13/11/2019 03:22:00 PM
Những “kho vàng” ở làng ươm tơ Cổ Chất

“Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông”, câu ca vẫn được các cụ lưu truyền bao đời đã thay cho chỉ dẫn địa lý về một thương hiệu quý giá trên mảnh đất thành Nam – làng nghề tơ Cổ Chất, Cả đời gắn bó với nghề tằm tang, thăng trầm cũng nhiều, nhưng người làng dệt Cổ Chất không thể nghĩ hướng rẽ mới của nghề truyền thống quê hương mình lại gắn với du lịch.

 Người thợ đang kéo tơ

Vàng son một thuở

Những ngày cuối hè, làng Cổ Chất (xã Phương Định, huyện Trực Ninh, Nam Định) rực rỡ bởi những bó tơ vàng, tơ trắng óng ả buông theo những thanh sào tre dựng san sát bên đường. Người làng vẫn hay nói vui, nhà nào còn giữ nghề ươm tơ thì đều có những kho vàng trong nhà, đó là những bó tơ tự nhiên được làm bằng mồ hôi, công sức của các thành viên trong gia đình.

Làm nghề tằm tang cũng bận rộn theo mùa vụ. Qua tháng Giêng, sang tháng hai âm lịch là mọi người bắt đầu vào vụ ươm tơ đầu tiên. Đến tháng 9 âm lịch là hết chính vụ. Nếu có kén, người làng có thể làm thêm vụ tằm ép cuối năm vào tháng 12 dương lịch. Bởi thế, vào tháng 8, tháng 9 là vào mùa thu hoạch cuối năm trước khi nghỉ ngơi, nên đến đây sẽ thấy không khí tất bật, nhộn nhịp của làng nghề truyền thống.

 Nồi đun nước luộc kén bốc lên nghi ngút

Bà Nguyễn Thị Đan, người làng Cổ Chất cho biết, sống ở làng nghề đã vài trăm năm, thế hệ bà ai cũng biết quay tơ se sợi, con gái 11, 12 tuổi đã có thể phụ giúp gia đình. “Đúng là nuôi tằm ăn cơm đứng, vất vả thật, nhưng nghề cha ông để lại nên cứ vậy rồi học theo, giờ thì gắn bó với mình cả một đời. Con cháu có ngăn cản thì tôi vẫn cứ làm, vì nhớ nghề”, bà chia sẻ. Ở thời kỳ phát triển cực thịnh, cả làng Cổ Chất sống bằng nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, quay sợi. Mấy trăm hộ gia đình nhà nào cũng có tới hai lò ươm, thoi dệt làm việc ngày đêm không ngơi nghỉ. Cánh đồng trước làng bạt ngàn một màu xanh của lá dâu, làm vùng nguyên liệu cho sản xuất, nổi tiếng khắp miền gần xa bởi thứ tơ lụa óng ả, bền đẹp và rực rỡ sắc màu. 

Giống với nhiều làng nghề truyền thống, nghề tơ lụa làng Cổ Chất không thoát khỏi tình trạng mai một, bấp bênh giữ người giữ nghề. Đến nay, cả làng còn khoảng 20-30 hộ ươm tơ, chủ yếu là công việc của phụ nữ, người trung niên hay ông già bà cả. Trong những xưởng kéo tơ, dù ngày mưa hay ngày nắng, mọi người vẫn đều đặn làm những công việc thường ngày, từ việc lựa chọn và phân loại kén tằm, cho đến việc đảo kén lấy mối tơ, tay thoăn thoắt mắt không rời để kéo tơ đều sợi, tạo nên những nén tơ căng chắc.

Giữ thương hiệu làng nghề

“Hỡi cô thắt dải lưng xanh/ Có về Nam Định với anh thì về/ Nam Định có bến Đò Chè/ Có tàu Ngô Khách, có nghề ươm tơ”, câu ca lưu truyền xưa giờ trở thành lời mời gọi những du khách thập phương về với làng ươm tơ Cổ Chất. Ở làng bây giờ, ngoài những xe hàng đưa tơ đi khắp nơi để làm nên vải lụa, còn có những đoàn du lịch tới tìm hiểu văn hóa, nghề truyền thống của địa phương. 

 Kén tằm

Trong hơi nước trong những nồi đun nước luộc kén bốc lên nghi ngút, các cô các bà luôn tay bỏ những nong kén tằm vào rồi khỏa nước liên tục. Sợi tơ chui qua một lỗ nhỏ rồi cuốn mình vào guồng đang quay tít. Dù cuộc sống hiện đại, nhưng các công đoạn kéo tơ dệt vải ở làng Cổ Chất vẫn phần nhiều làm thủ công, phần nhiều dành cho phụ nữ. Khâu nào cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận. Như khi chỉnh tơ, ai cũng phải căng mắt để nhặt tạp chất, quấn cho khuôn tơ được suôn và đều, sao cho tơ được sạch sẽ. Hay khi gỡ tơ, bí quyết se sợi đẹp chính là phải gỡ kỹ rồi mới từng bó tơ phơi khô dưới nắng. Sợi tơ thanh mảnh, mềm mại nhưng rất bền và có màu sắc tươi sáng, là niềm tự hào của bà con giới thiệu với du khách. 

 Những sợi tơ vàng óng ánh

Chị Trịnh Thu Thảo (phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội) từng tham gia một tour du lịch khám phá mảnh đất thành Nam cho biết, làng Cổ Chất để lại ấn tượng với các thành viên trong đoàn bởi không khí nhộn nhịp và không gian đa sắc màu tại đây. Chị chia sẻ: “Chúng tôi háo hức được nhìn những nghệ nhân hướng dẫn cách kéo tơ, cũng hiểu thêm được vì sao ngày xưa bà chúng tôi vẫn hay bảo – Một nong tằm là năm nong kén, một nong kén là chín nén tơ. Nhưng điều ấn tượng nhất là tình yêu nghề của những người dân làng Cổ Lễ. Dù công việc có cực nhọc, vất vả nhưng họ luôn hào hứng, nhiệt huyết khi nói về nghề cha truyền con nối này”.

Không chỉ có vậy, du khách đến đây có thể tìm hiểu văn hóa, phong tục tập quán truyền thống khi thăm đền Vạn Cổ Hương và chùa Phổ Quang tự - một quần thể kiến trúc của làng Cổ Chất hoàn chỉnh, tôn thêm nét đẹp văn hóa, lịch sử cho vùng quê yên bình này, góp chung cho diện mạo văn hóa đặc trưng vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Trà Lĩnh / langvietonline.vn

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
  • Làng Chăm An Giang với những nét văn hóa độc đáo (11/11/2019)
  • Quan niệm tâm linh về gà cúng của đồng bào vùng cao Nghệ An (08/11/2019)
  • Múa nghi lễ của đồng bào dân tộc thiểu số (06/11/2019)
  • Người Mông xanh giữ nghề dệt vải (04/11/2019)
  • Đặc sắc hát quan lang trong đám cưới người Tày ở Cao Bằng (01/11/2019)
  • Nghề khai thác rau chân vịt đảo Lý Sơn (31/10/2019)
  • Lễ dựng cột nhà của người Chăm (29/10/2019)
  • Đặc sắc lễ rửa làng của dân tộc Lô Lô (21/10/2019)
  • Đồng dao – thế giới thần tiên của trẻ thơ (16/10/2019)
  • Món ăn lam của người Pa Cô (14/10/2019)
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Sử thi Tây Nguyên – Kho tàng văn hóa tinh thần vô giá
Nhãn lồng Hưng Yên
Nghi lễ và trò chơi kéo co truyền thống
Bánh Cáy làng Nguyễn - đặc sản quê lúa Thái Bình
Cổng làng nơi lưu giữ hồn quê
Nghệ thuật Dù kê của người Khmer Nam bộ
Về thăm làng nghề lụa Tân Châu
Gốm Phù Lãng - Vẻ đẹp mang tên “hồn quê”
Lễ hội Ok Om Bok - sức mạnh kì diệu của Thần Mặt trăng
Muối Cồn Cù chắt chiu từ vị mặn của biển
Lễ hội Nghinh Ông đình Thần Thắng Tam - Nét đặc sắc trong văn hóa ngư dân biển
Độc đáo thuyền thúng Phú Mỹ
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang