15/03/2012 09:32:16 AM
Bãi bỏ bắt buộc công chứng 5 loại hợp đồng: Trao quyền tự quyết cho người dân

Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực thi phương án bãi bỏ yêu cầu bắt buộc công chứng 5 loại hợp đồng nhà đất đã nhận được sự đồng tình của dư luận xã hội.

Góp phần giản tiện các giao dịch về nhà, đất

Theo luật sư Quản Văn Minh, Ủy viên BCH TW Hội Luật gia Việt Nam, việc thực thi phương án bãi bỏ yêu cầu bắt buộc công chứng 5 loại hợp đồng nhà đất là hoàn toàn phù hợp, bởi lẽ đây là các giao dịch thực hiện quyền năng của người sử dụng đất và sở hữu tài sản gắn liền với đất, nhưng không làm dịch chuyển quyền sở hữu hợp pháp, nên các rủi ro pháp lý được hạn chế hơn.

Việc bãi bỏ yêu cầu bắt buộc công chứng cải cách theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức, đảm bảo sự quản lý của nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi và giảm thiểu chi phí cho các cá nhân tổ chức khi thực hiện các thủ tục liên quan đến công chứng

Đồng tình với việc tiếp tục phương án bãi bỏ yêu cầu bắt buộc công chứng 5 loại hợp đồng nhà đất, Luật sư Lê Văn Đài, Đoàn Luật sư Hà Nội, phân tích:

Thứ nhất, việc công chứng hợp đồng là thủ tục bổ trợ tư pháp, không phải là thủ tục hành chính, tuy nhiên việc bắt buộc phải công chứng hợp đồng như một bước đệm trước khi thực hiện thủ tục hành chính đã gây phiền hà, tốn kém tiền bạc, thời gian cho người tham gia giao dịch hợp đồng.

Thứ hai, việc bắt buộc công chứng hợp đồng không thực sự phòng ngừa được rủi ro, nếu một trong các bên tham gia giao dịch giấu diếm sự thật, hoặc không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, thì công chứng viên sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Thứ ba, đối với ba loại hợp đồng là hợp đồng cho mượn, cho ở nhờ nhà ở; hợp đồng cho thuê nhà ở; hợp đồng ủy quyền quản lý nhà ở, có những đặc điểm sau: Hợp đồng thuê nhà ở là loại hợp đồng mà bên thuê được sử dụng nhà trong thời hạn thuê và phải trả tiền thuê nhà cho chủ sở hữu; Hợp đồng cho mượn, cho ở nhờ nhà ở là loại hợp đồng mà bên mượn, ở nhờ không phải trả tiền, chỉ được mượn, ở nhờ trong một thời hạn nhất định và phải trả lại nhà cho chủ sở hữu khi đến hạn; Hợp đồng ủy quyền quản lý nhà ở là loại hợp đồng mà bên được ủy quyền thực hiện việc trông nom nhà ở có thời hạn khi chủ sở hữu nhà đi vắng. Người được ủy quyền quản lý trông nom nhà có thể được trả tiền công hoặc không được trả tiền công.

Đây là những loại hợp đồng có tỷ lệ rủi ro thấp, ít tranh chấp, nội dung hợp đồng không phát sinh thay đổi quyền sở hữu về tài sản của người tham gia giao dịch, không phải làm thủ tục đăng ký trước bạ. Các bên tham gia giao dịch có thể tự lập hợp đồng và mời người làm chứng.

Nếu việc bãi bỏ yêu cầu bắt buộc công chứng 5 loại hợp đồng nhà đất này được thực hiện thì tổ chức, cá nhân có giao dịch dân sự sẽ từ địa vị là người có nghĩa vụ thực hiện công chứng hợp đồng chuyển sang địa vị là người có quyền lựa chọn sử dụng hay không sử dụng dịch vụ công chứng các loại hợp đồng đó. Các tổ chức hành nghề công chứng sẽ hoạt động đúng với chức năng là tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý. Theo đó, các tổ chức hành nghề công chứng phải cạnh tranh về chất lượng cung cấp dịch vụ để thu hút người sử dụng dịch vụ công chứng.

Phương án bãi bỏ yêu cầu bắt buộc công chứng 5 loại hợp đồng nhà đất này còn giúp tổ chức, cá nhân mở rộng quyền lựa chọn sử dụng các dịch vụ khác như luật sư, tư vấn bất động sản để đảm bảo an toàn pháp lý cho giao dịch của họ. Trước đây, người tham gia giao dịch có thể ỷ lại Công chứng viên, thì nay sẽ buộc phải cẩn trọng hơn trong việc phòng ngừa rủi ro, tự mình tìm hiểu các điều kiện để giao dịch thành công, tránh được tranh chấp không đáng có.

Trao quyền tự quyết cho người dân

Dưới góc độ của một cán bộ công tác trong ngành Tư pháp, bà Lê Thị Thúy cho rằng việc bãi bỏ yêu cầu bắt buộc công chứng 5 loại hợp đồng nhà đất là phù hợp bởi bản chất của 5 loại hợp đồng trên là các loại hợp đồng không chuyển đổi quyền sử dụng đất, tức là không chuyển dịch quyền sở hữu của chủ sở hữu.

Theo Luật Dân sự thì quyền sở hữu bao gồm 3 quyền: Sử dụng, chiếm hữu, định đoạt. Người chủ có quyền cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền cho người khác quản lý nhà ở… đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của mình, tức là có quyền tự định đoạt trong các giao dịch dân sự có thể dưới hình thức giao dịch miệng, văn bản hoặc hợp đồng có sự làm chứng của bên thứ ba. Khi hai bên đã có sự thỏa thuận thì bắt buộc các giao dịch này phải công chứng là không hợp lý.

Hơn nữa việc bãi bỏ yêu cầu bắt buộc công chứng không có nghĩa là không được phép công chứng nữa. Đối với các giao dịch, hợp đồng quan trọng, phức tạp, có giá trị lớn hoặc cả hai bên có nhu cầu, người dân hoàn toàn có thể đến văn phòng công chứng để thực hiện việc công chứng.

Đối với công tác cải cách thủ tục hành chính thì việc bãi bỏ trên sẽ góp phần tăng quyền lựa chọn, quyền định đoạt tài sản của mình đối với người dân đồng thời giảm thủ tục hành chính cho dân qua đó tiết kiệm được thời gian, tiền bạc.

Bà Phạm Thanh Lê (Hàng Chuối, Hà Nội) có một ngôi nhà 5 tầng tại phố Tạ Quang Bửu, cho thuê để làm văn phòng. Bên thuê muốn ký hợp đồng thuê nhà trong 2 năm, hiện bà Lê đang đi thực hiện các thủ tục công chứng, trong đó có cả công chứng hợp đồng cho thuê ngôi nhà.

Khi biết được thông tin về việc bãi bỏ yêu cầu bắt buộc công chứng đối với 5 loại hợp đồng nhà đất, trong đó có hợp đồng cho thuê nhà ở, bà Lê cho rằng nếu đi vào thực hiện thì việc này sẽ giảm bớt thủ tục hành chính cho người dân, vì mỗi lần đi công chứng, người dân cũng mất khá nhiều thời gian đi lại.

Theo bà Lê, việc cho mượn, cho ở nhờ nhà, ủy quyền quản lý nhà mà cũng bắt buộc người dân làm hợp đồng rồi đi công chứng là điều không cần thiết, vì người ta thường cho người thân trong gia đình mượn hoặc ở nhờ, chứ ít khi cho người ngoài mượn, ở nhờ nhà.

Tuy nhiên, bà Lê nghĩ với những loại hợp đồng như cho thuê quyền sử dụng đất, cho thuê nhà, dù không bắt buộc đi công chứng hợp đồng nhưng để đảm bảo tính pháp lý giữa 2 bên, tránh tranh chấp về sau, việc công chứng hợp đồng là cần thiết. “Có lẽ không chỉ bên cho thuê mà cả bên đi thuê cũng sẽ muốn đi công chứng hợp đồng, vì điều đó sẽ giúp họ đảm bảo những quyền lợi đã được cam kết trong hợp đồng” bà Lê bày tỏ ý kiến.

Gia đình bà Trần Thị Hoa (Lê Thánh Tông, Hà Nội) có căn nhà ở đường Nguyễn Phong Sắc, được sử dụng cho sinh viên thuê. Bà Hoa cho biết: “Thông thường, việc cho sinh viên thuê không có tính ổn định. Một căn phòng tôi có thể cho nhiều sinh viên cùng thuê và trong năm có thể đổi người thuê nhiều lần. Do đó, việc bãi bỏ yêu cầu bắt buộc công chứng đối với 5 loại hợp đồng, trong đó có hợp đồng cho thuê nhà ở, tôi thấy rất hợp lý, đã bớt được thủ tục hành chính rườm rà bởi trước đây, mỗi lần có sự thay đổi về đối tượng cho thuê, tôi lại phải thảo hợp đồng rồi ra công chứng, khá mất thời gian và công sức đi lại”.

Tuy nhiên với những hợp đồng cho thuê nhà quan trọng, có tính lâu dài và ổn định thì bà Hoa cho rằng việc công chứng hợp đồng là cần thiết.

(Theo chinhphu.vn)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Trung tướng Tô Thường, Tổng cục trưởng tổng cục Cảnh sát QLHC về TTATXH: Nhìn bằng ánh mắt thân thiện, sẽ thấy người dân gần gũi với mình
Niêm yết công khai thủ tục hành chính
Thực hiện công khai, minh bạch thủ tục hành chính để phục vụ người dân tốt hơn
Niêm yết công khai, minh bạch các thủ tục hành chính
Cải cách thủ tục hành chính, khâu đột phá để phát triển
Hiến kế cải cách thủ tục hành chính
'Cần có những chuyên đề cải cách thủ tục hành chính trong những lĩnh vực cụ thể'
Ban hành Kế hoạch cải cách thủ tục hành chính trọng tâm năm 2024
Thủ tướng: Người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo công tác Cải cách Hành chính
Theo dõi thực hiện cải cách hành chính tại các bộ, ngành, địa phương
'Phiên họp về cải cách hành chính cần kết nối trực tuyến tới cấp xã'
Thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang