22/09/2016 10:15:00 AM
Độc đáo thuyền thúng Phú Mỹ

Nghề đan thúng chai ở Phú Mỹ (Phú Yên) đã hình thành từ lâu, nhiều người xem đây là nghề gắn với nghiệp đi biển. Nghề được truyền dạy từ đời này qua đời khác, vừa là công ăn việc làm, vừa là cái nghề gắn bó, tạo nên một nếp sống với người dân Phú Mỹ.

  • Thuyền thúng Phú Mỹ được làm rất kỹ càng

  • Tuổi thọ của một chiếc thuyền thúng Phú Mỹ có thể lên đến 12-15 năm

  • Nhờ thuyền thúng, cuộc sống của người dân Phú Mỹ có nhiều khởi sắc

Làng nghề Phú Mỹ (xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) vốn được gọi với cái tên là “làng thúng chai”. Ít ai nhớ chính xác thời điểm hình thành làng nghề, nhưng với những người dân nơi đây, từ rất lâu rồi những chiếc thuyền thúng đã trở thành một phần máu thịt của họ. Chiếc thuyền thúng không chỉ là phương tiện mưu sinh, mà còn là vật dụng chứa ẩn bao thương nhớ, chứng kiến bao thăng trầm và là hình tượng không thể thiếu trong các lễ hội văn hóa.

Giữ gìn nghề truyền thống

Từ bao đời nay, người dân thôn Phú Mỹ giữ nghề làm thúng chai truyền thống. Nghề này làm hoàn toàn bằng thủ công từ khâu vót nan đến đan mê (phần bụng thúng).

Đan thuyền thúng là nghề lắm công phu. Để hoàn thành chiếc thuyền thúng có đường kính 2,3 m cả nhóm thợ phụ trách các công đoạn phải mất gần 1 tuần lễ. Nguyên vật liệu làm nên thuyền thúng là từ tre. Để tăng tuổi thọ cũng như đảm bảo yếu tố kỹ thuật, độ an toàn thì nguyên liệu được chọn là loại tre đặc, không non cũng không già lắm và chỉ sử dụng cật từ nửa thân trở xuống. Để làm một chiếc thuyền thúng phải trải qua nhiều công đoạn, cụ thể là chẻ, vót tre, đan mê, lận vành, nức và quét dầu.

Làng nghề Phú Mỹ không tạo hình thuyền thúng trên cạn (đóng trụ trên mặt đất) mà tạo hình dưới một cái hố. Những gia đình làm thuyền thúng với quy mô lớn thì trước nhà đào sẵn nhiều hố với chiều rộng, cao tương đương với kích thước cần thực hiện. Khi đan mê xong, người thợ đặt mê xuống hố. Bằng con mắt tinh tường, đôi tay khéo léo kết hợp với một số dụng cụ, người thợ mới bắt đầu tạo hình. Tạo hình đến đâu, dùng cát xung quanh để tấn xuống và cứ thế người thợ hoàn chỉnh thuyền. Đây là điểm khác biệt độc đáo so với các địa phương khác. Cách làm này mất khá nhiều thời gian và công sức nhưng lại cho ra một sản phẩm đạt độ an toàn và kỹ thuật cao.

Khâu tạo hình hoàn tất, người thợ kiểm tra và định mẫu lần cuối rồi mới cắt, gọt nan cho sát mép để đặt vành. Khâu đặt vành còn gọi là lận vành. Tre lận vành phải là loại tre đặc biệt được tuyển chọn từ hàng trăm cây mới có được một cây tốt. Người lận vành giỏi đến đâu mà tre xấu hoặc người vót vành không đạt thì cũng khó cho ra một sản phẩm hoàn hảo. Vành được làm từ cật tre tốt nhằm giữ thăng bằng cho thuyền. Dây cột vành là loại cước chuyên dụng có khả năng chịu nắng mưa tốt, giá thành khá cao. Khi vành đã lận xong, thuyền thúng được mang đi phơi nhiều nắng.

Ít ai biết rằng, phân bò là nguyên liệu đặc biệt quan trọng đối với chiếc thuyền thúng. Phân bò tươi được đánh nhuyễn, trát và quét đều một lớp khá dày vào các khe nan. Theo những người làm nghề, phân bò có tác dụng làm kín khe, ngăn không cho nước thấm vào trong. Và để giữ cho lớp phân bò thêm chắc chắn, công đoạn tiếp theo là quét lớp dầu rái bên ngoài lẫn trong thuyền thúng. Dầu rái là loại hóa chất màu trắng đục, có tác dụng chịu nước, chịu nắng rất tốt, bảo vệ lớp nan. Lớp dầu rái khô sẽ cho ra màu nâu sẫm đục, giúp thuyền thúng thêm cứng cáp. 

Trong kỹ thuật làm thúng thì giai đoạn trét dầu rái là quan trọng nhất, vì nó quyết định sự thành bại của sản phẩm. Nếu không có bí quyết này, sản phẩm sẽ rất khó sử dụng. Mặc dù làng có đến khoảng 50 hộ gia đình làm nghề đan thúng chai nhưng chỉ có một vài hộ biết được “bí kíp” trộn dầu rái trét thúng. Đặc biệt, dầu rái ở đây chỉ dùng loại chai được lấy ở các miền núi huyện Đồng Xuân mới có thể nâng tuổi thọ của một chiếc thuyền thúng lên đến 12-15 năm.

Chỉ cần một sơ suất nhỏ trong khâu tạo hình thì khi sử dụng, thuyền thúng cũng bị thấm nước hoặc bị đánh úp. Sở dĩ thuyền thúng Phú Mỹ được tin tưởng là bởi đảm bảo được những tiêu chí cơ bản như an toàn, bền, dễ sử dụng…

Thuyền thúng “xuất ngoại”

Đan thúng chai là nghề khó, đòi hỏi người thợ phải có đôi tay khéo léo, khỏe mạnh, có kinh nghiệm và kỹ thuật tốt. Do vậy, người làm thúng chai phải giữ uy tín của mình bằng cách sản phẩm làm ra phải bền, đẹp.

Theo lời những thợ thuyền lâu năm của làng, làm thuyền cũng cần có cái tâm, không được làm ẩu, không được thiếu trung thực với khách hàng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, đó mới là người thợ của làng thuyền thúng Phú Mỹ.

Ưu điểm của thúng chai Phú Mỹ là rất khó bị lật, dễ xoay trở trong không gian hẹp, bởi dáng vóc tròn xoay; ví như, khi một tàu lớn chạy tạt ngang, thuyền dài nhỏ rất dễ “uống nước” nhưng thúng chai vẫn bồng bềnh lướt tốt, bởi việc cưỡi lên sóng là thế mạnh của loại thuyền này. Và không cần dụng cụ gì vẫn có thể đưa thúng chai lướt trên nước nhờ cách “lắc thúng”. Hơn nữa, thúng nan rách còn đem về trét và vá lại được, còn thúng nhựa nếu bị vỡ do đâm va thì không thể sử dụng được nữa.

Thúng chai Phú Mỹ được ngư dân các tỉnh miền Trung và một số tỉnh miền Nam sử dụng để đánh bắt hải sản gần bờ như câu mực, lặn sò, kéo lưới. Nhờ giá rẻ, chất lượng vượt trội nên sức tiêu thụ của sản phẩm thúng chai Phú Mỹ rất lớn, không kịp cung ứng cho thị trường.

Hiện nay, trong làng có khoảng 50 hộ gia đình với gần 200 người thông thạo nghề đan thuyền thúng, trong đó có hàng chục thợ thành thục nắm giữ những bí quyết độc đáo. Tùy kích cỡ, đường kính thúng từ 1,2 đến trên 3 m, giá xuất xưởng bán cho các mối buôn từ 600.000 – 3.000.000 đồng/thúng.

Không chỉ nổi tiếng trong nước, ngày nay sản phẩm thúng chai Phú Mỹ còn xuất sang nước ngoài, và đang trên đường chinh phục thị trường châu Âu. Từ cuối năm 2011, làng đã xuất 125 thúng chai đầu tiên sang Thái Lan giúp người dân chống lũ (Sau lần đầu tiên đó, một số công ty ở TPHCM đã về Phú Mỹ đặt hàng thuyền thúng để xuất sang Thái Lan). Một năm sau, sản phẩm này tiếp tục nhận được đơn đặt hàng 200 thúng từ một công ty du lịch của Thụy Sĩ vì hàng đẹp, chất lượng cao, giá thành lại rẻ hơn sản phẩm của các vùng khác.

Đây là một tín hiệu vui với làng nghề truyền thống này. Dù khiêm tốn giản dị nhưng với bao người lao động cần mẫn qua ngày tháng, một cách thầm lặng không chỉ đưa sản phẩm của mình đi xa, mà còn góp phần không nhỏ khiến làng nghề trở thành điểm du lịch mới của Phú Yên, hấp dẫn du khách mọi miền đến tham quan, mỗi khi có dịp dừng chân ở nơi đây.

Nhật Việt

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Nghề chạm bạc tinh xảo của đồng bào Chăm
Về thăm làng nghề lụa Tân Châu
Gốm Phù Lãng - Vẻ đẹp mang tên “hồn quê”
Lễ hội Ok Om Bok - sức mạnh kì diệu của Thần Mặt trăng
Muối Cồn Cù chắt chiu từ vị mặn của biển
Lễ hội Nghinh Ông đình Thần Thắng Tam - Nét đặc sắc trong văn hóa ngư dân biển
Độc đáo thuyền thúng Phú Mỹ
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang