24/05/2019 09:45:00 AM
Hát xà nớt, làn điệu dân ca của người Vân Kiều

Nằm về phía tây của tỉnh Quảng Trị là đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, nơi trú ngụ của đồng bào thiểu số Vân Kiều. Trải qua thăng trầm của lịch sử, những con người nơi đây đã cùng nhau đoàn kết, bảo vệ và xây dựng bản làng đổi mới. Bên cạnh phát huy truyền thống cách mạng, người dân các dân tộc thiểu số còn bảo tồn, phát triển kho tàng văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc. Một trong những giá trị văn hóa đó là làn điệu dân ca hát xà nớt của người Vân Kiều.

 Nét văn hóa truyền thống của đồng bào Vân Kiều ở miền tây Quảng Trị được các nghệ nhân gìn giữ, bảo tồn​

Trong đời sống sinh hoạt của người Vân Kiều có rất nhiều làn điệu dân ca, mỗi loại có một cách thể hiện riêng và phù hợp với từng đối tượng, hoàn cảnh cụ thể, hát xà nớt là một trong những làn điệu dân ca truyền thống của người Vân Kiều. Không ai biết lịch sử của làn điệu dân ca này từ đâu mà chỉ biết có từ lâu đời và được kế thừa theo lối truyền miệng từ đời này sang đời khác, được các thế hệ ngườiVân Kiều kế thừa, gìn giữ và phát huy. Cũng như các làn điệu dân ca khác, hát xà nớt là làn điệu dân ca hát theo lối ví von, có cung bậc và giai điệu; một lối hát đối đáp ứng khẩu qua lại với nhau. Người hát sẽ mượn thiên nhiên, con người, diễn biến sự vật, hiện tượng diễn ra hằng ngày để hát và giải bày tâm tư, tình cảm của mình.

Khác với các làn điệu dân ca khác, hát xà nớt của người Vân Kiều sử dụng được mọi lúc, mọi nơi, trong những ngày lễ hội hay những đêm hẹn hò của những lứa đôi đến tuổi cập kê. Lối hát này dành cho mọi lứa tuổi, già trẻ gái trai. Tuy nhiên để hát được làn điệu xà nớt thì rất khó bởi đòi hỏi sự quy tụ của nhiều yếu tố khác nhau, không phải ai cũng hát được. Để hát được làn điệu dân ca này mọi ngưòi phải tập luyện rất công phu. Cái khó là phải có chất giọng và biết luyện giọng hát, luyến láy giọng với âm vực cao, thấp khác nhau; lúc trầm bổng như ngọn gió thổi qua rừng, lúc sâu lắng như nước suối chảy qua kẻ đá và đặc biệt phải biết sử dụng nhạc cụ phù hợp. Nhạc cụ sử dụng trong hát xà nớt là sáo khui, cập a chung hay còn gọi là đàn 3 dây, khèn và một số dụng cụ khác. Điều đặc biệt nữa là nó còn phụ thuộc vào hoàn cảnh thực tại. Trong các dịp lễ hội như ăn mừng cơm mới, lễ tết hay lễ cưới hỏi... để hát xà nớt, người hát trước hết phải xin phép già làng, trưởng bản, dòng tộc và gia đình. Trong lúc mọi người đang ăn uống vui vẻ, được sự cho phép của già làng, trưởng bản, người hát sẽ xướng một câu thể hiện niềm vui của mình đang tham dự ở đây. Người tiếp lời sẽ chú ý nghe lời, âm điệu và chuẩn bị câu từ để đối đáp biểu hiện sự đồng tình về tình cảm, niềm vui, từ đó tạo không khí vui vẻ, sôi động cho lễ hội này. Hai người hát với nhau cùng giải bày nỗi niềm từ quá khứ đến hiện tại, kể với nhau về tháng ngày thơ ấu, trải qua bao thăng trầm với những kỉ niệm vui buồn; họ kể về thời gian khó khăn đã cùng nhau vun đắp, đùm bọc, che chở giữa núi rừng ... Đây là làn điệu dân ca thể hiện rất rõ nỗi niềm của mỗi con người nơi đây nên khi nghe hát xa nớt, ai nấy đều xúc động bởi lời hát thiết tha, gần gũi vô cùng:

"Xưa kia bản làng ta cực khổ, ăn uống không đủ no. Được Đảng, Nhà nước chăm lo chúng ta đoàn kết xây dựng, sản xuất. Bây giờ mỗi người đã có cơm ăn, con cái học hành, bản làng ngày càng phát triển…"

Hay khi hát về sự giao cảm giữa con người đối với thiên nhiên:

'Cây khui, cây lồ ô nằm giữa núi rừng, mưa gió
Hôm nay may mắn chọn cây về làm đàn khui
Và nó được nâng niu vuốt ve…"

Hát xà nớt còn là phương tiện, là sợi dây liên kết nối tình cảm lứa đôi. Đối với trai gái Vân Kiều khi đến tuổi dựng vợ gả chồng, họ thường đi sim. Trong những đêm đi sim , hát xà nớt được xem là một trong những “kênh” thông tin hữu hiệu để họ tìm ra bạn đời của mình. Đôi lứa tìm hiểu nhau qua lời hát đối đáp giữa trai và gái để hiểu biết và chia sẻ tình cảm của nhau, từ đó có cơ hội gắn kết nên duyên vợ chồng.

Có thể nói hát xà nớt là một làn điệu dân ca truyền miệng mang đậm bản sắc văn hóa Vân Kiều; thể hiện sự thông minh, tài ứng xử nhạy bén của con người trong việc mượn cảnh vật thiên nhiên để nói lên tình cảm, khát vọng yêu thương, chinh phục thiên nhiên trong cuộc sống thường ngày của con người. Chính những lời ca, tiếng hát cất lên từ làn điệu dân ca này đã góp phần thắt chặt mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, con người với con người. Tất cả tạo nên sức mạnh tinh thần gắn kết cộng đồng góp phần bảo vệ và xây dựng quê hương giàu đẹp.


Theo baoquangtri.vn

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Sử thi Tây Nguyên – Kho tàng văn hóa tinh thần vô giá
Nhãn lồng Hưng Yên
Nghi lễ và trò chơi kéo co truyền thống
Bánh Cáy làng Nguyễn - đặc sản quê lúa Thái Bình
Cổng làng nơi lưu giữ hồn quê
Nghệ thuật Dù kê của người Khmer Nam bộ
Về thăm làng nghề lụa Tân Châu
Gốm Phù Lãng - Vẻ đẹp mang tên “hồn quê”
Lễ hội Ok Om Bok - sức mạnh kì diệu của Thần Mặt trăng
Muối Cồn Cù chắt chiu từ vị mặn của biển
Lễ hội Nghinh Ông đình Thần Thắng Tam - Nét đặc sắc trong văn hóa ngư dân biển
Độc đáo thuyền thúng Phú Mỹ
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang