26/12/2018 09:33:00 AM
Để dân ca xứ Nghệ được bảo tồn, có sức lan tỏa trong cộng đồng

Từ chỗ chỉ có 60 câu lạc bộ năm 2013, đến nay, tỉnh Nghệ An đã phát triển được hơn 100 Câu lạc bộ dân ca ví, giặm. Qua đó, góp phần tích cực trong công tác bảo tồn và phát huy dân ca Nghệ Tĩnh, tạo thêm sự phong phú cho đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Tuy nhiên, với hình thức hoạt động tự nguyện, hiện nay, nhiều câu lạc bộ dân ca ví, giặm ở Nghệ An hoạt động cầm chừng, chưa có chiều sâu, xu hướng lắng lại.

Sinh hoạt câu lạc bộ dân ca ví, giặm phường Vinh Tân, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN 

Câu lạc bộ dân ca ví, giặm phường Vinh Tân, thành phố Vinh được khán giả biết đến bởi trong các kỳ Liên hoan dân ca ví, giặm của tỉnh Nghệ An luôn đạt thành tích cao. Thành lập năm 2011, là mô hình Câu lạc bộ dân ca cấp tỉnh, Câu lạc bộ này một thời từng hoạt động sôi nổi, không chỉ thu hút hội viên hưu trí mà hội tụ cả những người lao động, tiểu thương, học sinh cùng tham gia. Tuy nhiên 2 năm nay, Câu lạc bộ hoạt động có dấu hiệu chững lại. Nếu như trước đây, cứ 3 tháng, Câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt một lần, hiện nay 6 tháng thậm chí cả năm mới tổ chức sinh hoạt một lần.

“Thời điểm mới thành lập, chúng tôi duy trì hoạt động thường xuyên, mỗi tháng sinh hoạt một buổi. Nhưng, giờ ngoài những dịp có hội diễn, còn lại hầu như Câu lạc bộ không hoạt động, gần một năm anh chị em mới ngồi lại với nhau một lần”, chị Hoàng Thị Cẩm Vân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ dân ca ví, giặm phường Vinh Tân, thành phố Vinh nói.

Cũng theo chị Cẩm Vân, mọi thành viên trong câu lạc bộ đều say mê, tâm huyết, tuy nhiên kinh phí hiện nay là vấn đề khó khăn. Ở Vinh Tân, với tinh thần tự nguyện, mỗi năm một thành viên đóng góp vào quỹ từ 100-200.000 đồng/người. Số tiền đó, chỉ đủ tiền nước uống cho mọi người qua mỗi kỳ sinh hoạt. Để duy trì thường xuyên rất khó, vì không có kinh phí thuê áo, quần cho thành viên trong các buổi biểu diễn...

Sinh hoạt câu lạc bộ dân ca ví, giặm xã Vân Diên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN 

Tới thăm Câu lạc bộ dân ca xã Vân Diên, huyện Nam Đàn mới thấy hết niềm tự hào của các thành viên khi tham gia Câu lạc bộ này. Mặc dù mới đi vào hoạt động được hai năm nay nhưng tháng nào, Câu lạc bộ cũng sinh hoạt thường xuyên vào đêm 16 âm lịch, trăng sáng. Trong đó, nội dung sinh hoạt chủ yếu là ôn lại làn điệu dân ca cũ, soạn lại những bài hát mới để tham dự hội diễn, liên hoan...

Dù mới thành lập nhưng theo nghệ nhân Nguyễn Thùy Dung, Chủ nhiệm Câu lạc bộ dân ca xã Vân Diên: Câu lạc bộ chưa có “hỗ trợ gì” để mua nhạc cụ, trang phục biểu diễn. Toàn bộ kinh phí thuê nhạc cụ, trang phục đều do các thành viên tự đóng góp.

Về điều này, nghệ nhân Nguyễn Thùy Dung bày tỏ: Lâu nay, các Câu lạc bộ dân ca ví, giặm thành lập trên tinh thần tự nguyện, kinh phí hoạt động tự đóng góp. Một hội diễn, Câu lạc bộ chỉ được huyện hỗ trợ 3 triệu đồng cho khoảng 35 thành viên. Với sự thiếu quan tâm này, hoạt động của các Câu lạc bộ dân ca đang “đuối” dần. Vì thế, thay vì phát triển về số lượng, mỗi huyện, thành, thị chỉ cần thành lập một câu lạc bộ. Hàng năm, chính quyền sẽ có chính sách hỗ trợ câu lạc bộ kinh phí nhất định để duy trì hoạt động thường xuyên.

Liên quan đến hoạt động của các Câu lạc bộ dân ca ví, giặm hiện nay, nghệ sĩ nhân dân Trịnh Hồng Lựu, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy Di sản dân ca xứ Nghệ thừa nhận: Hoạt động của các câu lạc bộ dân ca ví, giặm trên địa bàn đang đi xuống bởi sự thiếu quan tâm, đầu tư từ các cấp, ngành, chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, sinh hoạt của một số Câu lạc bộ còn thiên về tập luyện, đối phó để tham dự các cuộc thi, liên hoan, thiếu tính phổ biến thường nhật trong cộng đồng.

Trước thực tế trên, để duy trì bền vững hoạt động các câu lạc bộ dân ca ví, giặm, theo nghệ sĩ nhân dân Trịnh Hồng Lựu là không khó nếu cho họ một sân khấu để luyện tập và biểu diễn thường xuyên. Ngoài ra, các địa phương cần xây dựng mô hình và thực hiện chính sách khen thưởng cá nhân, tập thể trong việc bảo tồn, phát huy dân ca ví, giặm...

Ví, giặm cùng các loại hình nghệ thuật âm nhạc dân gian khác đã góp phần làm phong phú kho tàng văn hóa dân tộc, nuôi dưỡng, bồi đắp cho tâm hồn bao thế hệ người Việt Nam. Vì thế, để dân ca xứ Nghệ được bảo tồn, có sức lan tỏa trong cộng đồng, điều quan trọng nhất vẫn là phát huy vai trò của các câu lạc bộ dân ca ví, giặm. Muốn vậy, ngoài sự nhiệt tình của người dân, đổi mới nâng cao chất lượng sinh hoạt, cần sự quan tâm của các cấp để tạo điều kiện cho các câu lạc bộ dân ca ví, giặm hoạt động bền vững, có chiều sâu.

Bích Huệ/ dantocmiennui.vn

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
  • Miệt mài giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở lại với buôn làng (24/12/2018)
  • Lễ mừng lúa mới của người Tày, Nùng (21/12/2018)
  • Thú thưởng trà của người Hà thành (19/12/2018)
  • Tinh hoa nghề mộc Chợ Thủ (17/12/2018)
  • Guốc mộc Phú Văn (14/12/2018)
  • Say đắm những vũ điệu của người Khơ Mú (10/12/2018)
  • Giếng cổ Gio An (05/12/2018)
  • Độc đáo cây hoa báo hiếu của người Tày, Nùng (03/12/2018)
  • Gìn giữ nghề làm giấy dó của đồng bào Mông ở Điện Biên (30/11/2018)
  • Làng gốm Thanh Hà: Dấu xưa hồn đất (28/11/2018)
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Nghề chạm bạc tinh xảo của đồng bào Chăm
Về thăm làng nghề lụa Tân Châu
Gốm Phù Lãng - Vẻ đẹp mang tên “hồn quê”
Lễ hội Ok Om Bok - sức mạnh kì diệu của Thần Mặt trăng
Muối Cồn Cù chắt chiu từ vị mặn của biển
Lễ hội Nghinh Ông đình Thần Thắng Tam - Nét đặc sắc trong văn hóa ngư dân biển
Độc đáo thuyền thúng Phú Mỹ
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang