29/03/2022 02:32:00 PM
Giàn đậu ngự của ngoại

Chiều nay, thấy nhớ ngoại, tôi lại muốn ngắm mảnh vườn nhỏ với đủ loại rau trái, nghe tiếng chim líu ríu chuyện trò, tiện tay ngắt từng chùm đậu ngự nhẵn mướt, cong cong hình cung và nghĩ ngay đến món chè đậu ngự ngoại thường làm hồi nhỏ.

 Đậu ngự vườn nhà

Cái hồi đã xa lắc xa lơ, nhưng hương vị dẻo thơm ngọt bùi của từng hạt chè đậu ngự dường như vẫn đọng mãi cho đến tận bây giờ. Đằng sau món ngon quà vặt ấy là cả khoảng trời ký ức ấu thơ cơ hàn đong trọn.

Khi còn là một cô bé tiểu học, mẹ đi làm xa, tôi ở nhà thường xuyên với ngoại. Và ngày nào, tôi cũng được ăn các món do ngoại nấu từ cây trái vườn nhà. Với nhiều gia đình, chè đậu ngự chỉ là món tráng miệng hay quà vặt để ăn chơi, nhưng với gia đình tôi thì đó không còn là một món ăn mà là thức quà tuyệt vời.

Bởi lẽ cuộc sống nghèo khó, thiếu thốn nên chị em tôi chẳng mấy khi có điều kiện “ăn sung mặc sướng” hay “nấu ăn cho thỏa cơn thèm” như người ta. Phải đợi lúc nào giàn đậu của ngoại ra trĩu trái mới có cơ hội thưởng thức.

Vì vậy việc sẽ được nhâm nhi món chè đậu ngự càng khiến chúng tôi háo hức trông ngóng. Chừng chín mười tuổi tôi đã thuộc nằm lòng công thức nấu chè đậu ngự tươi của ngoại.

Đậu ngự tươi không cần ngâm nước nhiều giờ liền cho vỏ mềm như đậu khô. Đậu vừa hái vào đổ ra thau, sau đó bắt đầu công đoạn bóc vỏ đậu. Đây là công đoạn tốn thời gian nhất vì phải bóc từng hạt đậu một, bỏ vỏ lụa bên ngoài và giữ lại nhân bên trong. Tôi thường được tham gia công đoạn này.

Bóc đậu xong, xóc nước rửa đậu vài lần để bay hết mầm đậu, khi nước trong, bắt đầu đổ đậu vào soong và bắt đầu hấp. Trước khi hấp, ngoại tôi lót một lớp lá dứa bên dưới cho thơm.

Trong khi chờ đậu chín, nhen bếp lửa khác và chuẩn bị nấu nước đường. Đường vàng cho vào nồi, đổ nước sau đó bắc lên bếp nấu sôi, thêm gừng giã nhuyễn vào cho đậm vị. Khi đậu đã chín tới, ngoại cho ra rổ và từ từ đổ vào nồi nước đường, vừa đổ vừa dùng đũa khuấy thật đều nhưng rất nhẹ và cẩn thận để hạt đậu không bị nát. Sau đó, đặt lên bếp cho sôi lại vài phút là xong.

Từ ngày ngoại mất, tôi vẫn giữ thói quen trồng ít nhất vài bụi đậu ngự. Giàn đậu trước sân quanh năm vẫn xanh tươi tốt. Tôi cứ duy trì giàn đậu như khi ngoại còn sống, bụi này tàn lại có bụi khác thay mới như để vơi bớt nỗi nhớ ngoại.

Mấy hôm nay, đậu ngự vào mùa thu hoạch, trái non trái già thòng xuống khỏi giàn trông đẹp mắt. Tuần nào gia đình tôi cũng được ăn những món từ đậu ngự: luộc, hấp cơm, nấu xôi, nấu súp, hầm xương, chiên giòn và nấu chè.

Những hạt đậu béo úc núc, nhưng tiếc thay bây giờ không còn cơ hội thưởng thức món chè hiền lành từ bàn tay khéo léo của ngoại. Nhưng, vị ngọt tình thân ngoại gửi lại nơi trái tim tôi sẽ mãi hiện hữu với đầy ắp kỷ niệm tuổi thơ.

Phan Thị Thanh Ly/ Báo Quảng Nam

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
  • Bánh trôi tàu phố cổ Hà Nội (21/03/2022)
  • Cá kho phố Cầu Gỗ - Món ăn truyền thống người Hà Nội (15/03/2022)
  • Mắc nợ vị quê (02/03/2022)
  • Rau sắn muối chua dân dã mà lạ miệng của đồng bào Dao Đỏ (22/02/2022)
  • Món tam hữu ở làng rau Trà Quế (16/02/2022)
  • Chè cốm đậm đà hương vị Việt (12/01/2022)
  • Chà bông cá chuồn muối (07/01/2022)
  • Xuyến chi xào tỏi (31/12/2021)
  • Gỏi lá Kon Tum (18/12/2021)
  • Món kho quẹt gợi nhớ làng quê (13/12/2021)
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Sử thi Tây Nguyên – Kho tàng văn hóa tinh thần vô giá
Nhãn lồng Hưng Yên
Nghi lễ và trò chơi kéo co truyền thống
Bánh Cáy làng Nguyễn - đặc sản quê lúa Thái Bình
Cổng làng nơi lưu giữ hồn quê
Nghệ thuật Dù kê của người Khmer Nam bộ
Về thăm làng nghề lụa Tân Châu
Gốm Phù Lãng - Vẻ đẹp mang tên “hồn quê”
Lễ hội Ok Om Bok - sức mạnh kì diệu của Thần Mặt trăng
Muối Cồn Cù chắt chiu từ vị mặn của biển
Lễ hội Nghinh Ông đình Thần Thắng Tam - Nét đặc sắc trong văn hóa ngư dân biển
Độc đáo thuyền thúng Phú Mỹ
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang