02/05/2016 10:45:00 AM
Món chuối khô dân dã

Tôi lớn lên ở vùng quê nghèo. Lũ trẻ trong xóm tôi ngày ấy dường như chưa bao giờ biết đến áo mới và bao lì xì, dù vẫn chộn rộn niềm vui.

 Món chuối khô dân dã

Các gia đình trong xóm ăn Tết theo kiểu “cây nhà lá vườn”. Vào khoảng đầu tháng chạp, nhà nào cũng làm chuối khô. Loại chuối để dành ép phơi khô là chuối xiêm. Khi chuối chín muồi, để ép chuối, má tôi đặt trái chuối vào giữa hai miếng lá chuối khô, rồi dùng thớt ép nhẹ cho trái chuối dẹp mỏng ra. Phải ép thật khéo tay để miếng chuối không mỏng quá sẽ khó gỡ, còn dày quá thì lâu khô.

Chuối ép xong phải phơi ba bốn ngày. Tụi trẻ con chúng tôi thường chờ khi chuối gần khô thì trộm vài miếng. Miếng chuối thơm nồng mùi nắng, vừa dẻo vừa ngọt. Với trẻ quê, nó ngon không kém bất cứ thứ quà bánh nào.

Những ngày giáp Tết, má tôi mua về vài ký đường, vài củ gừng và ít đậu phộng. Nhà đông con nên năm nào má tôi cũng phải ép tới ba buồng chuối mới đủ cho lũ con ăn lai rai trong mấy ngày Tết. Tối đến, chúng tôi náo nức xúm quanh bếp lửa xem má ngào chuối. Khi đường tan chảy thì má cho chuối và gừng vào đảo thật nhanh tay. Đến khi chuối khô hẳn lại và dẻo quánh thì nhấc xuống rắc đậu phộng. Chờ cho chuối nguội, má xới chuối cho vào các hũ.

Hũ để dành cúng ông bà, hũ để đãi khách và hũ để đãi… đám con của má. Lần nào làm má cũng chừa một ít dưới đáy chảo để chị em tôi tranh nhau. Chuối khô ngào đường vừa ngọt vừa cay cay, thơm thơm. Đám con nít chúng tôi cạo sạch đáy chảo mà vẫn còn thòm thèm.

Đêm giao thừa, má tôi bày lên bàn thờ bình hoa vạn thọ. Má sắp một đĩa chuối khô và châm một ấm trà đặt lên bàn thờ tổ tiên. Chiếc bàn uống trà của ba tôi thường ngày được dọn dẹp để đặt một bình hoa, một đĩa chuối khô và bình trà để cúng đất đai… Chỉ vậy thôi nhưng ba má tôi bày biện rất trịnh trọng, trang nghiêm. Mấy chị em tôi dường như cũng cảm nhận được không khí thiêng liêng nên không dám nói cười lớn tiếng.

Đúng 12g đêm 30, ba má tôi mặc áo dài, thắp nhang lên bàn thờ tổ tiên, vái lạy ông bà về ăn Tết cùng con cháu, nguyện cầu cho một năm mới làm ăn thuận lợi… Chúng tôi lần lượt cúng tổ tiên rồi chúc Tết ba má. Ba má dặn các con đầu năm không được khóc nhè, không được làm bể chén đĩa, phải ráng học hành… Dù năm nào cũng bấy nhiêu câu răn dạy như vậy nhưng chúng tôi vẫn náo nức chờ đợi giây phút ấy… Ba tôi ra ngõ xông đất đầu năm. Đâu đó vang lên tiếng trống múa lân rộn ràng. Vậy là một năm mới đã đến, chúng tôi lại thêm một tuổi mới.

Cuộc sống thay đổi dần. Bây giờ mỗi lần về quê chúc Tết, hiếm thấy nhà nào mang món chuối khô ngào đường ra đãi khách. Hôm nọ vào siêu thị bỗng thấy bày bán chuối khô ngào đường. Chuối được đóng hộp rất đẹp. Cầm hộp chuối trên tay bỗng thấy mắt cay cay. Món ăn dân dã nơi quê nghèo đã tiến ra phố thị. Chợt thấy thèm cảm giác thiêng liêng, nô nức của những ngày thơ dại, thèm cả nhà xúm xít bên bàn thờ tổ tiên lãng đãng khói nhang trong giờ phút giao thừa, bên đĩa chuối khô ngào đường màu nâu dân dã của má…

(Theo Tintuconline)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Sử thi Tây Nguyên – Kho tàng văn hóa tinh thần vô giá
Nhãn lồng Hưng Yên
Nghi lễ và trò chơi kéo co truyền thống
Bánh Cáy làng Nguyễn - đặc sản quê lúa Thái Bình
Cổng làng nơi lưu giữ hồn quê
Nghệ thuật Dù kê của người Khmer Nam bộ
Về thăm làng nghề lụa Tân Châu
Gốm Phù Lãng - Vẻ đẹp mang tên “hồn quê”
Lễ hội Ok Om Bok - sức mạnh kì diệu của Thần Mặt trăng
Muối Cồn Cù chắt chiu từ vị mặn của biển
Lễ hội Nghinh Ông đình Thần Thắng Tam - Nét đặc sắc trong văn hóa ngư dân biển
Độc đáo thuyền thúng Phú Mỹ
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang