25/06/2020 10:01:00 AM
Lăng Khải Định - Kiệt tác nghệ thuật khảm sành xứ Huế

Trong số các loại hình nghệ thuật trang trí kiến trúc cung đình Huế, khảm sành sứ được đánh giá có vai trò và vị trí quan trọng hàng đầu trong việc tạo nên diện mạo tiêu biểu cho kiến trúc cung đình triều Nguyễn. Đại diện cho trào lưu nghệ thuật này chính là Lăng Khải Định, một kiệt tác nghệ thuật khảm sành sứ của xứ Huế.

 Sân chầu lăng Khải Định

Nghề khảm sành sứ có ở Huế vào khoảng thế kỉ XVII, ban đầu lưu truyền trong dân gian, sau mới được ứng dụng nhiều trong kiến trúc cung đình. Theo tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, nghệ thuật khảm sành sứ rất nổi tiếng trong trang trí kiến trúc cung đình Huế, đặc biệt là thời Nguyễn, nổi bật nhất là giai đoạn cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20.

Thời kì này nhiều công trình kiến trúc cung đình ở Huế đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật khảm sành sứ, tiêu biểu như: Điện Thái Hòa, Điện Kiến Trung, Thái Bình Lâu, Cửa Hiển Nhơn, Cửa Chương Đức, Cung An Định… nhưng độc đáo và xứng đáng được xếp vào hàng kiệt tác thì chính là Lăng Khải Định.

 Hương án thờ vua Khải Định bên trong xây bằng bê tông cốt thép, bên ngoài trang trí bằng nghệ thuật khảm sành sứ

Lăng Khải Định còn gọi là Ứng Lăng, là lăng mộ của Vua Khải Định (1885-1925), vị vua thứ 12 của triều Nguyễn, toạ lạc trên núi Châu Chữ (còn gọi là Châu Ê) bên ngoài kinh thành Huế, nay thuộc xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Lăng được khởi công ngày 4/9/1920 và kéo dài trong 11 năm, qua 2 đời vua nhà Nguyễn là Khải Định và con là Bảo Đại mới hoàn tất. So với lăng của các vua tiền nhiệm, Lăng Khải Định có diện tích khiêm tốn hơn với 117m x 48,5m, nhưng lại là công trình được xây dựng công phu, tốn nhiều công sức và tiền của nhất.

Khác với các lăng vua nhà Nguyễn đời trước thường được xây dựng theo phong cách và kĩ thuật truyền thống, Lăng Khải Định được xây dựng theo lối tân thời bằng những vật liệu xi măng, sắt, thép… và nhiều thứ quý hiếm được đặt mua từ Pháp, Trung Hoa, Nhật Bản.

Tuy nhiên, điểm đặc biệt làm nên giá trị riêng có của Lăng Khải Định lại chính ở phần nội điện, nơi nghệ thuật khảm sành sứ được phô diễn đạt đến trình độ điêu luyện, trác tuyệt có một không hai.

 Cột rồng khảm sành

  Tranh hoa khảm sành trên tường nội điện

Nếu như ngoại thất có hình dáng một khối công trình đồ sộ, bề thế được làm bằng xi măng, sắt thép với chủ tông màu trắng theo phong cách phương Tây thì ngược lại, nội thất khiến người xem thực sự bị choáng ngợp vì vẻ đẹp lộng lẫy, rực rỡ sắc màu bởi hàng trăm hàng nghìn bức tranh, phù điêu được trang trí tinh xảo từ hàng nghìn hàng vạn chi tiết sành sứ và thủy tinh màu.

Qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân xứ Huế, những mảnh sành sứ, thủy tinh màu lấy từ các loại chén, bát, độc bình, chai lọ… được cắt gọt cẩn thận rồi tỉ mỉ ghép thành những bức tranh, phù điêu, hình chim, hoa, muông thú… tuyệt đẹp theo các điển tích Nho giáo, Lão giáo, Phật giáo và cả mô típ dân gian. Điều thú vị là tuy được khảm bằng chất liệu cứng là sành sứ và thủy tinh nhưng nhờ kĩ thuật phối màu tài tình dựa trên các tông màu chính gồm trắng, vàng, nâu, xanh lam, xanh lục, tía nên các mảng khối trang trí trông rất mềm mại, sống động như những bức họa màu.

 Toàn bộ 4 mặt tường nội điện, nơi đặt hương án thờ vua Khải Định, đều được khảm sành sứ và thủy tinh màu

Đặc biệt, ngoài án thờ lớn được khảm hoàn toàn bằng sành sứ, bên trong Lăng còn có chiếc bửu tán che bên trên pho tượng đồng của Vua Khải Định chính là một kiệt tác nghệ thuật khảm sành. Toàn bộ chiếc bửu tán là một khối bê tông cốt thép nặng gần một tấn nhưng nghệ thuật khảm sành sứ tuyệt mĩ đã khiến cho người xem có cảm giá như nó được làm bằng nhung lụa với những đường uốn lượn mềm mại, thanh thoát và sinh động trông như có thể lay động trước gió. Bên dưới bửu tán là pho tượng đồng của Vua Khải Định được đúc tại Pháp năm 1920, và dưới đế tượng chính là nơi đặt thi hài nhà Vua.

Trải qua 100 năm, Lăng Khải Định nay vẫn còn nguyên vẹn. Đặc biệt, toàn bộ hệ thống trang trí khảm sành sứ bên trong nội điện nay vẫn đẹp lung linh huyền ảo như cách đây 1 thế kỉ khiến cho du khách không khỏi trầm trồ thán phục trước biệt tài của các nghệ nhân khảm sành cung đình Huế.

Thanh Hòa






 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
  • Vị “Tết” trong bánh Ngũ sắc Thị Cầu (24/06/2020)
  • Hương sen quê nhà (22/06/2020)
  • Ngày hội hóa trang của đồng bào dân tộc Lô Lô (17/06/2020)
  • Độc đáo lễ hội Đồng Hoa - lễ hội đánh cá lâu đời gần 300 năm (15/06/2020)
  • Vị của nỗi nhớ! (12/06/2020)
  • Độc đáo thổ cẩm truyền thống của người Thái Đen (10/06/2020)
  • Về Đức La thẩm tương chốn Tổ (08/06/2020)
  • Bí ẩn những ngôi nhà đá cổ (03/06/2020)
  • Phục sức cho voi nhà Buôn Đôn (01/06/2020)
  • Lễ cầu mưa của người H’rê (27/05/2020)
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Nghề chạm bạc tinh xảo của đồng bào Chăm
Về thăm làng nghề lụa Tân Châu
Gốm Phù Lãng - Vẻ đẹp mang tên “hồn quê”
Lễ hội Ok Om Bok - sức mạnh kì diệu của Thần Mặt trăng
Muối Cồn Cù chắt chiu từ vị mặn của biển
Lễ hội Nghinh Ông đình Thần Thắng Tam - Nét đặc sắc trong văn hóa ngư dân biển
Độc đáo thuyền thúng Phú Mỹ
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang