06/07/2020 10:45:00 AM
Độc đáo “xó pẹ” của phụ nữ Hà Nhì

Mỗi dân tộc thiểu số ở Lào Cai đều có những nét đặc trưng văn hóa thể hiện trong phong tục, tập quán, lễ hội, trang phục của từng tộc người. Với dân tộc Hà Nhì đen ở vùng cao Bát Xát, ngoài trang phục váy áo mang nét hoa văn riêng, có một nét độc đáo mà bất cứ ai gặp những phụ nữ Hà Nhì đều nhận thấy và tò mò muốn biết. Đó là mái tóc giả đồ sộ vấn cao trên đầu của phụ nữ Hà Nhì…

 Phụ nữ Hà Nhì vấn xó pẹ để chuẩn bị tham gia lễ hội Khô già già

Chị Sào Thó Sơ, bản Mò Phú Chải, xã Y Tý cho biết: Từ nhỏ, mẹ đã dạy chị cách vấn tóc như vậy rồi. Con gái Hà Nhì ai cũng có mái tóc giả như vậy để làm duyên, như mọi người vẫn nói là “góc con người” ấy… Tiếng Hà Nhì, mái tóc giả được gọi là “xó pẹ” dùng để vấn tóc theo kiểu truyền thống mang nét độc đáo riêng của bản sắc dân tộc mình.

Theo bậc cao niên trong bản Choản Thèn, xã Y Tý, con gái Hà Nhì đến tuổi cập kê sẽ được bà hoặc mẹ dạy cách làm “xó pẹ” để vấn tóc. Thời gian chừng 2 đến 4 tháng mới làm xong một bộ tóc “xó pẹ” như vậy. Thường thì tóc giả được làm từ sợi chỉ bông, ngày nay người Hà Nhì làm bằng chỉ len đã nhuộm chàm hoặc củ nâu khá cầu kỳ.

Tùy theo lứa tuổi có bộ tóc giả và cách vấn tóc khác nhau. Khi vấn tóc giả, thường thì phụ nữ Hà Nhì phải đội chiếc khăn trước sau đó buộc phần đầu của tóc giả với tóc thật của phụ nữ rồi mới tết tóc thật cùng với phần chỉ len buộc lại. Kéo phần đã tết một vòng ở đầu với giữ chặt lại, tiếp đến là buộc cái khăn mình vừa đặt lên trên đầu, cuối cùng là đặt một mảnh khăn ở trên cùng.

 Phụ nữ Hà Nhì vấn xó pẹ để chuẩn bị tham gia lễ hội Khô già già

Đối với cô gái chưa lập gia đình sẽ có chiếc mũ trang trí các loại chỉ màu xanh đỏ và hạt cườm, bộ tóc giả ở phần cuối được buộc thành ba chùm và giữa có một chùm nhiều màu sắc giống như bông hoa. Thế nên, tóc giả trở thành biểu tượng sắc đẹp cho con gái Hà Nhì, họ ví phụ nữ đẹp như hoa. Khi đội tóc giả, các cô gái đội lệch để các quả tua len ra bên trái, tạo nét duyên dáng cho người đội.

Đối với phụ nữ có chồng, họ cũng có bộ tóc giả giống như của các cô gái trẻ nhưng họ không có chiếc mũ, thay vào đó là chiếc khăn vuông, trên cùng có mảnh khăn trang trí hoa văn ở hai bên và gắn các tua chỉ ở phần dưới. Đối với phụ nữ từ 35 - 40 tuổi trở lên thì tóc giả lại khác một chút, khi họ đội quả tua thường thẳng ở giữa chính đầu. Điểm khác biệt lớn nhất của bộ tóc giả ở phụ nữ có chồng là có mảnh khăn có đính tua đuôi đội ở trên cùng với ý nghĩa để giữ lại hồn vía, bắt buộc đối với phụ nữ khi họ tham dự các dịp lễ quan trọng trong cộng đồng.

Hầu hết phụ nữ Hà Nhì, ai cũng phải sắm cho mình ít nhất một bộ “xó pẹ”. Một trong những tiêu chuẩn để các chàng trai Hà Nhì chọn vợ là sự khéo léo của các cô gái học làm tóc giả và vấn tóc làm sao để có bộ tóc đẹp. Tóc giả trở thành phụ kiện không thể thiếu trong đời sống văn hóa truyền thống, để phụ nữ Hà Nhì làm đẹp, dùng trong các dịp tết cổ truyền, lễ hội, đám cưới, đi chợ...

Kiều Lê / langvietonline.vn

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Nghề chạm bạc tinh xảo của đồng bào Chăm
Về thăm làng nghề lụa Tân Châu
Gốm Phù Lãng - Vẻ đẹp mang tên “hồn quê”
Lễ hội Ok Om Bok - sức mạnh kì diệu của Thần Mặt trăng
Muối Cồn Cù chắt chiu từ vị mặn của biển
Lễ hội Nghinh Ông đình Thần Thắng Tam - Nét đặc sắc trong văn hóa ngư dân biển
Độc đáo thuyền thúng Phú Mỹ
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang