18/05/2016 08:59:00 AM
Ném Còn lấy may

Không chỉ là môn thể thao giải trí, hội Còn mang màu sắc tâm linh và ẩn chứa những ý nghĩa nhân sinh cao đẹp, là dịp để các chàng trai, cô gái Thái tìm hiểu, giao lưu kết bạn, hẹn ước nên duyên…

 Với người Thái ở Sơn La, ném Còn là trò chơi được yêu thích (Ảnh:baomoi.com)

Với người Thái ở Sơn La, ném Còn là trò chơi được yêu thích nhất, cũng là trò chơi phổ biến nhất mỗi độ Tết đến Xuân về. Các cụ kể rằng, mở mắt ra thấy mặt trời là người Thái đều mong đợi dịp xuân về để được đi chơi Còn.

Trước tết 1 – 2 tháng, các gia đình chuẩn bị những quả Còn đẹp nhất. Quả Còn được khâu theo múi hoa văn nhiều màu sắc ghép nối, tượng trưng cho nhiều vẻ của vũ trụ. Trong là hạt thóc, hạt vừng, hạt cải, hạt đỗ, hạt hoa… thể hiện khát vọng tồn tại, sinh sôi. Dây Còn se bằng sợi bông, nhuộm tua xanh đỏ, tượng trưng cho đuôi Rồng, bởi theo quan niệm của người Thái, Rồng là con vật đẹp nhất.

Những ngày vui xuân, trai gái, trẻ già sẽ cùng đứng thành vòng tròn, hoặc đứng đối hai bên, tung hứng quả Còn cho nhau. Người chơi Còn tung quả Còn bay lên mang đi cái úa vàng, vận hạn rủi ro, như lời hát "Khắm sai bản lống tọt xia lương, khắm sai mướng lống tọt xia sảy", có nghĩa là: chúng ta cùng nhau cầm dây Còn ném đi cái úa vàng, nắm dây Còn quăng đi cái đau ốm. Người đón Còn, đón lấy cái may mắn, tốt đẹp về "Hặp au ăn đi, ăn ngám má chảu; hặp àu ăn thảu, ăn ké má tô", có nghĩa là: bắt lấy cái tốt đẹp về mình, đón lấy cái phúc, tuổi thọ về ta.

Ông Hà Văn Nhiêu, ở bản Pắc Ma, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La, một người am hiểu văn hóa Thái, cho biết:

- Đón Còn không cho rơi xuống đất là để đón lấy cái may mắn. Vì vậy, mình tránh không đón là không được. Cho nên, đón lấy quả Còn không cho rơi xuống đất là đón lấy cái may mắn của người bạn gửi gắm đến mình. Với thanh niên chưa vợ chưa chồng thì điều này là quý nhất, ai cũng phải cố gắng bắt lấy quả Còn, không để rơi.

Trước khi chơi Còn đại trà vào mùa xuân, người Thái ở Sơn La thường tổ chức Lễ hội Còn, với sự tham gia của rất đông người, có khi là cả bản cùng chơi. Hội Còn có những luật tục riêng, như trước khi bắt đầu, sẽ có ông mo thay mặt bà con cúng ma làng. Ông mo cầu xin cho bà con dân bản ai cũng được khoẻ mạnh, làm ruộng được nhiều lúa, làm nương được nhiều ngô; dặn dò con cháu sống ở đời phải biết yêu thương nhau:

"Nha căp quam pay
Nha say quam ma"
(Đừng nhặt nhạnh lời này đem qua, đem lại với người khác cho nặng nề thêm, để khỏi hiểu sai nhau, ghét nhau)
"Hệt xang đảy ặn
Pak xăng đảy đi pên"

(Làm gì được nấy, nói gì cũng được cái tốt đẹp)

Sau khi cúng, những người chơi Còn sẽ đứng thành vòng tròn hoặc chia đôi bên để tung Còn cho nhau. Với Lễ hội Còn, người chơi thường là những nam thanh nữ tú chưa vợ chưa chồng, chơi theo cách tỏ tình, giao duyên, hoặc cũng có thể là thách đấu. Khi thi đấu, đội nam đứng một bên, đội nữ một bên, cây nêu đặt ở giữa. Người chơi cầm gần cuối đoạn dây vải quay quả Còn vài vòng theo chiều kim đồng hồ rồi tung lên để quả Còn bay lọt qua vòng tròn trên cột tre. Đội nào ném được nhiều lần quả Còn lọt qua vòng tròn tre là thắng cuộc.

Khi chơi Còn đại trà thì người chơi không phân biệt nam nữ, hay lứa tuổi, chỉ cần hai bên đứng đối, lượng người không hạn chế, tung hứng quả Còn cho nhau. Điều đặc biệt là khi chàng trai để mắt tới cô gái nào thì thường tung quả Còn cho người đó và ngược lại. Quả Còn bay đi bay lại mang theo cả tấm lòng và ước vọng của mỗi người chơi.

Chị Lường Thị Út, dân tộc Thái ở xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã cho biết:

- Với thanh niên nam nữ chơi Còn thì mình quý ai thì mình ném cho người đấy. Còn không thích người vừa ném cho mình thì mình lại ném đi cho người khác. Còn trong bản chúng tôi thường tổ chức thì làm cây nêu có vòng tròn trên cao để ném Còn qua đó. Người nào mà ném lọt vòng tròn thì được thưởng. Phần thưởng có thể là kẹo bánh hoặc chén rượu. Cách khác là khi ném cho đối phương, mình ném lọt, đối phương ném lại không lọt thì đối phương phải mất cho mình đôi dép hoặc bất cứ thứ gì đó trên người, tùy đối phương đòi lấy thì mình phải chấp thuận. Cách chơi như thế là để cho vui…

Không được chơi Còn là vui xuân chưa trọn. Ấy là suy nghĩ của nhiều người Thái ở Sơn La. Ngoài tung Còn, bà con tổ chức nhiều trò chơi như kéo co, đánh yến, tók mák lẹ, nhảy sạp, xoè…

Thu Thuỳ (VOV-Tây Bắc)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Sử thi Tây Nguyên – Kho tàng văn hóa tinh thần vô giá
Nhãn lồng Hưng Yên
Nghi lễ và trò chơi kéo co truyền thống
Bánh Cáy làng Nguyễn - đặc sản quê lúa Thái Bình
Cổng làng nơi lưu giữ hồn quê
Nghệ thuật Dù kê của người Khmer Nam bộ
Về thăm làng nghề lụa Tân Châu
Gốm Phù Lãng - Vẻ đẹp mang tên “hồn quê”
Lễ hội Ok Om Bok - sức mạnh kì diệu của Thần Mặt trăng
Muối Cồn Cù chắt chiu từ vị mặn của biển
Lễ hội Nghinh Ông đình Thần Thắng Tam - Nét đặc sắc trong văn hóa ngư dân biển
Độc đáo thuyền thúng Phú Mỹ
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang