04/01/2018 05:37:00 PM
Về chợ quê ăn bánh gói, bánh dày

Những cơn mưa mùa đông rả rích. Mỗi buổi sớm tinh mơ, ai cũng xuýt xoa trong tiết trời se lạnh. Không khí lạnh phà về dễ khiến cảm xúc lòng người miên man trong miền ký ức tuổi thơ. Ngày ấy, mỗi sáng thức dậy, đồ ăn sáng quen thuộc của người quê tuy dân dã nhưng không kém phần hấp dẫn là những cái bánh gói, bánh dày nóng hổi, nghi ngút khói.

Ở chợ quê, không thể thiếu những người chuyên làm nghề bán bánh gói, bánh dày. Bên những bếp than đỏ hồng, ấm nồng là hình bóng các bà, các mẹ tần tảo gánh gồng đôi thúng đựng bánh gói, bánh dày đến chợ từ sớm. Nhiều năm qua vẫn thế, lúc nào bánh gói cũng được bày bán trên cái nia đi kèm với bánh dày.

Có lẽ để tiện xoong nồi, củi lửa nên người bán hay làm cùng một lượt rồi sắp xếp phần bánh gói phía dưới, bánh dày phía trên rồi hấp cách thủy. Để làm nên những chiếc bánh gói, bánh dày ngon phải tốn không ít thời gian chế biến và nhất là phải khéo léo, nhanh tay.

 Đĩa bánh dày trắng tinh, với lớp đậu xanh vàng mịn phía trên trông thật bắt mắt


Bánh gói làm từ hỗn hợp bột gạo với gia vị đã nêm vừa đủ, bắc lên bếp lửa nhỏ liu riu, khuấy đến lúc sền sệt. Sau đó nhấc nồi bột xuống, nhanh tay ngắt từng cục bột cho vào miếng lá chuối, điểm thêm một ít nhân đậu xanh và thịt. Gọi là bánh gói vì bánh được gói trong miếng lá chuối tạo hình vuông vức, vừa mắt.

Tôi vẫn nhớ mãi khoảnh khắc khi vừa lột phần lá chuối gói bên ngoài để lộ phần bánh bên trong có lớp vỏ hơi ngả màu xanh. Phần bánh bốc khói nghi ngút, còn nóng hổi, vừa thổi vừa ăn. Bánh còn giữ được độ nóng, ăn mới ngon miệng. Tùy theo khẩu vị của người ăn, người bán chan thêm nước mắm hoặc ăn kèm với hỗn hợp nhân màu hồng sền sệt (loại giống nhân ăn kèm với bánh bèo).

Tỉ tê bên hàng quà quê, cô bán hàng kể, những tháng cuối năm, nhất là gần sát Tết, bánh gói, bánh dày bán rất chạy vì người ở xa về quê đón Tết hay ghé ăn các món truyền thống. Hẳn thế nên dù đã thưởng thức vài cái bánh gói, lúc nào người ăn cũng quay sang mua thêm vài miếng bánh dày. Phần vì hương vị của hai loại bánh này khác nhau nên ăn chẳng ngán. Bánh gói ăn có vị mềm mịn, bùi bùi.

Còn bánh dày làm từ nếp nên ăn có vị dai nhuyễn. Nếp sau khi ngâm vài tiếng đồng hồ, xay nhuyễn, lọc lấy phần bột. Bột nếp cho thêm một ít muối, viên thành từng hình tròn nhỏ đặt lên miếng lá chuối xoa sẵn dầu phụng để bánh không bị dính. Đĩa bánh dày hấp chín có màu trắng tinh kèm lớp đậu xanh vàng mịn phía trên trông thật bắt mắt.

Cùng với bánh xèo, ram bắp, bánh gói và bánh dày là những món ăn truyền thống đặc trưng của người miền Trung. Như một nét đẹp bình dị trong dòng chảy văn hóa ẩm thực của xứ đầy nắng và gió, những món ăn dân dã gợi bao nỗi nhớ, níu chân người xa quê về mỗi dịp cuối năm. Ấy vậy nên chẳng có gì ngạc nhiên khi những ngày năm cũ sắp trôi qua, gian hàng chợ quê luôn đông đúc, tấp nập. Bánh quê giản dị nên giá tiền cũng vừa phải, ăn đến no bụng chỉ tốn vài nghìn đồng.

Bài, ảnh: BẢO HÒA/ Báo Quảng Ngãi

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Sử thi Tây Nguyên – Kho tàng văn hóa tinh thần vô giá
Nhãn lồng Hưng Yên
Nghi lễ và trò chơi kéo co truyền thống
Bánh Cáy làng Nguyễn - đặc sản quê lúa Thái Bình
Cổng làng nơi lưu giữ hồn quê
Nghệ thuật Dù kê của người Khmer Nam bộ
Về thăm làng nghề lụa Tân Châu
Gốm Phù Lãng - Vẻ đẹp mang tên “hồn quê”
Lễ hội Ok Om Bok - sức mạnh kì diệu của Thần Mặt trăng
Muối Cồn Cù chắt chiu từ vị mặn của biển
Lễ hội Nghinh Ông đình Thần Thắng Tam - Nét đặc sắc trong văn hóa ngư dân biển
Độc đáo thuyền thúng Phú Mỹ
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang