13/11/2020 04:30:00 PM
Mặn mòi nghề muối Bạch Long

Khi những người dân các địa phương của tỉnh Nam Định về lập ấp, lập làng tại xã Bạch Long, huyện Giao Thủy, họ cũng bắt đầu gắn bó với cánh đồng muối. Trước đây, Bạch Long là vựa muối lớn nhất miền Bắc với tổng diện tích trên 230 ha, là sinh kế của hàng nghìn người dân trong vùng.

 Những ruộng muối được khoanh ô vuông để phơi cát ngâm nước biển

Nghề “trông trời, trông đất”

Nghề làm muối phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, cần nhất là nắng to để phơi muối nên ở Bạch Long, những diêm dân bận rộn nhất từ tháng 3 tới tháng 8. Ở nơi làm việc phải “trông trời, trông đất, trông mây” này, những hình ảnh lao động tất bật lúc chính vụ sẽ khiến những du khách có những cảm xúc trái ngược. Đó là vẻ đẹp lấp lánh của những cánh đồng muối dưới ánh mắt trời, hình ảnh những người nông dân miệt mài cào muối trong ráng đỏ hoàng hôn. Nhưng cũng là sự nhọc nhằn, vất vả khi thấy những cánh tay rám nắng, những giọt mồ hôi ướt đầm lưng vì phơi nắng ngoài đồng của những người nông dân lam lũ.

Mỗi ngày, công việc của người dân làm muối xã Bạch Long thường bắt đầu từ sáng sớm tới khi chiều muộn. Đầu tiên là ngâm cá cùng nước biển và làm đất. Trên những cánh đồng muối, rất nhiều ô đất được khoanh lại theo hình chữ nhật để làm mịn bề mặt như sân đất nện, sau đó đổ cát ngấm nước phơi lên trên. Thỉnh thoảng, chủ nhân của ruộng muối lại phải tưới thêm nước biển lên sân để tăng độ mặn. Khi có nắng, sau gần 10 tiếng đợi nước biển bốc hơi là đã có muối kết tinh bám theo bề mặt cát.

Chiều đến, các thành viên trong gia đình lại gọi nhau đi cào muối, gom muối. Những đụn muối nhỏ trắng tinh được cào trong ruộng, lấp lánh phản chiếu dưới ánh mặt trời, đợi người tới chở xuống thuyền. Từ khi có nghề muối, người dân Bạch Long vẫn duy trì cách vận chuyển theo đường thủy, dùng thuyền chở muối về kho. Càng khi nắng bỏng rát thì lại càng thu được nhiều muối, lại phải thực hiện hầu hết các công đoạn thủ công nên nghề làm muối bao đời vẫn nằm trong số những nghề bán lưng cho đất, bán mặt cho trời cực nhọc nhất. Ở Bạch Long bây giờ, hầu hết lao động trên đồng muối là các cô bác trung niên, hoặc trẻ em phụ giúp gia đình. Còn thanh niên trai tráng cũng đã bươn chải bằng những công việc khác, không lam lũ mà lại có thu nhập cao hơn. Giữ nghề, với những diêm dân, bởi đó là công việc mưu sinh thường ngày, cũng bởi nặng lòng với vị mặn mòi của biển cả quê hương.

 Những nhà kho chứa muối và công cụ của diêm dân

Vượt khó chuyển mình

Hơn 30 năm qua, sản xuất muối vẫn giữ vai trò là một trong những ngành kinh tế chủ đạo của xã Bạch Long. Nơi đây giữ thương hiệu là vựa muối lớn nhất của miền Bắc, mang lại nguồn thu nhập chính cho bà con trong xã. Nhưng thời gian gần đây, khi giá muối bấp bênh, nhiều ngành nghề mới thu hút lao động trẻ trong xã, cùng với chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản nên nghề muối cũng thu hẹp sản xuất nhiều.

Hiện nay, diện tích sản xuất muối tại Bạch Long chỉ còn khoảng 50 - 60 ha. Trong nỗ lực duy trì nghề truyền thống của người dân địa phương, đã có nhiều sáng kiến hay để có thể vượt khó chuyển mình. Chính quyền xã Bạch Long chủ trương đưa chuỗi sản xuất và thu mua muối được triển khai để hỗ trợ người dân cải tạo ruộng muối, đưa muối về cơ sở sản xuất muối sạch để nâng tầm chất lượng và giá trị cho sản phẩm.

Các doanh nghiệp cũng chủ động tìm hướng đi cho mình. Có những doanh nghiệp tiên phong sản xuất muối sạch, với chất lượng cao, thương hiệu cạnh tranh để tìm đầu ra cho sản phẩm dễ dàng. Một số doanh nghiệp cũng thử nghiệm các sản phẩm muối gắn với chăm sóc sức khỏe, trị liệu như muối tắm, muối ngâm chân… để đẩy mạnh thị trường đầy tiềm năng này.

Đặc biệt, các công ty du lịch lại khai thác hướng đi gắn các giá trị làng nghề với cảnh quan của nông thôn. Các công ty du lịch đưa khách về vùng biển Giao Thủy thường đưa khách về vùng muối Bạch Long, để du khách tìm hiểu cách thức làm muối phơi cát độc đáo không phải nơi nào cũng có.

Cùng với đó, mô hình du lịch sinh thái, sinh hoạt cộng đồng gắn với làng nghề làm muối hấp dẫn khách du lịch đến tham quan. Du khách có thể tìm hiểu về cuộc sống của vùng nông thôn Nam Định, với những làng mạc đan xen với các bãi bồi ven biển, những vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo tồn biển, bãi biển..., tìm hiểu về phong tục, tập quán của những người dân vùng duyên hải. Hiện nay, lịch trình phổ biến của các công ty du lịch là gắn cánh đồng muối Bạch Long với hành trình khám phá rừng ngập mặn tại vườn quốc gia Xuân Thủy, cửa sông Ba Lạt, cầu Ngói, chùa Lương, phủ thờ chúa Muối, cuộc sống của người dân xóm đạo.

Cùng với việc đánh thức tiềm năng du lịch, những giá trị văn hóa đặc sắc gắn với các lễ hội truyền thống như cầu ngư, bơi chải, cà kheo… cũng trở thành “kho vàng” để phát triển các sản phẩm và loại hình du lịch cộng đồng tại Bạch Long. Khách đến làng nghề làm muối truyền thống sẽ được khuyến khích sử dụng các dịch vụ homestay, cùng sinh hoạt với cư dân tại các làng nghề sản xuất muối, từ đó có thể hiểu, cảm nhận được sự vất vả của nghề cũng như bản tính chịu thương chịu khó của diêm dân, cũng như thưởng thức ẩm thực địa phương tươi ngon, bổ dưỡng. Đó cũng là cách tạo thêm thu nhập cho người dân địa phương, để có thể tìm thấy nguồn thu mới bên cạnh việc cần mẫn cào muối ngoài đồng.

Yên Giang/ langvietonline.vn

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Sử thi Tây Nguyên – Kho tàng văn hóa tinh thần vô giá
Nhãn lồng Hưng Yên
Nghi lễ và trò chơi kéo co truyền thống
Bánh Cáy làng Nguyễn - đặc sản quê lúa Thái Bình
Cổng làng nơi lưu giữ hồn quê
Nghệ thuật Dù kê của người Khmer Nam bộ
Về thăm làng nghề lụa Tân Châu
Gốm Phù Lãng - Vẻ đẹp mang tên “hồn quê”
Lễ hội Ok Om Bok - sức mạnh kì diệu của Thần Mặt trăng
Muối Cồn Cù chắt chiu từ vị mặn của biển
Lễ hội Nghinh Ông đình Thần Thắng Tam - Nét đặc sắc trong văn hóa ngư dân biển
Độc đáo thuyền thúng Phú Mỹ
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang