08/02/2017 08:00:00 AM
Lễ hội Ok Om Bok - sức mạnh kì diệu của Thần Mặt trăng

Lễ hội Ok Om Bok hay còn gọi là Lễ hội cúng Thần Mặt trăng, là một trong những lễ hội truyền thống lớn nhất và có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc sống của cộng đồng người Khmer. Lễ hội được tổ chức vào đêm rằm tháng 10 âm lịch hằng năm - thời điểm kết thúc một chu kỳ mặt trăng quay quanh mặt trời và cũng là lúc hết thời vụ của năm. Cúng trăng là để tạ ơn Thần Mặt trăng trong một năm đã bảo vệ mùa màng, đem lại mưa thuận gió hòa, giúp mùa màng bội thu cho mọi nhà.

  • Đồ cúng trong lễ cúng Thần Mặt Trăng

  • Sau lễ cúng Trăng là tục đua ghe ngo

  • Các sư làm lễ cúng tại chùa

  • Các nghi thức dành cho trẻ nhỏ trong lễ cúng Trăng

Truyền thuyết về một lễ hội…

Theo các truyện trong kinh điển Phật giáo và cổ tích Khmer, người ta lý giải rằng, Lễ hội cúng Trăng ra đời từ một câu chuyện nói về tiền kiếp của đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Đó là vào một đêm rằm trăng tròn, có một con thỏ phát nguyện muốn hiến thể xác của mình cho bất kỳ ai cần đến, để sớm hóa kiếp khác. Lời nguyền đó ngay lập tức được vị thần Prés-ânh đang ngự ở trên trời nghe được. Ngài liền hạ giới, biến thành một cụ già, lom khom đến gần con thỏ xin được ăn thịt. Thỏ liền đồng ý, bảo thần Prés-ânh hãy đi lấy củi và nhóm lửa lên, trong khi chờ thỏ tắm cho sạch sẽ. Khi ngọn lửa đã cháy to, thỏ liền nhảy vào đống lửa tự thiêu mình, biến thành thức ăn cho cụ già (thần Prés-ânh). Thế nhưng, khi đó ngọn lửa không những không thiêu chết thỏ mà còn tắt đi.

Xúc động trước việc làm thiện tính đó, thần Prés-ânh bồng lấy thỏ, bay một mạch lên cung Trăng và dùng phép màu vẽ hình thỏ in vào mặt Trăng mãi mãi về sau này để con người thấy mà soi gương. Cũng từ đó, Lễ hội cúng Trăng ra đời.

… Biểu tượng cho khát vọng, ước mong và tình yêu  

Lễ hội cúng Trăng thường được diễn ra tại sân chùa, sân nhà hoặc một khu đất trống nào đó để người dân dễ dàng chiêm ngưỡng vẻ đẹp của trăng.

Trước khi trăng lên, người ta sẽ đào một cái lỗ để cắm hai thanh tre cách nhau khoảng 3m và gác ngang một thanh tre, tạo hình giống một chiếc cổng có hoa lá trang trí, trên cổng chăng một dây trầu gồm 12 lá trầu cuộn tròn tượng trưng cho 12 tháng trong năm và một dây cau gồm 7 trái tách vỏ như hình hai cánh con ong tượng trưng cho 7 ngày trong tuần. Dưới cổng có một chiếc bàn được bày biện các thức cúng. Đồ cúng được bà con chọn từ các loại sản vật trong mùa vụ tự sản xuất được như: khoai lùn, khoai môn, khoai lang, mía, dừa, chuối xiêm,…đặc biệt không thể thiếu là cốm dẹp.

Khi trăng lên đỉnh đầu, bà con Khmer cử một người lớn tuổi, đức độ, có uy tín đại diện ra cúng tạ mặt trăng. Người cúng thắp nhang, rót trà và khấn nguyện. Nội dung bài khấn cảm ơn Thần Mặt trăng trong năm qua đã làm cho thời tiết thuận lợi, nhà nhà được ấm no và cầu mong sang năm mới, Thần tiếp tục phù hộ cho phum sóc, xóm làng được no ấm, yên vui. Cúng xong, người ta bảo trẻ em xếp hàng lại thành một hàng dọc (ai đến trước đứng trước, ai đến sau đứng sau). Sau đó, người ta lấy thức cúng mỗi thứ một ít đút vào miệng trẻ em. Khi đút vào, trẻ em không được nuốt, đợi khi người ta đút xong các thứ vào miệng, thì miệng cũng đã cứng lại. Lúc này, người chủ lễ mới đấm vào lưng em đó nhè nhẹ ba cái, và hỏi lớn lên ước mơ sẽ làm gì. Vì thức ăn ở đầy trong miệng, em đó sẽ phát âm không rõ ràng khi nói về mơ ước của mình và tạo nên từng trận cười của những người xung quanh. Cứ thế lần lượt hết em này đến em khác…

Theo quan niệm từ xưa, việc làm này là để đoán định tương lai của đứa bé và cũng tượng trưng cho việc mọi người đã nhận được lộc của Thần Mặt trăng. Theo tín ngưỡng của người Khmer, người ta quan niệm rằng, miệng là một trong những cơ quan hoạt động nhiều nhất của con người, nó có hai chức năng chính là nói và ăn. Những tội lỗi về ăn thì ít nhưng nói là rất nhiều, như: nói dối, nói xấu, xuyên tạc, châm biếm người khác làm mất đoàn kết trong gia đình, xã hội… Người ta tin rằng, tất cả những tội lỗi vì nói sẽ được xóa hết trong lễ cúng Trăng này…

Trong lễ hội Ok Om Bok của người Khmer hiện nay có sự đa dạng xen lẫn nhiều hoạt động vui chơi giải trí, trong đó hoạt động thả đèn gió và đua ghe ngo thu hút đông đảo người dân và cũng là hoạt động không thể thiếu của lễ hội.

Đèn gió được làm từ tre, giấy quyến và dây kẽm. Có 2 loại đèn: vuông và tròn. Khối đèn tròn thông dụng hơn. Bằng những nan tre chuốt nhẵn, người ta làm thành những vòng tròn có đường kính chừng 1 mét. Liên kết những nan tròn ấy lại thành khối trụ có chiều cao chừng 2 mét, tất cả đều được dán kín bằng giấy quyến, đáy đèn để trống và gắn vào đó là 1 “ổ nhện” làm bằng kẽm lớn phủ lớp gòn ta tẩm ướt dầu phộng. Gòn được đốt cháy, nhiều người nâng đèn lên cao. Sức nóng làm giấy căng phồng. Người nâng đèn nương tay theo và cùng buông tay khi lực đẩy không khí nóng trong đèn đủ sức để nâng đèn bay lên, mà không chao nghiêng dễ gây cháy. Khi đèn bay lên cao, tiếng reo hò vỗ tay của người xem rộ lên, tiếng nhạc nổi lên làm vỡ òa cả màn đêm buông xuống. Hàng chục chiếc đèn được thả lên bầu trời, đung đưa theo gió, sáng lấp lóa trên bầu trời thật đẹp. Người ta tin rằng những chiếc đèn đã mang đi những tai ương, rủi ro bất trắc để phum sóc yên bình.

Theo phong tục cổ truyền của người Khmer, sau lễ cúng Trăng là tục đua ghe ngo. Đây là nghi thức truyền thống tiễn đưa Thần Nước sau mùa gieo trồng về với biển cả, cũng là nghi thức tôn giáo tưởng nhớ Thần Rắn Nagar xưa biến thành khúc gỗ để đưa Phật qua sông.

Ghe ngo là một sản phẩm văn hóa hết sức độc đáo của đồng bào Khmer Nam bộ, là biểu tượng của sự no ấm, sung túc. Tương truyền, chiếc ghe ngo xưa là phương tiện được trang bị cho dân quân đánh giặc trên vùng sông nước. Hầu hết chùa Khmer đều có một chiếc ghe ngo được giữ gìn cẩn trọng. Đua ghe ngo cũng là môn thể thao rất hấp dẫn và hào hứng. Trưa ngày rằm, khi nước bắt đầu dâng lên, người ta đứng chật kín hai bên bờ sông, tràn xuống mép nước, ghe xuồng thì đậu suốt hơn một cây số. Tiếng trống, tiếng dàn nhạc ngũ âm, tiếng còi nổi lên rộn rã. Sau hồi còi hiệu lệnh xuất phát, từng cặp ghe đua với trăm đôi tay chèo lực lưỡng cuồn cuộn cơ bắp căng vồng, cúi rạp người vung chèo đều tăm tắp theo nhịp còi và tiếng phèng la thúc giục hướng chiếc ghe ngo vút nhanh về đích. Tiếng trống, tiếng loa hòa trong tiếng reo hò, vỗ tay cổ vũ, thúc giục náo động cả mặt sông.

Đến với lễ hội Ok om bok, tất cả hòa trong không khí vui nhộn cùng với âm thanh của tiếng trống, tiếng kèn, tiếng thanh la, não bạt, khiến mọi người có thể quên hết mọi ưu phiền, lo toan của cuộc sống mà hòa mình vào cuộc lễ rộn ràng, sôi nổi.

Ok Om Bok – lễ hội cúng Thần Trăng - là một trong những nét đặc sắc văn hóa trong cuộc sống của cộng đồng người Khmer, là nhân tố tạo nên sự đa dạng trong văn hóa các cộng đồng dân tộc Việt Nam. Lễ hội là biểu tượng cho khát vọng, ước mong và tình yêu giữa con người với con người, giữa con người với các đấng bề trên (tự nhiên, thần linh…). Với nét văn hóa độc đáo và đặc sắc, lễ hội Ok Om Bok chính là một trong những điểm nhấn nhằm thu hút khách du lịch và phát triển du lịch tại các tỉnh miền Nam, đặc biệt là các tỉnh có người Khmer sinh sống.

Minh Ngọc (tổng hợp)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Nghề chạm bạc tinh xảo của đồng bào Chăm
Về thăm làng nghề lụa Tân Châu
Gốm Phù Lãng - Vẻ đẹp mang tên “hồn quê”
Lễ hội Ok Om Bok - sức mạnh kì diệu của Thần Mặt trăng
Muối Cồn Cù chắt chiu từ vị mặn của biển
Lễ hội Nghinh Ông đình Thần Thắng Tam - Nét đặc sắc trong văn hóa ngư dân biển
Độc đáo thuyền thúng Phú Mỹ
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang