19/01/2019 04:00:00 PM
Nét văn hóa đặc trưng của người Jrai trong ngày Tết

Cứ vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán, người dân tộc Jrai tại Tây Nguyên lại tất bật chuẩn bị nguyên liệu để làm rượu Cần. Ngoài các món ăn truyền thống như thịt heo gác bếp, cơm lam, gà nướng thì rượu Cần được xem là nét văn hóa đặc trưng không thể thiếu trong các ngày Tết, lễ, hội của cư dân nơi đây.

Phụ nữ người dân tộc Jrai chuẩn bị các ghè rượu Cần cho ngày Tết. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN 

Ông Rơ Chăm BLui 65 tuổi, dân tộc Jrai, làng Mrông Yố 2, xã Ia Ka, huyện Chư Păh (Gia Lai) chia sẻ bí quyết cho ra một ghè rượu Cần ngon. Trước Tết khoảng 1 tháng, đàn ông, phụ nữ trong gia đình được phân chia việc để cùng cho ra thành phẩm ghè rượu Cần thưởng thức trong ngày Tết. Thường thì đàn ông sẽ lên rừng tìm cây, lá để về làm men rượu. Loại cây rừng có tên Hiam được chặt về, tước vỏ đem giã nát cùng với lá của nó rồi vắt lấy nước. Gạo rẫy rang lên đem giã cùng với riềng rừng, ớt trộn đều với nước cây Hiam và vo viên. Men lá được hong khô trên giàn bếp khoảng 10-15 ngày cho dậy men, phủ bên ngoài một lớp bột trắng, nắm men khô nứt đều là được.

Rượu Cần ở Tây Nguyên thường được nấu bằng các loại lương thực như gạo rẫy, bắp, sắn, bo bo, nếp than… Mỗi loại nguyên liệu sẽ cho ra vị ngọt, đắng đặc trưng của ghè rượu. Nguyên liệu được nấu chín, không khô, không nhão rồi vớt ra nia để nguội. Hong cơm khoảng nửa ngày, rồi đem trộn đều với men lá giã nhỏ, trải đều cho cơm khô ráo. Sau hai ngày, một đêm, hỗn hợp này sẽ dậy men.
Cũng theo ông BLui, công đoạn cho cơm rượu vào ghè rất quan trọng, tất cả phải đảm bảo vệ sinh, từ ghè đựng cho đến cơm rượu. Sau đó, các ghè rượu này được để vào nơi thoáng mát, tránh ánh nắng, ẩm thấp. Rượu Cần thường được ủ khoảng 1-2 tháng, trước khi có các dịp lễ hội. Rượu chín, khi dùng, người Tây Nguyên thường lấy 3-4 thanh nứa vót mỏng rồi đan đè lên mặt ghè, rải một lớp trấu, trên cùng lấy các loại lá rừng hoặc lá chuối phủ lên bề mặt nước để ngăn nguyên liệu nổi lên bề mặt. Không để lại cảm giác say như rượu gạo, rượu Cần có cách thưởng thức riêng và dư vị của nó cũng nhẹ nhàng hơn.

Không chỉ người Jrai mà các dân tộc khác như Bahnar, Xê Đăng, Giẻ - Triêng, Ê Đê cũng xem rượu Cần là một trong những sản vật mang ý nghĩa văn hóa và tâm linh. Trong các lễ cúng của dân làng, ngoài lễ vật để tế Yang (thần linh), rượu Cần là thứ đi kèm không thể thiếu. Sau khi giết các con vật tế lễ, già làng sẽ lấy máu của nó để bôi lên tai ghè rượu như một hình thức báo cáo thần linh.

Tây Nguyên dịp Tết đến xuân về, mỗi gia đình đóng góp một ghè rượu tại nhà Rông làng để cùng tập trung ăn uống, xem thanh niên diễn tấu cồng chiêng, ngắm điệu múa xoang uyển chuyển của các thiếu nữ. Để cùng nhau ngồi nghe Già làng kể về quá khứ hào hùng dân tộc, kết nối cộng đồng, xây dựng quê hương giàu đẹp, mong cầu một năm mới bình an, mùa màng tươi tốt./.

Hồng Điệp/ Báo dantocmiennui.vn

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Nghề chạm bạc tinh xảo của đồng bào Chăm
Về thăm làng nghề lụa Tân Châu
Gốm Phù Lãng - Vẻ đẹp mang tên “hồn quê”
Lễ hội Ok Om Bok - sức mạnh kì diệu của Thần Mặt trăng
Muối Cồn Cù chắt chiu từ vị mặn của biển
Lễ hội Nghinh Ông đình Thần Thắng Tam - Nét đặc sắc trong văn hóa ngư dân biển
Độc đáo thuyền thúng Phú Mỹ
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang