14/11/2017 02:37:00 PM
Cá luối đầu mùa

Còn nhớ, lần đầu tiên khi mới theo anh về nhà làm dâu của mạ, mạ ra tận cổng đón tôi, với nụ cười hiền hậu và nắm tay như đã là con của mạ từ thuở nào. “Vào đây rửa mặt mũi, chân tay rồi ăn cơm với mạ! Hôm nay có mớ cá luối tươi, mạ kho nghệ và tiêu xanh để tụi bây lên ăn cho khỏi ngán!”.

 Cá luối kho nghệ

Chỉ vậy thôi, mà tôi thương mạ, thương cái vùng quê yên bình này như chính nơi mình sinh ra… Khi những cơn mưa đầu mùa đến, tôm cá tràn về trên những cánh đồng quê, cũng là lúc món cá luối kho nghệ vàng ươm, thơm nồng của mạ có mặt trong những bữa cơm gia đình. Mùa cá luối kéo dài bắt đầu từ những cơn mưa nhẹ hạt đến lúc lụt về.

Thời gian rộng dài là thế nhưng với nhiều người trót mê cái hương vị cá luối rồi thì chỉ qua vài tháng cuối xuân, đầu hạ không gặp đã thấy nao nức mong chờ. Chờ để được thưởng thức những món ngon từ con cá nhỏ ngọt lành. Cá luối thân dẹp, cỡ bằng ngón tay tựa cá lòng tong, cá linh ở miền Tây Nam bộ. Người ta thường đặt vó hoặc dùng lưới cỡ nhỏ để đánh bắt cá. Khi đặt vó hoặc thả lưới xuống, chừng một giờ thì kéo lên, gỡ cá ra khỏi lưới hoặc dùng gàu vớt đám cá còn nhảy tưng tưng cho vào xô chứa sẵn nước.

Cá luối sau khi bắt về được làm sạch bằng cách lấy một ít lá sả, kèm ít muối sống, xoa nhẹ cho hết vảy, nhớt, sau đó nhặt từng con dùng tay nặn bỏ ruột cá rồi rửa sạch trước khi chế biến. Công đoạn này khá tỉ mỉ vì vừa phải làm cá sạch sẽ, vừa không để mất buồng trứng vì đây là phần ngon và “đặc biệt nhất”. Cá đã ráo nước ướp cùng đường, muối, ớt, nghệ tươi, tiêu xanh chừng mười lăm phút, rải thêm một lớp thịt lợn ba chỉ để lúc kho lên phần mỡ của thịt sẽ làm dậy thêm vị béo của con cá luối đồng.

Đun cho mẻ cá sôi bùng rồi hạ lửa thật nhỏ, khi gia vị thấm đổ thêm một ít nước vào kho tiếp, xốc nhẹ mẻ cá đôi ba lần. Khi nước cá sền sệt, thịt cá mềm có thể ăn cả xương luôn là được. Vị béo từ thịt mỡ ngấm vào làm miếng cá kho càng thêm thơm bùi, béo ngậy. Những ngày cuối tuần, tôi thường cùng mạ đi chợ Phiên Cam Lộ, mua thêm ít măng dưa, rau hành về nấu tô canh chua cá luối. Cá luối tuy ít thịt, nhưng có vị ngọt lành, khi nấu kèm với măng chua, khế thái mỏng, rắc thêm chút rau hành thì ai cũng muốn được ăn mãi.

Vị ngọt nguyên chất của cá, quyện với vị chua thanh tao của măng dưa và thêm một chút cay nồng của ớt khiến cái lạnh của những cơn mưa đầu mùa dường như cũng tan biến. Để đổi vị, mạ còn một cách chế biến cá luối rất độc đáo, đó là món cá luối nướng sả. Mạ chọn những con cá luối to nhất, mình dày và tươi ngon nhất, ướp chút gia vị, xóc đều tay cho thấm, sau đó cho muối hạt và sả đã giã giập vào nồi đất. Mạ nhẹ nhàng xếp cá lên trên, đậy kín nắp, đặt nồi cá lên bếp than hồng nướng tầm 30 phút.

Cá chín, dậy mùi thơm ngào ngạt, khi ăn kẹp một ít xà lách, vài cọng rau thơm, thêm một miếng thịt cá, nhẹ nhàng quấn từng cuộn bánh rồi chấm với nước mắm pha tỏi ớt, vị ngọt mềm lan trên đầu lưỡi. Khi cơn gió heo may tràn qua phố, những cơn mưa đầu mùa cũng bắt đầu nặng hạt, tôi lại cùng anh về thăm quê. Hạnh phúc thật ra chính là những điều đơn giản nhất, như được về nhà để ăn món cá luối của ma và nghe mạ thủ thỉ bao điều…

(Theo báo Quảng Trị)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Sử thi Tây Nguyên – Kho tàng văn hóa tinh thần vô giá
Nhãn lồng Hưng Yên
Nghi lễ và trò chơi kéo co truyền thống
Bánh Cáy làng Nguyễn - đặc sản quê lúa Thái Bình
Cổng làng nơi lưu giữ hồn quê
Nghệ thuật Dù kê của người Khmer Nam bộ
Về thăm làng nghề lụa Tân Châu
Gốm Phù Lãng - Vẻ đẹp mang tên “hồn quê”
Lễ hội Ok Om Bok - sức mạnh kì diệu của Thần Mặt trăng
Muối Cồn Cù chắt chiu từ vị mặn của biển
Lễ hội Nghinh Ông đình Thần Thắng Tam - Nét đặc sắc trong văn hóa ngư dân biển
Độc đáo thuyền thúng Phú Mỹ
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang