mới
có trên 6.000 Việt kiều đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, khoản 2 Điều 13 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 quy định “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam và trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực, phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giữ quốc tịch Việt Nam” nhằm bảo đảm cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam (công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài) có cơ hội được đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam, kể cả trong trường hợp đã có quốc tịch nước ngoài, đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho công tác bảo hộ của Nhà nước ta đối với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, sau gần 5 năm thực hiện đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam, tính đến ngày 31/12/2013, mới có trên 6.000 người làm thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam. So với tổng số người Việt Nam định cư ở nước ngoài hơn 4,5 triệu người, tỷ lệ đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam dự báo là rất thấp.

Bộ trưởng Cường cho rằng, nguyên nhân là do nhiều người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã có quốc tịch nước sở tại, nên nhu cầu đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam của họ không thật sự cấp thiết, thậm chí ở các nước theo nguyên tắc một quốc tịch cứng thì việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam có thể ảnh hưởng đến quy chế quốc tịch của họ ở nước sở tại, đến quyền lợi, công ăn việc làm, cư trú của họ.

“Công tác ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, nhất là thông tư, thông tư liên tịch chưa kịp thời, làm cho việc triển khai đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam trên thực tế không bảo đảm được đúng thời gian Luật định. Công tác phối hợp tổ chức triển khai thực hiện việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam giữa các Bộ liên quan còn hạn chế; cơ chế liên thông, gắn kết giữa việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam với việc cấp hộ chiếu Việt Nam chưa được hướng dẫn rõ ràng. Hơn nữa, một bộ phận trong số họ, nhất là ở các nước chưa có cơ quan đại diện của ta, có thể chưa biết đến quy định mới của Luật Quốc tịch năm 2008”, Bộ trưởng Cường nói.

Vì vậy, Chính phủ đề nghị sửa đổi quy định về đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam tại khoản 2 Điều 13 của Luật theo phương án “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày 01/7/2009 thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam và phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trước ngày 01/7/2019 để giữ quốc tịch Việt Nam. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam”.

Quy định trình tự, thủ tục đơn giản

Cho ý kiến dự án, Chủ nhiệm Hội đồng dân tộc Quốc hội Ksor Phước đặt vấn đề, tại sao chỉ có hơn 6.000 người đăng ký giữ quốc tịch? Do công tác tuyên truyền còn nhiều rào cản hay do nguyên nhân gì? Cần phải nhìn nhận đầy đủ hơn về người Việt Nam định cư ở nước ngoài mới tìm phương án hợp lý. Các phương án phải bảo đảm sự ổn định phát triển của đất nước. Chính phủ và Ủy ban Pháp luật cần phân tích rõ vai trò, vị trí của người Viêt Nam ở nước ngoài, những mặt thuận và không thuận khi thực hiện các phương án, nhất là phải phải làm rõ trường hợp 2 quốc tịch.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng, sau 5 năm thực hiện kết quả rất hạn chế. Những địa bàn có đông người Viêt Nam thì lại rất ít người đăng ký. Nếu không sửa đổi Luật sẽ khiến hàng triệu người mất quốc tịch, thành người không quốc tịch (trừ một số ít được nhập tịch nước ngoài) dẫn đến nguy cơ tăng kiều bào về nước để giữ quốc tịch, gây xáo trộn cho tình hình nhất là ở những địa bàn biên giới. Việc đăng ký khó khăn, cộng công tác tuyên truyền hạn chế, cơ quan đại diện kiêm nhiệm nhiều nước, nếu theo đề xuất của Chính phủ sẽ khó khả thi và sẽ trở lại như thời gian qua.

Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại cho rằng, chỉ cần quy định những người chưa mất quốc tịch Việt Nam thì đương nhiên còn quốc tịch. Vấn đề quản lý như thế nào thì cần xây dựng đề án riêng, không cần đưa vào luật.

Tán thành cần giải quyết tình trạng không rõ ràng về quốc tịch của một bộ phận kiều bào, Phó Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh bày tỏ băn khăn, liệu kéo dài thêm 5 năm sau khi hết hạn 1/7/2019, có phải tiếp tục sửa đổi Luật. Vì vậy, Luật không ấn định thời hạn đăng ký cụ thể mà phân cấp cho Chính phủ quy định để “không phải sửa đổi Luật, linh hoạt tùy tình hình thực tiễn đăng ký giữ quốc tịch để điều chỉnh”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, dù quy định việc đăng ký giữ quốc tịch như thế nào thì cũng "kiên quyết không quy định thời  hạn" và các thủ tục cần được đơn giản hóa tối đa. Nhận định rằng, việc đăng ký khó khăn, cộng công tác tuyên truyền hạn chế, cơ quan đại diện kiêm nhiệm nhiều nước nên phương án kéo dài thêm 5 năm thời gian đăng ký giữ quốc tịch như đề xuất của Chính phủ là khó khả thi, Ủy ban thường vụ cho rằng, chỉ cần quy định những người chưa mất quốc tịch theo pháp luật trước khi Luật quốc tịch có hiệu lực thì đương nhiên còn quốc tịch Việt Nam và phải đăng ký để giữ quốc tịch theo quy định.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đều đồng ý với phương án vẫn giữ việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhưng không quy định cụ thể thời hạn đăng ký giữ quốc tịch.  

Thảo Nguyên

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Trung tướng Tô Thường, Tổng cục trưởng tổng cục Cảnh sát QLHC về TTATXH: Nhìn bằng ánh mắt thân thiện, sẽ thấy người dân gần gũi với mình
Niêm yết công khai thủ tục hành chính
Thực hiện công khai, minh bạch thủ tục hành chính để phục vụ người dân tốt hơn
Niêm yết công khai, minh bạch các thủ tục hành chính
Cải cách thủ tục hành chính, khâu đột phá để phát triển
Hiến kế cải cách thủ tục hành chính
Thủ tướng: Người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo công tác Cải cách Hành chính
Theo dõi thực hiện cải cách hành chính tại các bộ, ngành, địa phương
'Phiên họp về cải cách hành chính cần kết nối trực tuyến tới cấp xã'
Thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh
Thay đổi nhân sự Ban Chỉ đạo Cải cách Hành chính của Chính phủ
Thủ tướng: Cần chấm dứt tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang