05/02/2016 10:53:00 AM
Những người thợ Xốm hôm nay

Nhắc đến làng mộc Thượng Mạo, phường Phú Lương, Hà Đông (Hà Nội), người xưa có câu “Thợ Xốm, cốm Vòng” để nói về những người thợ mộc khéo léo trong việc xây dựng nhà cửa dân gian truyền thống.

 Những người thợ Xốm làng mộc

Làng nghề mộc truyền thống

Theo các bậc cao niên trong làng kể lại, mảnh đất Thượng Mạo ngày nay được hình thành từ năm 36 sau công nguyên. Thời kỳ ấy, người dân trong vùng chủ yếu độc canh cây lúa, nạn đói kém, mất mùa thường xuyên vì thế đời sống bà con trong vùng hết sức nghèo nàn, lạc hậu. Với mong muốn đưa dân làng thoát khỏi nạn đói, các bậc cao niên trong làng đã cất công khắp nơi kiếm tìm thầy giỏi về dạy nghề cho dân.

Nhờ sự chỉ bảo tận tình của cụ Tổ nghề, nhân dân trong vùng ngày đêm học mộc, vì thế tay nghề của các vị tiền nhân ngày càng tinh thông về chạm khắc, thành thạo về mực thước. Từ những sản phẩm thủ công ban đầu là gỗ, giường, tủ… những người thợ Thượng Mạo đã nâng cao tay nghề và chuyển sang xây dựng đình chùa, miếu mạo, nhà thờ theo kiến trúc cổ xưa. Nhiều công trình do chính những người thợ “Xốm” Thượng Mạo thiết kế như Đình làng Đơ, Đình Khương Thượng, Đình Đông Lao, Đình Văn Phú, Đình Khê Tang, Đình làng Thượng Mạo…vẫn vẹn nguyên giá trị. Trong số các sản phẩm thủ công mỹ nghệ thời ấy, Cây quán Tày đã trở thành biểu tượng, vật báu của làng mộc. Đây là sản phẩm do chính những người thợ Xốm chế tác và được đưa vào kinh dự thi. Để nhớ về công lao của người thợ Xốm, dân làng đã đem Cây quán Tày thờ tự ở nhà thờ tổ. Và cái tên “thợ Xốm” cũng ra đời trong bối cảnh đó.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, làng gỗ Thượng Mạo được lưu truyền qua các thế hệ và không ngừng phát triển cho đến ngày nay. Theo ông Nguyễn Quang Thoại - Chủ tịch hội làng nghề mộc Thượng Mạo cho biết: Nghề mộc là nghề thủ công mang lại thu nhập chính cho người dân nơi đây. Ngày nay, theo tục cha truyền con nối, hầu hết các hộ gia đình trong vùng đều có từ 3 - 4 đời làm mộc truyền thống. Thượng Mạo hiện có hơn 350 hộ sản xuất kinh doanh và trên 1.036 lao động làm mộc.

Trước đây, người dân trong vùng chủ yếu làm mộc tại làng, giờ đây những người thợ “Xốm” đã lưu chuyển khắp nơi làm mộc. Không chỉ tạo việc làm, thu nhập cho dân trong vùng, nghề mộc còn thu hút lao động phổ thông ở khắp các vùng miền: Nghệ An, Thanh Hóa, Bắc Giang, Vĩnh Phúc…

Những người thợ Xốm

Để tạo nên một sản phẩm, người thợ mộc phải trải qua rất nhiều công đoạn phức tạp. Trước đây khi chưa có máy móc, người làng Thượng Mạo chủ yếu làm mộc bằng công đoạn thủ công, tốn kém công sức thì nay phần lớn đã chuyển sang làm bằng máy. Các loại máy cắt, máy bào… được đưa vào làm nghề để cơ giới hóa, giảm công sức lao động. Nhờ vậy, số lượng và chất lượng sản phẩm đã được nâng lên rõ rệt. Giờ đây nhiều hộ gia đình ở Thượng Mạo đã mở rộng sản xuất với quy mô lớn như xưởng mộc của gia đình ông Thoại, ông Hối…

Là một trong những người thợ “Xốm”, gắn bó cả cuộc đời với nghề mộc, hơn ai hết ông Thoại là người hiểu rõ đặc trưng của nghề: “Mộc là một nghề thủ công không chỉ đòi hỏi đức tính tỉ mỉ, cần mẫn mà nó còn đòi hỏi cả sự tài hoa, khéo léo của người thợ. Mỗi một sản phẩm mộc phải trải qua 6 công đoạn chính, từ bóc bản vẽ, soạn gỗ, xẻ gỗ, pha chế phần thô, sơ chế và hoàn thiện. Bất kể một người thợ nào cũng phải làm được cả 6 công đoạn trên”, ông Thoại cho biết.

Trong những năm gần đây, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, làng nghề đã mở rộng sản xuất với đầy đủ các mặt hàng như: gỗ, giường, tủ, sơn son thếp vàng, hoành phi, câu đối, khuôn cửa, đồ thờ… Những sản phẩm của làng mộc giờ đã được bán rộng rãi trong cả nước từ Bắc chí Nam. Từ những sản phẩm mộc đã giúp cho đời sống của người dân trong vùng được cải thiện và nâng cao rõ rệt. Thu nhập bình quân của mỗi người thợ mộc từ 5 - 7 triệu/ tháng, với mỗi cơ sở mang lại thu nhập 30 triệu/ tháng.

Đặc thù của nghề mộc chỉ dành riêng cho nam giới vì thế nguồn lực làm mộc quanh năm thiếu thốn. Nhất là vào những tháng giáp Tết, công việc của người thợ mộc bận rộn, người làng Thượng Mạo thường phải kiếm tìm, bổ sung nhân lực từ bên ngoài tỉnh. Các cơ sở làm mộc thường manh mún, chưa có nhà xưởng cố định, nhiều hộ gia đình vẫn sử dụng phương pháp làm mộc truyền thống. Đặc biệt, trong cơ chế thị trường hiện nay nhiều sản phẩm mộc từ bên ngoài cạnh tranh về mẫu mã, chất lượng nên những sản phẩm mộc của Thượng Mạo gặp không ít khó khăn. Trong tương lai, việc tìm đầu ra cho sản phẩm làng nghề luôn là điều trăn trở của người dân nơi đây.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng những người thợ Xốm hôm nay đã không ngừng bảo tồn, gìn giữ và tiếp tục phát huy những giá trị truyền thống ngàn đời của làng nghề xưa. Họ gìn giữ và phát huy nghề mộc như giữ lấy hồn cốt quê hương mà tổ tiên ngàn đời gây dựng nên. Hàng năm, cứ vào ngày 11 tháng 10 Âm lịch, người làng Thượng Mạo lại linh đình tế lễ giỗ tổ nghề để tưởng nhớ đến công lao của những người đã dày công truyền dạy nghề mộc và đem lại cuộc sống ấm no cho dân làng nơi đây.

Vi Cầm (LVO)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Sử thi Tây Nguyên – Kho tàng văn hóa tinh thần vô giá
Nhãn lồng Hưng Yên
Nghi lễ và trò chơi kéo co truyền thống
Bánh Cáy làng Nguyễn - đặc sản quê lúa Thái Bình
Cổng làng nơi lưu giữ hồn quê
Nghệ thuật Dù kê của người Khmer Nam bộ
Về thăm làng nghề lụa Tân Châu
Gốm Phù Lãng - Vẻ đẹp mang tên “hồn quê”
Lễ hội Ok Om Bok - sức mạnh kì diệu của Thần Mặt trăng
Muối Cồn Cù chắt chiu từ vị mặn của biển
Lễ hội Nghinh Ông đình Thần Thắng Tam - Nét đặc sắc trong văn hóa ngư dân biển
Độc đáo thuyền thúng Phú Mỹ
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang