Hữu tình non nước Ninh Bình



Núi Kỳ Lân

Chỉ trong hai ngày ngắn ngủi của cuộc hành trình về với vùng đất cố đô, nhưng mỗi điểm chúng tôi dừng chân đều để lại những ấn tượng sâu sắc. Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi sau chặng đường gần 100 km là khách sạn Hoa Lư xinh xắn nằm bên núi Kỳ Lân thơ mộng. Từ xa, mái chùa Kỳ Lân Sơn cong cong nổi bật trên nền trời xanh thẳm, bao quanh là màu xanh của cây lá núi Kỳ Lân. Dưới chân núi, hoa phượng đỏ rực rỡ nghiêng mình soi bóng bên mặt hồ cùng với cây cầu đá cong cong dẫn chúng tôi từ khách sạn sang núi đã tạo nên một khung cảnh thật nên thơ ngay bên đường quốc lộ.



Đền Vua Đinh Tiên Hoàng

Ấn tượng ban đầu đã tạo hứng thú cho chúng tôi trong suốt cuộc hành trình. Đền Vua Đinh – Vua Lê là điểm đầu tiên chúng tôi tham quan. Đền Vua Đinh toạ lạc ở làng Trường Yên Thượng, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư trên một khuôn viên rộng. Trước mặt đền là núi Mã Yên có hình dáng giống cái yên ngựa. Ngôi đền ba gian cổ kính với những mái ngói ống màu xám phủ đầy rong rêu. Đền Vua Đinh nằm giữa các tán cây đại thụ, các vườn cây ăn quả, cây cảnh đan xen nhau tạo nên vẻ bề thế tôn nghiêm của ngôi đền. Cách đền Vua Đinh khoảng 500m là đền Vua Lê Đại Hành. Đền được dựng ở làng Trường Yên Hạ nên còn gọi là đền Hạ. Đền soi bóng xuống mặt nhánh sông Hoàng Long. Trước mặt đền là núi Đèn, sau lưng là núi Đìa. Điều đặc biệt ở đền Vua Lê Đại Hành là nghệ thuật chạm khắc gỗ ở thế kỷ 17 đã đạt đến trình độ điêu luyện, tinh xảo. Hai ngôi đền được xây dựng để tỏ lòng biết ơn của nhân dân đối với hai ông vua đã có công lớn trong việc xây dựng đất nước vào thế kỷ thứ 10.

Trong lộ trình về với đất Hoa Lư lịch sử, đến thăm đền Vua Đinh – Vua Lê cũng là dịp để chúng tôi chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc, những nét đẹp của toàn bộ khu di tích, ghi dấu thời kỳ mở nước huy hoàng, độc lập, tự chủ của đất nước Đại Cồ Việt từ hơn ngàn năm về trước.



 3 pho tượng Tam Thế



Điện Tam Thế - chùa Bái Đính

Rời đền Vua Đinh – Vua Lê, chúng tôi đến với khu chùa lớn nhất Việt Nam đang được xây dựng, dự kiến đến năm 2010 hoàn thành để kỷ niệm 1000 năm vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long (1010 – 2010). Đó là Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính. Khu chùa Bái Đính được xây dựng trên đồi cao tại xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, gần chùa Bái Đính có từ xa xưa nằm trong hang động núi Bái Đính (gọi là chùa Bái Đính cũ).

Chúng tôi lên trên đồi cao nơi dựng Điện Tam Thế với 3 tầng mái cong và 12 mái ở bốn phía. Bước vào trong Điện Tam Thế, chúng tôi ai nấy đều bất ngờ trước 3 tượng Tam Thế bằng đồng, mỗi pho nặng 50 tấn. Xuống thấp hơn, theo độ dốc của đồi là đến Điện thờ Pháp Chủ gồm hai tầng mái cong, có 8 mái ở 4 phía. Điều đặc biệt ở Điện thờ Pháp Chủ là một pho tượng Phật A Di Đà bằng đồng rất to lớn, nặng 100 tấn. Pho tượng đồng này chỉ mới có ở Khu chùa Bái Đính và cũng là tượng Phật lớn nhất Việt Nam.



Tượng Phật A Di Đà trong Điện thờ



Khu chùa Bái Đính được khởi công vào đầu năm 2006
theo dự kiến đến năm 2010 sẽ hoàn thành cơ bản
để chào mừng 1000 năm vua Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long

Được biết theo mô hình chùa Bái Đính, thì khi chính thức hoàn thiện chùa sẽ gồm nhiều công trình, dưới Điện Tam Thế theo đường chính đạo, là một vườn sinh vật cảnh quý hiếm. Tiếp đó là Điện thờ Pháp Chủ rồi đến một sân chùa rộng, dựng một tượng Quan Âm Bồ Tát bằng đá to cao, rồi đến Điện thờ Quan Thế Âm Bồ Tát. Lại có một sân chùa và một vườn cây nữa, rồi mới đến tháp chuông lớn. Trong tháp chuông này, treo một quả chuông nặng 36 tấn. Trên đồi cao về phía bên trái toà Tam Thế cũng treo một quả chuông cao 5,6m, nặng 27 tấn. Cũng theo đường chính đạo, hai bên đường là hai vườn chùa rộng lớn, xuống thấp hơn nữa mới có Tam quan. Từ hai phía của Tam quan xây các dãy nhà hành lang bao bọc khu chùa lên đến Điện Tam Thế. Trong các nhà hành lang này đặt 500 pho tượng La Hán bằng đá, mỗi vị một dáng hình khác nhau nhưng đều cao to đồ sộ. Độ dài từ thấp đến cao tính từ Tam quan ở dưới lên đến Điện Tam Thế ở trên là gần 800m.

Khu vực chùa Bái Đính còn lan ra một không gian rộng lớn hơn nữa, có Giếng Ngọc, hồ Phóng Sinh, hồ Đàm Thị, khu thờ Mẫu, khu thờ Tổ, khu tháp mộ sư, khu nhà Tăng thiền viện, khu nhà khách, Bảo tháp 14 tầng và khu Bảo tàng Phật giáo Việt Nam.
Ngày thứ hai trong cuộc hành trình, chúng tôi đi thăm Khu du lịch sinh thái Tràng An. Mọi người trong đoàn không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh trời mây non nước trùng điệp, vẻ đẹp tự nhiên thuần khiết với những nét hoang sơ quyến rũ.



Non nước Tràng An

Non nước Tràng An sơn thuỷ hữu tình, được ví như Hạ Long trên cạn. Tràng An chứa trong mình nhiều ngọn núi đá vôi và có gần 100 hang động quanh co hiểm trở đẹp như bồng lai tiên cảnh, trong đó có gần 50 động xuyên thủy. Các hang động được nối với nhau bằng các thung ngập nước (hay còn gọi là hồ nước). Đi thuyền thong dong trên hồ, trước mắt chúng tôi hiện ra những núi đá trùng điệp, nhấp nhô soi mình dưới dòng nước xanh mát. Trên vách đá là các loài hoa rừng đua nhau nở, những cây hoa sứ trắng cổ thụ, những nhành phong lan lấp ló, những cây thiên tuế xanh mướt… bám chênh vênh. Phảng phất đâu đây hương hoa rừng thơm ngát hoà cùng thiên nhiên thơ mộng, không gian thật yên bình, thanh khiết đến vô cùng. Dưới làn nước trong vắt là những đàn cá tung tăng bơi lội, ẩn mình vào đám rong xanh, lòng người như dịu lại, như thư thái hơn trước bức tranh thuỷ mặc của tạo hoá.

Chúng tôi đi qua các hang động với những tên gọi khác nhau, mỗi động đều có một vẻ đẹp riêng như: hang Ba Giọt, hang Địa Linh, hang Tối, hang Sáng, hang Seo, hang Nấu Rượu... Nhũ đá từ trần hang rủ xuống lô nhô, lung linh, huyền ảo. Mỗi động là một kỳ quan kỳ thú mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này với những nhũ đá mang nhiều hình thù khác nhau như hình con rùa, con kỳ đà… Giữa không gian yên ả, mát lạnh, chúng tôi nghe được cả âm thanh của những giọt nước tí tách rỏ xuống lòng hang. Ở hang Ba Giọt, chị lái đò cho chúng tôi cho biết, nếu hứng vào lòng bàn tay ba giọt nước trong hang này thì sẽ công thành danh toại, hứng tiếp ba giọt nữa để uống thì tình yêu sẽ viên mãn. Còn ở hang Nấu Rượu, trong hang có mạch nước ngầm sâu hơn 10 mét, xưa kia, các bậc tiền bối đã vào đây lấy nước để nấu rượu tiến vua, khi nạo vét lòng hang các nhà khảo cổ đã phát hiện rất nhiều bình gốm, hũ, vại và các dụng cụ để nấu rượu.

Trong quần thể xuyên thuỷ động Tràng An với gần 30 hồ thì mỗi hồ là một bức tranh thuỷ mặc với những thế núi khác nhau. Mây trời - non xanh - nước biếc hoà quện vào nhau trong ánh nắng dát vàng. Chúng tôi đắm chìm trong khung cảnh nên thơ, huyền diệu ấy. Xa xa trên sườn núi, vài chú dê núi đang chạy nhảy ăn lá cây, vẳng trong không gian yên tĩnh của núi non, hang động là những tiếng “be... be” gọi bầy... Nơi đây mang đậm nét nguyên sơ ít  nơi nào có được.



Phủ Khổng

Tràng An vẫn còn giữ được nguyên trạng một số đền, miếu, phủ gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông ta thế kỷ thứ X. Bồng bềnh trên thuyền, chúng tôi được ghé vào những đền, những phủ… với nhiều tên gọi khác nhau như Đền Trần, Phủ Khổng… Đền Trần nằm chênh vênh trên vách núi cao, còn Phủ Khổng lại toạ lạc ngay dưới chân núi. Phủ có cây thị cổ thụ với hai loại quả tròn và dẹt toả bóng xuống hồ nước nên còn được gọi là Phủ Cây Thị.

Rời Khu du lịch Tràng An, chúng tôi đến thăm Nhà thờ đá Phát Diệm - đây là một quần thể kiến trúc kiểu đình chùa Phương Đông, kết hợp với lối kiến trúc Gôtic của nhà thờ Phương Tây bao gồm: Ao hồ, phương đình, nhà thờ lớn, các nhà thờ cạnh, Nhà thờ đá, hang đá...

Khác với những ngôi nhà thờ công giáo khác, Nhà thờ đá Phát Diệm là tên gọi chung cho quần thể các ngôi nhà thờ tại Phát Diệm, Kim Sơn. Nhà thờ đá, chính thực là 1 ngôi nhà thờ nhỏ với tất cả cột, xà, tường, chấn song, tháp đều bằng đá - còn gọi là nhà thờ Dâng Kính Trái tim Đức Mẹ, trong cụm nhà thờ được dựng nên tại đây, bởi Cha Phê-rô Trần Lục (hay còn gọi là Cha Sáu), vào cuối thế kỷ 19.



Nhà thờ đá Phát Diệm

Điểm đặc biệt của quần thể Nhà thờ đá Phát Diệm chính là lối kiến trúc khác biệt và độc nhất. Từ ngôi nhà lớn cho đến từng ngôi nhà thờ nhỏ bao quanh, trong từng nét kiến trúc đều mang những ý nghĩa sâu xa. Đến nay Nhà thờ đá Phát Diệm đã tồn tại hơn 100 năm và trở thành điểm du lịch của kiến trúc và tín ngưỡng.

Thiên nhiên không ưu ái cho người dân Ninh Bình đồng đất phì nhiêu, nhưng lại ban tặng núi non tuyệt đẹp để nguời dân Ninh Bình phát triển ngành công nghiệp không khói, lấy du lịch làm mũi nhọn kinh tế.

Rời cố đô Hoa Lư lịch sử, chúng tôi trở về Hà Nội sau hai ngày đắm mình trong trời mây non nước hữu tình dưới nắng vàng rực rỡ. Cơn mưa rào cuối chiều trút xuống để lại góc trời Ninh Bình tím hồng đầy lưu luyến. Chia tay nhé mảnh đất cố đô với những di tích, thắng cảnh quyến rũ. Hẹn ngày gặp lại lại thêm bao đổi mới…

 Thuận Minh