02/02/2016 09:26:00 AM
Làng nghề bánh gai Ninh Giang

Vùng đất Ninh Giang giàu văn hiến không chỉ nổi tiếng với 3 vị vua họ Khúc, nơi có đền Tranh linh thiêng, có nghệ thuật múa rối nước Hồng Phong độc đáo mà còn tạo dấu ấn bởi thương hiệu đặc sản bánh gai ngọt ngào. Ngày nay theo chân những người con bản xứ, bánh gai Ninh Giang tỏa đi mọi tỉnh thành như một thứ quà quê bình dị, thơm ngon và bất kỳ du khách nào qua đây đều muốn có được.

Để làm ra những chiếc bánh gai ngon, đạt tiêu chuẩn,
người thợ phải kỹ lưỡng, công phu trong từng giai đoạn 

Lịch sử và truyền thuyết về làng nghề

Ngược dòng lịch sử, thời Lý-Trần, Ninh Giang là miền đất thuộc phủ Hạ Hồng, thời thuộc Minh thuộc phủ Tân An, đến thời Lê lại đổi thành phủ Hạ Hồng. Phủ Hạ Hồng gồm các huyện Ninh Giang, Thanh Miện, Tứ Kỳ (tỉnh Hải Dương) và Vĩnh Bảo (Hải Phòng). Thị trấn Ninh Giang là trụ sở của huyện Đồng Lại thời Lê Sơ. Đến thời Quang Thuận (1460 -1469) đổi thành huyện Vĩnh Lại thuộc phủ Hạ Hồng. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, phủ Ninh Giang được chia làm 4 huyện Ninh Giang, Gia Lộc, Tứ Kỳ và Vĩnh Bảo. Thời Pháp thuộc thị trấn Ninh Giang được nâng cấp lên thành thị xã Ninh Giang, tỉnh Vĩnh Ninh. Năm 1979 huyện Ninh Giang hợp nhất với huyện Thanh Miện thành huyện Ninh Thanh. Năm 1996 huyện Ninh Giang được tái lập, trụ sở huyện đặt tại thị trấn Ninh Giang.

Lịch sử nguồn gốc của nghề làm bánh gai Ninh Giang có từ bao giờ thì đến nay cũng chưa tìm thấy tài liệu nào ghi chép. Đi tìm hiểu về lịch sử nghề làm bánh gai Ninh Giang, chúng tôi đã gặp gỡ khá nhiều các cụ cao tuổi ở thị trấn Ninh Giang, thì đều được kể lại với dạng truyền thuyết như sau: Ngày xưa có hai vợ chồng nông dân nghèo, vào một năm đói kém, mất mùa, thiếu ăn họ phải đi tìm các loại lá cây mọc tự nhiên để ăn. Họ đã tìm thấy một loại lá cây mang về nấu cơm ăn thấy dẻo, ngon. Họ bèn hái, thái phơi khô để dành, từ thổi cơm dần dần họ nghĩ ra cách lấy lá đó trộn với bột gạo nếp làm bánh ăn rất ngon và thơm, vừa để được lâu. Sau này các thế hệ con cháu cải tiến từ gói bánh bằng lá chuối tươi, đến gói bằng lá chuối khô, rồi cho thêm một số loại thực vật khác làm nhân bánh, dần dần trở thành bánh gai như hiện nay. Cho nên ở Ninh Giang người ta thường gọi bánh gai là bánh lá gai.

Trải qua những thăng trầm lịch sử, nghề làm bánh gai ở Ninh Giang có lúc sản xuất cầm chừng do nhiều nguyên nhân, nhưng không lúc nào bị thất truyền.

Cơ sở bánh gai Tuyết Nga – một trong những gia đình làm bánh gai lâu năm và ngon nhất vùng Hải Dương. Bà chủ cơ sở sản xuất bánh gai Tuyết Nga cho biết: Từ một cơ sở nhỏ tại khu 2 thị trấn Ninh Giang, hiện nay gia đình bà đã có thêm 2 cơ sở lớn: một cơ sở ở đền Bà Đế (Hải Phòng) và một cơ sở ở Thái Bình. Sản phẩm bánh gai truyền thống của gia đình năm vừa qua đã được đặt hàng để mang sang Mỹ bán. Ngoài việc sản xuất bánh gai truyền thống, gia đình bà còn sản xuất thêm bánh gấc.

Để làm ra những chiếc bánh gai ngon, đạt tiêu chuẩn người thợ phải kỹ lưỡng, công phu trong từng giai đoạn. Gạo là loại đặc sản nếp cái hoa vàng Kinh Môn nổi tiếng cả nước. Mật phải thật ngọt, đun nóng để trộn cho dễ. Lá gai phải là lá gai nếp thì bánh mới dẻo và có mùi thơm. Lá gai được rửa sạch cho vào nồi ninh nhừ, đem rửa sạch rồi muối, ủ bằng đường 2 – 3 ngày. Khi lá đã được muối ngấu, người thợ mới dùng chày giã nát lá, lọc lấy bột mịn rồi đem trộn với bột nếp. Tỷ lệ bột lá và bột nếp sẽ quyết định chất lượng của “lớp áo” bánh gai.

Nhân bánh cũng được chuẩn bị công phu không kém. Mỡ cánh (mỡ cổ lợn) được muối bằng đường thật khéo, sao cho mỡ lợn không còn ngấy, có độ giòn như mứt bí. Hạt sen chế biến sao cho mỗi hạt đều mềm và không nát, còn nguyên hương vị. Bột gạo nếp, bột lá gai được trộn đều với mật để làm vỏ bánh. Khi trộn bột, càng vắt lâu thì bánh càng dẻo càng mềm mại thơm ngon. Người Ninh Giang không luộc bánh gai mà hấp trong khoảng 2 giờ đến khi bánh dậy mùi thơm ngậy đặc trưng. Khi ăn bánh, ai cũng phải ngất ngây với vị ngọt mà thanh, vị ngậy mà không ngán.

Nỗi trăn trở của làng nghề

Bánh gai Ninh Giang ngon là thế, nổi tiếng là thế, nhưng chưa bao giờ hết những nỗi niềm trăn trở.

Ông Nguyễn Thành Vạn, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Ninh Giang, Hải Dương cho biết: Theo thống kê của huyện Ninh Giang, hiện nay ở thị trấn Ninh Giang có gần 100 cơ sở sản xuất bánh gai. Trước đây bánh gai chủ yếu làm ra để biếu tặng trong các ngày lễ hội, tết, cưới xin, giỗ chạp…, nhưng ngày nay, khi sản phẩm bánh gai của làng đã nổi tiếng, khách hàng từ khắp nơi tìm về thu mua bánh gai ngày càng đông. Điều này đã giúp người dân làng nghề có công việc ổn định, cuộc sống được nâng cao. Không những thế, bánh gai còn giúp tạo việc làm cho người lao động ở các xã, vùng lân cận lúc nông nhàn. Đặc biệt, sản phẩm bánh gai Ninh Giang từng tham dự các cuộc triển lãm thành tựu kinh tế kỹ thuật toàn quốc, từng giành được 3 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Bạc.

Tuy nhiên, làng bánh gai Ninh Giang hiện gặp nhiều khó khăn do các cơ sở sản xuất bánh gai vẫn duy trì kiểu làm ăn manh mún, lại thiếu vốn, chưa liên kết để tìm đầu ra lâu dài cho sản phẩm và chưa có máy móc công nghệ cao để có thể bảo quản bánh gai được lâu hơn. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng là nỗi lo không chỉ của người dân làng nghề mà còn là nỗi trăn trở của các cấp chính quyền địa phương trong việc tìm ra các biện pháp hữu hiệu bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường sống xanh, sạch, đẹp. Trước thực tế này, tỉnh Hải Dương đang nỗ lực tạo mọi điều kiện để xây dựng thương hiệu cho bánh gai Ninh Giang nhằm phát huy giá trị của loại đặc sản này phục vụ hoạt động du lịch.

Hy vọng một ngày không xa, thương hiệu bánh gai Ninh Giang sẽ được xây dựng thành công, để bánh gai mang nhãn hiệu Ninh Giang đến được gần hơn với du khách và có mặt trên mọi miền đất nước…

(Nguồn: banhgaininhgiang)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Sử thi Tây Nguyên – Kho tàng văn hóa tinh thần vô giá
Nhãn lồng Hưng Yên
Nghi lễ và trò chơi kéo co truyền thống
Bánh Cáy làng Nguyễn - đặc sản quê lúa Thái Bình
Cổng làng nơi lưu giữ hồn quê
Nghệ thuật Dù kê của người Khmer Nam bộ
Về thăm làng nghề lụa Tân Châu
Gốm Phù Lãng - Vẻ đẹp mang tên “hồn quê”
Lễ hội Ok Om Bok - sức mạnh kì diệu của Thần Mặt trăng
Muối Cồn Cù chắt chiu từ vị mặn của biển
Lễ hội Nghinh Ông đình Thần Thắng Tam - Nét đặc sắc trong văn hóa ngư dân biển
Độc đáo thuyền thúng Phú Mỹ
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang