Kathy Uyên Nguyễn: Tôi đang tìm cơ hội tại quê hương

Kathy Uyên Nguyễn

Nói được tiếng Việt vì sợ… đòn!

Chào nữ cảnh sát Tiffany (nhân vật Kathy Uyên Nguyễn thể hiện trong phim Chuyện tình xa xứ). Trông Kathy khác với trên phim nhiều lắm, lại nói tiếng Việt khá sõi. Kathy hãy kể đôi chút về mình nhé!

Tôi là một cô gái Việt nhưng sinh ra tại San José bang California nước Mỹ. Em gái tôi, Tany Trân Nguyễn tốt nghiệp thạc sĩ tâm lý, dù cũng xinh đẹp nhưng không tham gia nghệ thuật. Từ nhỏ, tôi đã là một con bé hiếu động, thích diễn kịch, ca hát, thích vẽ tranh, thiết kế quần áo.

Chẳng hiểu sao tôi nói nhiều lắm, không ngưng nghỉ nên vào lớp cứ bị cô giáo la hoài. Mẹ là một thợ may nên bà đã sớm truyền cho tôi vẻ đẹp của từng đường kim, mũi chỉ trên quần áo. Trong khi bố lại là người thương yêu, chiều chuộng con gái hết mực.

Rồi nguyên do gì Kathy lao vào nghiệp diễn viên và làm nên tên tuổi tại Hollywood cho dù đây mới chỉ là bước khởi đầu?

Năm 16 tuổi, tôi cứ nằng nặc đòi gia đình cho đi casting (thử vai phim). Lúc đó ba đang là kỹ sư trong một siêu thị, buộc phải xin nghỉ phép lái xe đưa con gái đến San Francisco để gặp đạo diễn thử thời vận.

5, 7 lần như thế mà chẳng được gì, ba tôi la lên: “Con ơi thôi học nghề khác nhe, ba hoàn toàn ủng hộ nếu con chuyển ý định. Ba đâu thể nghỉ làm chở con đi như thế này hoài được?”. Nhưng rồi mọi chuyện ba đều tiếp tục làm theo ý tôi.

Tôi nói được tiếng mẹ đẻ như vầy cũng nhờ ba mẹ. Hai người buộc học tiếng Việt từ bé dù đó là một cực hình. Khó từ cách phát âm vì có quá nhiều chữ nói gần như nhau mà nghĩa hoàn toàn khác.

Lại chen thêm dấu lên xuống lúc trầm lúc bổng cứ như hát. Cô giáo dạy tiếng Việt là một bà soeur rất nghiêm khắc. Học hành lười biếng, cô la rầy hoặc thậm chí bị khẻ tay. Đây là điều rất ít xảy ra ở Mỹ nhưng chính nhờ thế mà giờ đây tôi có thể trao đổi bằng ngôn ngữ của quê hương khá thành thạo.

Thành công ban đầu

Chỉ với niềm đam mê, chút tiếng Việt lõm bõm, làm sao Kathy có cơ hội đến với điện ảnh và nhất là được tham gia vào phim của đạo diễn Victor Vũ?

18 tuổi, tốt nghiệp trung học, tôi xin gia đình “ra riêng”. Như bao cô gái Mỹ khác, tuổi trưởng thành đều bắt đầu cuộc sống tự lập, tôi thi vào Đại học UCL Irvine (California) và sống xa gia đình từ đó.

Tôi  chọn ngành học điện ảnh và kinh tế nhằm thỏa mãn ước mơ của mình và cũng để làm bố mẹ vui lòng, an tâm khi con gái lớn có ý định rẽ hướng sang học về thương mại.

Với vẻ ngoài “coi cũng được” cộng thêm gương mặt cá tính và lối trò chuyện khá thành thạo bằng tiếng Việt, tôi nhanh chóng được nhận vào làm việc cho các chương trình truyền hình gặp gỡ nhiều nhân vật người Việt nổi tiếng, thành đạt ở Mỹ như ca sĩ Ý Lan, diễn viên Kiều Chinh, Dustin Trí Nguyễn…



Tiffany (Kathy Uyên Nguyễn) và Khang (Bình Minh) trong phim Chuyện tình xa xứ

Thời điểm đó tôi may mắn gặp đạo diễn Victor Vũ đang tìm kiếm diễn viên cho phim Oan hồn (Spirits) sau thành công của bộ phim đầu tay Buổi sáng đầu năm. Chẳng dễ dàng gì khi Victor Vũ nói thẳng: No way! Kathy! (Không có cửa đâu Kathy!) khi tôi đánh bạo thổ lộ mình muốn tham gia một vai trong phim này.

Tuy nhiên Victor Vũ vẫn cho một cơ hội và hẹn ngày casting. Tôi lái xe về nhà với xấp kịch bản phim dày cộm trong tay, học ngày học đêm những câu thoại.

Rồi làm sao Kathy thành công trong lần casting đó?

Đến ngày hẹn, tôi bất ngờ xuất hiện trong chiếc áo bà ba, quần lãnh đen như một cô gái Nam Bộ thực thụ và… diễn. Victor Vũ rất ấn tượng và không có lý do gì để từ chối được nữa.

Đây là bước đầu tiên tôi đến với nghệ thuật thứ bảy. Sau đó lần lượt là hàng loạt vai diễn khác trong phim: Kiều (2006), Asian stories (2006), On the rocks (2006), Finishing the game (2007), The bracket (2008), Everything must go (2007). How I met your mother (2008), Crossing over (2009), Passport to love (Chuyện tình xa xứ, 2009)…

Nghe nói Kathy từng diễn chung với ngôi sao Hollywood Harrison Ford. Kathy còn nhớ gì về người đàn ông được quá nhiều phụ nữ trên thế giới hâm mộ này?

Bộ phim tôi được dịp diễn chung với ngôi sao Harrison Ford là Crossing over để lại nhiều cảm xúc. Harrison Ford rất hiền, thân thiện nhưng sống lặng lẽ và khép kín.

Khi làm việc ông hoàn toàn tập trung, gần như ít tiếp xúc với ai để dành hết tâm trí cho vai diễn. Tôi học ở ông thái độ cực kỳ chuyên nghiệp và nghiêm túc khi làm nghề.

Ở Mỹ khi đóng phim, diễn viên nếu muốn sẽ có phòng riêng để vào đó một mình, tránh tiếp xúc với người khác, không bị phân tâm. Chẳng thể có chuyện vừa đóng phim này rồi chạy sô qua phim khác như ở mình được.

Còn vai nữ cảnh sát Tiffany trong Passport to love (Chuyện tình xa xứ) đã để lại cho Kathy ấn tượng gì khi mà đa số khán giả đều nhìn nhận Kathy mang đến sự khác biệt cho vai diễn này?

Vai Tiffany trong phim Chuyện tình xa xứ là một vai diễn lạ bởi cách thể hiện đầy cá tính, khác biệt, nêu bật tính cách nhân vật (một cô gái lớn lên ở Mỹ nhưng ứng xử với tâm hồn và suy nghĩ thuần Việt). Tôi diễn mà như không vì giống tính cách mình ngoài đời.

Muốn làm thêm nhiều điều cho quê nhà

Kathy nhận xét gì về phim Việt? Một nền điện ảnh như điện ảnh Việt cần thêm điều gì – theo Kathy - để phát triển trong tương lai?

Tôi đọc báo thấy nhiều người chê phim Việt quá. Xem ba phim chiếu Tết vừa rồi, tôi nghĩ khoảng cách giữa phim Việt và các nước là không xa. Nên nhớ bên Mỹ hằng năm cũng có hàng khối phim làm ra chẳng ai xem.

Đâu phải lúc nào cũng làm được những siêu phẩm như Titanic, Batman hay các phim dự giải Oscar, Quả cầu vàng. Dĩ nhiên còn nhiều điều để bàn, để làm cho điện ảnh trong nước phát triển.

Tôi lấy làm lạ vì sao chúng ta thích ngồi lại chê trách nhau hơn là cùng chung tay xây đắp cho nền điện ảnh nước nhà phát triển. Những người trẻ như tôi, anh Victor Vũ thật lòng muốn đem kiến thức, kinh nghiệm của mình về đóng góp cho quê hương với ước mong ngày nào đó chúng ta có thể ngẩng cao đầu với thế giới. Tôi nghĩ chê bai thì dễ, làm mới khó.

Kathy vui lòng nói cụ thể hơn. Điều gì làm Kathy quan tâm nhất?

Tôi cho rằng điện ảnh Việt chỉ mới ở giai đoạn bước đầu do trước đây phim làm ra vì mục đích không để giải trí và kinh doanh. Mặt khác thị trường phim chưa phát triển, sản xuất quá ít phim.

Thiếu cả hệ thống phân phối phim và đào tạo. Cần có thêm nhiều hãng phim nước ngoài vào quay phim, hoạt động tại Việt Nam, có nhiều đạo diễn, diễn viên được đào tạo ở nước ngoài về cộng sự thì con đường phát triển của điện ảnh sẽ rộng mở hơn.

Chúng tôi, những người được đào tạo bài bản ở Mỹ, sẽ thổi vào đó luồng gió mới, tư tưởng, lối làm phim theo kiểu Hollywood và học hỏi lại những người làm phim trong nước cách thể hiện văn hóa đậm chất Việt nhất để có thể làm ra được nhiều bộ phim vừa ăn khách vừa đậm bản sắc Việt.

Mà văn hóa phương Đông luôn là cái gì đó cực kỳ thú vị với người phương Tây. Tôi được biết Công ty Wave Releasing Distribution đang lên dự án phân phối phim Việt vào thị trường Mỹ.

Vì thế tôi rất muốn “đón đầu” bằng cách về nước, tìm kiếm cơ hội, tham gia những dự án sản xuất phim. Tôi cũng đang ấp ủ một kịch bản và đã viết được một phần, dự tính sẽ đưa lên phim trong thời gian tới.

Làm việc, bận rộn vậy Kathy sử dụng thời gian rảnh rỗi khi nào? Đâu là thú vui của Kathy trong cuộc sống?

Tôi sống khá đơn giản, không biết hút thuốc, uống rượu, tiệc tùng thâu đêm như giới diễn viên Hollywood. Thú vui là đọc sách báo tiếng Việt để tăng thêm vốn “ngoại ngữ” của mình.

Giờ rảnh, tôi xem phim và gia nhập câu lạc bộ nhảy nhạc dance ở Mỹ. Tôi mê món ăn Việt như bún bò Huế, phở, bánh cuốn, hủ tiếu Mỹ Tho... và biết nấu vài món nhờ mẹ chỉ bảo, nói chung là có thể làm tròn vai trò làm vợ, làm mẹ. (cười).

Đơn giản đến độ không nghĩ gì đến chuyện tình cảm sao?

Dành hết thời gian cho điện ảnh nên chuyện gia đình chỉ nghĩ đến khi ngoài 30 tuổi. Sau này khi có gia đình tôi buộc phải sống vì chồng vì con. Đến lúc đó mà còn nghĩ đến thú vui như thời trẻ thì… nguy to! Mà chuyện tình yêu, tôi nghĩ đó là destiny (số phận). Bởi vậy tôi chẳng lo gì vì destiny của tôi là có chồng mà! (cười).

Đỗ Tuấn
(Theo Thanh Niên)