20/12/2021 04:44:00 PM
Xòe khăn - Biểu tượng đặc sắc của nghệ thuật Xòe Thái

Xét về cội nguồn, “Xe” hay còn gọi thông dụng là “Xòe” (mang nghĩa chung là Múa) của cộng đồng dân tộc Thái trước hết bắt nguồn và gắn kết song hành với sinh hoạt tín ngưỡng.

 Các cô gái Thái uyển chuyển trong vũ điệu Xòe khăn

Hướng đến tâm thức thể hiện sự biết ơn sâu sắc

Xòe góp phần thể hiện quan niệm của người Thái về vũ trụ và nhân sinh, thông qua các hoạt động nghi lễ của thầy cúng và người tham gia thực hành là các con bệnh hoặc những người có niềm tin vào thần linh.

Xòe nghi lễ cúng Then là biểu hiện tập trung nhất của các hình thức múa (lễ hội Kin pang Then), với các dạng múa/xòe dâng lễ, cầu vong, chào mời các hồn vía về, dâng lễ cảm ơn các vị Thiên binh đã cứu mệnh cho người ốm... Đi kèm theo các điệu múa/xòe là những lời hát chứa đựng triết lý nhân sinh và ẩn chứa quan niệm về vũ trụ, con người. Trước đây, việc xoè trong lễ hội bản mường (xên bản, xên mường…) gắn với phần nghi lễ đều do các ông Mo (thầy cúng) đứng ra chủ trì và những người tham gia vào cuộc xòe cũng chỉ là những người được coi là “có căn số” do Then Mo (thầy cúng) lựa chọn để cùng xòe theo những nghi thức bài bản đã định. Xòe gắn với tín ngưỡng nói chung bao giờ cũng hướng đến tâm thức thể hiện sự biết ơn sâu sắc đối với Trời - Đất, với các vị Thần linh - những “bậc tối cao” đã (được cho là) có công tạo bản, tạo mường; phù hộ cho dân được ấm no, hạnh phúc; tiêu trừ bệnh dịch; lúa, ngô được mùa, thóc gạo đầy bồ; mưa thuận gió hòa, không thiên tai, nạn dịch…

Nhìn về cội nguồn, Xòe Thái thường gắn với các nghi lễ, chủ yếu và dường như trước hết tập trung vào mấy điệu múa khăn là vốn văn hóa do các thế hệ tiền nhân người Thái sáng tạo và truyền lại. Dần dần, do những điều kiện giao lưu về kinh tế - văn hóa giữa các địa phương phát triển, người dân ở hầu khắp các làng bản Thái đã biết cùng nhau trao đổi để tìm hiểu, phục hồi các điệu xòe truyền thống vốn đã bị lãng quên. Đồng thời cũng sáng tạo thêm nhiều điệu xòe có sử dụng các phương tiện quen thuộc để làm đạo cụ diễn xướng, từ đó sinh ra hàng loạt các điệu xòe khác nhau. Tên các loại đạo cụ đó trở thành tên gọi cho từng loại múa xòe, theo những nội dung diễn xướng mang ý nghĩa nghệ thuật và giá trị văn hóa độc đáo. Đấy là các loại xòe đến nay đã thành danh, quen thuộc với hầu hết các đội văn nghệ thôn bản người Thái: Xe cúp (múa nón), Xe vi (múa quạt), Xe khăn (múa khăn), Xe mắc hính (múa quả nhạc), Xe pooc (múa bằng những bông hoa), Xe mạy (múa gậy), Xe tính tẩu (múa đàn tính)… Đi theo những điệu múa của từng loại đạo cụ này là đội ngũ phục vụ nhạc đệm với những khèn bè, đàn tính, quả nhạc, trống to - nhỏ, ống tăng bẳng (ống gõ chế tác như mõ)... Nổi bật trong số các dạng thức xe/xòe đó vẫn là xe khăn/múa khăn, một hình thức thực hành văn nghệ thể hiện rõ nét nhất sự đan quyện của các yếu tố thực hành tín ngưỡng với hiệu quả nghệ thuật và mang tính biểu tượng văn hóa độc đáo của cộng đồng người Thái vùng Tây Bắc Việt Nam.

Sự tích hợp giữa tín ngưỡng, nghệ thuật và văn hóa

Theo các bậc cao niên kể lại, trước đây người Thái khi tổ chức sinh hoạt xe/xòe, chủ yếu chỉ dùng đạo cụ là chiếc khăn dệt theo hình dải lụa nhiều màu sắc, rộng chừng hai gang tay, dài gấp rưỡi thân người. Người ta quan niệm rằng, chiếc khăn là sản phẩm của lao động, nó mang trong mình cả giá trị vật chất và tinh thần, do bà con làm thủ công sáng tạo ra. Mọi công đoạn từ lựa chọn cây rừng, ngâm tẩm để chế tác ra sợi tơ cho đến các bước dệt thành từng tấm vải và đặc biệt là làm màu nhuộm từ các loại lá, rễ cây cho ra đủ màu sắc “cầu vồng” đã thể hiện sức sáng tạo đặc biệt của các thế hệ người Thái.

Hầu hết các cuộc xòe đều gắn với việc sử dụng chiếc khăn theo từng dạng thức như Nâng khăn mời rượu (điệu Khắm khăn mơi lẩu) hay điệu Đổn hôn (bắt chéo khăn theo các bước tiến - lùi), hoặc điệu Nhôm khăn (tay múa tung khăn lên trên đầu hoặc ra các phía)… Người xòe sử dụng khăn chuyển động khéo léo với thân người, cùng sự vận động của đôi chân tùy theo tư thế, góc độ, nét mặt, ánh mắt kết hợp uyển chuyển, tạo nên những đường nét xòe khăn thực sự đẹp mắt và hấp dẫn. Ngoài ra, đạo cụ khăn còn là vật trang điểm cho một số động tác xòe khác, góp phần tôn lên vẻ đẹp và sức cuốn hút của điệu xòe. Song, dù là ở mức độ nào thì chiếc khăn cũng luôn được người Thái yêu thích và coi là vật phẩm đáng trân trọng. Không phải ngẫu nhiên mà điều đó còn được thể hiện qua các hoạt động văn hóa cộng đồng. Ở hầu khắp làng bản người Thái, mỗi khi khách quý đến chơi nhà hay vào các dịp lễ tết, để thể hiện sự thân thiện, mến khách, gia chủ thường quàng và tặng khăn cho khách ngay từ khi đón tiếp.

Nhìn theo diễn trình lịch sử, trước khi chiếc khăn với đủ loại sắc màu rực rỡ hòa vào sinh hoạt náo nhiệt của văn hóa cộng đồng, nó đã là vật phẩm quan trọng gần như bắt buộc được sử dụng trong thực hành các nghi lễ tín ngưỡng. Theo một số nghệ nhân tại Nậm Nhùn, Phong Thổ (Lai Châu), Mộc Châu (Sơn La) và Nghĩa Lộ (Yên Bái), khi cuộc xòe diễn ra trước ban thờ do các thầy cúng chủ trì, tấm khăn qua các điệu thức thực hành của các cô gái Thái sẽ biến đổi theo từng lớp lang nghi lễ khác nhau: Hai tay người múa bắt chéo về từng bên, chiếc khăn biểu tượng cho mái chèo đưa thuyền hướng về thượng nguồn sông Hồng tìm về đất Tổ; chiếc khăn được giăng chéo và giơ cao trên đầu là biểu tượng cho chiếc thang đón linh hồn những người đã khuất về dự lễ cùng con cháu; chiếc khăn được xoắn lại, quay theo nhịp múa lại trở thành biểu tượng cho chiếc roi giong ngựa, tiễn đưa linh hồn người đã khuất về thượng giới…

Bước vào đời sống sinh hoạt văn hóa cộng đồng, chiếc khăn được “chế tạo” theo các kích thước, hình dáng khác nhau, tạo nên sự đa dạng và đáp ứng nhu cầu sử dụng của các cô gái Thái, ở mọi lứa tuổi và thành phần, nghề nghiệp... Phụ nữ Thái trắng thường sử dụng khăn lụa dài để múa, còn phụ nữ Thái đen lại sử dụng chiếc khăn piêu thêu hoa văn rất đẹp vẫn đội đầu hằng ngày để tham gia vào các cuộc xòe như một thứ “đạo cụ” mang đặc trưng riêng...

Và, nhìn vào hiện trạng sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người Thái ở Tây Bắc Việt Nam hàng trăm năm nay, nghệ thuật xòe khăn Thái với sự tích hợp giá trị giữa tín ngưỡng - nghệ thuật - biểu tượng văn hóa một cách hài hòa, sinh động và mang bản sắc văn hóa tộc người rõ nét, đã góp phần làm giàu cho nghệ thuật múa dân gian, đóng góp cho quá trình sáng tạo, đa dạng hóa nguồn vốn di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Thái nói riêng, cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam nói chung. Đó cũng là căn cứ thực tiễn vững chắc giúp cho nghệ thuật Xe/Xòe Thái trở thành một thứ tài nguyên văn hóa để góp phần phát triển du lịch, tăng trưởng kinh tế và quan hệ giao lưu với các dân tộc anh em, trong và ngoài nước; xứng với đại diện cho một phần của tinh hoa di sản văn hóa nhân loại!

GS. TS BÙI QUANG THANH (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam)

(Theo baodantoc.vn)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Sử thi Tây Nguyên – Kho tàng văn hóa tinh thần vô giá
Nhãn lồng Hưng Yên
Nghi lễ và trò chơi kéo co truyền thống
Bánh Cáy làng Nguyễn - đặc sản quê lúa Thái Bình
Cổng làng nơi lưu giữ hồn quê
Nghệ thuật Dù kê của người Khmer Nam bộ
Về thăm làng nghề lụa Tân Châu
Gốm Phù Lãng - Vẻ đẹp mang tên “hồn quê”
Lễ hội Ok Om Bok - sức mạnh kì diệu của Thần Mặt trăng
Muối Cồn Cù chắt chiu từ vị mặn của biển
Lễ hội Nghinh Ông đình Thần Thắng Tam - Nét đặc sắc trong văn hóa ngư dân biển
Độc đáo thuyền thúng Phú Mỹ
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang