16/10/2019 09:09:00 AM
Đồng dao – thế giới thần tiên của trẻ thơ

Dù ngôn ngữ, phong tục tập quán khác nhau, nhưng các cộng đồng dân tộc Việt Nam đều sáng tạo nên đồng dao - một loại hình văn hóa dân gian độc đáo dành cho trẻ em. Cùng với các trò chơi dân gian gắn liền, thế giới kỳ diệu này đã góp phần giáo dục, rèn luyện thể lực, kỹ năng và phát triển trí thông minh cũng như nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ.

 Trò chơi mèo đuổi chuột vừa chơi vừa hát đồng dao

Sự độc đáo của đồng dao

Đồng dao là lời hát dân gian truyền miệng của trẻ em, thường kèm theo một trò chơi nhất định. Đồng dao có nhiều thể loại: Các bài hát, câu hát trẻ em, bài hát ru em... và phổ biến nhất là lời hát trong các trò chơi của trẻ em. Đồng dao thường có hình thức thơ thể tự do, lời thơ mộc mạc dễ hiểu. Mỗi lời hát đồng dao gắn với các trò chơi dân gian có cách kết cấu móc xích, cùng cách diễn đạt nhẹ nhàng, ngôn ngữ giàu hình ảnh nên đồng dao giàu âm điệu, vần và nhịp phù hợp với động tác của trò chơi, tạo nên một sự sống động, tươi sáng, phù hợp với cách nghĩ, lối sống và tiếp nhận của trẻ thơ.

Dù nội dung các ý, các phần trong nhiều bài đồng dao ít tính logic nhưng lại được liên kết với nhau qua các vần điệu. Vì vậy, đồng dao rất dễ thuộc, dễ nhớ và khó quên, dù có nhiều bài khá dài, như bài đồng dao này khá quen thuộc và phổ biến đối với nhiều thế hệ người Kinh: “Chi chi chành chành/ Cái đanh thổi lửa/ Con ngựa chết trương/ Ma vương bú tí/ Bắt tí đi tìm…”.

Mỗi bài đồng dao được thể hiện trong những hoàn cảnh khác nhau, phù hợp với mỗi kiểu trò chơi. Trong đồng dao của trẻ em dân tộc Thái, bài đồng dao “Thả Bươn” (Đố Trăng) được hát và chơi vào những đêm trăng sáng trên bãi cỏ rộng. Các em nắm tay nhau nhìn trời và cùng hát vang: “Ông trăng ơi trăng vàng/ Hai cô nàng giã gạo/ Hai già cho lợn ăn/ Hai con rắn bện thường”.

Hay có những bài đồng dao được hát khi trời nắng hạn như bài “Gọi mưa” của trẻ em dân tộc Tày: “Trời hãy mưa/ Nước hãy lũ/ Cho cá coòng ngoi lên rãnh kho thóc/ Cho cá trê bò lên thềm nhà/ Cho lúa trổ hoa (bông) ngoài đồng ruộng”.

Các con vật xuất hiện trong nhiều bài đồng dao như những người bạn nhỏ bé để trẻ tâm tình, sẻ chia tình cảm của con người: “Tu hú là chú bồ các/ Bồ các là bác chim di/ Chim di là dì sáo sậu/ Sáo sậu là cậu chim đen…”. Các con vật cũng là những đối tượng để phê phán thói hư tật xấu. Bên cạnh đó, các đồ vật trong sinh hoạt, trong lao động sản xuất, các loại quả cũng trở thành những đề tài khá phổ biến trong đồng dao.

Tính tương đồng và phổ biến của đồng dao gắn liền với các trò chơi dân gian là nét đặc sắc nhất của đồng dao. Nhiều bài đồng dao và trò chơi dân gian của nhiều vùng miền, nhiều dân tộc khá tương đồng. Điều đó vừa thể hiện sự lan tỏa, giao thoa, học hỏi lẫn nhau trong văn hóa các vùng miền, vừa là sự tương đồng về văn hóa.

 Trò đánh chắt hay đánh chuyền hoặc rải thẻ gắn bài đồng dao: nhót này/ nhót nữa/ cánh cửa/ cài then.

Giá trị của đồng dao trong giáo dục trẻ em

Dù đơn giản nhưng nội dung các bài đồng dao rất phong phú, đề cập đến nhiều mặt của đời sống xã hội như về lao động sản xuất về đạo đức làm người, về tự nhiên… Có vần có điệu vui tai, hình ảnh sinh động, và luôn chứa đựng những bài học quý giá, có ý nghĩa lớn lao, giúp trẻ em làm quen với thiên nhiên xã hội, con người xung quanh và giáo dục cách cư xử, cách sống.
Bắt đầu từ những câu hát ru trên vành nôi của loại hình đồng dao, các em bé bắt đầu cảm nhận tình yêu, sự gắn bó với cha mẹ và làm quen với ngôn ngữ, thanh điệu.

Lớn hơn, trẻ em bắt đầu những bài học đầu tiên, làm quen với thế giới xung quanh, làm quen với mối quan hệ bạn bè, cộng đồng.

Những kinh nghiệm được đúc rút về thời tiết, mùa vụ trong các bài đồng dao giúp trẻ em làm quen với thiên nhiên, với đời sống lao động, sản xuất. Đây là cách trao truyền vốn tri thức dân gian của các thế hệ đi trước với thế hệ tương lai rất hiệu quả, nó thấm nhuần qua từng câu chữ, được tiếp nhận hết sức tự nhiên. “Tháng một là tháng trồng khoai/ Tháng giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà” hay “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa/ Bay cao thì nắng/ Bay vừa thì râm”.

Các trò chơi dân gian gắn với các bài đồng dao, trẻ em vừa chơi đùa vừa hát, lặp lại nhiều lần trong mỗi cuộc chơi. Các bài hát về các loại quả, cây lá con vật, đồ vật, sự việc, các hiện tượng thiên nhiên... luôn ngắn gọn nhưng nêu bật đặc điểm nổi bật của chúng để dễ dàng nhận diện qua câu hát. Qua đó, trí tưởng tượng của trẻ em được kích thức, khả năng ghi nhớ được hình thành.

Nhiều trò chơi dân gian gắn với đồng dao rèn luyện sự khéo léo, khả năng phán đoán cho các bé (như đánh chắt hay đánh chuyền, Oẳn tù tì). Nhiều trò chơi rèn luyện cho trẻ em sức khỏe, sự nhanh nhẹn (Rồng rắn lên mây, Mèo đuổi chuột, Thả đỉa ba ba, Kéo cưa lừa xẻ... )

Tình yêu cuộc sống, yêu lao động cũng được các thế hệ cha ông truyền tải qua các bài đồng dao để gửi gắm cho con trẻ. Qua các bài đồng dao, từ tình yêu cha mẹ, yêu những điều nhỏ bé thân thuộc, trẻ em được bồi đắp thành tình yêu quê hương, đất nước. Mặt khác, chính qua mỗi bài đồng dao dần dần hình thành nên bản sắc văn hóa theo vùng miền ở trẻ em.

Dù đã dần mai một, đồng dao vẫn còn đó trong thế giới trẻ thơ của nhiều vùng, miền của đất nước và trong ký ức tuổi thơ đẹp đẽ của bao thế hệ người Việt Nam. Đồng dao - thế giới thần tiên của trẻ thơ vẫn còn nguyên giá trị như vốn có từ xa xưa.

Ly Ly/ langvietonline.vn

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Sử thi Tây Nguyên – Kho tàng văn hóa tinh thần vô giá
Nhãn lồng Hưng Yên
Nghi lễ và trò chơi kéo co truyền thống
Bánh Cáy làng Nguyễn - đặc sản quê lúa Thái Bình
Cổng làng nơi lưu giữ hồn quê
Nghệ thuật Dù kê của người Khmer Nam bộ
Về thăm làng nghề lụa Tân Châu
Gốm Phù Lãng - Vẻ đẹp mang tên “hồn quê”
Lễ hội Ok Om Bok - sức mạnh kì diệu của Thần Mặt trăng
Muối Cồn Cù chắt chiu từ vị mặn của biển
Lễ hội Nghinh Ông đình Thần Thắng Tam - Nét đặc sắc trong văn hóa ngư dân biển
Độc đáo thuyền thúng Phú Mỹ
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang