06/02/2017 03:16:00 PM
Muối Cồn Cù chắt chiu từ vị mặn của biển

Muối mặn, mà mang lại cho những người làm muối cơm no áo ấm, là thành quả ngọt ngào sau bao tháng ngày lao động vất vả. Nghề làm muối ở Cồn Cù, xã Dân Thành, Duyên Hải không chỉ là “cứu cánh” cho người Trà Vinh thời kháng chiến, mà còn là sinh kế cho họ thời hiện đại.

 Diêm dân ấp Cồn Cù, xã Dân Thành thu họach muối

Muối không phải một cực phẩm vô giá nhưng lại là thứ không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật. Muối xuất hiện trong mỗi góc bếp, mỗi mâm cơm, muối trở thành điềm lành trong ngày đầu tháng đầu năm và hình ảnh muối cũng trở thành nguồn cảm hứng của bao nhà văn, nhà thơ. Chính những người dân làng Cồn Cù – những người lao động chân chính ấy, đang ngày đêm “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” để tạo ra những hạt muối quý giá – tinh túy từ vị mặn mòi nơi biển cả.

“Kế mưu sinh” của người dân làng Cồn Cù

Nghề muối đã trở thành kế mưu sinh của người dân Trà Vinh trong suốt 70 năm qua. Từ sau Cách mạng Tháng 8/1945 đến năm 1946, thực dân Pháp bắt đầu chiếm đóng vùng đất Trà Vinh. Trước tình hình khó khăn đó, Tỉnh ủy Trà Vinh chủ trương di chuyển căn cứ từ thị xã Trà Vinh về bám trụ trong các khu rừng ven biển để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp. Áp lực lúc này đối với chính quyền không chỉ là quân xâm lược, mà còn là khó khăn về mặt kinh tế - làm thế nào đảm bảo được nhu cầu tối thiểu về đời sống cho bộ máy lãnh đạo của tỉnh trên một vùng căn cứ mà cuộc sống của người dân còn quá khó khăn. Tỉnh ủy chủ trương thành lập Ban sản xuất đứng đầu là ông Bảy Lam và mở cơ sở làm muối tại ấp Cồn Cù, xã Dân Thành, lúc đó thuộc huyện Cầu Ngang.

Nhắc đến nghề làm muối Cồn Cù, không thể không nhắc tới ông Phan Văn Hùng - “ông Tổ” công nghệ làm muối tại Cồn Cù. Lúc bấy giờ, dù chính quyền tỉnh Trà Vinh xác định nghề muối chính là biện pháp giải quyết các khó khăn về kinh tế thời kì chiến tranh, nhưng không ai trong làng biết làm muối, chỉ có ông Hùng biết cào đất mặt có đóng muối về nấu muối bọt để dùng trong gia đình nên được ông Phan Văn Lam (tức Bảy Lam) mời vào Ban sản xuất.

Vụ muối đầu tiên tuy không năng suất vì khu vực Cồn Cù khi đó trũng, đất có phèn nên lượng muối thu được không cao. Cán bộ chính quyền khi đó đi bán muối ở khắp nơi, vất cả cực nhọc để bán hết muối. Số tiền bán muối mua được biết bao thứ quý giá: gạo, lương thực, đường, thuốc chữa bệnh, văn phòng phẩm phục vụ cơ quan Tỉnh ủy. Thấy làm muối có hiệu quả, tỉnh Trà Vinh xin điều động thêm một trung đoàn bộ đội quân khu để cùng nhân dân Cồn Cù sản xuất muối. Bộ đội và nhân dân cùng nhau đào 5 con kênh được đặt tên theo thứ tự là kênh Dê Rô - kênh Một - kênh Hai - kênh Ba - kênh Tư, để dẫn nước sông vào rừng xổ phèn và đưa nước mặn vào đồng làm muối.

Cồn Cù từ đó sản xuất muối với số lượng lớn, Ban sản xuất cũng không phải vất vả mang muối đi bán ở khắp nơi mà các thương gia từ các nơi tìm đến ghe đậu chờ mua. Dân những vùng xung quanh đổ về Cồn Cù để làm nghề muối, dân cư vùng từ thưa thớt dần dần trở nên đông đúc. Ruộng muối của làng Cồn Cù vào năm 1954 lên đến 600 ha.

Làng muối thời hiện đại

Người ta vẫn thường nói rằng cái nghề làm muối “cực lắm”, ngày bám nắng đêm canh mưa, ấy vậy mà người dân làng Cồn Cù tỉnh Trà Vinh vẫn bám trụ lấy cái nghề muối ấy suốt hơn nửa thế kỉ.

Từ Cồn Cù, nghề làm muối được lan sang các vùng khác, trở thành một trong những sản phẩm kinh tế chính của tỉnh Trà Vinh. Đã có lúc, diện tích đồng muối của các làng ven biển Trà Vinh lên đến 800 ha. Dù là nhiều làng tại tỉnh Trà Vinh làm muối, nhưng cái tiếng muối Cồn Cù vẫn được ưa chuộng hơn cả. Khách du lịch khi đến Trà Vinh thường cố mang về cho kì được gói muối được thu hoạch trực tiếp từ đồng muối Cồn Cù.

Kinh tế thị trường phát triển, giờ đây, người dân Cồn Cù đã bắt đầu làm nhiều nghề khác để mưu sinh. Người làm nghề chài lưới, người kinh doanh, rồi có người lên thành phố kiếm kế sinh nhai…, nên số người quyết bám lấy nghề truyền thống quê hương không còn nhiều như trước. Cơ chế thị trường đã khiến mặt hàng muối Cồn Cù mất giá và đối mặt với sự cạnh tranh của nhiều sản phẩm muối không chỉ trong nước mà còn cả mặt hàng muối nhập khẩu nước ngoài. Giá muối giảm mạnh những năm gần đây khi muối không còn khan hiếm như thời kì trước. Diện tích đồng muối của làng bị thu hẹp lại, nhường chỗ cho công trình kênh đào Trà Vinh, mở đường cho miền Tây Nam Bộ tiến ra Biển Đông. Cũng như bao làng nghề truyền thống, đứng trước sự phát triển không ngừng của nền kinh tế hiện đại, nghề muối Cồn Cù cũng đang chông chênh tìm chỗ neo bám. Làm muối không phải không thể phát triển, mà là cần một chiến lược, một lối đi, một sự cải tiến để phát triển muối đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường.

Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, người dân Cồn Cù quyết không từ bỏ hạt muối trắng đã gắn bó cùng họ suốt 70 năm qua. Hạt muối vẫn nuôi sống họ, vẫn mang lại cho họ cơm no áo ấm, vẫn là thành quả ngọt ngào mà sau bao tháng ngày lao động vất vả, “trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm”.

Nghề muối không làm người ta giàu sang phú quý, không mang lại tiền tài, danh vọng, nhưng những hạt muối trắng tinh lấp lánh dưới ánh nắng chói chang của vùng ven biển của người dân làm muối Cồn Cù lại đong đầy một mối tình thủy chung son sắt. Không ai có thể chắc tương lai nghề làm muối rồi đây sẽ ra sao trong nền kinh tế thị trường vô cùng khắc nghiệt này, nhưng trái tim những người con của biển vẫn một lòng muốn dâng hiến cho đời cái tinh hoa mang vị mặn mòi của đại dương. Như nhà thơ Nguyễn Duy trong tác phẩm “Muối trắng” đã viết:

“Ở lại đây với những ô cát mặn mòi

Vẫn những con người chịu đen da cho muối trắng

Nấm muối chảy ròng ròng qua mặt

Và nghe muối kết tinh trên da thịt mình”.

Bình Minh

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Nghề chạm bạc tinh xảo của đồng bào Chăm
Về thăm làng nghề lụa Tân Châu
Gốm Phù Lãng - Vẻ đẹp mang tên “hồn quê”
Lễ hội Ok Om Bok - sức mạnh kì diệu của Thần Mặt trăng
Muối Cồn Cù chắt chiu từ vị mặn của biển
Lễ hội Nghinh Ông đình Thần Thắng Tam - Nét đặc sắc trong văn hóa ngư dân biển
Độc đáo thuyền thúng Phú Mỹ
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang