23/03/2016 09:15:00 AM
Nghệ thuật Pháp lam Huế

Sau gần 150 năm tồn tại, nhà Nguyễn đã để lại trên đất Huế một kho tàng di sản văn hóa đồ sộ. Trong đó, không thể không nhắc đến những sản phẩm Pháp lam ở di tích Huế – một loại hình mỹ thuật trang trí, đồng thời là những tác phẩm nghệ thuật - đã thất truyền về kỹ thuật chế tác nhưng hiện nay đang được nhiều nhà nghiên cứu bảo tồn, quan tâm và phục dựng.

  • Pháp lam Huế trang trí trên các cổng của Đại Nội Huế

  • Lư trầm mang họa tiết Pháp lam Huế

  • Ngày nay, họa tiết Pháp lam Huế còn được trang trí trên các sản phẩm thủ công mỹ nghệ

Loại hình mỹ thuật trang trí độc đáo

Pháp lam có lịch sử rất lâu đời với việc những sản phẩm Pháp lam đầu tiên trên thế giới được biết đến từ thế kỷ 13 trước Công nguyên, khi những người thợ kim hoàn Mycenaean tráng men thuỷ tinh trên những đôi khuyên tai bằng vàng. Kể từ đó, các nền văn minh trên toàn thế giới du nhập kỹ thuật Pháp lam vào các hình thức nghệ thuật riêng biệt của họ.

Tại Việt Nam, Pháp lam được biết đến với những tác phẩm mỹ thuật hay các chi tiết trang trí trong kiến trúc Huế, với cốt làm bằng đồng đỏ, bên ngoài phủ các lớp men nhiều màu tạo nên các họa tiết rực rỡ màu sắc. Nghệ thuật chế tác Pháp lam được du nhập vào Việt Nam từ năm Minh Mạng thứ 8 (1827). Bấy giờ, có một nhóm thợ vẽ ở Nội Tạo, bộ phận chuyên việc mỹ thuật, trang trí trong cung Nguyễn, học được nghề làm Pháp lam từ Trung Quốc. Nhà vua cho đặt Pháp lam tượng cục, gồm 15 người, do Vũ Văn Mai đứng đầu, chuyên sản xuất Pháp lam cho triều đình Huế. Xưởng chế tác Pháp lam được đặt ở khu Canh Nông trong Thành nội.

Ngoài ra, triều đình còn mở xưởng Pháp lam tại Ái Tử (Quảng Trị) và Đồng Hới (Quảng Bình) để sản xuất Pháp lam, đáp ứng các nhu cầu của triều đình. Pháp lam Huế khởi nguyên từ triều Minh Mạng, phát triển rực rỡ dưới triều Thiệu Trị sang đến triều Tự Đức thì phôi pha dần rồi mất hẳn.

Do chỉ được sử dụng trong Hoàng cung Huế, nên thuật ngữ Pháp lam Huế được dùng để gọi tên cho kỹ nghệ chế tác Pháp lam ở Việt Nam vào thời Nguyễn. Trình độ kỹ thuật chế tác Pháp lam thời kỳ này chưa đạt độ sắc nét, tinh xảo, màu sắc không đẹp như Pháp lam ở các nước khác. Tuy nhiên, Pháp lam Huế lại khẳng định dấu ấn sáng tạo của người Việt, của văn hoá Việt Nam, minh chứng cho nền kinh tế – chính trị những năm độc lập, tự chủ thời Nguyễn. Pháp lam được xem là một báu vật xa xỉ, quý hiếm, sang trọng, chỉ được dùng để trang trí ở những nơi cung điện, tôn miếu uy nghiêm như điện Thái Hoà (Đại Nội, Huế), điện Hoà Khiêm (lăng Tự Đức), điện Biểu Đức (lăng Thiệu Trị)… hoặc làm đồ dùng trong cung đình như bát, tô, đĩa, khay, chậu hoa, bình hoa, hộp trầu, hộp phấn… hoặc làm đồ thờ như lư trầm, bát hương, quả bồng…

Pháp lam Huế có nhiều loại hình sản phẩm, tập trung thành ba nhóm chính: Pháp lam trang trí ngoại thất các cung điện Huế; Pháp lam trang trí nội thất và các đồ tự khí, đồ gia dụng làm bằng Pháp lam.

Trong đó, được chú ý nhiều nhất là loại hình Pháp lam trang trí ngoại thất: những chi tiết trang trí hình rồng, mây... gắn ở các bờ nóc, bờ quyết của cung điện và các cửa tam quan trong lăng tẩm các vua Nguyễn; các ô hộc trang trí theo lối “nhất thi, nhất họa” ở cổ diềm, đầu hồi, bờ mái... của các ngôi điện lớn như điện Thái Hòa, điện Ngưng Hy (lăng Đồng Khánh); những bức hoành trước mộ vua Minh Mạng và trước điện Thái Hòa; các đồ án mây ngũ sắc, bầu thái cực, các ô hộc trang trí bát bửu, tứ quý... chính giữa bờ nóc Minh Lâu, điện Sùng Ân (lăng Minh Mạng), điện Hòa Khiêm (lăng Tự Đức) hay ở bờ nóc bờ quyết của điện Biểu Đức (lăng Thiệu Trị)...

Pháp lam Huế chứa đựng những màu sắc tươi sáng lộng lẫy, có cường độ mạnh, nổi bật trên các phông màu xám cố hữu của các kiến trúc cổ kính rêu phong, tạo nên những điểm xuyết sinh động, làm cho các công trình kiến trúc vốn uy nghi, trầm mặc có thêm phần tươi sáng và thanh thoát.

Tái sinh pháp lam Huế

Tại Huế, trong Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình đang trưng bày 98 hiện vật Pháp lam quý giá, có nguồn gốc từ các cung điện trong Hoàng Thành Huế được chế tác dưới các triều vua: Minh Mạng (1820-1841); Thiệu Trị (1841-1847) và Tự Đức (1848-1883). Đa số những hiện vật Pháp lam này đều do nghệ nhân và thợ Việt Nam làm, với sự giúp đỡ của các nghệ nhân được mời từ Trung Quốc. Đây được xem là sưu tập phong phú và giá trị nhất của nghệ thuật chế tác Pháp lam triều Nguyễn.

Trải qua gần hai thế kỷ tồn tại trong môi trường khí hậu và thời tiết khắc nghiệt như xứ Huế, lại bị chiến tranh tàn phá, nên nhiều mảng pháp lam trang trí trên các cung điện Huế đã biến mất hoặc bị xâm hại nặng nề. Trong nỗ lực trùng tu, tôn tạo các công trình kiến trúc thời Nguyễn – có dấu ấn của pháp lam Huế, nhiều nhóm chuyên gia bảo tồn đã dày công nghiên cứu chất liệu Pháp lam cổ, xây dựng phương pháp, kỹ thuật chế tác nhằm khôi phục Pháp lam Huế trong điều kiện các thư tịch, bí quyết đều thất truyền.

Ngày nay, các nhà hóa học phân tích rằng thành phần chủ yếu của men màu Pháp lam gồm hỗn hợp của muối axit boric với muối axit silicic, sắc trắng dễ nung chảy vì có nguyên liệu Pháp lam trong đó, bỏ thêm vào một lượng thích hợp sắc tố kim loại bị oxy hóa (oxit kim loại) tức thành màu men Pháp lam.

Sau nhiều năm nghiên cứu, trải qua vô số hoạt động thử nghiệm, tuy với cách thức và công nghệ khác nhau, nhưng một số nhóm nghiên cứu phục chế Pháp lam đã đạt được thành công ở mức độ nhất định, bước đầu đáp ứng được công tác trùng tu di tích, trong đó đáng chú ý là các sản phẩm thuộc Đề tài thử nghiệm phục hồi công nghệ chế tác Pháp lam do TS Nguyễn Nhân Đức, Phó trưởng bộ môn Dược Trường Đại học Y khoa Huế, chủ trì.

Một số năm gần đây, Pháp lam Huế không dừng ở việc chế tác phục vụ trùng tu, bảo tồn các công trình kiến trúc thời Nguyễn và cũng không dừng lại ở loại hình hoạ Pháp lam truyền thống mà còn được kết hợp với các ngành mỹ nghệ khác như chạm, khảm…, nâng lên thành những tác phẩm có giá trị về mặt hội hoạ và hàm lượng nghệ thuật cao. Sự kết hợp phong phú và đa dạng các ngành nghề thủ công truyền thống trong sản phẩm Pháp lam vừa tạo sự hấp dẫn riêng biệt mang đậm nét văn hóa truyền thống cho sản phẩm vừa là một cầu nối cho các ngành truyền thống có thể kết hợp lại với nhau.

Như vậy là sau gần 200 năm thất truyền, Pháp lam Huế giờ đã được tái sinh, dẫu chưa hoàn hảo như mong muốn, nhưng đó thật sự là một thành công lớn, có giá trị thiết thực trong việc làm sống lại kỹ nghệ trang trí Pháp lam - niềm tự hào của mỹ thuật thời Nguyễn trên đất Huế.

Kim Ngân (tổng hợp)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
  • Đến Tây Nguyên xem lễ hội đua voi (21/03/2016)
  • Đặc sắc lễ hội Phết Hiền Quan (17/03/2016)
  • Đầu Xuân xem chọi dê ở Hà Giang (15/03/2016)
  • Say đắm khúc hát Soọng cô Sán Dìu (11/03/2016)
  • Làng nghề sơn mài Hạ Thái (09/03/2016)
  • Mộc mạc, độc đáo múa rối cạn dân tộc Tày (07/03/2016)
  • Làng nghề lược sừng Thụy Ứng hồi sinh mạnh mẽ (03/03/2016)
  • Lễ hội xuống đồng và giấc mơ no ấm của người Mường (01/03/2016)
  • Người Mông ở bản Nà Tấu với tục giã bánh dày ngày Xuân (26/02/2016)
  • “Vị thần” dẫn dắt người Mày (24/02/2016)
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Sử thi Tây Nguyên – Kho tàng văn hóa tinh thần vô giá
Nhãn lồng Hưng Yên
Nghi lễ và trò chơi kéo co truyền thống
Bánh Cáy làng Nguyễn - đặc sản quê lúa Thái Bình
Cổng làng nơi lưu giữ hồn quê
Nghệ thuật Dù kê của người Khmer Nam bộ
Về thăm làng nghề lụa Tân Châu
Gốm Phù Lãng - Vẻ đẹp mang tên “hồn quê”
Lễ hội Ok Om Bok - sức mạnh kì diệu của Thần Mặt trăng
Muối Cồn Cù chắt chiu từ vị mặn của biển
Lễ hội Nghinh Ông đình Thần Thắng Tam - Nét đặc sắc trong văn hóa ngư dân biển
Độc đáo thuyền thúng Phú Mỹ
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang