14/12/2022 10:08:00 AM
Thương mùi khói bếp

Cái lạnh của những chiều đông kèm mưa tầm tã kéo dài khiến nhiều người nhớ về một không gian ấm cúng - gian bếp cũ thơm ngát mùi quê hương.

 Mẹ quê. Ảnh: VŨ CÔNG ĐIỀN

Gian bếp ở quê xưa, gắn liền hình bóng mẹ hiền. Ngày ngày, mẹ ra đồng một nắng hai sương, về nhà là vội vàng vào bếp nấu bữa cơm chiều, nấu cám heo. Vừa nấu nướng, mẹ vừa dọn dẹp căn bếp, xếp củi, xếp lá nhen lửa. Nồi lớn nồi nhỏ đều được đặt lên rế; ống đựng đũa bếp, ống thổi lửa… đều được xếp đặt rất ngăn nắp. Và tất cả đồ vật ấy, tất nhiên, đều nhuốm màu khói bếp.

Gian bếp lâu năm, khói và bồ hóng đóng thành lớp dày, trên trứa (giàn treo phía trên bếp để xông lúa, đậu củi… mùa mưa), trên mái, phủ sắc màu riêng, khác hẳn với những không gian khác trong gia đình. Làn khói bếp bay lên, tỏa ra khỏi mái tranh, quyện vào sương sớm sương chiều nơi làng quê yên ả, chừng như đã là ảnh hình quá quen thương.

Nó bồng bềnh, ảo huyền trong nỗi nhớ tuổi thơ nghèo cực mà ấm áp. Nhiều người cứ gọi đó là vẻ đẹp rất… ước lệ của quê nhà. Cứ tả cảnh chiều tà, có mái tranh nghèo là phải có khói bếp bảng lảng bay vướng vít vào nhành cây hay cuộn tỏa xanh xanh rồi tan loãng nhè nhẹ trong không trung. Như có, như không. Cái duyên của miền quê, cái hồn của thôn dã, có lẽ không thể thiếu hình ảnh này.

Nơi gian bếp cũ, mẹ đã dạy chúng tôi cách chất củi vào bếp để nhen lửa sao cho dễ cháy. Mẹ dạy cách nấu cơm, nấu nước, cách khuấy cám heo, cách giụm củi giữ lửa… Nhớ những mùa đông lạnh, chị em tôi xúm hết vào xung quanh bếp hơ mặt hơ tay. Da mặt ai cũng hồng lên.

Và những củ khoai lùi trong bếp, dỡ ra, nóng hôi hổi vừa phủi, thổi và lủm, mặt mũi tèm nhem hết... Củ khoai lang hoặc củ sắn chia ba chia bốn, trong những chiều đông giá rét, nó mới ngon làm sao. Lúc đó, tôi đâu biết đó là hạnh phúc, bởi giờ đây, nỗi mong mỏi được quây quần cùng đông đủ anh chị em bên gian bếp của mẹ, đã là điều không thể.

Giờ đây, ở nhà ba mẹ tôi, chị dâu cũng luôn chăm chút cái bếp củi. Gian bếp bây giờ không nhiều vật dụng treo quanh hay nồi cám heo to bự như xưa, nhưng nó vẫn ấm áp và thơm mùi riêng của tro, của củi, của bồ hóng.

Sáng sớm thức dậy, trong tiếng lao xao của bầy gà đòi thóc, chị tôi bao giờ cũng nhen lửa nấu nước sôi. Mùi củi keo quyện với dăm của mấy cây dó mới ngã do bão thơm ơi là thơm. Thích nhất là ở góc bếp thường được điểm thêm buồng chuối cau vừa chín tới, chín tới đâu ăn tới đó, thật không gì thú vị bằng.

Những loại bếp sạch sẽ tiện lợi như bếp ga, bếp từ… và dụng cụ khử mùi đã thành vật dụng phổ biến trong các gia đình thời nay. Nhưng gian bếp củi và mùi khói bếp thì mãi là phần hồn sâu lắng, như một định danh thơm tho giữa chốn quê nhà.

Nguyễn Thị Diệu Hiền/ Báo Quảng Nam

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
  • Phải lòng mỳ Quảng (07/12/2022)
  • Canh khế nấu tôm (01/12/2022)
  • Thức quà tuổi thơ từ cây kơnia (23/11/2022)
  • Gà nướng, cơm lam - Đặc sản dân dã của núi rừng Tây Nguyên (18/11/2022)
  • Chả ốc chợ quê (10/11/2022)
  • Món kho quẹt gợi nhớ làng quê (02/11/2022)
  • Đậm đà cá nục kho nước mía (27/10/2022)
  • Thương mùi khói bếp chiều mưa (21/10/2022)
  • Nộm củ hũ dừa miền Tây (14/10/2022)
  • Thịt bò kiến đốt - đặc sản của Tam Đảo (06/10/2022)
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Sử thi Tây Nguyên – Kho tàng văn hóa tinh thần vô giá
Nhãn lồng Hưng Yên
Nghi lễ và trò chơi kéo co truyền thống
Bánh Cáy làng Nguyễn - đặc sản quê lúa Thái Bình
Cổng làng nơi lưu giữ hồn quê
Nghệ thuật Dù kê của người Khmer Nam bộ
Về thăm làng nghề lụa Tân Châu
Gốm Phù Lãng - Vẻ đẹp mang tên “hồn quê”
Lễ hội Ok Om Bok - sức mạnh kì diệu của Thần Mặt trăng
Muối Cồn Cù chắt chiu từ vị mặn của biển
Lễ hội Nghinh Ông đình Thần Thắng Tam - Nét đặc sắc trong văn hóa ngư dân biển
Độc đáo thuyền thúng Phú Mỹ
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang